Câu chuyện hôm nay
Bảo tồn thích ứng và phát triển tiếp nối
08:46 | 04/10/2018

Hiện nay, nguy cơ mai một giá trị truyền thống làng xã rất lớn, ở cả chiều rộng và chiều sâu. Việc bảo tồn các giá trị di sản trong quá trình quy hoạch không gian kiến trúc làng không thể chậm trễ và trì hoãn. Trong đó, bảo tồn thích ứng và phát triển tiếp nối là phương thức mà giá trị tinh thần của di sản được kế thừa, hoàn thiện.

Bảo tồn thích ứng và phát triển tiếp nối
Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) đang được bảo tồn theo phương pháp tiếp cận thích ứng

Thích ứng trong môi trường mới

Làng xã truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng chứa đựng hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, cả vật thể và phi vật thể, tiêu biểu là văn hóa xây dựng môi trường sống cộng đồng nông thôn. Trong vùng có khoảng 3.500 làng, hình thành từ khoảng 500 năm hoặc lâu hơn, trải qua nhiều biến động nhưng nhìn chung làng xã nào cũng vẫn còn di sản. Tại hội thảo “Lịch sử quy hoạch Đông Á và bảo tồn văn hóa” ngày 1.10, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều cho rằng các làng xã truyền thống đang phải đối mặt với sự mất mát giá trị truyền thống một cách nhanh chóng trước tác động của đô thị hóa và những biến đổi về đời sống kinh tế - xã hội.

Theo nhiều chuyên gia, công tác bảo tồn di sản làng xã đang triển khai chậm, thiếu tính tổng thể và gặp nhiều vướng mắc. Về bảo tồn tổng thể, cả nước hiện chỉ có 2 khu vực làng xã được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia là làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên - Huế). Phần lớn di tích khác bảo tồn ở dạng quần thể nhỏ hoặc công trình đơn lẻ, cơ bản tập trung vào đình, chùa, đền… Các công trình truyền thống trong làng như nhà cổ, cổng nhà, giếng, cầu đá, lũy tre, ao làng… đã và đang bị phá bỏ hoặc thay thế bởi nó không còn chức năng phù hợp trong môi trường sống mới; phương pháp bảo tồn chủ yếu do người dân tự thực hiện, kết hợp bảo tồn với tôn tạo, cải tạo hoặc xây mới trên nền công trình cũ.

PGS.TS. Phạm Hùng Cường, Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng cho biết, từ những hạn chế của cách thức bảo tồn hiện nay, cần bảo tồn giá trị hệ thống hơn là những giá trị đơn lẻ. Bảo tồn cần thực hiện đồng thời theo phương pháp bảo tồn thích ứng, nghĩa là bảo tồn các di sản mà giá trị tinh thần của nó được kế thừa, hoàn thiện trong quá trình phát triển.

Bảo tồn thích ứng chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, tuyên truyền các giá trị di sản của làng xã, cho cộng đồng nhận thức được giá trị của nó trong cuộc sống ngày nay và tự thực hiện các biện pháp bảo tồn thích ứng. Chỉ khi cộng đồng nhận thức rõ giá trị và có ý thức gìn giữ, có hành động bảo vệ trực tiếp thì mới giữ được. GS. Kubota Aya, Khoa Kỹ thuật đô thị, ĐH Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản) đồng quan điểm, cùng cộng đồng nên chăng có sự vào cuộc của các nhà chuyên môn trong việc khảo cứu để nhận diện các giá trị di sản đặt trong bối cảnh mới, từ đó có định hướng giải pháp khoa học trong việc tạo nên sự thích ứng của di sản.

Tránh “đóng băng” di sản

Một trong những nguyên nhân dẫn đến quá trình hủy hoại di sản nhanh nhất chính là việc hiểu lầm, nhận diện sai giá trị di sản. Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, KTS. Lê Thành Vinh cho hay, sự tồn tại và phát triển của làng Việt luôn như một dòng chảy không ngừng. Nhu cầu nâng cao chất lượng sống trong làng là đòi hỏi tự nhiên của một cơ thể sống. Song nếu sự biến động tất yếu đó tạo ra nguy cơ làm giảm hay mất đi những giá trị tốt đẹp vốn có của làng, thì cần có sự can thiệp để chống lại xu hướng đó.

“Sẽ là phù hợp khi sự can thiệp ấy không đối kháng với nhu cầu phát triển tự nhiên, không chặn đứng sự chuyển hóa tất yếu, mà thiên về điều tiết để giải quyết mâu thuẫn giữa những đòi hỏi về bảo tồn và nhu cầu phát triển tự nhiên. Có thể gọi phương pháp đó là bảo tồn giá trị truyền thống trong sự phát triển tiếp nối, đó là các ứng xử thích hợp để duy trì những giá trị truyền thống mà không ngăn cản sự phát triển”, KTS. Lê Thành Vinh cho hay. Quan điểm cơ bản là không để mất giá trị truyền thống nhưng cũng không bó cứng hay đóng băng chúng mà tạo điều kiện để những giá trị ấy có thể được duy trì trong sự cộng sinh với các nhân tố mới, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống đương đại. Từ đó, các giá trị truyền thống sẽ chung sống với các nhân tố được bổ sung và tạo ra những giá trị mới mà các thế hệ tương lai có sứ mệnh bảo tồn.

Đây cũng là cách Nhật Bản áp dụng những thập niên gần đây. GS. Kubota Aya cho biết, trước những năm 1960, ở Nhật không có ý thức gìn giữ các làng cổ truyền thống. Tuy nhiên, quá trình phát triển thần tốc sau đó, người Nhật nhận thức được sự cần thiết phải tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng tìm hiểu và bảo tồn giá trị di sản truyền thống thông qua hoạt động du lịch, biết thích ứng và cân bằng giữa kinh doanh du lịch và làm nông nghiệp, trên cơ sở bảo tồn những giá trị truyền thống làng xã. “Bảo tồn phải có phát triển tiếp nối, miễn sao không làm mất đi giá trị truyền thống. Do vậy, vẫn phải tìm một phương án cân bằng để phát triển trong thời điểm hiện nay và tương lai. Người Nhật hiện có những mô hình thử nghiệm tại các làng mẫu, chúng tôi xác định khu nào cần phát triển, khu nào giữ nguyên để tìm giải pháp bảo tồn thích hợp nhất cho các ngôi làng nhiều năm tuổi”, GS. Kubota Aya nói.

Theo Hồng Hà - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng