Câu chuyện hôm nay
Văn hóa dân gian mang hơi thở hiện đại
08:53 | 06/06/2019

Văn hóa dân gian đã có nhiều biến đổi, nhưng các thành tố của nó vẫn tồn tại và tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Văn hóa ấy là tấm căn cước cho mỗi người Việt khi hội nhập thế giới, đồng thời mang lại giá trị tinh thần và cả cơ hội khởi nghiệp cho giới trẻ.

Văn hóa dân gian mang hơi thở hiện đại
Văn hóa dân gian trên thiết kế hiện đại - Ảnh: Ng. Phương

Cơ hội cho người trẻ

Toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa đã có những tác động lớn, khiến một số thành tố văn hóa dân gian bị mất đi vì không còn môi trường nuôi dưỡng và phát triển. Một số nhiều thành tố văn hóa dân gian không còn tồn tại như một thực thể mà như “vỡ vụn” và biến đổi cấu trúc, chức năng... tưởng chừng đang dần trở nên xa lạ với mọi người. Nhưng thực tế vẫn đang gắn bó mật thiết, có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa đương đại. Có thể thấy điều đó trong các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động của đời sống hàng ngày như các bài hát, câu thơ, trò chơi, biểu diễn diễn xướng, tập quán xã hội, tri thức dân gian, thủ công truyền thống... Tuy không tồn tại theo cả một cấu trúc, hệ thống như trước, nhưng nó lại trở thành bộ phận được tái cấu trúc, góp phần tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội hiện nay.

Hàng nghìn năm, văn hóa dân gian vẫn được thế hệ trước lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Tuy vậy, có thời kỳ văn hóa ấy chưa thực sự phù hợp với đời sống hiện đại, không hấp dẫn được giới trẻ. Gần đây, trong nghiên cứu cũng như khởi nghiệp, văn hóa dân gian đã được người trẻ quan tâm hơn, với sự ra đời của nhiều nhóm như: Đình làng Việt, Chèo 48h, Hoa Văn Đại Việt, Họa sắc Việt, My Hanoi, hay dự án Vẽ về hát Bội... tác động tới việc phục hồi và phát huy di sản. Các hoạt động này cũng là “phép thử” cho thấy văn hóa dân gian vẫn được quan tâm.

5 năm mang nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến với học sinh, sinh viên bằng các hoạt động giáo dục nghệ thuật, tổ chức lớp học nghệ thuật truyền thống, Đinh Thảo, người sáng lập Chèo 48h cho biết: “Trước kia, tôi nghĩ mọi người đã thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, nhưng khi có hơn 200 khán giả đến xem biểu diễn chèo ở đình Kim Ngân, tôi nhận ra rằng điều đó không chính xác. Hiện nay, chúng tôi đã kết nối được cộng đồng các bạn trẻ cùng niềm yêu thích với chèo. Văn hóa dân gian không chỉ là chuyện của ngày xưa, nó gần gũi trong cuộc sống hiện nay”.

Từ Chèo 48h và những hoạt động về nghệ thuật truyền thống, Đinh Thảo đã tham gia dự án về văn hóa dân gian tại Hy Lạp, chia sẻ về những trải nghiệm của mình đến bạn bè quốc tế. “Khả năng và cơ hội của người trẻ với văn hóa dân gian rất gần. Có điều mọi người đưa được văn hóa dân gian trở thành cơ hội, mang lại giá trị lớn về tinh thần, cũng như giá trị kinh tế, đưa được các giá trị thời đại “khoác lên” văn hóa dân gian” - Thảo chia sẻ.

Thúc đẩy sáng tạo từ di sản

 “Di sản văn hóa chỉ có thể bảo tồn tốt nhất khi gắn được với đời sống, gắn với thực tiễn. Chúng tôi không đi theo cách tiếp cách thao giảng hay truyền dạy, mà tạo ra nhu cầu trong cộng đồng, để giới trẻ tìm đến văn hóa và thấy giá trị cả kinh tế và văn hóa ở đó”.

Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường

Ở một số nước xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc... văn hóa truyền thống đã được tích cực khai thác, sáng tạo để trở thành những sản phẩm, giá trị mới hấp dẫn công chúng, khẳng định bản sắc quốc gia. Tại Việt Nam, tuy đã có sự quan tâm của một bộ phận giới trẻ, nhưng các hoạt động này mới chỉ dừng lại ở quy mô nhất định, chưa tạo thành làn sóng phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hóa dân gian trong cuộc sống. 

Những năm qua, UNESCO Việt Nam phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều dự án, tiêu biểu như: Phát huy di sản của cộng đồng người Cơ tu ở Đông Giang, Quảng Nam, đưa doanh nghiệp, lữ hành, các nhà thiết kế thời trang của Việt Nam và châu Âu đến với đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sản phẩm dệt của phụ nữ, tạo chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm tới Hội An; hợp tác với trung tâm Craftlink phát triển sản phẩm lưu niệm dành cho thị trường khách du lịch; tư vấn cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trong quá trình xét duyệt dự án dưới 50.000 USD của Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển các tri thức bản địa của người Dao để xây dựng thành sản phẩm thuốc dân tộc, có tiêu chuẩn chất lượng có thể bán được...

“Di sản văn hóa phi vật thể phải gắn liền với cộng đồng, tiếp biến liên tục, có sự chuyển hóa cũng như làm giàu liên tục qua thời gian. UNESCO không nhấn mạnh tới bảo tồn nguyên trạng mà chú ý đến cộng đồng cũng như không gian cho di sản văn hóa đó được thực hành. Không cần ai ép, giới trẻ của dân tộc thiểu số khao khát được học và tìm hiểu về văn hóa của mình và tham gia vào những chuỗi như trên...” - Trưởng ban Văn hóa của UNESCO tại Việt Nam Phạm Thị Thanh Hường khẳng định.

Việt Nam có nguồn lực văn hóa lớn, đó là sự đa dạng về văn hóa, giàu di sản; đồng thời cũng đang ở thời kỳ dân số vàng với thế hệ trẻ năng động, tiếp cận công nghệ, có năng lực sáng tạo và thiết kế. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, dường như có sự đứt gãy, chưa kết nối được hai nguồn năng lượng này. Bà Phạm Thị Thanh Hường cho rằng, đừng nghĩ thế hệ trẻ không yêu thích văn hóa truyền thống, cái quan trọng là tạo cơ chế. Chúng ta có thể nghĩ tới thiết lập giải thưởng, xây dựng quỹ cho các dự án của giới trẻ, hội đồng các chuyên gia là người đóng vai trò xét duyệt và tư vấn trong suốt quá trình phát triển dự án dựa trên cảm hứng văn hóa dân gian. Điều đó sẽ làm cho văn hóa sống và chuyển giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế, gắn với cộng đồng.

Theo Ngọc Phương - ĐBND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng