Câu chuyện hôm nay
Tôi là một phần của mẹ thiên nhiên
09:34 | 27/04/2020

Trong một lần xem bộ phim Cuộc đời Đức Phật, tôi còn nhớ loáng thoáng lời Ngài dạy rằng “nhìn vào trong một chiếc lá bồ-đề mà thấy được mặt trăng, mặt trời…”. 

Tôi là một phần của mẹ thiên nhiên
Là một phần của mẹ thiên nhiên - Ảnh minh họa
Vậy phải chăng lá bồ-đề không đơn thuần chỉ là lá bồ-đề? Và con người cũng không phải đơn thuần được sinh ra để duy trì nòi giống? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói này của Đức Phật.
 
Một người trần tục như tôi chưa hiểu cảnh giới của thiền định nhưng tôi có chiêm nghiệm về những thứ xảy ra xung quanh mình. Bản thân tôi không phải đơn thuần chỉ là con người được cha mẹ sinh ra để duy trì nòi giống mà tôi nhận thấy có sự liên kết mật thiết giữa tôi với vạn vật hay giữa tôi với những thứ khác. Tôi thấy được mẹ thiên nhiên là đất, nước, gió, lửa, không khí đã tạo nên tôi bằng da thịt. Vậy tôi là một phần của mẹ thiên nhiên, tôi chính là một tế bào nhỏ với đầy đủ những bản chất của mẹ, được tạo ra từ mẹ. Mẹ thiên nhiên khỏe mạnh, tôi sẽ khỏe mạnh bởi mỗi ngày tôi đang mượn những thành tố của mẹ để được sinh tồn…

Nhân
 
Cách đây chục năm, khi còn là sinh viên, cộng tác với các chương trình bảo vệ môi trường, tôi đã xem và nghe rất nhiều về biến đổi khí hậu. Có lẽ giới khoa học gọi đất, nước, gió, lửa và không khí chung chung lại là môi trường. Ngày ấy tôi đã suy nghĩ rất đơn giản là do phá rừng, do khói bụi nhà máy… và con người nói chung phải thay đổi chứ tôi chưa thấy được vai trò và trách nhiệm của cá nhân tôi. Rồi cuộc sống và tuổi trẻ đã cuốn tôi lao vào làm việc và kiếm tiền. Bây giờ khi đã là mẹ của hai đứa con, những chiêm nghiệm sâu sắc hơn về môi trường trong tôi thay đổi. Tôi không những thấy được do phá rừng, do khói bụi nhà máy, mà tôi còn thấy được có lỗi của tôi trong đó, những lỗi rất “vi tế” khi tôi dùng máy lạnh, ô-tô, xe máy, dùng điện nước không tiết kiệm v.v… Rất nhiều hoạt động tưởng bình thường của tôi nhưng lại đang góp phần phá hoại mẹ thiên nhiên, chứ chưa kể tới những hoạt động to lớn khác của các công ty, các quốc gia vì sự phát triển vật chất, kinh tế. Vậy là sau hơn chục năm, những hoạt động tàn phá mẹ còn nghiêm trọng hơn. 
 
Và quả là
 
Tôi không thấy bình an, các ứng dụng về chỉ số đo đạc môi trường luôn cảnh báo TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các thủ đô lớn trên thế giới như Bắc Kinh trong tình trạng ô nhiễm không khí đến mức độc hại trong nhiều tháng gần đây. Thậm chí tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, người ta phải trả khá nhiều tiền để được thở không khí sạch chỉ trong vài phút. Ôi, mẹ thiên nhiên chưa bao giờ tính tiền không khí sạch mà triệu triệu con người đang hít thở hàng ngày. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi phải đóng kín cửa, chạy máy lọc không khí và đứa con nhỏ của tôi không được ra ngoài trời chơi những ngày thành phố mờ ảo vì bụi mịn. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, nạn cháy rừng còn khiến tầng ô-zôn bị đe dọa nghiêm trọng. Trong những đêm tĩnh lặng, tôi cảm nhận được sự tổn thương trong hơi thở của mẹ, tôi nghe thấy tiếng mẹ thở dài…
 
Hôm nay, cả thế giới đang vật lộn với bệnh viêm phổi cấp, y học gọi là dịch bệnh do virus (Covid-19). Tôi không quá ngạc nhiên rằng tại sao không phải là bệnh về tim, gan, da hay cái gì khác mà lại là phổi? Phổi là nơi tiếp nhận không khí? Lá phổi của tôi cũng giống như cây xanh, giống như tầng ô-zôn? Làm sao lá phổi bé nhỏ của tôi có thể khỏe mạnh khi hơi thở của mẹ bị tổn thương.
 
Nhân quả thật rõ ràng, minh bạch. Tôi nghe quý thầy giảng pháp hay nói “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Khi gặt quả này là biết bao mạng người đã chết vì lá phổi yếu đi, nó bị tàn phá bởi dịch bệnh phải ngừng hít thở. Và còn bao nhiêu nữa? Tiếp sau không khí sẽ là gì? Là đất? Là nước? Là gió? Là lửa? Là bệnh hay thiên tai? Tôi không rõ nhưng tôi thấy được sự tổn thương của mẹ trong chính sự tổn thương của tôi. Tôi không thể tách rời khỏi mẹ thiên nhiên, vì tôi đang “vay mượn” từ nơi mẹ để được tồn tại thân xác này.

Theo Diệu Tâm - GNO
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng