Năm 2020 ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai rất bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mốc lịch sử bị “xô đổ”
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, nhìn vào diễn biến trong năm 2020 cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường và khó dự đoán. Ngay trong ngày đầu năm mới, chúng ta đã chịu ảnh hưởng của những đợt rét đậm, mưa đá diện rộng. Nét rõ ràng nhất của biến đổi thời tiết là từ đầu tháng 5, hoa sữa đã nở rộ cùng với bằng lăng, phượng vĩ trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Sau đó xuất hiện nắng nóng kỷ lục, mưa bão nhiều và tập trung hơn, mưa lớn cục bộ, lũ lụt cũng sâu, diện rộng và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Từ ngày 1 đến 20-10, khu vực Trung Bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió đông, dải hội tụ nhiệt đới với các vùng thấp phát triển lên thành áp thấp nhiệt đới và bão, cho nên đã xuất hiện mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt 1.000 đến 2.000 mm, có nơi 2.000 đến 3.000 mm, cao hơn 3 đến 5 lần so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, với nhiều điểm vượt giá trị lịch sử như: Khe Sanh 2.451 mm (TBNN là 329 mm), Huế 2.370 mm (TBNN là 494 mm)...
Do mưa lớn, trên các sông từ Hà Tĩnh đến bắc Bình Định và Kon Tum đã xuất hiện liên tiếp hai đợt lũ. Trong đó một số nơi đã có đỉnh lũ vượt mức lịch sử như trên sông Hiếu (Quảng Trị) tại Đông Hà là 4,69 m (ngày 8-10), vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 18-10, đỉnh lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà là 5,36 m, vượt qua mực nước lịch sử vừa được thiết lập; đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) là 5,24 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 m; đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 7,4 m, đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m.
Thực tế thiên tai năm 2020 theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, có nhiều yếu tố bất thường. Ngay từ đầu năm, hình thái thời tiết chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino (En Ni-nô), nhưng cuối năm lại chịu tác động của hiện tượng La Nina (La Ni-na. Vì vậy, thời tiết ở các khu vực trong cả nước có những diễn biến khá phức tạp. Nắng nóng gay gắt ngay từ đầu năm, bão và mưa lớn dồn dập vào cuối năm. Suốt từ ngày 5 đến 20-10, gần như ngày nào ở miền trung cũng xuất hiện mưa to đến rất to và lượng mưa của 20 ngày đầu tháng 10 nhiều nơi đã vượt so TBNN 100 đến 200%, thậm chí ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nhiều nơi còn vượt tới 300 đến 400% so TBNN.
Thiệt hại nặng về người và tài sản
Nhìn lại năm qua, có thể cảm nhận được sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai, sự khốc liệt, cực đoan, bất thường của thời tiết ngày càng không theo quy luật. Theo thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng, miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Trong đó có 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó chín đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ; 118 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; nhất là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22-10 tại khu vực Trung Bộ. Tính đến ngày 2-12, thiên tai đã làm 288 người chết, 65 người mất tích và 876 người bị thương; 3.424 nhà sập, 333.050 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 509.793 lượt nhà bị ngập. Ngoài ra, các loại hình thiên tai cũng làm thiệt hại 196.887 ha lúa và hoa màu; 51.923 con gia súc và 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; hàng nghìn ki-lô-mét đê kè, kênh mương, bờ sông, bờ biển, đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại về kinh tế lên đến hơn 35.181 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, dông, lốc, mưa đá đã xảy ra ngay từ đầu năm, nhiều trận trên phạm vi rộng; lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang. Ngay sau thiên tai, các địa phương chủ động bố trí các nguồn vốn dự phòng ngân sách của tỉnh, huyện và nguồn lực tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn 13,435 tỷ đồng, Cao Bằng 6,023 tỷ đồng, Lạng Sơn 460 triệu đồng, Lai Châu 7,558 tỷ đồng, Yên Bái hỗ trợ 2 đến 4 triệu đồng/hộ, Điện Biên 2,32 tỷ đồng, Sơn La 639 triệu đồng. Lường trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra khốc liệt, trên diện rộng, ngay từ cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm vào cuộc từ rất sớm ứng phó với hạn hán cho nên đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 530 tỷ đồng cho tám tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Sau đợt bão, lũ tại các tỉnh miền trung, cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương đã vào cuộc quyết liệt để khắc phục hậu quả thiên tai; huy động các lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, khôi phục sản xuất, các công trình hạ tầng thiết yếu…
Tuy nhiên, trong phòng, chống và đối phó thiên tai năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như khối lượng công việc khắc phục hậu quả quá lớn, đa dạng các lĩnh vực, phạm vi trên diện rộng, khắp các khu vực từ trên biển đến đồng bằng và miền núi, trong khi lực lượng phòng, chống thiên tai các cấp còn rất mỏng cho nên công tác tổng hợp thống kê thiệt hại, đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp chưa thực hiện kịp thời. Ngoài ra, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thấp. Các quy định về triển khai, cơ chế phối hợp còn hạn chế dẫn đến chưa kịp thời, hiệu quả một số nơi chưa cao. Quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai đã bộc lộ nhiều hạn chế cần cập nhật, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Chủ động phòng, chống
Bước sang năm 2021, theo dự báo, các hình thái thời tiết cực đoan ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Trong những tháng đầu năm 2021 vẫn có khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía nam Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Mùa khô 2020 - 2021, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Xâm nhập mặn ở Nam Bộ sẽ sớm và gay gắt hơn so TBNN.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nguyên nhân khách quan của tình trạng bão lũ, ngập úng, sạt lở đất cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong thời gian gần đây là do tác động của biến đổi khí hậu, bão, mưa lũ ngày càng cực đoan, bất thường, “bão chồng bão, lũ chồng lũ” thời gian kéo dài liên tục. Đáng chú ý, trong gần một tháng 10, liên tiếp xảy ra năm cơn bão (số 6, 7, 8, 9, 10), trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây. Mưa diện rộng đã gây lũ lớn trên báo động 3 tại 16 tuyến sông, trong đó bốn tuyến sông lớn vượt lịch sử, đặc biệt tại Lệ Thủy (sông Kiến Giang) vượt lịch sử năm 1979 là 0,95 m. Mặt khác, địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất vùng núi phần lớn là bở rời, dễ sạt trượt, kết hợp mưa vượt mức lịch sử nên lũ tập trung nhanh, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân ở một số nơi còn hạn chế, chưa thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai và xác định những nguy cơ rủi ro thiên tai trong cộng đồng nơi sinh sống, sản xuất do công tác tuyên truyền, phổ biến, đào tạo còn hạn chế, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Việc xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu, thuyền… cơ sở hạ tầng công cộng và nhà dân chưa bảo đảm sức chống chịu với diễn biến bão, lũ vừa qua. Mặt khác, một số nơi chưa lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong phát triển cơ sở hạ tầng; hệ thống thông tin, trang thiết bị cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế. Điều đáng nói nữa là phương châm “bốn tại chỗ” mới chỉ tập trung trong ứng phó và khắc phục hậu quả, chưa chú trọng việc phòng ngừa nên còn bị động khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, nhất là ở tuyến cơ sở còn mỏng, thiếu cả kỹ năng, trang thiết bị tối thiểu cho nên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống thiên tai. Theo đó, rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng toàn diện của thiên tai, nhất là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất đến tất cả các vùng, miền trong cả nước để lồng ghép, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng các kịch bản phòng ngừa, ứng phó phù hợp theo hướng kết hợp đa mục tiêu, từ đó ban hành các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể để xây dựng các thiết chế hạ tầng như đường giao thông, các công sở, nhà ở bảo đảm phù hợp, an toàn trước thiên tai. Mặt khác, cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, chính xác hơn, phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả; xã hội hóa các nguồn lực. Đồng thời, kiện toàn tổ chức, bộ máy phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp từ T.Ư đến địa phương; tăng cường trang thiết bị chuyên dụng, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai. Ưu tiên bố trí kinh phí trong giai đoạn đầu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và dự phòng ngân sách hằng năm của địa phương và trung ương cho công tác phòng, chống thiên tai.
Trong đó, đặc biệt ưu tiên tăng cường cho công tác trồng và quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển; chương trình nhà chống lũ, bão, công trình đê, kè, hồ đập, khu tránh trú tàu, thuyền; sửa chữa, nâng cấp văn phòng ban chỉ huy các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thúc đẩy xây dựng và triển khai chương trình ứng dụng khoa học - công nghệ cho công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với các vùng, miền và từng loại hình thiên tai. Ứng dụng vận hành hồ chứa hợp lý theo thời gian thực để bảo đảm an toàn công trình và hạ du. Tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm tốt phương châm “bốn tại chỗ” phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kết hợp lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, từ đó từng bước hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Trung Ngọc - NDĐT