Câu chuyện hôm nay
Bóng ma tín dụng đen
08:26 | 21/01/2019

ĐẶNG PHÚC

Phía sau những mẫu quảng cáo “cho vay lãi thấp, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhanh gọn”, hoạt động “tín dụng đen” đang biến tướng khắp mọi nơi, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho xã hội. Không dừng lại ở đó, “tín dụng đen” khi núp bóng dưới hình thức công ty dịch vụ tài chính, đang thao túng nhiều phận đời, khiến họ lao đao. 

Bóng ma tín dụng đen
Minh họa: Nhím

Khi nhu cầu sử dụng tiền đến mức bất chấp tất cả, thì đó là cơ hội để những kẻ xấu trục lợi, khiến người vay sập bẫy “tín dụng đen”, phải lâm vào cảnh tiền mất tật mang, màn trời chiếu đất...  

Đắng cay đời hụi

Ban đầu, hụi là một hình thức góp vốn tương trợ lẫn nhau. Sau đó nó bị lợi dụng.

“Lịch sử” vỡ hụi ở Huế còn nhắc đến vài vụ “kinh điển”: Cách đây hơn năm, khoảng 200 người có liên quan đến việc góp hụi thuộc xã Lộc Thủy (Phú Lộc) đã đến nhà bà Nhiên giật cửa và xông vào nhà. Nguyên nhân bà Nhiên vỡ hụi là do mê cá độ bóng đá và chơi bài, rồi bỏ trốn. Những người chơi hụi đã góp tiền cho hai người mua vé máy bay truy đuổi bà Nhiên vào tận thành phố Hồ Chí Minh.

Năm trước, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy buôn bán tại chợ Trường An (Huế) ôm tiền hụi “bốc hơi”, khiến vỡ hụi gần 3 tỷ đồng; trong đó người đóng nhiều nhất là hơn 1,1 tỷ đồng, ít thì gần 1 triệu đồng.

Mới đây, nhiều tiểu thương tại chợ Cống (thành phố Huế) đứng ngồi không yên vì dây hụi lớn với số tiền hàng tỷ đồng đã bị vỡ. Nguyễn Thị Thu Thảo (sống tại phường Xuân Phú) đã tự đứng ra làm chủ hụi. Chỉ riêng tại chợ Cống, đã có hơn 30 tiểu thương tham gia vào dây hụi này với số tiền hàng tỷ đồng. Nhiều người dân ở phường Xuân Phú cũng là nạn nhân...

Hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các chợ ở khu vực nông thôn cũng xảy ra 1-2 vụ vỡ hụi. Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo bởi sự cả tin và chủ quan của chính mình.  

Lãi suất “vay nóng” - lưỡi dao oan nghiệt

Tuy nhiên, chơi hụi ít nhiều còn mang tính tương trợ giữa các nhóm cộng đồng. “Tín dụng đen” đang được lưu ý là cho vay siêu lãi và khi nó núp bóng công ty dịch vụ tài chính, thì sự thao túng các số phận mới khủng khiếp hơn.

Tại Thừa Thiên Huế, những năm gần đây hình thức cho vay tín dụng “đen” diễn ra công khai theo kiểu cho vay tài chính. Trên các tuyến đường từ thành phố về nông thôn, tờ rơi dán khắp mọi nơi, trắng cả con đường. Tại các khu vực ngã tư đèn đỏ thường có một số thanh niên đến đưa card visit giới thiệu địa điểm cho vay và số điện thoại liên hệ. Một số địa điểm cho vay tài chính được công khai trụ sở giao dịch; một số khác chỉ có số điện thoại, chỉ cần khách hàng nói đang ở địa điểm nào sẽ có nhân viên cho vay đến gặp.

Thực tế, nhiều người túng thiếu, bế tắc phải tìm đến tín dụng “đen” sẽ lập tức bị nhấn chìm trong vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Bà Trần Thị S, tiểu thương chợ An Cựu kể, đầu tháng 5/2018, gia đình có việc gấp nhưng không biết xoay xở ở đâu. Gọi theo số điện thoại rao trên cột điện, một thanh niên đến gặp trực tiếp rồi đồng ý cho vay 20 triệu đồng, với tiền lãi 3 triệu đồng/ tháng. Biết là tiền lãi quá cao nhưng do cần tiền gấp nên bà phải chấp nhận vay.

Một chuyện đáng quan ngại là chiều ngày 23/4/2018, gia đình bà Lê Thị Quy gồm bà và 3 người khác bị một nhóm người khóa trái cửa nhốt trong nhà giữa ban ngày, thậm chí đổ cả keo 502 bít lỗ khóa. Hỏi ra thì do một người con của bà Quy có vay tiền của một nhóm cho “vay nóng” không trả nợ được nên bị nhóm “đòi nợ thuê” dằn mặt. Công an phải đứng ra thuê người phá khóa mới giải cứu được các nạn nhân.  

Biến tướng của những “công ty” núp bóng

Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có ràng buộc nhất định như người vay công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập. Còn tín dụng “đen” chỉ cần thỏa thuận bằng miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ pháp lý nên người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro. Không ít người đã trở thành “con nợ” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng loại hình cho vay không cần thế chấp.

Mới đây, báo cáo trước HĐND thành phố Huế tại kỳ họp tháng 7/2018, đại diện công an thành phố Huế cho biết: Đợt rà soát vừa qua có khoảng 124 cá nhân trong tỉnh từng hoạt động tín dụng đen, 59 đối tượng đã nghỉ, 65 đối tượng đang hoạt động. Đặc biệt có 16 cá nhân từ ngoại tỉnh đến hoạt động với nhiều hình thức khác nhau. Nổi bật là hình thức núp bóng dưới các công ty dịch vụ tài chính được cấp phép của cơ quan chức năng. Thủ đoạn của các công ty này là đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có cả mua bán ô tô, xe máy, hoạt động cấp tín dụng; nhưng thực chất là “tín dụng đen” cho vay nặng lãi thông qua mua bán, cầm cố, cho thuê xe ô tô, xe máy hoặc tài sản có giá trị. Khi người vay không trả được nợ, các “công ty” trên lập tức cho người đi đòi nợ thuê, dùng hung khí hù dọa, thậm chí đánh đập để buộc phải trả…

Thành phố Huế hiện có 4 công ty “tín dụng đen” kiểu như vậy, mang những cái tên không có chữ “Tín” thì có chữ “Phát”. Ở đường Điện Biên Phủ có 2 công ty, một do người Nghệ An làm chủ và một do người ở thành phố Hồ Chí Minh làm chủ. Đường Lê Duẩn có 1 công ty do người ở Hải Phòng làm chủ. Đáng chú ý là một công ty ở đường chu Văn An, phường Xuân Phú do ĐT (sinh năm 1973, quê Hải Phòng) làm chủ. Công ty này chỉ sau 2 tháng hoạt động đã mở thêm 4 chi nhánh tại Huế. Mới đây, ĐT tổ chức cuộc chơi thác loạn, đến 4 giờ sáng thì lên cơn co giật và chết do sốc ma túy.  

Cảnh giác với “tín dụng đen”

Mới giữa tháng 11/2018 đây, báo chí đưa tin ở vùng miền núi Dương Hòa, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, “Hiệu trưởng mượn tiền tỉ của nhiều giáo viên rồi bỏ trốn”… Xem ra, tín dụng đen đã chi phối tận hang cùng ngõ hẻm, từ đồng bằng đô thị lên đến miền núi cao heo hút.

Hoạt động tín dụng “đen” xem ra đã vi phạm pháp luật và cần được xử lý nghiêm. Mặc dù Công an tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động tuyên truyền, lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Ngành công an đang rà soát để nắm chắc tình hình, nhất là số có hộ khẩu ngoại tỉnh đang hoạt động trong các công ty tài chính trá hình và các công ty đòi nợ thuê...

Bên cạnh đó, nhân dân cũng cần cảnh giác với các thủ đoạn của các “công ty” núp bóng này; và tố cáo với công an nếu thấy có yếu tố vi phạm pháp luật.

Giữa tháng 11/2018, báo chí cả nước đồng loạt đưa tin hàng loạt băng nhóm tín dụng đen sa lưới. Công an thành phố Đà Lạt cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Lê Hải Nam (28 tuổi, quê Hà Nội) và Lưu Văn Thiện (29 tuổi, quê ở Thái Bình) để phục vụ điều tra về tội “Cho vay nặng lãi”. Trong băng nhóm mà Công an thành phố Đà Lạt khởi tố còn có một đối tượng là Phạm Hữu Tiền (23 tuổi, ngụ thành phố Hải Phòng) đã chết tại Hà Nội do sốc ma túy. Nhóm này khai đã vào Đà Lạt lập Công ty TNHH Dịch vụ 779 do Lê Hải Nam làm giám đốc, kinh doanh lĩnh vực tư vấn tài chính, bất động sản, cho thuê xe tự lái. Tuy nhiên, đây chỉ là vỏ bọc để các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Nhóm này đã tự in hàng ngàn tờ rơi với nội dung cho vay nhanh không cần thế chấp rồi đem dán khắp các trụ điện, nơi công cộng trên địa bàn. Khi “con mồi” cắn câu, nhóm này thu lãi suất đến hơn 438%/năm nên nhiều người tán gia bại sản.

Công an thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa kiểm tra hành chính một nhóm người có hành vi cho vay nặng lãi do Nguyễn Tiến Vui, Đào Việt Anh và Trần Thanh Tâm thuê tạm trú, phát hiện nhiều sổ sách ghi chép việc cho vay trả góp với lãi suất 15% - 20%/tháng với nhiều bản sao hộ khẩu của con nợ. Công an thành phố Nha Trang cho biết đang tiếp tục củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra các nhóm cho vay nặng lãi ở thành phố Nha Trang.

Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cũng vừa kiểm tra tiệm cầm đồ Bảo Minh ở xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam) do Hoàng Khắc Sơn cầm đầu, phát hiện 30 hợp đồng cho vay nặng lãi với số tiền trên 300 triệu đồng và nhiều hung khí. Trước đó, Công an huyện Hàm Thuận Nam cũng bắt 4 đối tượng là Vương Quốc Bảo, Phan Văn Dinh, Nguyễn Văn Hoàng và Trương Mậu Chung khi từ nơi khác đến huyện này để cho vay nặng lãi với lãi suất cao hơn 20 lần so với ngân hàng.

Công an thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cho biết đã lên danh sách 16 nhóm với hơn 70 đối tượng cho vay nặng lãi. Trong đó có 7 nhóm với 40 đối tượng đến từ Tp. Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định. Hiện Công an thị xã La Gi đang lên kế hoạch để triệt xóa.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn “tín dụng đen”, nhất là vào dịp Tết, bởi vừa qua, Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố. Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần có biện pháp quyết liệt để loại trừ.

Nhân dân đang mong chờ ngành công an mạnh tay điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng, băng nhóm cố ý làm trái pháp luật tổ chức cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, đe dọa người lương thiện; có như vậy mới trả lại sự bình yên trong cuộc sống đời thường của quần chúng nhân dân.

Đ.P  
(SHSDB31/12-2018)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng