Câu chuyện hôm nay
Sự hình thành, phát triển hệ thống đường phố & việc đặt tên đường phố ở Huế trong thế kỷ XX
08:53 | 15/04/2009
I. Sự hình thành và phát triển hệ thống đường phố ở Huế: Trước khi Huế được chọn để xây dựng kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, đất Phú Xuân - Huế kể từ năm 1738 đã là nơi đóng đô thành văn vật của xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Rồi Phú Xuân lại trở thành kinh đô Đại Việt của nhà Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh toàn thắng quân Tây Sơn; từ Thăng Long ông trở về Phú Xuân, chọn lại đất ấy, lấy ngày lành, lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia Long. Tháng 5 năm 1803, nhà vua sai người ra ngoài bốn mặt thành Phú Xuân, xem xét thực địa, định giới hạn để xây dựng kinh thành mới. Trên cơ sở mặt bằng thành Phú Xuân cũ, lấy thêm phần đất của 8 làng cổ lân cận, mở rộng diện tích để xây dựng nên một kinh thành rộng lớn hơn trước. Cùng với việc xây dựng thành quách, cung điện, nha lại, sở ty... thì đường sá trong kinh thành cũng được thiết lập.

Buổi đầu dưới triều Gia Long (1802 - 1820), hệ thống đường sá trong kinh thành còn thưa thớt và rất nhỏ hẹp, mặt đường chủ yếu rải bằng đất hoặc đá sỏi tự nhiên; chỉ những đoạn dẫn vào các công đường quan trọng thì được lát bằng gạch; hai bên đường trong kinh thành chưa có lề.

Đến triều Minh Mạng (1820 - 1840), đường sá và các công trình xây dựng trong kinh thành mới thực sự phát triển: nhà vua cho mở rộng nhiều con đường cũ trước đó rồi mở thêm nhiều đường mới ở trong nội thành và ra cả bốn phía ngoài mặt thành...

Ở vùng phụ cận như Gia Hội, Bãi Dâu, Vỹ Dạ đường sá hình thành muộn hơn. Vốn dĩ đất những nơi ấy thuộc hai huyện Phú Vang, Hương Trà được triều đình trưng dụng sau khi tình hình triều chính đã ổn định, để ban cấp cho các ông hoàng bà chúa, các quan đại thần có nhiều công tích đang làm việc tại triều đình để lập phủ, dựng nhà tạo vườn. Từ đó, theo đấy mà mở ra những đường ngang lối dọc như ô bàn cờ vậy. Ở vùng phụ cận này, chỉ trong một thời gian ngắn, do nhu cầu và địa thế của cửa ngõ đông bắc kinh thành, rất thuận lợi cho thuyền bè ra vào từ phố cảng cổ Thanh Hà, Bao Vinh lên cửa Trài mà có nhiều người vốn gốc gác từ nhiều vùng quê khác nhau trong nước, lại có cả người nước ngoài như Hoa kiều, Ấn kiều đến đây buôn bán, lập nghiệp. Từ đấy, những chợ quán, phố hàng, ngành nghề thủ công, phường hội, đình chùa, trường học, nhà hát nhanh chóng được thiết lập. Hệ thống đường sá cũng theo đấy mà phát triển. Chính vì vậy mà khu vực này tiếp cận được cả hai hệ thống giao thông: đường sông từ Bao Vinh lên từ Kim Long xuống, đường bộ từ phía kinh thành sang, nên sớm chuyển mình, trở thành nơi giao thương buôn bán. Và chỉ mấy chục năm sau, nơi đây đã là một khu phố buôn sầm uất của kinh đô Huế.

Đối diện mặt trước kinh thành ở bờ nam sông Hương, đến giữa cuối thế kỷ 19, khi xứ đất này còn thuộc quyền quản nhiệm của dân làng An Cựu, triều đình cho trưng thu rồi bồi hoàn bằng đất ở vùng khác cho dân; lấy đất này để mở rộng kinh sư, kiến thiết đường sá, xây dựng thêm nhiều công trình khác.

Từ khi thực dân Pháp chiếm trọn Nam Kỳ, rồi đem quân đánh lấn ra các tỉnh, tạo thế bao vây cô lập kinh đô Huế. Và khi đã đến Huế, ép buộc vua tôi Tự Đức phải cắt đất ở bờ nam sông Hương giao cho họ lấy chỗ đóng đồn binh. Dần dà lấy thêm nhiều khoảnh đất nữa để họ dựng Tòa Khâm, đặt sở dây thép, trạm thu thuế, mở trường Dòng, xây nhà thờ Thiên chúa, lập bệnh viện, mở kho bạc, khách sạn, vũ trường... thì hệ thống đường sá ở đây cũng được hình thành một cách nhanh chóng.

Người Pháp cho mở thêm một số con đường chạy dọc hai bên bờ sông An Cựu, Hương Giang và dựng lên cạnh đấy những ngôi biệt thự có dạng kiến trúc giống lối Âu Tây, mà đa số những biệt thự này đều hướng mặt ra hứng gió từ các dòng sông thổi vào. Với tốc độ kỹ thuật “Văn minh kiến trúc phương Tây” lúc bấy giờ, chỉ trong vòng 30 năm, kể từ khi người Pháp khởi công xây dựng Tòa Khâm 1875, cho đến những năm đầu thế kỷ 20, khu vực nam sông Hương nhanh chóng phát triển, sớm hình thành nên vóc dáng một đô thị mới với những “dãy dọc tòa ngang”; hệ thống đường sá bước đầu đã thuận lợi cho cả xe ngựa, xe kéo hai chiều và các loại phương tiện khác. Vào năm 1896, khi người Pháp cùng với Nam triều bắc cây cầu Trường Tiền nối đôi bờ sông Hương thay cho chuyến đò ngang khó nhọc, đến năm 1900 mới hoàn thành thì đường bộ qua lại hai bờ cũ và mới được thông suốt và thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Từ vị trí kinh đô của cả nước, sau năm 1885 Huế trở thành kinh đô của chế độ quân chủ Nam triều, bên cạnh sự cai trị trực tiếp của người Pháp ở Tòa Khâm dưới thiết chế hành chính kiểu Pháp. Ngày 12.7.1899, vua Thành Thái đã ký một Đạo dụ (Sắc lệnh) thành lập thị xã Huế. Thị xã Huế như đan xen giữa lòng kinh đô Huế. Ranh giới thị xã lúc mới thành lập bao gồm các vùng phụ cận quanh kinh thành và dải đất dọc theo bờ nam sông Hương, chạy từ cầu ga Huế đến Đập Đá - tức trục đường Lê Lợi ngày nay.

Kể từ năm 1899 đến đầu năm 1926, thị xã Huế có ba lần mở rộng ranh giới:
- Lần thứ nhất vào ngày 22.6.1903 theo Đạo dụ của vua Thành Thái.
- Lần thứ hai vào ngày 9.5.1908 theo Đạo dụ của vua Duy Tân.
- Lần thứ ba vào ngày 21.11.1921 theo Đạo dụ của vua Khải Định.
Cả ba lần trên đều mở rộng thị xã về phía nam sông Hương và đã được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn.

Ranh giới thị xã Huế tính đến năm 1921, bao gồm phần đất từ Đập Đá, theo đường qua Chợ Cống nối với đường Đất Mới (đường Bà Triệu ngày nay) đến bắc cầu An Cựu, rồi men theo bờ sông An Cựu ngược lên cầu Kho Rèn, vòng qua cầu Kho Rèn kéo bọc lên đến đường xe lửa và cứ thế chạy dài đến dốc chùa Báo Quốc, băng qua khu vực Lịch Đợi, ga Huế, kéo tới cầu sắt Giả Viên và cộng với toàn bộ vùng phụ cận quanh kinh thành gồm 9 phường, không kể khu vực Thành nội, như lúc mới thành lập thị xã.

Cùng với việc triều đình cho nới rộng ranh giới thị xã, thì hệ thống đường sá cũng được mở mang dần theo đấy. Đến đầu năm 1926, toàn bộ hệ thống giao thông trong kinh thành và phần thuộc thị xã Huế xem như hoàn chỉnh trên cơ sở kết cấu hạ tầng của một kinh sư cổ kính, đan xen giữa một thị xã theo thiết chế mới.

Như vậy là cùng một lúc, trên cùng một mảnh đất, hai cơ chế quản lý đô thị cùng tiến hành song song: Phía trong kinh thành (trừ phần nhượng địa Mang Cá, bị quân Pháp chiếm từ 1884 dưới thời vua Hiệp Hòa, đến năm 1885 thì họ chiếm luôn cả khu vực Mang Cá nhỏ) thuộc triều đình quản nhiệm; phía ngoài kinh thành phần đất thị xã Huế do phủ Thừa Thiên và Công sứ Pháp điều hành.

Vùng phụ cận và khu vực nam sông Hương vốn là đất các làng cổ của xứ Thuận Hóa. Trong quá trình phát triển, đang xích gần đến lối sống phố thị, nay bỗng chốc trở thành thị xã theo thiết chế mới của phương Tây. Vậy là nó vừa phải cố níu giữ những giá trị truyền thống văn hóa làng xã vốn có, vừa phải chịu một áp lực của cải cách quản lý hành chính mới. Từ đó nẩy sinh ra việc các con đường của thị xã phải được đặt tên; nhà quan, nhà dân, các công sở, trường học, ngay cả chùa chiền đóng hai bên đường nhất thiết phải được đánh số thứ tự. Ở vào thời điểm ấy, đây là một cách làm “ thay cũ đổi mới” quả là không dễ. Nhưng rõ ràng đấy là sự soi rọi “ ánh sáng” văn minh của những năm 20 trong việc quản lý đô thị, ít nhất là về mặt địa chỉ, hộ tịch để Huế tiếp cận, tiến dần lên cấp thành phố vào tháng 12 năm 1929.

II. Việc đặt tên đường phố ở Huế trong thế kỷ 20.

Huế trở thành thị xã rồi lên cấp thành phố, các con đường ngang dọc trong nội thị được nhà cầm quyền ra quy chế đặt tên theo cách mới, giống với thiết chế phương Tây. Tuy vậy, trước đó bản thân các con đường ở trong kinh thành và vùng phụ cận cũng đã có tên gọi riêng theo truyền thống của người Việt. Lúc bấy giờ người ta không lấy tên các anh hùng dân tộc, tên các vị vua chúa, các danh nhân văn hóa, lịch sử để đặt tên cho đường phố hoặc một công trình nào đấy, vì phép kiêng tránh húy kỵ. Mà lấy tên dinh thự, tên làng xã, chợ búa, miếu mạo, đình chùa, tên một cây đa, bến nước, nhà thương, trường học hay một loài cây đặc trưng nào đấy... để đặt tên cho con đường chạy ngang qua hoặc dẫn đến nơi ấy.

Chẳng hạn ở trong Thành nội, con đường chạy trước Ngọ Môn thì lấy tên đường Ngọ Môn. Đường chạy qua trước mặt Quốc Tử Giám thì gọi đường Quốc Tử Giám. Đường qua miếu Âm Hồn thì gọi đường Âm Hồn. Đường qua Tàu ngựa thì gọi là đường Mã Khái. Và rất nhiều con đường khác cũng được đặt tên như thế...

Ở phía Gia Hội có đường chạy qua làng Trung Bộ xưa thì gọi là đường Trung Bộ; rồi đường Đò Cồn, đường Đò Cạn, đường Bãi Dâu, đường Chợ Dinh...

Phía nam sông Hương có đường lên đàn Nam Giao thì gọi đường Nam Giao; (đường Nam Giao có hai nhánh, một nhánh mở đầu thế kỷ 19 gọi là Nam Giao Cựu lộ, người Pháp gọi là đường song hành phía đông tức đường Phan Bội Châu ngày nay; một nhánh mở đầu thế kỷ 20 thì gọi là đường Nam Giao Tân lộ, người Pháp gọi là đường song hành phía tây tức đường Điện Biên Phủ ngày nay). Đường lên nhà thờ Phủ Cam thì gọi là đường Phủ Cam. Đường qua miếu Lịch Đợi lại gọi đường Lịch Đợi. Ở những đường có trồng nhiều cây xanh đặc trưng thì gọi tên đường theo loài cây đó, chẳng hạn: đường Hàng Me, đường Hàng Muối, đường Long Não, đường Mù U, đường Hàng Đoác... cứ như thế mỗi đường đều có một tên để gọi, đồng thời chỉ luôn ý nghĩa mà từng con đường ấy mang tên. Mặc dù vậy nhưng rất khó xác định độ dài từng con đường, vì lúc ấy đầu mỗi con đường hoặc các đoạn giao nhau chưa có cắm biển đề tên giới hạn từng đường như sau này.

Đường phố mang tên dân gian phần nhiều do thói quen của dân chúng sống trên đường ấy gọi mãi mà thành. Về sau lại được triều đình cho “hành chính hóa” vào các văn bản, trở nên phổ thông hơn và cùng tồn tại bên một tên mới khác.

Còn với nhà đương cục Pháp, trước khi ra quy chế đặt tên đường phố ở Huế vào đầu thế kỷ 20, họ phân chia hệ thống đường sá nội thị ra thành ba loại:

- Loại thứ nhất: những đường phố có chiều ngang chiều dài trung bình, hai bên đường có nhà ở, thì dùng chữ rue (đường phố) để chỉ.
- Loại thứ hai: những đường phố có chiều ngang lớn, hai bên có lề đường và độ dài tương đối, lại có cả cây xanh, nhà ở, công sở thì dùng chữ avenue (đại lộ) để chỉ.
- Loại thứ ba: những đường phố có chiều ngang rộng, độ dài lớn, hai bên đường chưa có nhà ở và cây xanh, thì dùng chữ boulevard (đại lộ) để chỉ - Loại đường này thường làm chức năng phân định ranh giới giữa nội thị và vùng ven.

Ngoài ra còn có hai loại nữa: một loại dùng chữ Ke (Quai) tức là những đường phố chạy sát hai bên bờ sông như Ke Dong Ba, Ke Pasteu, Ke De Forìant, Ke An Cuu... sau dần phát triển thành đường phố chính. Một loại thường dùng chữ route (gốc cũ là route mandarin) tức là những đường chính (đường quan) xuất phát từ ranh giới thành phố chạy đến các nơi khác. Ví dụ: đường về Thuận An; đường vào Đà Nẵng...

Đến những năm 30 của thế kỷ 20, thành phố Huế đã có ba loại đường chính kể trên, với 5 đại lộ (avenue), 1 đại lộ (boulevard) và hơn 50 đường phố trung bình (rue) được cắm biển, đặt tên. Và các đường (route) ở vùng ven thành phố...

Do vị trí, ranh giới thành phố Huế đan xen giữa lòng kinh đô Huế, khu vực đường sá trong Thành nội thuộc quyền quản lý của triều đình, cho nên những con đường ngang dọc trong ấy vẫn được đặt tên theo truyền thống dân gian của người Việt. Như đường Ụ Ông Voi, đường Nhà Thương, đường Dãy Trại, đường Tham Tri, đường Cầu Đất...

Những đường ở vùng phụ cận và nam sông Hương do Công sứ Thừa Thiên và quan Phủ Doãn trực tiếp đặt tên. Nhiều đường lấy tên địa danh của nước Pháp, Mỹ, Anh; nhiều đường lại lấy tên nhân vật người Pháp, cũng có vài đường lấy tên vua chúa Việt Nam. Nhưng cách đặt tên hoàn toàn theo thiết chế phương Tây: Đường phố, số nhà theo thứ tự, số lẽ một bên, số chẵn một bên, rồi ngõ, ngách, kiệt, xuyệt. Chẳng hạn, báo Viêm Âm của Hội Phật học thành lập năm 1933, Tòa soạn lúc đầu đóng tại 13 rue Champeau - Hue.

Xin được dẫn chứng ra đây một số ví dụ: đường Trần Hưng Đạo, trước 1945 có tên rue Paul Bert; đường Nguyễn Huệ, trước 1945 là avenue Khai Dinh; đường Hồ Xuân Hương, trước 1945 là rue des Étals Unis; đường Bà Triệu, trước 1945 là boulevard du Prince Canh; đường Nguyễn Thái Học, trước 1945 là rue de la Légation... Tuy nhiên, bên cạnh các đường mang tên theo hành chính của chế độ thiết lập, thì mỗi đường phố ấy vẫn tồn tại một tên dân gian được dùng khá phổ biến trong nhân dân. Chẳng hạn đường Hai Bà Trưng ngày nay, trước 1945 là avenue Gia Long, dân gian vẫn gọi đường Hàng Muối, đường Phạm Ngũ Lão thường được gọi là đường Hàng Me...

Những đường phố mang tên các nhân vật người Pháp, rất ít đường lấy tên các nhà khoa học chân chính, còn đại đa số là sĩ quan, tướng lĩnh quân đội có nhiều nợ máu với dân tộc Việt Nam - đấy là nỗi nhục mất nước, thâm nhập vào cả lĩnh vực văn hóa!

Cuối năm 1955, đầu năm 1956, chính quyền Sài Gòn lúc ấy đã ra nghị định về việc đổi, đặt lại tên đường phố ở các đô thị miền Nam, trong đó có đoạn:“Tất cả các đường phố ở Việt Nam cộng hòa (miền Nam) không được đặt tên người nước ngoài, trừ đô thành Sài Gòn chỉ để lại 4 đường Alexandre De Rohodes, Yersin, Pastuer và Calmette”...

Như vậy, từ năm 1956 đến nay, ở Huế không còn đường phố nào mang tên người nước ngoài.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, đến tháng 1.1977 chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên đường ở thành phố Huế. Đây là đợt đổi, đặt lại tên đường gần như trên toàn bộ các con đường ở thành phố. Việc làm này xem như đã đánh giá lại vai trò của từng nhân vật lịch sử, văn hóa, kể cả địa danh mà mỗi con đường xứng đáng được mang tên. Tuy nhiên, lúc ấy còn có nhiều điều quá nóng vội, thiếu cân nhắc nên việc đổi tên, đặt mới làm xáo trộn một số vị trí không cần thiết, như lấy tên đường ở chỗ này đặt sang đường chỗ khác, gây ra không ít khó khăn và tốn kém trong việc quản lý đô thị.

Tóm lại: Tính đến năm 2000, thành phố Huế có gần 180 đường có tên và hơn 60 đường chưa được đặt tên. Đường phố mở sớm nhất vào năm 1805 cùng thời gian xây dựng kinh thành Huế. Đường được đổi tên nhiều nhất, đến 5 lần. Đường phố ngắn nhất 95 mét. Đường phố dài nhất trên 4.000 mét.(Nếu tính đến thời điểm này, tháng 9 năm 2005 thì thành phố Huế có 253 đường đã có tên và còn hơn 30 đường khác đang hoàn chỉnh dần các hạng mục).

III. Mấy ý kiến đề xuất.

- Thành phố Huế đã có những con đường được đặt tên theo thiết chế đô thị chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây gần một trăm năm trước. Ít nhiều gì đến nay chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm về việc mở và đặt tên đường phố. Đây là một công tác vừa mang tính lịch sử, văn hóa, vừa là khoa học. Do vậy không thể xem việc đặt tên đường phố là việc làm cho có và chịu sự áp đặt ý kiến của một ai đó, về một nhân vật thiếu tính đại diện tiêu biểu thuyết phục nào đó.

- Những đường phố đã ổn định, tên đường như “tên làng” đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân sống trên ấy qua nhiều thế hệ thì không nhất thiết phải thay đổi, đặt lại tên nữa. Nhiều đường ở trong khu vực Thành nội cũng không nhất thiết phải nắn lại mở rộng thêm.

- Các nhân vật lịch sử, văn hóa, được lựa chọn để đặt tên đường phải phù hợp với từng con đường và đúng với thân thế sự nghiệp của họ. Bởi vì dựng tên đường lên thì dễ, hạ xuống thì khó vô cùng.

- Thành phố Huế đang trên đà phát triển, cũng rất cần có những đại lộ. Chẳng hạn đường Lê Quý Đôn hiện nay đã đủ tiêu chuẩn như mọi thành phố khác của Việt Nam để có thể gọi là đại lộ, rồi đường Hà Nội, đường Lê Duẩn cũng vậy.

- Ở đầu mỗi đường phố, các biển ghi tên chỉ đường nên ghi tóm tắt thêm (cực ngắn) tiểu sử nhân vật, tiểu dẫn địa danh mà con đường ấy mang tên. Chẳng hạn đường Xuân Diệu thì ghi: Nhà thơ tình nổi tiếng thế kỷ 20; đường Lê Lợi - Vua mở đầu triều đại nhà Hậu Lê, anh hùng dân tộc; đường Lê Duẩn - Nhà cách mạng, Tổng bí Đảng Cộng sản Việt Nam...

- Huế là thành phố mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có nhiều dòng văn hóa giao thoa, phát triển nên một “tiểu vùng văn hóa Huế”. Đường phố Huế cũng cần giữ lại vài tên đường lấy tên dân gian mang tính truyền thống như vốn có của Huế. Và không nên dùng các con số để thay tên cho những đường kiệt đã có tên riêng như kiệt Miếu Đôi, kiệt Cây Gòn...

Xây dựng Huế, để phát triển trở nên một đô thị thật hiện đại, lại giữ được nét văn hóa hài hòa giữa phương Đông và phương Tây thì việc quy hoạch kiến trúc đô thị, việc mở, đổi, đặt tên đường phố cũng cần phải cẩn trọng và làm một cách khoa học. Vì vậy rất nên cần có sự đóng góp của nhiều ngành, nhiều người tâm huyết, nhiều ý kiến khác nhau qua các cuộc hội thảo, phản biện của các nhà chuyên môn để đi đến chỗ làm giàu thêm sức sống cho một thành phố mang được dấu ấn của thời đại, lại lưu giữ được những giá trị văn hóa của cha ông mà chúng ta không sợ có tội với hậu thế mai sau.

DƯƠNG PHƯỚC THU
201/11-05

Các bài mới
Các bài đã đăng