Câu chuyện hôm nay
Tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội
10:03 | 27/08/2019

HOÀNG XUÂN NHU

(Nguyên phụ trách công tác chính trị trường ĐHSP Huế)

Tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội
Ảnh: internet

Trong cách mạng dân tộc dân chủ tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên thể hiện ở chỗ biết đặt quyền lợi của dân tộc, của Tổ quốc lên trên quyền lợi cá nhân; khi cần, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi giai cấp và dân tộc, kể cả hy sinh tính mạng. Trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH khi mà nền kinh tế có nhiều thành phần, tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên thể hiện như thế nào? Đó là vấn đề đặt ra cần nghiên cứu.

Mục tiêu tổng quát của chúng ta trong thời kỳ quá độ là làm cho dân giàu nước mạnh. Trên cơ sở đó kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, an ninh quốc phòng ngày càng bảo đảm. Muốn cho dân giàu, trong từng lĩnh vực sản xuất (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp...) phải có nhiều người làm ăn giỏi và biết làm giàu.

Đảng Cộng Sản Việt Nam là một đảng có trí tuệ, không những biết đề ra chủ trương đường lối đúng đắn mà còn là một đảng hành động. Đảng kết nạp những người sản xuất giỏi, "gương mẫu trong lao động". Lao động ở đây được hiểu không chỉ là lao động cơ bắp(*) đơn thuần mà còn là lao động trí óc. Trong lĩnh vực sản xuất lao động trí óc bao gồm cả lao động quản lý, lao động khoa học kỹ thuật cao hơn nhiều giá trị và hiệu quả của lao động cơ bắp. Sáng kiến phát minh của người quản lý, người kỹ sư có khi đem lại lợi ích gấp hàng trăm nghìn lần lượng sản phẩm làm ra của người công nhân trong thời gian tương ứng.

Trong thực tế hiện nay một bộ phận đảng viên có vốn liếng được tích lũy dưới dạng vàng hoặc tiền, không ít người có vốn lớn, do nhiều nguồn đại bộ phận là hợp pháp, tất nhiên là có cả không hợp pháp. Nếu tổng số vốn đó được huy động để phát triển sản xuất làm cho nền kinh tế hàng hóa ngày càng phong phú, dồi dào thì sẽ ích nước lợi nhà. Nhưng thử hỏi mấy ai dám bỏ vốn ra để kinh doanh làm ăn. Bởi lẽ rất dễ hiểu là tâm lý ai cũng sợ mang tiếng làm giàu và bóc lột, cho nên thượng sách là cất giữ của chìm mà tiêu pha dần dần hoặc gởi tiết kiệm lấy lãi. Như vậy tác dụng đồng vốn không được phát huy tối đa và điều đó chỉ đem lại thiệt thòi cho nền kinh tế của đất nước mà thôi.

Tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên có vốn liếng trong thời kỳ quá độ phải chăng là mạnh dạn bỏ vốn ra làm ăn, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất (chứ không phải trong lĩnh vực lưu thông). Nếu trước đây trong đấu tranh giải phóng dân tộc hành động nêu gương của người đảng viên là xông pha trận mạc, không ngại hy sinh trước mũi tên hòn đạn của quân thù, thì ngày nay, trong xây dựng và phát triển kinh tế là làm cho nền kinh tế nước nhà có nhiều sản phẩm hàng hóa, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho dân, một trong những nhân tố bảo đảm trật tự an toàn xã hội và ổn định chính trị. Thiết nghĩ không nên để tồn tại thực trạng tình hình là nhà nước thì kêu gọi người dân có của bỏ vốn ra kinh doanh mà người đảng viên có vốn liếng thì bình chân như vại; Người đảng viên mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh nhất định có tác dụng lôi cuốn nhân dân cùng làm, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Rõ ràng tiềm năng về nguồn vốn phát triển sản xuất là to lớn cần được khai thác để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân.

Mặt khác, trong kinh doanh người đảng viên phải tỏ ra năng nổ, tháo vát, biết đề ra những kế hoạch, biện pháp tối ưu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ra sức phát huy sáng kiến, phát minh làm lợi cho quản lý, cho sản xuất. Nếu là công nhân, nông dân bình thường, người đảng viên phải là người có năng suất cao trong sản xuất, có sáng kiến cải tiến thao tác trong lao động.

Xuất phát từ quan điểm trên, việc phát triển đảng viên mới, ngoài phương hướng đã thực hiện từ trước tới nay, nên chăng hướng thêm vào những người làm ăn giỏi, biết làm giàu và làm giàu chính đáng, mặt khác làm đầy đủ nghĩa vụ thuế má và tuân thủ nghiêm túc pháp luật nhà nước. Đảng kết hợp những đảng viên như vậy thì càng nâng cao năng lực lãnh đạo sản xuất, lãnh đạo kinh tế và từ đó tăng thêm tính chất tiên phong của Đảng. Thực trạng đất nước hiện nay không cho phép đảng viên của "đảng hành động", chỉ biết nói giỏi và không làm giỏi. Thời đại ngày nay không còn là thời đại hô hào kêu gọi mà phải bắt tay thực sự vào sự nghiệp đổi mới bằng cả tấm lòng, tri thức kinh nghiệm. Chỉ "Mo cơm, gói cà với tấm lòng cộng sản" thì không bao giờ có CNXH và CNCS.

Thế nhưng, một mâu thuẫn nảy sinh: theo quan điểm thông thường của nhiều người, đã làm giàu thì không tránh khỏi bóc lột, chưa nói tất yếu trở thành tư sản, điều mà về sinh mạng chính trị không ai muốn tí nào. Bởi vậy phải gỡ cho ra cái nút ở chỗ này, nếu không sẽ phạm sai lầm giáo điều rập khuôn và từ đó mà kìm hãm sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Cái nút cần gỡ ở đấy, tôi nghĩ là nên xác định khái niệm bóc lột cho phân minh theo tư duy đổi mới. Nên chăng xử lý yếu tố m (trong công thức c + v + m của Mác) sao cho thỏa đáng; nếu dưới chế độ tư bản chạy vào túi nhà tư sản trọn vẹn thì dưới chế độ XHCN của chúng ta người công nhân nên được quyền hướng từ 40 đến 50% của m. Đề xuất này nếu là hợp lý và được chấp nhận thì nên được thể chế hóa bằng văn bản của nhà nước. Để kết thúc, tôi xin phép nhắc lại ý kiến mang tính thời sự đáng quan tâm của đồng chí cựu Tổng bí thư Lê Duẩn phát biểu năm 1969 tại trường Đảng, cao cấp (nay là học viện Nguyễn Ái Quốc): "Ta cứ để cho một tiểu chủ có thể thuê mướn 5, 7 công nhân, 9, 10 công nhân, thậm chí hơn nữa, để phát triển sản xuất. Ta có chính quyền trong tay, tại sao lại sợ họ trở thành tư sản". Tiếc thay tư duy đổi mới của cựu Tổng bí thư cách đây 22 năm không được thâm nhập các cấp các ngành và lan tỏa trong toàn Đảng, cho nên mới có hiện tượng đáng buồn là ngay giữa thủ đô, sát nách cấp lãnh đạo cao nhất mà ông "vua lốp" đã một thời bỏ tiền của, công sức và chất xám làm ra của cải cho xã hội, lại bị làm khó dễ trăm bề, thậm chí bị đày ải ê chề, vào tù ra tội đôi ba lần. Phải chăng đó là hậu quả của chủ nghĩa giáo điều mà Đảng ta đã thấy và ra sức khắc phục trong nhiều năm qua, nhất là từ đại hội VI đến nay, và tiếp tục khắc phục từ nay về sau.

H.X.N
(TCSH46/04-1991)


-------------
(*) Dự thảo điều lệ Đảng (sửa đổi): Chương I, điều 1.


 

Các bài mới
Các bài đã đăng