Câu chuyện hôm nay
'Vá lỗ hổng' xuất bản
15:03 | 08/08/2018

Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành xuất bản đã gây được tiếng vang trong xã hội với nhiều cuốn sách có nội dung tốt, mang tính thời sự... Số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

'Vá lỗ hổng' xuất bản
6 tháng đầu năm, số lượng sách giấy chiếm ưu thế với 15.650 xuất bản phẩm. Ảnh: Zing.vn

Vẫn nóng chuyện nhân sự

Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản (NXB) đăng ký xuất bản 37.153 xuất bản phẩm, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 36.740 tên xuất bản phẩm, toàn ngành nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với 174.671.000 bản. Đặc biệt, số lượng sách giấy đã chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 xuất bản phẩm (đầu sách) và hơn 165,2 triệu bản, trong khi đó, sách điện tử chỉ có 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản… Không những phát triển về số lượng, nhiều cuốn sách được xuất bản nửa đầu năm nay còn có chất lượng nội dung tốt, đề cập tới những vấn đề mang tính thời sự và có tính chính trị, xã hội cao như bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, phát triển công nghệ số, giáo dục kỹ năng cho trẻ, các tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại, sách thiếu nhi nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời đại mới… 

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực trong về vấn đề nhân sự vẫn đang là bài toán “nan giải” của nhiều NXB. Trong đó, một số NXB thiếu hụt chức danh lãnh đạo trong khoảng thời gian dài nhưng chưa được cơ quan chủ quản quan tâm, kịp thời khắc phục. Đơn cử, như trường hợp Cty TNHH MTV NXB  Y học (trực thuộc Bộ Y tế) có hàng trăm đầu sách/năm nhưng không hề có Tổng biên tập. Bên cạnh đó, một số NXB vẫn thiếu chức lãnh đạo như NXB Văn hóa dân tộc, NXB Hải Phòng, NXB Công an nhân dân. Ông Chu Văn Hòa- Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Để NXB hoạt động ổn định và đúng quy định của Luật Xuất bản, đề nghị cơ quan chủ quản của các NXB nêu trên nhanh chóng kiện toàn chức danh lãnh đạo cho NXB. Đồng thời, quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân sự lãnh đạo kế cận, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như thời gian vừa qua”.

Cũng theo ông Hòa, ngoài việc chậm trễ trong bổ nhiệm chức danh lãnh đạo NXB, một số cơ quan chủ quản chưa thực hiện đúng quy định miễn nhiệm chức danh lãnh đạo NXB, từ đó dẫn đến việc giao cán bộ phụ trách hoạt động nhà xuất bản không đúng quy định, như NXB Đại học Thái Nguyên. Hoặc cơ quan chủ quản có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo NXB liên tục trong khoảng thời gian ngắn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nhà xuất bản, như NXB Hàng hải. “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do cơ quan chủ quản chưa nắm rõ Luật Xuất bản và các quy định hiện hành. Ngoài ra, cơ quan chủ quản chưa coi trọng công tác xuất bản do việc thành lập nhà xuất bản theo ý tưởng nhất thời, chưa thể hiện sự cần thiết trong chiến lược phát triển và quy hoạch ngành”- ông Hòa nói. 

Xuất bản phẩm vẫn nhiều “sạn”

Cũng theo báo cáo sơ kết, mặc dù số lượng xuất bản phẩm vi phạm về nội dung có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã có 48 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, trong đó có 27 xuất bản phẩm vi phạm nội dung xuất bản phẩm, 8 xuất bản phẩm vi phạm bản quyền... Điển hình có trường hợp biên tập viên (BTV) biên tập sai sót có hệ thống.

Trong đó, nổi cộm về nội dung xuất phẩm vi phạm vẫn tập trung ở một số vấn đề như nội dung sách phản ánh không khách quan về các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược của dân tộc ta, về tình hình đất nước những năm sau giải phóng và đánh giá, nhận định sai lệch về người chiến sĩ cách mạng. Nội dung viết về sự kiện lịch sử nhưng không được kiểm chứng hoặc không chính xác. Đưa ra nhận định về đời sống xã hội, về chính sách tôn giáo không phù hợp, không khách quan.

Cùng với đó, sách dành cho thiếu nhi nhưng từ ngữ không trau chuốt, không chuẩn mực, không phù hợp với lứa tuổi các em. Một số cuốn sách có nội dung mang tính trao đổi, tranh luận, chỉ là tài liệu tham khảo với một số đối tượng bạn đọc nhất định nhưng lại được NXB phổ biến rộng rãi, gây hoang mang, nghi ngờ cho người đọc... Bên cạnh đó, số lượng xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả vẫn còn. Vẫn xảy ra tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về bản quyền, dẫn đến việc khiếu nại, tranh chấp về bản quyền. Ngoài ra, về vấn đề đăng ký xuất bản mặc dù số lượng tên đề tài không được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản chiếm tỷ lệ nhỏ (chiếm 1,1% trong tổng số đề tài đăng ký xuất bản). Trong đó, nhưng lý do chủ yếu vẫn là đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NXB; đề tài cần thẩm định nội dung có ý kiến của cơ quan chủ quản; hoặc đối với các đề tài nhiều tập, NXB chưa nộp lưu chiểu các tập trước nhưng đã đăng ký xuất bản các tập tiếp theo.

Xung quanh vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học, cần phải tầm quan trọng của công tác biên tập trong việc rà soát, chỉnh sửa nội dung xuất bản phẩm để có những tác phẩm không bị lệch chuẩn, loạn chuẩn. Đồng thời, BTV cũng là những người lựa chọn tác phẩm, định hướng các dòng sách phù hợp với nhu cầu độc giả. Ông Vũ cũng cho rằng vai trò của tác giả là rất quan trọng, nhưng công tác biên tập cần được các NXB chú trọng hơn. Sức ép từ độc giả, dư luận và truyền thông, đặc biệt trong thời mạng xã hội, là rất lớn. Các BTV cần hoàn thiện năng lực chuyên môn và phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp.

Theo Minh Quân - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng