Câu chuyện hôm nay
Lạm dụng tiếng nước ngoài: Thiếu tự tôn văn hóa và sai luật
09:31 | 05/03/2019

Đi dạo trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bắt gặp nhiều biển hiệu đề bằng tiếng nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta đón lượng khách du lịch kỷ lục là 15 triệu lượt/người trong năm 2018 thì điều này không chỉ chứng tỏ chủ các cửa hàng, công ty thiếu tự tôn văn hóa dân tộc mà còn vi phạm quy định pháp luật.

Lạm dụng tiếng nước ngoài: Thiếu tự tôn văn hóa và sai luật
Biển hiệu đề tên nước ngoài ở một ngõ phố Hà Nội. Ảnh: Từ Khôi.

Nước ta đang hội nhập sâu với thế giới, nên các công ty, doanh nghiệp phải có tên giao dịch quốc tế, điều đó là cần thiết và chính đáng. Có điều các tên giao dịch quốc tế đó không biết từ lúc nào đã trở thành tên giao dịch chính thức, các đối tác trong nước cũng buộc phải giao dịch với tên quốc tế (không ít người còn không nhớ, không biết tên chính thức tiếng Việt của các công ty, doanh nghiệp này là gì). Ngay tên gọi Bưu điện Bờ Hồ đã trở nên thân thuộc, một thương hiệu nổi tiếng nhưng một ngày đã trở thành VNPT Hà Nội. Hà Nội đã lên tiếng, nhiều nhà văn hóa và người dân Hà Nội đã lên tiếng…

Việc dùng biển hiệu cần tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quảng cáo, Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Điều 18 Luật Quảng cáo quy định: “Các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt”. Nhưng đến hiện nay vi phạm này đã trở nên rất phổ biến, cũng chẳng thấy ai nhắc nhở, chẳng ai bị xử phạt.

Có những nước lòng tự tôn văn hóa dân tộc của họ lớn đến nỗi tất cả biển hiệu chỉ dùng chữ nước họ, điều này gây khó khăn rất lớn cho khách quốc tế (nhất là những nước không sử dụng chữ theo tự dạng La tinh, lại có những nước đại biểu đến dự hội nghị quốc tế, Ban tổ chức đã thông báo là chỉ sử dụng tiếng Anh, nhưng họ chỉ đọc tham luận bằng tiếng nước họ. Xét khía cạnh văn hóa thì cần khen họ biết yêu ngôn ngữ dân tộc. 

Điều đáng trách nữa là có những người tên gọi đã Việt hóa hàng trăm năm nay, đã trở nên rất quen thuộc, như: Cà phê, xích lô, xích líp… bỗng bị dịch phiên âm ngược. Hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà cả trên những phương tiện thông tin đại chúng, kể cả những cơ quan thông tin lớn. Không ít trường hợp người Việt sử dụng tiếng nước ngoài, rồi mở ngoặc chú thích bằng tiếng Việt. Điều này là hợp lý khi tiếng Việt không lột tả hết nội dung thuật ngữ, nhưng đáng trách là nó bị dùng tràn lan, có khi chỉ là khoe kiến thức kệch cỡm.

Những điều này không chỉ chứng tỏ sự thiếu tự tôn văn hóa dân tộc khi hội nhập quốc tế. Vì vậy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bên cạnh tự tôn văn hóa dân tộc là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

* Cách dùng từ “lai Tây” cũng đang thành quen. Ví dụ như các cửa hàng, siêu thị đề giá hàng 100K, 500K, thay cho 100 ngàn, 500 ngàn, đến bây giờ biển giá hàng này đã phổ biến khắp các ngõ ngách. Nào là phở bò 30K, bún chân già 30K, rồi bún riêu cua, bánh đa cua 20K, thậm chí là nước mía siêu sạch 10K… Cứ đà này thì đơn vị tiền tệ của ta sẽ ra sao? 

Theo Trần Bảo Hưng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng