Câu chuyện hôm nay
Vài nét về thành phố Huế trong quá trình lên đô thị loại I
09:26 | 13/04/2009
Trong quá khứ, mảnh đất Phú Xuân - Huế đã được chọn để đóng đô thành của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi đến kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn Nguyễn Huệ, sau nữa là kinh đô Việt Nam thống nhất dưới thời họ Nguyễn Phúc trị vì và cuối cùng trở thành cố đô từ sau Cách mạng Tháng 8.1945. Huế đã và đang là thành phố Festival - một thành phố lễ hội mang nhiều thành tố văn hóa đặc trưng của Việt Nam theo một quy chế đặc biệt. Để có cái nhìn khách quan về lịch sử, thiết nghĩ, chúng ta hãy điểm lại vài nét quá trình đi lên của thành phố Huế để trở thành đô thị loại I - đô thị đặc biệt hôm nay.

I. Huế là thị xã từ năm 1889 đến 1929.

Trước sức ép của sự phát triển theo hướng ngày càng “hiện đại” và của chế độ thiết lập, năm Thành Thái thứ 11, ngày 12.7.1899, nhà vua đã ban Dụ thành lập thị xã Huế. Ranh giới thị xã được xác lập xen giữa kinh đô Huế; bao gồm các vùng phụ cận quanh kinh thành và dải đất dọc theo bờ nam sông Hương, tức là trục đường Lê Lợi nối từ cầu Ga đến Đập Đá ngày nay.

Kể từ năm thành lập 1899, đến khi lên cấp thành phố vào năm 1929, thị xã Huế có ba lần mở rộng ranh giới:

- Lần thứ nhất vào ngày 22.6.1903 theo Dụ của vua Thành Thái.

- Lần thứ hai vào ngày 9.5.1908 theo Dụ của vua Duy Tân.

- Lần thứ ba vào ngày 21.11.1921 theo Dụ của vua Khải Định.

Cả ba lần mở rộng thị xã đều ở về phía nam sông Hương. Lúc bấy giờ thị xã Huế có 9 phường gồm: Phường Đệ Nhất (vị trí phường Phú Hòa ngày nay); Phường Đệ Nhị (vị trí phường Phú Bình bây giờ); Phường Đệ Tam (nay một phần đất phường Phú Thuận); Phường Đệ Tứ (cũng một phần của phường Phú Thuận); Phường Đệ Ngũ (nay là phường Phú Cát); Phường Đệ Lục (nay một phần đất phường Phú Hiệp); Phường Đệ Thất (nay một phần phường Phú Hiệp và Phú Hậu); Phường Đệ Bát (gồm các phường Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phú Hội bây giờ); và Phường Đệ Cửu (nay thuộc phần đất phường Trường An và Phường Đúc).

Mặc dù đã là thị xã, xen giữa kinh đô, nhưng phần đất đai và dân cư ngoài kinh thành Huế vốn thuộc địa phận làng nào của huyện Hương Trà, Hương Thủy hay Phú Vang thì đều do các huyện ấy cai quản.

II. Huế lên cấp thành phố từ năm 1929 đến 1945.

Sau 30 năm kể từ khi thành lập, đến ngày 12.12.1929 thị xã Huế mới được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn nâng cấp lên thành phố - là thành phố đô thị loại 3, mà người ta quen gọi là “thành phố loại 3”. Bộ máy hành chính thành phố lúc bấy giờ do viên Công sứ Pháp ở phủ Thừa Thiên kiêm nhiệm luôn chức Đốc lý, điều hành mọi công việc quản trị hành chính. Giúp việc cho Đốc lý có Phó đốc lý đồng thời là Phó công sứ. Ngoài ra còn có một Hội đồng thành phố được thành lập, cũng do viên Đốc lý người Pháp làm Chủ tịch.

Năm 1932, vua Bảo Đại du học từ Pháp về nước. Qua năm sau ông ra Sắc lệnh số 41, chuẩn y việc chỉnh đốn công tác quản lý và điều hành thành phố Huế. Kể từ năm 1935, thành phố Huế mới chính thức trở thành đơn vị hành chính độc lập, không còn nhập nhằng ranh giới xen với các huyện Hương Trà, Hương Thủy nữa; phần đất nào thuộc các phường thì sáp nhập hẳn vào thành phố quản lý. Chức danh đứng đầu thành phố gọi là Bang tá, ngang hàng Tri huyện. Bang tá điều hành công việc hành chính là người Việt, nhưng vì theo chế độ Bảo hộ cho nên làm việc vẫn dựa vào lề lối thống thuộc viên đốc lý là Công sứ Pháp ở Thừa Thiên, thành thử quyền hành chẳng ra gì.

Trụ sở thành phố lúc bấy giờ đóng phía sau trại Thừa Phủ, chỗ để xe đạp hiện nay của Bệnh viện Trung ương Huế. Người giữ chức Bang tá thành phố Huế đầu tiên là Luật sư Trần Ngọc Liễng.

Vào thời điểm thành phố Huế là đơn vị hành chính riêng biệt, trong Thành nội tức khu vực kinh thành (trừ Đại nội) gồm có 10 phường: Tây Lộc, Tây Linh, Trung Hậu, Phú Nhơn, Vĩnh An, Thái Trạch, Trung Tích, Huệ An, Thuận Cát, Tri Vụ.

Ngoài kinh thành và nam sông Hương có 11 phường gồm: phường Phú Bình, Phú Thịnh, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Vĩnh, Phú Ninh, Phú Cát, Phú Mỹ, Phú Thọ và Phú Hậu. Tổng cộng thành phố Huế có 21 phường. Đứng đầu mỗi phường có chức Lý trưởng, tồn tại như vậy cho đến ngày 23.8.1945 trước giờ phút lịch sử cáo chung của chế độ quân chủ Việt Nam.

III. Từ 1946 đến 1975 Huế vừa là thị xã vừa là thành phố.

Sau Cách mạng Tháng 8.1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vẫn cho duy trì các kỳ: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ. Qua năm sau mới đổi các kỳ thành bộ: Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ. Còn về cấp thành phố, theo Sắc lệnh số 77 ngày 21.12.1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời quy định: “Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn - Chợ Lớn đều đặt làm thành phố”. Và ở mỗi thành phố sẽ đặt ba cấp cơ quan: Hội đồng Nhân dân thành phố, Ủy ban Hành chính thành phố và Ủy ban Hành chính khu phố.

Thành phố Huế lúc ấy được chia thành 8 khu phố, gồm: Khu phố 1 là khu vực bên trong Nội thành; Khu phố 2 bao gồm Phú Hòa, Phú Bình; Khu phố 3 là khu vực Kim Long, Phú Thịnh và một phần Phú Bình; Khu phố 4 là vùng Bãi Dâu, Phú Mỹ, Phú Hiệp, Phú Cát, Thế Lại; Khu phố 5 thuộc vùng Vỹ Dạ, Cồn Hến, Hô Lâu, Thọ Lộc, Diễn Phái; Khu phố 6 là Phú Xuân, Bình Lục, Xuân Đài, Phú Nhuận, Phú Hội; Khu phố 7 bao gồm khu vực Vĩnh Ninh, Phước Quả, Bình An, Trường An, Lịch Đợi, Phường Đúc; Khu phố 8 gồm toàn bộ 11 vạn đò lập làng trên sông nước ở khu vực quanh kinh thành Huế.

Như vậy, đến hết năm 1945 Huế vẫn là cấp hành chính thành phố. Nhưng đến ngày 24.01.1946, theo Sắc lệnh số 02 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, quy định: “Cho đến khi có lệnh mới, các thành phố Nam Định, Vinh - Bến Thủy, Huế và Đà Nẵng tạm coi là thị xã”. Tháng 8.1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lại ký một Sắc lệnh mới, số 153: “Cho sáp nhập kinh thành Nội vào thành phố Thuận Hóa”. Vậy là, từ thị xã Huế lại được đổi tên và nâng cấp lên làm thành phố Thuận Hóa.

Sau năm 1946, ngày Huế vỡ mặt trận, Chính quyền Cách mạng non trẻ rút lên chiến khu, và từ đây thành phố Thuận Hóa lại được “hạ cấp” làm thị xã Thuận Hóa. Cấp hành chính này kéo dài đến tháng 7.1954, ngày kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Còn ở vùng nội đô, nơi quân Pháp chiếm đóng, Huế vẫn là cấp thành phố. Tháng 7 năm 1949, cựu hoàng Bảo Đại từ nước ngoài được Pháp dựng lên, trở về Huế để chấp chính với danh nghĩa Quốc trưởng của cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”. Địa danh Trung kỳ - xứ An Nam lúc ấy đổi thành Trung Việt.

Sau Hiệp định Geneve ký ngày 20.7.1954, lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt tạm thời làm hai miền. Ngày 24.10.1956, Tổng thống chính quyền Sài Gòn ký Sắc lệnh số 57A, mà theo Sắc lệnh này, Huế trở thành đơn vị hành chính thị xã. Là thị xã nhưng bên dưới có hai quận Nội thành là quận Tả Ngạn và Hữu Ngạn. Chức vụ Thị trưởng Huế do Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm nhiệm.

Cũng theo tinh thần Sắc lệnh này, 10 phường bên trong kinh thành Huế vẫn được giữ nguyên, còn các phường bên ngoài kinh thành từ Đệ Nhất đến Đệ Cửu thì cho đổi tên và chia làm 11 phường mới. Sau đấy lại cho thành lập thêm một phường nữa, tức phường Đại Nội (phường này không có nhà dân); như vậy thị xã Huế lúc ấy có 22 phường và 11 vạn đò “bạ” vào.

Cuối năm 1961, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam nhận rõ vai trò quan trọng của đô thị Huế, đã quyết định thành lập Ban cán sự Đảng đặc biệt để lãnh đạo chỉ đạo sâu sát phong trào cách mạng ở Huế. Qua năm 1962, tổ chức Ban cán sự Đảng ở đây chính thức trở thành Thành ủy Huế. Thành ủy lúc ấy có vị trí mới, đặt ngang cấp Tỉnh ủy Thừa Thiên; nghĩa là đồng cấp đều trực thuộc khu V. Người Bí thư Thành ủy bấy giờ là ông Ngô Thúc Trưu với các bí danh Ngô Hà, Ngô Lén, Hà Lén là Khu ủy viên khu V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên trước đó.

Như vậy “đơn vị hành chính” thị xã Huế đối với Chính quyền cách mạng lại được nâng lên cấp thành phố từ đây, và được chia thành ba quận gồm: quận Tả (Tả Ngạn), quận Hữu (Hữu Ngạn) và quận Thành Nội.

Về phía chính quyền Sài Gòn, ngày 19.6.1967, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp trung ương ký nghị định số 1455, chia thị xã Huế thành ba quận: Quận Nhất, Quận Nhì, Quận Ba.

Quận Nhất có 10 phường gồm: phường Trung Tích, Thái Trạch, Trung Hậu, Phú Nhơn, Tây Linh, Vĩnh An, Thuận Cát, Tri Vụ, Huệ An và Tây Lộc.

Quận Nhì có 7 phường gồm: phường Phú Cát, Phú Mỹ, Phú Thọ, Phú Hậu, Phú Hòa, Phú Thịnh, Phú Bình và 11 vạn đò Trường Độ, Tân Bửu, Lành Canh, Ngư Hộ, An Hội, Đông Ba, Thanh Long, Chợ Dinh, Bãi Dâu, An Hòa, Kẻ Vạn “bạ” vào.

Quận Ba có 4 phường gồm: phường Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Ninh và Phú Vĩnh.

Đến ngày 4.5.1968, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn lại ký lệnh cho chuyển 22 phường và 11 vạn đò thành 31 khóm dân cư trực thuộc 10 khu phố gồm: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Hiệp, Phú Cát, Phú An, Vĩnh Ninh và Vĩnh Lợi. Thiết chế và tổ chức khu phố kiểu này của thị xã Huế dưới chế độ Sài Gòn tồn tại cho đến 26.3.1975 khi quê hương Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Kể từ đây, Huế nghiễm nhiên trở thành đơn vị hành chính cấp thành phố - là một thành phố văn hóa đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

IV. Thành phố Huế - đô thị loại III từ năm 1976 đến 1992.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Chính phủ lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc sáp nhập ba tỉnh và một đơn vị hành chính là Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh ở miền Bắc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ở miền Nam thành một tỉnh lấy tên là Bình Trị Thiên. Tỉnh lỵ đóng tại thành phố Huế. Đến tháng 6 năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên chính thức đi vào hoạt động. Tỉnh Bình Trị Thiên lúc mới sáp nhập gồm có 20 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Đến tháng 3 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới một số huyện thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Đến lúc ấy Bình Trị Thiên có 14 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Huế trở thành tỉnh lỵ của Bình Trị Thiên rộng lớn, xem ra lịch sử có phần lặp lại giống như thời châu Hóa từng là vị trí thủ phủ của xứ Thuận Hóa xưa vậy.

Sau mấy năm sáp nhập tỉnh, do sức ép gia tăng dân số và sự phát triển về nhiều mặt của thành phố tỉnh lỵ - Huế được mở rộng thêm sang phần đất của các huyện theo Quyết định số 64-HĐBT ngày 11.9.1981 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Địa giới hành chính thành phố Huế lúc này: phía đông tiếp giáp xã Thủy Phương huyện Hương Thủy (Hương Phú cũ); phía tây tiếp giáp và bao gồm cả xã Hương Phong, Hương Vinh huyện Hương Trà (Hương Điền cũ); phía nam đến tận khu kinh tế mới Bình Điền huyện Hương Trà; phía bắc giáp biển đông bao gồm các xã Phú Tân, Hương Hải của huyện Phú Vang (Hương Phú cũ). Tổng cộng thành phố Huế lúc ấy có 33 phường, xã.

Đến tháng 01 năm 1983, theo đề nghị của tỉnh Bình Trị Thiên, Hội đồng Bộ trưởng lại ra Quyết định số 03-HĐBT cho phép thành phố Huế thành lập, phân vạch địa giới và chuyển đổi một số xã thành phường:

Lấy khu kinh tế Bình Điền 01 thành lập xã Bình Điền; khu kinh tế mới Bình Điền 02 để lập xã Bình Thành.

Cắt 10 tổ dân phố của phường Vĩnh Lợi và 01 thôn của xã Thủy An để lập phường An Cựu. Tách khu vực Lịch Đợi của phường Vĩnh Ninh và thôn Thương Năm của xã Thủy Xuân để lập phường Phường Đúc.

Chia xã Hương Hải thành hai xã Hải Dương và Thuận An. Lại chia phường Phú Thuận thành hai phường Phú Bình và Phú Thuận.

Chuyển đổi các xã nhập vào thành phố từ tháng 9.1981 là xã Thủy Phước, Thủy Trường, Thủy Phú, Hương Lưu, Xuân Long thành các phường Phước Vĩnh, Trường An, Xuân Phú, Vỹ Dạ và Kim Long.

Như vậy, tính đến tháng 03 năm 1983, thành phố Huế - đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên có Huế 40 phường, xã. Huế là thành phố vừa có núi non, sông ngòi, đồng ruộng lại vừa có đầm phá, biển cả bao bọc chung quanh tỉnh lỵ giàu dấu kiềm ấn văn hóa và di tích lịch sử dân tộc, cách mạng của tỉnh Bình Trị Thiên...

Trải qua một quãng thời gian, sau hơn 3 năm đất nước đi vào con đường đổi mới, sau 13 năm 4 tháng sáp nhập tỉnh, dân Bình Trị Thiên “về trong một nhà”; thể theo ước nguyện của nhân dân, nhất là dân ở xa tỉnh lỵ, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5 đã ra Nghị quyết: Chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (Riêng khu vực Vĩnh Linh trước đây trở lại đơn vị cấp huyện nằm trong tỉnh Quảng Trị như vốn có của lịch sử). Ngày 01.7.1989 cả ba tỉnh chính thức đi vào hoạt động.

Tỉnh Thừa Thiên Huế mới có 5 đơn vị hành chính gồm thành phố Huế tỉnh lỵ và 4 huyện: Hương Điền, Hương Phú, Hương Phú, Phú Lộc và A Lưới.

Sau hơn một năm, khi đã ổn định tình hình hoạt động của đơn vị hành chính cấp tỉnh, đến tháng 9 năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT cho phép Thừa Thiên Huế điều chỉnh phân lại địa giới các huyện và thành phố Huế.

Do có sự điều chỉnh để thành lập lại các huyện như thời chưa sáp nhập, nên một số xã của các huyện và thành phố Huế được trả lại các huyện cũ trước đây.

Chia huyện Phú Lộc thành hai huyện Nam Đông và Phú Lộc. Huyện Hương Phú chia thành hai huyện Phú Vang và Hương Thủy. Huyện Hương điền chia thành ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà. Huyện A Lưới vốn không sáp nhập, giữ như trước.

Thành phố Huế sau khi “trả” 17 xã về cho các huyện Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy thì còn lại 23 phường, xã: các phường Phước Vĩnh, Trường An, Vĩnh Ninh, Vĩnh Lợi, An Cựu, Xuân Phú, Phường Đúc, Vỹ Dạ, Kim Long, Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Cát, Phú Bình, Phú Hiệp, Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc và các xã Thủy An, Thủy Biều, Thủy Xuân, Hương Long, Hương Sơ với 6.777,20 ha diện tích tự nhiên và 259.838 nhân khẩu.

V. Thành phố Huế - đô thị loại 2, giai đoạn từ tháng 10.1992 đến tháng 9.2005.

Căn cứ vào vị trí đặc trưng của thành phố Huế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và quần thể di tích lịch sử Cố đô của cả nước. Đồng thời khẳng định sự vươn lên về chất của một thành phố cũng như tạo điều kiện để xây dựng đô thị Huế thành một trung tâm phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế chuyên sâu của quốc gia. Ngày 24.9.1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã Quyết định công nhận thành phố Huế là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh.

Trải qua một chặng đường dài, kể từ khi kinh đô Huế xác lập là thị xã, rồi lên thành phố đô thị loại 3, đô thị loại 2 và không ngừng phát triển cho đến hôm nay; Huế đã có những bước chuyển mình vượt trội cả về chất và lượng. Bằng sức mình là chính, nhân dân Thừa Thiên Huế anh hùng đoàn kết một lòng xây dựng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng bền vững, hiện đại trên cơ sở những giá trị văn hóa tinh thần dân tộc.

Vậy, chúng ta hãy điểm qua vài sự kiện quan trọng có tính lịch sử để cảm nhận phần nào hướng đi lên của Huế trong một tương lai gần:

Tháng 10 năm 1992, thành phố Huế lên đô thị loại 2.

Tháng 12 năm 1993, quần thể Di tích lịch sử Cố đô Huế được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Tháng 4 năm 2000, được sự đồng lòng của nhiều cấp nhiều ngành từ địa phương đến Trung ương ủng hộ; Chính phủ đã chọn thành phố Huế để tổ chức Festival - đây là một lễ hội lớn mang tầm quốc gia, quốc tế để giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ra thế giới, đồng thời mở rộng giao lưu hợp tác với văn hóa nghệ thuật thế giới.

Tháng 5 năm 2002, thành phố Huế lại tưng bừng tổ chức Festival lần hai. So với lần trước, Festival lần này có nhiều bước hoàn chỉnh hơn về tổ chức cũng như chương trình lễ hội.

Sau nhiều năm xác lập hồ sơ, tổ chức bảo vệ trước Hội đồng Di sản Thế giới - tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam mà tiêu biểu là Nhã nhạc Cung đình Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được Unesco công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại.

Tiếp theo những lần Festival trước, tháng 5 năm 2004, Chính phủ lại cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival lần thứ ba.

Những lần tổ chức Festival Huế, ngoài chương trình chính thức của lễ hội, thường có thêm những hoạt động văn hóa nghệ thuật mang tính quốc tế bổ trợ. Chẳng hạn từ năm 2000 đến 2004, Huế đã mở thành công ba Trại điêu khắc quốc tế. Tham dự trại có nhiều nghệ sĩ tài danh của các châu lục và họ đã tặng lại cho Huế một khối lượng tác phẩm nghệ thuật đa dạng, giàu tính nhân văn, góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp và giá trị cho văn hóa Huế.

Tháng 7 năm 2005, thành phố Huế lại có thêm một chương trình văn hóa mang tính quốc gia, đấy là: Festival chuyên đề về làng nghề truyền thống. Từ thành công của Festival nghề Huế lần này, thành phố Huế dự kiến từ năm 2005 trở về sau, cứ vào năm lẻ, xen giữa Festival quốc tế tổ chức năm chẵn, tại Huế sẽ diễn ra lễ hội chuyên đề về ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam.

Bên cạnh các lễ hội có quy mô lớn, Huế còn thường xuyên mở ra các cuộc triển lãm nghệ thuật, giới thiệu sản phẩm, hội chợ việc làm, các hội thảo quốc gia quốc tế, đồng thời mở rộng các hoạt động du lịch, dịch vụ với nhiều loại hình phong phú...

Trong hướng phát triển đô thị hiện đại, mấy năm nay thành phố Huế không ngừng mở rộng các khu đô thị vệ tinh ra cả bốn phía. Cùng với việc xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng thành phố; hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đã được đầu tư nâng cấp cả về chất lượng đào tạo; đã có nhiều trung tâm nghiên cứu chuyên sâu của quốc gia về văn hóa nghệ thuật, y tế, khoa học công nghệ, tin học, tôn giáo... hình thành lên từ Huế.

Thừa Thiên Huế đang hoàn chỉnh hồ sơ gửi Unesco để bảo vệ dòng sông Hương thơ mộng chất chứa đầy huyền thoại sớm được công nhận là Di sản Thiên nhiên của Nhân loại.

Quả thực, thành phố Huế là nơi có một không có hai của Việt Nam.

Huế đã và đang xây dựng nên một thành phố văn hóa đặc biệt - thành phố Festival văn hóa nghệ thuật của Việt Nam theo hướng bảo tồn, phát triển.

Hiện nay thành phố có 25 phường, xã với hơn 320.000 dân, chưa kể số sinh viên học tại 11 trường Đại học, Cao đẳng.

Chính vì vậy, ngày 24.8.2005 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg công nhận thành phố Huế là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã diễn ra tưng bừng và trên khắp mọi ngả đường của thành phố Huế vào sáng ngày 01.10.2005.

“Đây là sự ghi nhận hết sức quan trọng của Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương đối với sự phát triển về chất của đô thị Huế và cũng là tiền đề quan trọng để Huế vươn lên phát triển xứng đáng là một trong sáu đô thị cấp quốc gia”.

DƯƠNG PHƯỚC THU
(200/10-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng