Câu chuyện hôm nay
Thấy gì từ Liên hoan chèo toàn quốc 2019?
09:00 | 02/10/2019

Khán giả Bắc Giang hâm mộ chèo đang được sống trong bầu không khí sôi động với tiếng trống, tiếng đàn, tiếng nhị réo rắt bổng trầm cùng những câu hát chèo trong Liên hoan chèo toàn quốc, tổ chức tại Bắc Giang. Những ngày qua, liên hoan thật sự gây chú ý và đọng lại nhiều cảm xúc đối với các nhà quản lý, văn nghệ sĩ cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Thấy gì từ Liên hoan chèo toàn quốc 2019?
Một cảnh trong vở diễn “Bà Chúa Kho” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam.

“Bữa tiệc” chèo

Đã có những thành công ngoài mong đợi tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019 về mặt công chúng, nổi bật là sự quan tâm của người hâm mộ Bắc Giang. Ban tổ chức mở cửa miễn phí tất cả các vở diễn. Dù vậy, ban đầu vì lo ngại liên hoan sẽ tẻ nhạt, ít khán giả, đã có sáng kiến mời học sinh đến hội trường theo dõi, cổ vũ. Nhưng xem ra sự tính toán đó là thừa bởi lượng người hâm mộ đổ về khán phòng luôn đông đảo và có lúc quá tải. Dù các vở diễn ra ban ngày hay buổi tối thì khán phòng có sức chứa khoảng nghìn chỗ ngồi vẫn chật kín, thậm chí nhiều khán giả phải ngồi xuống cả nền để theo dõi, và đa phần chỉ ra về khi sân khấu đã hạ màn.

Điều đáng trân trọng hơn, thành phần công chúng hâm mộ chèo rất phong phú, gồm cả nam - nữ - lão - ấu, cán bộ, công chức, người dân lao động... Mỗi khi vở diễn đạt cao trào hay lúc chuyển cảnh, những tràng pháo tay giòn giã lại vang lên. Điều này đã tiếp thêm động lực không nhỏ để các nghệ sĩ say mê thể hiện, cống hiến tròn vai.

Có những ông cụ, bà cụ nhà cách thành phố Bắc Giang 20 - 30 cây số nhưng nhờ con cháu đưa đến liên hoan. Bà Ngụy Thị Hiền (60 tuổi) ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng cho biết: “Quê tôi xưa cũng có chiếu chèo truyền thống, nay vẫn còn nhiều người rất mê chèo nhưng tôi chưa một lần được xem đoàn chuyên nghiệp trực tiếp diễn như lần này, mà hầu hết chỉ được theo dõi qua tivi”. Hay như bà Vũ Thị Hội nhà ở TP Bắc Giang theo dõi từ đầu đến nay chưa bỏ vở diễn nào, bà bảo: “Cả tuần nay, ngày nào vợ chồng tôi cũng háo hức đi xem chèo, liên hoan đã đem lại món ăn tinh thần bổ ích, nó gợi nhớ lại một thuở vàng son của tiếng hát chèo đối với lớp người cao tuổi chúng tôi”.

Đúng là trong cuộc sống vốn vội vàng gấp gáp, hoặc trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại, những tưởng người dân sẽ quay lưng với nghệ thuật chèo truyền thống. Vậy mà qua liên hoan lần này có thể khẳng định, chèo vẫn có một sức sống mãnh liệt và vị trí quan trọng trong lòng người hâm mộ. Nhiều vở diễn đã làm rơi nước mắt và mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả. Những tràng pháo tay vang lên, sự chăm chú dõi theo của khán giả qua từng vở diễn đã khiến giới văn nghệ sĩ thêm ấm lòng và vững tin hơn. Trong khi đó, NSND Đào Lê, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, thành viên ban giám khảo nhận định: “Khán giả Bắc Giang vô cùng yêu mến chèo, yêu văn hóa văn nghệ, buổi sáng cũng như buổi tối khi sân khấu chưa sáng đèn thì người hâm mộ đã kín mít chỗ ngồi, đó là phần thưởng lớn lao đối với những người làm nghề như chúng tôi”.

Vẫn mượn xưa nói nay

Liên hoan chèo toàn quốc năm 2019 diễn ra từ ngày 14 đến 28-9. Rất đông nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 16 đơn vị là các đoàn nghệ thuật, nhà hát chèo T.Ư và địa phương tham gia biểu diễn 26 vở. Theo quy định của ban tổ chức, năm nay các vở diễn phải đáp ứng được các điều kiện như: Dàn dựng từ năm 2016 trở lại đây hoặc được phục dựng với ê-kíp sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức; không sử dụng kịch bản nước ngoài. Đặc biệt, lâu nay, việc lựa chọn kịch bản chèo tại các hội diễn, liên hoan chèo luôn được giới chuyên môn quan tâm. Và việc yêu cầu các vở diễn phải được dàn dựng mới, mang tính sáng tạo là rất cần thiết để tăng sự hấp dẫn, tươi mới cho nghệ thuật chèo.

Nhìn chung tại liên hoan năm nay, các đoàn có sự chuẩn bị, đầu tư kỹ, mỗi vở diễn đều mang những thông điệp, bài học, tập trung phản ánh về tinh thần yêu nước và đấu tranh chống tiêu cực. Và điều đáng mừng là các vở diễn vẫn giữ được những nét đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Nhiều đơn vị đã có sáng tạo, làm mới cái cũ để tăng tính hấp dẫn, song không vì thế mà đánh mất đi những “khuôn vàng thước ngọc” của môn nghệ thuật này. Theo một số ý kiến chuyên môn, nhiều vở diễn năm nay không chỉ có cốt truyện lô-gích, kết cấu chặt chẽ, bố cục hài hòa mà còn lồng ghép khai thác hiệu quả tính hài hước bằng những nhân vật, hình ảnh cụ thể, đem đến cho khán giả những tiếng cười có tính đả kích, châm biếm thói hư tật xấu, thấm thía mà sâu cay. Hầu hết các vở có thắt nút, mở nút và cốt truyện rõ ràng, nhiều tình tiết xung đột, gây xúc động và lôi cuốn. Sự dàn dựng công phu, tập luyện kỹ lưỡng, diễn xuất nhuần nhuyễn và có nội tâm… Những điều này đã phần nào thỏa mãn được nhu cầu cảm thụ nghệ thuật của khán giả. Đặc biệt, một số vở tạo được phong cách riêng, nêu bật chủ đề tư tưởng, xây dựng thành công hình tượng sân khấu… Tất cả đã tạo nên sự rung động về mặt thẩm mỹ, gửi đến người xem những thông điệp chính trị, nhân văn sâu sắc.

Đặc điểm của nghệ thuật chèo là dễ thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc, giai điệu nhẹ nhàng, lan tỏa nên thể hiện được tình cảm sâu lắng. Ở đó có bi, có hài, chất hùng tráng và tính triết lý nhân sinh. Một điều đáng băn khoăn là tại liên hoan lần này, có nhiều đề tài chiến tranh, hiện đại, dân gian, lịch sử, dã sử... Song đa số kịch bản đã quá cũ, được viết cách đây hàng chục năm, nhiều vở khai thác tối đa đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại nhằm “mượn xưa nói nay” hay “Chuyện xưa chiếu rọi đến mai sau”. Các vở tập trung tôn vinh cái đẹp, cái thiện, lên án, phê phán những thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, sự bất trung, bất hiếu, bất nhân... Trong đó có thể kể đến các vở diễn được viết từ lâu và là các đề tài lịch sử, dân gian như: “Danh tướng sáng trời Nam” (Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh); “Vân dại” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Bà Chúa Kho” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Hà Nam), “Người con gái Kinh Bắc” (Nhà hát Chèo Bắc Giang), “Chuyện tình Hàn Sỹ - Đào Nương” (Nhà hát Chèo Hải Dương); “Người con gái của Vạn Thắng Vương” (Nhà hát Chèo Ninh Bình), “Hết quan hoàn dân” (Nhà hát Chèo Hưng Yên); “Tiếng hát Trương Chi” (Nhà hát Chèo Hải Dương); “Sơn Tinh - Thủy Tinh” (Đoàn nghệ thuật Phú Thọ) hay “Kiều Loan” (Nhà hát Chèo Hà Nội)... Ngoài ra, còn có những đơn vị mang đến liên hoan những vở đã được viết cách đây khá lâu nay phải dựng lại, có lẽ bởi do điều kiện kinh phí khó khăn. Thêm nữa, do có một số đơn vị do sáp nhập hai đến ba đoàn vào một nên hoàn cảnh càng khó khăn hơn.

Cũng đã không ít khán giả cho rằng, sao các đơn vị ít khai thác đề tài gần gũi với đời sống thực tại, mang hơi thở cuộc sống, hà cớ gì cứ phải khai thác mãi những chuyện dân gian, dã sử? Lý giải về tình trạng này, NSND Đào Lê cho rằng: Các vở diễn đề tài lịch sử vẫn có tính triết lý và có đấu tranh chống tiêu cực nhưng thường “lành” và dễ thể hiện, dễ chuyển tải thông điệp, lại phù hợp với “chất” của chèo truyền thống hơn là phản ánh những tiêu cực của xã hội đương đại, thường gai góc, động chạm nên nhiều đoàn ngại đề cập.

Theo Đông Khánh - Thời Nay/ND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng