Câu chuyện hôm nay
Thế giới năm 2008: Âu lo và thay đổi?
09:23 | 21/01/2009
Năm 2008 là một năm khá kỳ lạ và đặc biệt của loài người. Nửa năm đầu, cả nhân loại thăng hoa với các chỉ số chi tiêu mà ngay cả các chiến lược gia kinh tế cũng phải bàng hoàng. Nửa năm cuối, quả bóng phát triển, ổn định bị lưỡi dao oan nghiệt của khủng hoảng đâm thủng nhanh đến nỗi hàng ngàn đại gia bị phá sản rồi, vẫn chưa lý giải nổi hai chữ “tại sao”. Bất ổn và đổi thay còn chóng mặt hơn cả sự thay đổi của những đám mây. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật lại chọn từ “thay đổi” (kanji) là từ của năm, vì B. Obama đã chiến thắng đối thủ bằng chính từ này (change)...

1. Chiến thắng ngoạn mục của Barack Obama trong cuộc chạy đua đến ngai vị Nhà Trắng được Times bình chọn là “sự kiện, nhân vật của năm”, đẩy Olympic Bắc Kinh xuống vị trí thứ hai. Quả thật, B. Obama đã làm nên điều kỳ diệu nếu chúng ta nhớ lại rằng Hiến pháp Mỹ chỉ thừa nhận quyền công dân đầy đủ của người da đen năm 1965 – năm bắt đầu của cuộc đổ quân ồ ạt của Mỹ vào Việt Nam(!) Tài năng bẩm sinh về nghệ thuật hùng biện; thậm chí có tờ báo đã so sánh với Socrates, triết gia Hy Lạp cách đây 2.500 năm; sự tự tin và trình độ “net hoá” quảng cáo, quyên góp tài chính cho biết B. Obama là người của thế hệ mới. Sự kỳ thị chủng tộc phải lùi bước. Nhưng, vẫn còn một câu hỏi nhỏ: Phải chăng gốc gác châu Phi là điều mà giới tư bản tài chính Mỹ cần nhất lúc này, ít ra là để giải quyết các bế tắc ở vùng Trung Cận Đông, Phi châu và, kể cả châu Á? Đây là những vùng đất mà nước Mỹ từ hàng trăm năm nay luôn bị coi là kẻ xa lạ? Nếu phần chìm của tảng băng là đúng như thế thì tư duy chính trị Mỹ thật đáng phải nghiêng mình. Cơ sở của kết luận này đã phần nào hé lộ khi trong nội các của tân chính phủ Mỹ đã có một bộ trưởng gốc châu Á đầu tiên – TS Chu cũng như có không ít các đối thủ cũ của B. Obama. Mặt khác, cũng phải ghi nhận rằng đối thủ của ông ta, J. McCain đã quá già và quá thụ động.

2. Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất của thế giới kể từ năm 1929 đã giáng một đòn thật nặng vào tính hưởng thụ chủ quan của loài người. Vẫn biết nền kinh tế Mỹ có chu kỳ suy thoái, khủng hoảng trong khoảng trên dưới 15 năm. Nhưng không ai lường nổi mức độ trầm trọng lại lớn đến như thế. “Hàn thử biểu” của nền kinh tế là tốc độ - tức được quyết định bởi xăng dầu đã cho thấy sự bất ngờ. Giá dầu từ mức 147,27 USD/ thùng (11.7.2008) đã tụt xuống đến 43,67 USD (6.12.2008). Thị trường chứng khoán chao đảo, thất nghiệp tràn lan. Thế mới biết khi nền kinh tế Mỹ “hắt hơi” thì toàn cầu “sổ mũi”; và, khi người Mỹ sổ mũi thì thế giới bị cảm nặng. Bức tranh trước khi năm mới đến không có nhiều những nụ cười.
Sự kiện B. Madoff lừa đảo đến 50 tỷ USD có thể được coi là “thần thoại” trong một đất nước có sự kiểm soát về tài chính chặt chẽ như nước Mỹ. Nó cho thấy nền tài chính net hoá mong manh và dại dột đến mức nào.

3. Olympic Bắc Kinh đã làm nên cả một huyền thoại về sự kỳ vĩ, đan xen cả quá khứ và hiện tại, cái không thể mất đi và cái đang hiện hữu, giống như Trung Quốc ngày nay đang muốn nhắc nhở thế giới rằng con rồng Trung Hoa đã tỉnh giấc. Thì ra, như Cổ học tinh hoa đã nói, trong cái rủi bao giờ cũng có cái may. Vì lỡ hẹn năm 2004 (thất bại trong tranh chấp với Sidney ) nên người Trung Quốc mới có thể tiến hành Olympic “của mình” vào 08h08’08”08.08.08. Quả là một cách nghĩ - thể hiện đáng trân trọng.
Olympic Bắc Kinh đã lập nên nhiều kỷ lục như số VĐV đông nhất, màn khai mạc ấn tượng và đặc sắc nhất... Tuy nhiên, M. Phelps là kỷ lục vĩ đại bởi 8 HCV mà VĐV Mỹ giành được rất có thể là giới hạn cuối cùng mà cơ bắp, ý chí con người có thể vượt qua, bởi đến một ngưỡng nào đó, con người không thể “nhanh hơn nữa, cao hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

4. Trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc là thảm hoạ lớn nhất của con người trong năm. 69.226 người chết và 17.923 người mất tích là nỗi đau khủng khiếp của loài người. Điều đau xót là tai hoạ không chỉ vì “bà mẹ trái đất nổi giận” mà hàng ngàn học sinh đã bị cướp đi mạng sống bởi... chính con người(?). Hàng trăm ngôi trường do tham nhũng, tắc trách nên sụp đổ một cách quá dễ dàng. Bây giờ thì không thể có cơ hội để nói rằng tham nhũng chỉ gây nên sự thiệt hại về kinh tế mà nó còn huỷ hoại cả đạo đức, văn hoá, truyền thồng và mọi giá trị thiêng liêng khác. Phải chăng chúng ta tiến thêm một bước về phía sự xênh xang vật chất thì lại tự huỷ hoại đi một phần sự giàu có tinh thần? Nếu đúng thế thì cố sức làm giàu thật nhanh để làm gì?
Thiên tai ngày càng nặng nề là một thực tế rõ ràng. Bão tố ở Cu Ba, lũ lụt ở , Việt ..., đang cảnh báo một cách nghiêm khắc về việc con người coi thường trời, đất. Việt đứng thứ 5 trong danh sách chịu nhiều hiểm hoạ từ thiên nhiên trong năm qua là một “thông điệp” nhức nhối. Tại sao con người có thể đang tâm huỷ hoại môi trường sống của chính mình? Phải chăng đặc tính “sống gấp”, bất kể ngày mai, bất kể tương lai của cháu con đã làm mờ mắt không ít kẻ thiển cận, tham lam? Làm thế nào để ngăn chặn chúng? Tiếng kêu cứu về đạo đức dường như chỉ là nụ cười giễu cợt cho cái lẽ quấy quá, nhập nhằng.

5. Nạn khủng bố có vẻ không “động trời” như trước nhưng thật ra đang gia tăng tính ác độc và nguy hiểm. Vụ tàn sát dân lành ở Mumbai (Ấn Độ, cuối tháng 11.2008) do tổ chức Lashkar-e-Taiba (Ấn Độ, cuối tháng 11.2008) làm chết và bị thương hàng trăm người là một dẫn chứng điển hình. Tổ chức “Đạo quân thanh khiết” – Lashkar-e-Taiba quả là một trong những điều mai mỉa nhất của thế giới đương đại. “Thanh lọc” máu của người dân thường bất kể quốc tịch để thay bằng sự thù hận, chết chóc trở thành mục đích của những kẻ cuồng tín.
Thực tế chống khủng bố mà TT G. Bush tiến hành suốt 8 năm qua chứng tỏ rằng kết quả đích thực vẫn là đường chân trời mờ mịt bóng tối. Tại sao con người không thể ngồi lại với nhau để giải quyết một cách hoà bình là câu hỏi tương tự như tên gọi Jérusalem (Thành phố Hoà bình) kể từ khi thành lập (1.225 tr.CN), suốt hơn 3.000 năm, tại sao không một tuần lễ nào không có máu đổ? Điều mà loài người không thể giải quyết được sau mấy ngàn năm chắc hẳn vẫn tiếp tục bất lực lâu dài?

6. Sự bất ổn chính trị vẫn tiếp tục là người bạn đường quen thuộc của thế giới. Thắng lợi của Hamas (Nhiệt huyết lửa) ở Palestine; cái “chết” về chính trị của Musharraf ở Pakistan; việc trong vòng 4 tháng, Thailand có đến 3 thủ tướng, cuộc chiến tranh Gruzia – Nga (đầu tháng 8.2008)...; là một sự “lặp lại” nữa của lịch sử khi “nó” phán quyết rằng thời đại net, toàn cầu hoá – con người trở nên gần gũi hơn, có nghĩa là sẽ va chạm với nhau nhiều hơn.
Nền chính trị thế giới năm nay có khá nhiều chuyện khôi hài. Cả một đảng phái có bề dày siêu đẳng như đảng Cộng hoà của nước Mỹ lại tin rằng bỏ ra 100.000 USD tiền trang phục cho S. Palin là có thể thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng(?). Thống đốc bang Illinois Rod Blagojevich dám rao bán cả chiếc “ghế cũ” của TNS Obama cũng là chuyện độc nhất vô nhị. TT G. Bush trở thành sự bi hài số 1 khi ông suýt bị cả một đế giày “hôn” vào mặt ở Iraq. Đối với cơ quan mật vụ Mỹ, chắc chắn đó là chiếc giày khủng khiếp nhất trong lịch sử vì cả một “kỹ nghệ” an ninh bậc nhất thế giới chỉ có thể khống chế được đường bay của nó sau khi chiếc giày đã... rơi!

7. Năm 2008, thế giới ôn lại nhiều kỷ niệm. 160 năm ra đời của Chủ nghĩa Marx (1848 – Tuyên ngôn Đảng Cộng sản) chứng minh rằng sức sống của một tư tưởng lớn luôn trường tồn, bất chấp mọi sự chỉ trích, xuyên tạc. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc cách đây 90 năm (11.11.1918) nhắc nhở con người về sự bạo tàn của lợi ích vị kỷ. Vì quyền lợi, các tập đoàn đế quốc có thể “chớp mắt” để “biến” 10 triệu người thành cát bụi. Đó là bài học không cũ bao giờ. 40 năm kỷ niệm Tết Mậu Thân lý giải thêm vì lẽ gì mà những “bộ đội Cụ Hồ” có thể làm cho một tổng thống có chỉ số IQ cao nhất trong các đời TT Mỹ là Lyndon B. Johnson, trở thành một bức biếm hoạ của chiến tranh. 7 thế kỷ đã qua kể từ khi Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ biệt cõi đời (1358) nhưng vẫn chưa có một ai có thể làm được những điều như ông đã làm dù chỉ có 50 năm sống: Hai lần đánh thắng quân Nguyên, mở mang bờ cõi Nước Việt... Hơn thế nữa, đó là con người có chữ “nhân” luôn mang theo suốt cả cuộc đời.

8. Việt Nam đạt được rất nhiều thành công cho dù bức tranh thế giới xạm buồn. Tốc độ phát triển kinh tế đạt gần 6,5%, thu hút đầu tư nước ngoài lên đến 60 tỷ USD... Điều đặc biệt lớn lao là ước mơ vượt qua ngưỡng cửa đói nghèo từ hàng ngàn năm nay (tiêu chí chung của thế giới là 1.000 USD/người/năm) sắp trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, nụ cười của chúng ta chưa thật sự... tròn bởi nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, nền giáo dục đang làm cả xã hội âu lo, tệ nạn các loại có chiều hướng gia tăng, khả năng cạnh tranh sút giảm... Vượt qua khó khăn không chỉ là mệnh lệnh mà còn là nguyên tắc của lẽ sống còn.

Chia tay với năm 2008, loài người đang tìm cách để học hỏi cách sống chung với lạm phát, suy thoái, bất ổn, sợ hãi. Hy vọng rằng năm 2009 sẽ tốt hơn. Đó cũng là cách an ủi mà loài người, thông qua các lời ru và mong ước, đã tự răn dạy mình từ rất lâu rồi...
          HÀ VĂN THỊNH
(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thư Sông Hương (18/03/2008)