Câu chuyện hôm nay
Công nghệ số - thách thức hay đòn bẩy sáng tạo?
14:24 | 01/02/2018

Khi toàn cầu hóa, nhiều người mới ý thức rõ hơn tầm quan trọng của sáng tạo. Nhiều quốc gia coi sáng tạo là nguồn lực chính trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, bên cạnh động lực cũng tạo ra nhiều thách thức đối với khả năng sáng tạo của con người.

Công nghệ số - thách thức hay đòn bẩy sáng tạo?
Nguồn: ITN

Không sáng tạo sẽ thụt lùi

Nhiều ý kiến cho rằng, sáng tạo chưa được đánh giá cao trong xã hội, nghệ thuật vẫn bị số đông coi là vô bổ, môi trường Việt Nam chưa hỗ trợ tích cực cho hành vi sáng tạo. Tuy nhiên, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương lại cho rằng: “Việt Nam là nơi có nhiều chất liệu sáng tác, kích thích sự tưởng tượng, ham muốn sáng tác của nghệ sĩ”.

Vai trò của sáng tạo đã được nhìn nhận khá lâu ở phương Tây. Nhiều quốc gia coi sáng tạo là nguồn lực chính trong nền kinh tế tri thức, và có nhiều chính sách để phát triển ngành công nghiệp này. Trong khi đó, tại Việt Nam, tầm quan trọng của sáng tạo vẫn mờ nhạt. TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) cho rằng: “2 thập kỷ trước, Việt Nam vẫn là xã hội nông nghiệp, mọi người không có nhu cầu đi ra ngoài, tìm kiếm cái mới. Văn hóa truyền thống cũng không coi trọng điều mới hay cá nhân sáng tạo, chỉ coi trọng cá nhân truyền thống - những người thực hiện đúng vai trò của mình mà mạng lưới cộng đồng, gia đình yêu cầu. Gần đây, khi toàn cầu hóa lan đến Việt Nam, người ta mới ý thức tầm quan trọng của sáng tạo, và hiểu rằng, nếu không tạo ra cái mới thì sẽ thụt lùi”. 

Tuy nhiên, khi cái cũ gặp cái mới lại khiến phụ huynh và các nhà giáo dục Việt Nam bị bế tắc và lưỡng lự: Một mặt họ vẫn bị truyền thống kéo lại, và muốn thế hệ sau phải giống thế hệ trước. Mặt khác, họ hiểu là phải sáng tạo để tăng sức cạnh tranh. “Có thể thấy câu chuyện nhiều phụ nữ cho thai nhi nghe nhạc Mozart vì nghĩ sẽ tốt cho sự phát triển trí tuệ; nhưng khi đứa trẻ được sinh ra, lớn lên và nói rằng muốn trở thành nhạc sĩ, thì bậc cha mẹ lại lo lắng, bởi nhiều người chỉ mong con học ngành tài chính, ngân hàng. Tôi tin rằng sự “giằng xé” ấy sẽ còn kéo dài trong 2 - 3 thập kỷ tới” - TS. Đặng Hoàng Giang nhận định.

Thách thức từ công nghệ số

Sự tác động mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số đang được xem là đòn bẩy cho sáng tạo. Giáo sư Arnaud Mercier, bộ môn Truyền thông chính trị, Trường ĐH Paris 2 (Pháp) cho rằng: Công nghệ số tác động từng ngày khiến ta phải sáng tạo, bắt kịp cái mới. Thách thức về tri thức, công nghệ thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi con người thay đổi hàng giờ, hàng ngày. Rất may, công nghệ số cũng mở ra một cánh cửa tri thức rộng lớn để mọi người tự do khám phá, học hỏi điều mới và có thể tạo ra những gì mình mong muốn.

Tuy nhiên, TS. Đặng Hoàng Giang lại có cái nhìn bi quan: “Văn hóa kỹ thuật số không hỗ trợ gợi trí tò mò, hay tưởng tượng về những điều lạ, kích thích sáng tạo. Việc tiêu thụ thụ động bởi hàng triệu hình ảnh, thông tin khác nhau đem đến từ nhiều nơi trên thế giới làm cho con người có cảm giác biết hết mọi ngóc ngách, mọi nền văn minh. Con sóng truyền thông cuốn chúng ta theo và không có đất cho mọi người tưởng tượng, bởi mọi thông tin, hình ảnh đã được bày ra sẵn và người xem như những đứa trẻ đi vào cửa hàng đồ ăn nhanh, ăn nhiều đồ ngọt, đồ mỡ và sẽ béo phì về tâm trí và tình cảm”.

Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương lý giải: Internet và mọi thứ ập đến, làm nhiều người bị sốc về văn hóa. Bên cạnh đó, trong giáo dục còn thiếu sự tiếp cận tri thức, thông tin mới. Do đó, khi có internet, nơi tập hợp tri thức của cả thế giới, nhiều người dường như bơi trong bể thông tin ấy và không biết nên lấy cái gì từ đó. Trong khi ở phương Tây, điều kiện sống, giáo dục của họ cởi mở hơn, có sự va chạm với thế giới tri thức, công nghệ nhiều hơn, và nhiều người đã biết cách sử dụng. Có người đã được phát hiện tài năng, trở thành nghệ sĩ thực thụ, đưa tác phẩm của mình tới công chúng nhờ internet...

“Nếu khai thác thông minh, internet giúp ta dễ dàng tiếp cận tri thức rộng lớn, hòa vào xu hướng chung của thế giới. Do đó, hệ thống giáo dục có vai trò quan trọng là dạy học sinh cách sử dụng thông tin chủ động và biết phê phán, từ đó tăng khả năng học hỏi, thực hành sáng tạo. Công nghệ số đưa con người sống trong thế giới ảo, nhưng không thể quyết định tất cả, mà phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó” - Giáo sư Alain Patrick Olivier, bộ môn Triết học, ĐH Nantes (Pháp) khẳng định.

Theo Thảo Nguyên - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng