Giá sách Sông Hương
Tác phẩm mới tháng 09SDB/2021
14:24 | 24/09/2021

NGHỆ THUẬT HUẾ (L’Art à Hué), (Nghiên cứu), Léopold Michel Cadière, bản dịch Nguyễn Thanh Hằng Nxb. Thế Giới & Nhã Nam book, năm 2020.

Tác phẩm mới tháng 09SDB/2021

Đây là một công trình đầu tiên về nghệ thuật Huế của linh mục Léopold Michel Cadière, chủ bút của tập san B.A.V.H, người dành trọn gần như cả cuộc đời của mình cho Huế. Bản đầu tiên của công trình này chính là chuyên khảo số 1 Janv-Mars, năm 1919 của B.A.V.H về nghệ thuật Kinh đô Huế. Với hơn 200 phụ bản tranh, ảnh, đồ họa của họa công, của nghệ nhân Huế đương thời, bao gồm các mô típ, họa tiết của nghệ thuật Kinh đô Huế và các tỉnh lân cận. Nghệ thuật Huế là một công trình độc lập có giá trị vượt thời gian, là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị thẩm mỹ cao.


30 NĂM NGHIÊN CỨU VĂN HÓA DÂN GIAN THỪA THIÊN HUẾ (1991 - 2021) (Nghiên cứu), Nhiều tác giả, Nxb. Thuận Hóa, năm 2021.

Hơn 800 trang sách tổng thuật về 30 năm nghiên cứu văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung, Tây Nguyên của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian. Công trình gồm 4 phần: Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế: những vấn đề chung; Những đặc điểm và giá trị; Bảo tổn và phát huy; và phần IV là phần mở rộng miền Trung và Tây Nguyên. Các đề tài chủ yếu về ngữ văn và lý luận văn hóa dân gian; Phong tục tập quán, lễ hội, địa chí văn hóa dân gian; Văn hóa ẩm thực, nghề cổ truyền và tri thức dân gian; Nghệ thuật tạo hình dân gian; Nghệ thuật biểu diễn dân gian... đã được nghiên cứu cụ thể, sinh động. Cùng với các công trình như Danh mục các công trình sưu tầm, nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế (2000), Nghiên cứu Văn hóa dân gian Thừa Thiên Huế - 25 năm một hành trình (2016), Làng văn vật Thừa Thiên Huế (tập 1,2,3)...


ĐẤT THƠM, Đỗ Văn Tri (Thơ), Nxb. Đại học Huế, năm 2021

Một tập thơ dày dặn những dòng tâm tưởng về nhiều vùng đất tươi mới, dịu ngọt và đầy ánh sáng. Đó là đêm Chư Pưh “hây hây gió dã quỳ rơi”, là Gò Công “nắng sớm hoàng gia”, là “Bạc Liêu mắc nợ hẹn chờ bấy lâu” và Mỹ Sơn “Chuyển hồn tôi - gặp gỡ thiên thần”... và biết bao miền hứa của cao nguyên gió lộng, của mặt nước u buồn sóng xao, của những dấu tích còn bụi xa xăm. Tác giả Đỗ Văn Tri đã đồng vọng tiếng thơ với quê hương xứ Huế với “giọt đêm còn đọng chơi vơi bến tình”, để quặn thắt, để vướng tơ trời giữa cuộc phù sinh đầy ngậm ngùi, lưu luyến.  

(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng