Câu chuyện hôm nay
Lễ Nam Giao ở Huế dưới góc nhìn nhân văn
15:56 | 31/07/2009
*Từ tâm thức kính sợ trời đất đến lễ tế Giao: Từ buổi bình minh của nhân loại, thiên nhiên hoang sơ rộng lớn và đầy bất trắc, với những hiện tượng lạ kỳ mưa gió, lũ lụt, sấm chớp, bão tố... đã gieo vào lòng người nhiều ấn tượng hãi hùng, lo sợ. Bắt nguồn từ đó, dần dần trong lịch sử đã hình thành tập tục thờ trời, thờ đất, thờ thần linh ma quỷ. Đó là nơi trú ẩn tạo cảm giác an toàn cho con người thuở sơ khai. Ở phương Đông, tập tục thờ cúng trời đất, thần linh gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, phổ biến từ trong gia đình đến thôn xóm, làng xã. Khi chế độ quân chủ hình thành, một số triều đình đã xây dựng những “điển lệ” quy định việc thờ cúng trời đất, thần linh, với những nghi thức trang trọng, vừa biểu thị quyền uy tối thượng của nhà vua, vừa thể hiện khát vọng mong cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, phong hoà vũ thuận của muôn dân.

Với vị thế của một đất nước có điều kiện phát triển sớm, các vị vua Trung Hoa thời cổ đại đã tự cho mình là Thiên tử: con trời. Thiên tử nhận mệnh trời để cai trị thiên hạ. Chỉ có Thiên tử mới có đặc quyền thay mặt muôn dân chủ trì việc tế trời đất, linh thần. Sách Lễ Ký của Trung Hoa đã quy định: “Thiên tử tế trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự (thần cửa, thần ngõ, thần giếng, thần bếp, thần nhà); chư hầu chỉ được tế thần địa phương, tế ngũ tự; quan đại phu chỉ được tế ngũ tự;  kẻ sĩ chỉ được tế tổ tiên”(1). Nhiều triều đại đã lấy đó làm thước đo, phân định rạch ròi giềng mối của xã hội.

Đặc quyền tự phong của những vị vua Trung Hoa rốt cuộc cũng chỉ tồn tại trên các trang giấy. Ở Việt Nam, dưới thời nhà Lý, với tinh thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, từ năm 1153 vua Lý Anh Tông đã cho đắp đàn Viên Khâu ở phía nam thành Thăng Long để làm lễ tế Giao, tổ chức tế trời, mặc nhiên xác định vị thế độc lập của triều đình Đại Việt.

Từ đó, những triều đại quân chủ ở Việt Nam đã nối tiếp truyền thống của triều Lý, định kỳ tổ chức lễ tế trời tại Giao Đàn. Lễ tế Giao cuối cùng của triều Nguyễn đã diễn ra vào lúc nửa đêm rạng ngày mồng mười tháng hai năm Ất Dậu (23-3-1945), chỉ mấy tháng trước lúc chế độ quân chủ Việt Nam cáo chung.

Lễ tế Giao không còn, nhưng âm hưởng vang vọng của lễ rước cung đình một thuở vẫn còn đọng lại trong tâm thức của một số người, nhất là cư dân ở cố đô Huế.


Lễ tế Nam Giao năm 1935 - (Ảnh: sankhauvietnam.com.vn)


*Những giá trị nhân văn trong lễ Nam Giao ở Huế

- Lễ Nam Giao ở Huế là hình thức tế lễ lớn nhất của triều đình nhà Nguyễn (đại tự), hợp tế cả trời, đất, thần linh và các vì tinh tú, biểu thị tư tưởng Thiên - Địa- Nhân, gắn kết giữa con người với thiên nhiên, vạn vật

Khác với hình thức thờ tự riêng biệt trời, đất, mặt trời, mặt trăng (Thiên Đàn, Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn) của Trung Quốc, lễ Nam Giao ở Huế là hình thức thờ cúng gắn kết thờ trời, thờ đất, thờ tiên đế và các linh thần thành một thể thống nhất. Ở  Viên Đàn, đàn hình tròn có vị trí trung tâm của đàn Nam Giao, ngoài hai án thờ trời (Hiệu Thiên thượng đế), thờ đất (Hoàng Địa kỳ), còn có các án thờ những vị vua triều Nguyễn. Ở tầng thứ nhì hình vuông (Phương Đàn), hai án thờ mặt trời (Đại Minh thần), mặt trăng (Dạ Minh thần) gắn với án thờ các vì sao, các vị thần núi, biển, sông, đầm, mây, mưa, gió, sấm, gò, lăng, mồ mả, đồng bằng, thờ thần năm, tháng và các vị thần trong trời đất.

Hình thức hợp tế trong lễ Nam Giao của triều Nguyễn mang một sắc thái riêng, thể hiện khá rõ tư tưởng gắn kết giữa trời, đất, con người và thiên nhiên môi trường, biểu thị một ý nghĩa có giá trị nhân văn của người Việt, khác rất xa với tư tưởng phân định rạch ròi trời- đất- ngày- đêm mà  gần như vắng bóng con người và thiên nhiên trong tế lễ truyền thống của các triều đình Trung Quốc.

- Lễ Nam Giao ở Huế là sự kết hợp tư tưởng “kính thiên- ái dân” (kính trời, thương yêu dân), “tế trời cốt để cầu phúc cho dân” của một số vua triều Nguyễn.

Đối với các vị vua Trung Quốc và Việt Nam, tế Giao thể hiện tư tưởng kính thiên- kính trời- theo quan niệm của Nho giáo. Đối với vua Minh Mạng, tế Nam Giao còn là “phải vâng theo đạo Trời mà mở rộng lòng nhân”. Đại Nam Thực Lục Chính Biên (đệ nhị kỷ) đã ghi lại một nhận định của vua Minh Mạng về lễ tế Giao “cùng với tháng trọng xuân, tế Giao là điển lớn, kính trời, tôn tổ, nên phải vâng theo đạo Trời mà mở rộng lòng nhân. Vậy hạ lệnh cho các nha môn coi việc hình, có văn án tội chém hay giảo đánh, xử quyết thì trước đông chí 3 ngày và sau tế Giao 10 ngày đều đình hành hình để thể đức hiếu sinh của Trời”. Trong chuẩn bị tế Giao năm 1840, vua Minh Mạng cho rằng “trách nhiệm làm vua có 4 điều không bao giờ được xao lãng là kính trời (kính thiên), làm đúng theo tổ tiên (pháp tổ), siêng năng công việc chính sự (cần chánh) và thương yêu dân (ái dân). Nay vì cầu phúc cho dân mà cất lễ tế lớn (lễ tế Giao)”

Các vua kế tiếp của triều Nguyễn cũng tuân thủ tư tưởng “kính thiên-ái dân” của vua Minh Mạng. Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu đã ghi lại lời của vua Thiệu Trị “kính thiên, pháp tổ, cần chánh, ái dân; đó là 4 việc rất lớn của đạo làm vua”. Vua Tự Đức trong di chiếu viết trước khi mất cũng nhắc đến 16 chữ “kính thiên, pháp tổ, cần chánh, ái dân, thân hiền, đồ trị, chí thiện, đôn thân” (kính trời, làm đúng theo tổ tiên, siêng năng công việc chính sự, thương yêu dân, thân với người hiền, lo trị nước, giữ điều thiện, yêu bà con).

Như vậy quan niệm kính trời của nhiều vị vua đầu triều Nguyễn đều gắn với tư tưởng thương yêu dân, được thể hiện khá rõ trong ý tưởng “tế Giao cốt để cầu phúc cho dân”.

- Lễ Nam Giao ở Huế gắn nghi lễ tế trời long trọng với hình thức lễ rước cung đình, tạo ra một lễ hội văn hoá mang đậm đặc trưng của xứ Huế xưa.

Là quốc lễ lớn nhất của triều đình, lễ Nam Giao ở Huế diễn ra theo một hệ thống nghi thức tế lễ hết sức long trọng. Chừng một tháng trước ngày tế giao, Bộ Lễ phải làm lễ kỳ cáo ở Giao Đàn, Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu và Thế Miếu. Vào ngày chánh tế, cuộc lễ còn phải tuân thủ nghiêm ngặt một loạt 16 nghi thức long trọng, bắt đầu từ việc vua rời Trai Cung ra Giao Đàn, đến lúc vua rời Giao Đàn về Trai Cung. Trình tự từng lễ tế được quy định chặt chẽ, có sự giám sát của các quan Đô sát, quan Ngự sử hay quan Khu đạo, bao gồm cả việc giám sát vua tuân theo các nghi thức tế lễ.

Tuy nhiên, không đơn thuần chỉ có các nghi thức tế lễ nặng nề, lễ Nam Giao ở Huế còn là một lễ hội cung đình, được thể hiện bằng một lễ rước hoành tráng, với một đạo ngự đông hàng ngàn người, gồm các hoàng thân, bá quan văn võ, binh lính, với các tổ chức lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình đặc sắc, với voi, ngựa, tàng, lọng, cờ, quạt, đèn hoa, gươm kiếm, kiệu, liểng, xe vua... trải dài hàng kilômét, hai bên đường dân chúng lập hương án bái vọng, ngưỡng trông.

Đoàn ngự đạo được tổ chức thành ba phần: tiền đạo, trung đạo và hậu đạo. Tiền đạo mở đầu bằng hai thớt voi được đóng bành sơn son, có quản tượng và tượng binh điều khiển, các quan Đô thống, Thống chế cỡi ngự mã dàn hầu, cùng với phường trống Ngũ lôi đồng cổ, lính ngự lâm, cấm binh, kỵ binh đi hộ vệ các cỗ xe Long Đình, kiệu Cửu Long...

