Câu chuyện hôm nay
Quan niệm dân gian về thi cử: Mê tín hay niềm tin tinh thần?
09:46 | 26/06/2019

Từ ngàn xưa, dân gian đã có biết bao quan niệm về thi cử và luôn được thực hành một cách sôi động trong cuộc sống cho đến tận ngày nay. Vậy, những quan niệm thi cử này là mê tín hay niềm tin về mặt tinh thần?

Quan niệm dân gian về thi cử: Mê tín hay niềm tin tinh thần?
Sĩ tử đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương trước kỳ thi. Ảnh: Thế Đại

Có thờ có thiêng…

Nhiều phụ huynh đã tủm tỉm cười khi được hỏi về câu chuyện có quan tâm và tích cực thực hành những quan niệm dân gian khi chuẩn bị và chăm sóc các sĩ tử trong những ngày “vượt vũ môn” – Kỳ thi THPT quốc gia 2019 này.

Sau nụ cười tủm tỉm ấy, khi bộc bạch, phần đông là những cái gật đầu cùng lời giải thích: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…”.

Quan niệm “có thờ có thiêng” của dân gian về thi cử rất phong phú nhưng thường được chia là hai mảng: “Nên kiêng” và “nên làm”. Về mảng “nên kiêng” có thể liệt kê như: Kiêng các loại như chuối, trứng gà, trứng vịt, chân gà, rau bí, đỗ đen, củ lạc…

Đây là những thực phẩm được cho là đem lại sự đen đủi cho các sĩ tử cùng những giải thích muôn màu, muôn vẻ.

Ví dụ như: Ăn chuối dễ bị trượt vỏ chuối, ăn rau bí làm bài dễ bị bí (không nghĩ ra), ăn củ lạc dễ bị lạc đề, ăn trứng gà, trứng vịt sẽ dễ bị điểm 0, ăn chân gà chữ sẽ viết xấu như gà bới…

Ngoài quan niệm “nên kiêng” về thực phẩm, dân gian còn có cả những quan niệm “nên kiêng” về thời gian đi thi không đi giờ kém, kiêng bước chân trái ra khỏi cửa, kiêng ra ngõ gặp gái… Nếu sĩ tử mắc phải những điều kiêng này sẽ dễ gặp xui xẻo khi bước vào kỳ thi.
 

Không riêng gì người Việt Nam mà người Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng có nhiều quan niệm dân gian để thực hành và tìm kiếm sự may mắn trong thi cử. Trong kỳ thi, học sinh Nhật Bản được bố mẹ làm cho món ăn cơm Katsudon vì tên món ăn có chứa từ “Katsu” - nghĩa là chiến thắng. Học sinh Hàn Quốc hay ăn bánh có tên Yeot. Loại bánh gạo này rất dẻo, mà từ dẻo trong tiếng Hàn lại gần giống với “thi đỗ đại học”. Học sinh Trung Quốc hay ăn quả kiwi bởi lẽ trong tiếng Trung, tên gọi quả kiwi có phát âm giống như “dễ dàng thi đỗ”. Học sinh Hồng Kông chuộng ăn táo vì trong tiếng Hán, từ “táo” có phát âm là “ping guo”, cũng có nghĩa là bình an…

Ở quan niệm “nên làm”, theo dân gian, sĩ tử nên ăn xôi đỗ (là đỗ đỏ, đỗ xanh), thậm chí mang theo nắm đỗ vào phòng thi thì thi sẽ… đỗ.

Sĩ tử nên ăn những thực phẩm màu đỏ như xôi gấc, quả bí, thịt bò… thì sẽ gặp vận đỏ. Khi ra ngõ, sĩ tử gặp giai (đàn ông)… thì sẽ gặp nhiều may mắn, hanh thông. Sĩ tử cần thắp hương ông bà tổ tiên hoặc lên chùa, vào đền cầu Phật, cầu thánh thì sẽ được phù hộ...

Những quan niệm này luôn được bổ sung ở mỗi thời. Như thời hiện đại còn có những kiêng cữ rất nực cười của các sĩ tử như: Không cắt tóc, cắt móng tay, tắm gội trước khi đi thi vì sợ ảnh hưởng sự ngắt mạch của dòng suy nghĩ cũng như… trôi hết chất xám, ăn mực thì sẽ gặp đen đủi, đếm bước chân từ cửa phòng thi vào chỗ ngồi để tránh có tổng gặp số... 3

“Tôi đã lên thực đơn 3 ngày để phục vụ cho cháu đi thi. Tất nhiên, tôi không quá câu nệ phải kiêng cữ triệt để nhưng cũng có… để ý. Món ăn màu đỏ, món ăn liên quan đến “đỗ” sẽ được ưu tiên hơn. Giờ thực phẩm rất da dạng và để đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng theo quan niệm dân gian không phải là khó.

Nhưng, về mặt tâm lý thì đối với một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của con, bố mẹ nào cũng muốn đem đến cho con cũng như cho mình sự yên tâm, không chột dạ, không phải giá như…”, chị Nguyễn Hồng (Tây Hồ, Hà Nội) vui vẻ nói.

Chị Trần Thị Lan (Sơn Tây, Hà Nội) thì chia sẻ về sự thành tâm của mình: “Cũng thật khó để “ke” hết những điều các cụ kiêng như bước chân phải, ra ngõ phải gặp giai… Nhưng, việc thắp hương báo cáo ông bà tổ tiên thì đương nhiên rồi. Ngoài ra, tôi cũng ra đình xin thành hoàng làng phù hộ cho cháu đi thi gặp may mắn”.

Mê tín hay niềm tin tinh thần?

PGS.TS Đỗ Thị Hảo – chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, với tư tưởng và triết lý phương Đông, đặc biệt thời phong kiến với một nền Nho học phát triển cực thịnh thời hậu Lê, những quan niệm dân gian về thi cử ở Việt Nam đã được ra đời từ tư duy liên tưởng.

Ví dụ ngày mùng Một Tết Nguyên đán tại sao lại phải mua muối, bởi vì dân gian quan niệm để cả năm đời sống được mặn mà. Hay cũng vào mùng Một Tết, nhiều người quẩy thùng nước đi bán và được nhà nhà mua là xuất phát từ mong ước tiền của như nước…

Có thể thấy, với một đất nước có nền khoa cử lâu đời và rất coi trọng bằng cấp, danh vị như Việt Nam thì việc xuất hiện những quan niệm dân gian về thi cử là điều tất yếu. Và, từ những quan niệm này có thể thấy dân gian có tư duy liên tưởng vô cùng phong phú, thú vị từ chính tư tưởng Nho giáo và đặc biệt là xoáy sâu vào màu sắc, hình ảnh, đặc tính của sự vật hay sự đồng âm trong tiếng Việt.

Ví dụ như quan niệm ra ngõ gặp giai là xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Quan niệm ăn trứng sẽ bị điểm không là liên tưởng về hình ảnh. Quan niệm đi thi phải ăn đỗ thì sẽ đỗ - với những xôi đỗ đến chè đỗ vì từ “đỗ” của loại thực phẩm này đồng âm với từ “đỗ đạt”.

Hay từ “bí” trong “rau bí” đồng âm với “bí rị”, “bí tịt”. Nhưng, ở đây vẫn có sự “xuê xoa” khi vẫn chấp nhận ăn… “bí” nhưng phải là “bí đỏ” - lúc này liên tưởng chính là về màu sắc - màu đỏ chứ không liên tưởng về âm.

“Đầu tiên vẫn phải khẳng định, từ tư duy ấy, người ta tạo cho mình một niềm tin về mặt tinh thần. Khi đi thi, người ta tin tưởng trời Phật phù hộ, tin tưởng đã ăn đỗ là sẽ đỗ. Thế là, tự nhiên về mặt tinh thần phấn chấn, yên tâm và nêu cao quyết tâm đạt được mục đích của mình” - PGS.TS Đỗ Thị Hảo giải thích.

Quan sát từ thực tế hiện nay, PGS.TS Đỗ Thị Hảo cho rằng, những quan niệm này vẫn được thực hành, thậm chí rất sôi động trong giới trẻ. Bà nêu dẫn chứng: Ngoài chuyện kiêng cữ về ăn uống, đi lại…; chẳng phải mỗi dịp đi thi, các bạn trẻ đều theo chân bố mẹ vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám để thắp hương thầy Khổng Tử, thầy Chu Văn An, cố sờ đầu rùa, sờ bia tiến sĩ?

“Những thực hành này nếu thái quá thì sẽ không dừng lại ở niềm tin tinh thần mà trở thành mê tín. Nhưng cũng phải nhìn nhận thêm: Vì sao con người lại phải đi tìm kiếm may rủi trong thi cử từ quan niệm dân gian?

Cũng vì từ thực tế còn có biết bao sự việc khiến các bạn trẻ bị chông chênh mất niềm tin về sự công bằng. Điển hình như vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang của năm trước đã tước đi cơ hội của rất nhiều sĩ tử học hành tử tế. Thế nên, dù có thể vì ngại ngần mà lắc đầu nói rằng không để tâm đến những quan niệm dân gian về thi cử nhưng đằng sau đó các bạn trẻ vẫn muốn tìm kiếm niềm tin từ những điều rất nhỏ (cách ăn uống, sinh hoạt) cho đến một thế lực siêu nhiên nào đó như trời Phật, thánh thần…” – PGS.TS Đỗ Thị Hảo nhấn mạnh.

Theo Bình Thanh - GD&TĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng