Câu chuyện hôm nay
Chống tham nhũng - lời cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực
14:35 | 17/10/2019

NGUYỄN QUANG PHƯỚC

Công cuộc chống tham nhũng do Đảng khởi xướng và thực hiện đang ngày càng quyết liệt, công cuộc “đốt lò” hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Chống tham nhũng quyết liệt, là cách toàn Đảng thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: không ngừng xây dựng, chỉnh đốn cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Khi được “Lòng Dân” tin tưởng, khi nhân dân ủng hộ và tham gia thì vạn sự tất thành.

Chống tham nhũng - lời cảnh báo nghiêm khắc cho sự lạm dụng quyền lực
Ảnh: internet

Tham nhũng làm băng hoại đất nước

Ngày 26/1/1946, trong tờ Quốc lệnh, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành, Người ghi rõ, tại Điều 8 của phần Phạt: “Ăn cắp của công sẽ bị xử tử”. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), Đảng ta cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ thứ ba: Tham nhũng và tệ quan liêu ở tầm mức quốc nạn. Ăn cắp của công, tham nhũng quyền lực đẻ ra vô vàn những cơn bệnh khác, không chỉ làm băng hoại cá nhân, táng tận liêm sỉ mà còn rối loạn thể chế.
 

Tham nhũng, Bác Hồ hơn 70 năm về trước cảnh báo là “trộm cắp địa vị”, lạm dụng quyền lực với đủ mánh lới từ đó hoành hành, làm nhiễu loạn cả chốn công quyền... Tham nhũng về vật chất, đó là sự ô nhục làm bại hoại quốc gia. Tham nhũng về chính trị, về quyền lực sẽ đẻ ra và dung dưỡng nhiều hủ bại làm mục ruỗng nhân tâm, phá nát lòng tin nhân dân. Quyền lực không phải của riêng ai, nhân dân trao nó cho những người làm công bộc của dân. Mà nếu bằng mọi thủ đoạn, cán bộ xấu chiếm đoạt nó, biến quyền được giao đó thành quyền sở hữu, trở thành mục tiêu hoạt động của chúng thì rất nguy hiểm, thậm chí băng hoại cả dân tộc, cả đất nước. Khi đồng tiền liên kết với quyền lực thì tai họa khủng khiếp, bởi nó liên quan đến chế độ và rộng hơn là Lòng Dân, là sự sinh tử của dân tộc, là vị thế, sức mạnh và uy tín quốc gia.

Tại hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, vô nguyên tắc…”. Có rất nhiều cán bộ, nhân dân, nhân sĩ, trí thức liên tục góp ý với Đảng phải tìm ra cho được những ai “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, những ai “ích kỷ, cơ hội, vô nguyên tắc”. Nhân dân vẫn nhớ khi đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2012), thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước Đảng, trước nhân dân về một số khuyết điểm trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Những ai chứng kiến bài phát biểu ấy đều thấy Tổng Bí thư nhiều lần nghẹn ngào, bởi vẫn còn đó những kẻ cơ hội, những cán bộ yếu kém đạo đức, vẫn còn đó nạn tham nhũng, nhũng nhiễu khiến nhân dân bức xúc; vẫn còn đó những nhóm lợi ích đang vô lương tâm lăm le đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính trên lưng của hàng triệu người dân nghèo.

Thật xót xa khi đứa trẻ sinh ra đã gánh trên vai nợ nần của đất nước. Cả hàng ngàn tỷ đồng bị bọn tham nhũng vui chơi nhảy múa, phung phí vô tội vạ, trong khi những đứa trẻ nghèo khó ở vùng cao chỉ ao ước có hai nghìn đồng để được ăn bữa cơm có thịt, chưa nói đến những con đường đến trường nhão nhoẹt bùn đất mỗi mùa mưa tới, và qua sông bằng dây tời trong khi dòng lũ cuồn cuộn bên dưới suối khe…

Cuộc chiến không khoan nhượng

Cuộc chiến đấu chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là cuộc chiến đấu sống còn của toàn Đảng, toàn dân đối với “giặc nội xâm” để củng cố niềm tin trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tinh thần phòng chống tham nhũng (PCTN) đang rất quyết liệt, không khoan nhượng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, các vụ án kinh tế lớn, những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến những vị lãnh đạo cao cấp, các “dây lợi ích” mà theo suy nghĩ trước đây thì dường như khó đụng tới, nay đã được đưa ra xét xử nghiêm minh với các mức án nghiêm khắc. Trong đó, Dương Chí Dũng, từng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, từng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị tuyên án tử hình về tội tham ô, bị yêu cầu bồi thường 110 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tới nay, cuộc chiến PCTN, tiêu cực càng thể hiện rõ tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Ngay đầu nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện rõ tinh thần này: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.

Từ cựu Ủy viên Bộ Chính trị đến các cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng đều bị xử lý nghiêm khắc vì tham nhũng, vi phạm pháp luật... Người nhà của một số đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bị bắt do vi phạm pháp luật. Như thế là cả cấp Ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang cũng bị kỷ luật, bị xử tù nếu tham nhũng, vi phạm pháp luật. Không có vị trí an toàn, khu vực an toàn và cũng không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”. Hàng loạt cán bộ đã nghỉ hưu mà bị phát hiện có sai phạm trong thời gian đương chức vẫn bị đưa ra kỷ luật. Mới nhất là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo; nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường bị kỷ luật cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021) vì các sai phạm khi còn đương chức... Thậm chí, đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì dù đã qua đời vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật. Điều này được nêu rõ trong Văn bản số 04-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Như thế là quy định của Đảng liên quan đến xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nghiêm khắc hơn, mang tính răn đe cao hơn so với các quy định của pháp luật áp dụng cho các công dân.

Một khí thế chống tham nhũng, tiêu cực đang dâng cao trên khắp cả nước. Theo báo cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, từ đầu năm 2019 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 123 tổ chức đảng và 7.923 đảng viên; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo kế hoạch của Ban chỉ đạo. Thời gian qua, việc kê biên, thu giữ tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đạt kết quả khá cao. Cụ thể, vụ Giang Kim Đạt thu hồi hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỷ đồng; vụ AVG hơn 8.500 tỷ đồng… Theo báo cáo tại phiên họp thứ 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, hiện nay, việc tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có giá trị tài sản hơn 10.000 tỷ đồng.

Tham nhũng đang từng bước được đẩy lùi. Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 thì hiện tượng “tham nhũng vặt” (chi phí “bôi trơn” quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép) trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước, với chỉ 54,8% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Quy mô chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm, khi chỉ có 7,1% doanh nghiệp cho biết phải chi trả hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1% doanh nghiệp)…

Chống tham nhũng không thể chững lại

Ngày 13/1/2019, trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không chỉ là một cao trào, không thể chững lại”. Bởi đấu tranh PCTN, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những “ung nhọt” trong nội bộ mình, rất đau xót nhưng vẫn phải tiếp tục làm.

Thông điệp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được...”. “Tôi đã nói rồi, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Đó là ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là “tiếng lòng” của nhân dân hiện nay.

Thực tế, từ sự kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua, với việc nhiều vị lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý đang làm cho nhiều người lo lắng và nói rằng, sợ “đang làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế”(!), khiến cho nhiều lãnh đạo, nhiều quan chức đang “sợ sai, không dám làm gì”(!). Thực ra, đó chỉ là cách biện hộ, thậm chí bào chữa cho thái độ nửa vời. Nhân dân thất vọng trước tâm lý ấy và phản đối các quan điểm đó. Thử nhìn lại năm 2018, kinh tế nước ta tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, với tốc độ 7,08%. Đó là chỉ số của phát triển dù cả nước chống tham nhũng mạnh mẽ.

Mục tiêu được Ban chỉ đạo đề ra là từ nay đến hết năm 2019, kết thúc điều tra 28 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 24 vụ án, xét xử sơ thẩm 29 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh 36 vụ việc. Trong đó, tập trung điều tra, truy tố, đưa ra xét xử sơ thẩm 8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2019 gồm: Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Hải Thành. Vụ “Nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone. Vụ “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB), Phú Thọ. Vụ “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam. Vụ“Vi phạm quy định về quản lý đất đai, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Đà Nẵng. Vụ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco). Vụ“Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân, đó là điều không thể khác lúc này. Bởi những gì trái lòng dân, để dân mất niềm tin là mất tất cả.

N.Q.P  
(SHSDB34/09-2019)



 

Các bài mới
Các bài đã đăng