Trung đạo trực tiếp hộ tống xe vua, có quan Thống chế và các võ quan cỡi ngự mã theo hầu. Các ban Đại nhạc, Nhã nhạc, các đoàn vũ sinh, các Hoàng thân, Hoàng tử, đại thần, thái giám, thị vệ và lính ngự lâm, túc vệ theo hầu bên cạnh xe Long Liểng và kiệu Cửu Long...

Hậu đạo khép lại đoàn ngự đạo với các võ ban đại thần, đội chiêng trống, binh lính và hai thớt voi đi sau cùng.

Từ tiền đạo đến hậu đạo, đoàn rước cung đình lại rộn ràng với hàng trăm loại cờ lễ, cờ phan, tàng, lọng, kiếm, quạt, đèn hoa... tạo thành một lễ hội hoành tráng, đầy sắc màu rực rỡ.

Khởi đi từ Đại Nội đến đàn Nam Giao, đoàn đạo ngự lấy sự nghiêm trang làm trọng, hàng ngàn người đi trong tư thế kính cẩn, không tấu nhạc, không đánh chiêng trống. Nhưng khi lễ tế đã xong, đoàn ngự đạo từ Nam Giao hồi cung trong tiếng nhạc rộn ràng mà uy nghiêm, trang nhã. Những bài bản Đại nhạc, Nhã nhạc cung đình được trình tấu, 128 vũ sinh với trang phục của vũ điệu Bát Dật diễu hành trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, báo tin mừng lễ thành với công chúng. Đoàn ngự đạo hồi cung trong sự ngưỡng vọng đầy thành kính của người dân, với mong ước quốc thái dân an, phong hoà vũ thuận, thiên hạ thái bình.

*Lễ Nam Giao ở Huế: từ sự tàn lụi đến nỗ lực phục dựng

Hình ảnh lễ Nam Giao đầy tính nhân văn từ đầu triều Nguyễn đã không kéo dài được lâu. Cùng với sự kiện kinh đô thất thủ năm 1885, đất nước mất quyền tự chủ, ngôi vua ở kinh thành vẫn còn, nhưng chủ quyền của đất nước nằm trong tay thực dân Pháp. Lễ Nam Giao từ đó rơi vào một nghịch cảnh đầy tính bi kịch. Thực dân Pháp vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn, vẫn “bảo hộ” lễ tế Giao, nhưng thực chất của hình thức quốc lễ nầy đã dần dần tàn lụi, ý nghĩa nhân văn của những đời trước cũng rơi rớt dần.

Đến nay, lịch sử của đất nước đã chuyển mình, bước vào thời kỳ độc lập và phát triển mang tính thời đại, lễ Nam Giao chỉ là một di sản của quá khứ còn vang vọng, cần được gạn đục khơi trong, tìm trong di sản những giá trị một thời để lựa chọn hướng phát huy và phát triển phù hợp.

Chuẩn bị cho Festival Huế 2004, hướng tới xây dựng Huế trở thành một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, với sự đồng ý của trung ương và sự ủng hộ của công chúng, tỉnh Thừa Thiên Huế  đã chủ trương lấy ý tưởng từ lễ tế Giao truyền thống: tập trung đề cao ý thức gắn kết giữa con người với thiên nhiên và môi trường sống; biểu thị khát vọng mong cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà; phục dựng lại vẻ đẹp hoành tráng của một lễ rước cung đình xưa ở Huế; giới thiệu lại không gian diễn xướng của những loại hình múa hát cung đình, trình tấu Nhã nhạc, Đại nhạc với công chúng và khách du lịch tham dự Festival.

Lễ hội Nam Giao trong Festival Huế 2004 chỉ mới phục dựng hình ảnh của đoàn ngự đạo hồi cung, từ Nam Giao về Đại Nội, chưa phục dựng lại diễn trình đầy đủ của một lễ tế Giao, bao gồm  lễ rước từ Đại Nội lên đàn Nam Giao và các nghi thức lễ tế tại Giao Đàn. Nhưng với hình ảnh của lễ rước cung đình được phục dựng một phần, gắn với hình thức lễ hội cộng đồng trong Festival Huế, mong rằng những ý nghĩa nhân văn một thời được đánh thức trong điều kiện mới sẽ đem lại một ít hương vị xưa mà vẫn gần gũi với cuộc sống hôm nay.

NGUYỄN XUÂN HOA
(182/04-04)




-----------------------
(1) “Thiên tử tế thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư hầu phương tự, tế ngũ tự, đại phu tế ngũ tự; sĩ tế kỳ tiên”.

Các bài mới
Các bài đã đăng