Câu chuyện hôm nay
Như thế nào thì được gọi là “người Huế”?
10:50 | 26/08/2009
Tôi quê Hà Tĩnh, nhưng lại sinh ra ở Huế, khi ông cụ tôi ngồi ghế Phủ Doãn, tức là “sếp” cái cơ quan đóng bên bờ sông Hương ở giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Hai Bà Trưng - Đồng Khánh xưa, nay đang được xây dựng to đẹp đàng hoàng gấp nhiều lần ngày trước. (Thời Nguyễn phong kiến lạc hậu, nhưng lại có quy chế chỉ những người đậu đạt cao và thường là người ngoại tỉnh mới được ngồi ghế Phủ Doãn để vừa có uy tín, học thức đối thoại được với quan chức trong Triều, vừa tránh tệ bênh che hay cho người bà con họ hàng chiếm giữ những chức vụ béo bở. Nói dài dòng một chút như thế vì nhiều bạn trẻ thời nay không biết “Phủ Doãn” là chức gì; gọi là “Tỉnh trưởng” cũng không thật đúng vì chức Phủ Doãn “oai” hơn, do Huế là kinh đô, tuy quyền hành thực sự người Pháp nắm hầu hết).

Ông cụ tôi không chỉ ngồi ghế Phủ Doãn hai lần mà còn ở Huế nhiều năm do làm việc ở Trường Quốc Tử Giám, Trường Hậu Bổ, Bộ Hình... nên có căn nhà trong đường Lục Bộ, nhiều anh chị tôi đã mài mòn không biết bao nhiêu guốc dép trên các con đường đến Trường Đồng Khánh, Thiên Hựu, Paulbert (tức Trường Phú Hòa hiện nay)... Vậy nên trong bộ phim đầu tiên quảng bá di sản Huế ra thế giới “Huế luôn luôn mới”, đã quay cảnh một “người Huế” là ông anh tôi Nguyễn Khắc Viện dạo bước qua vườn sắn trong Đại Nội! Tuy vậy, anh em tôi không ai mạo nhận mình là “Người Huế”; mà thế là phải, vì hình như cái chất “cá gỗ”, cái tính “gàn” của những ông đồ Nghệ khá đậm trong anh em chúng tôi.

Nhưng tôi chợt nghĩ: giả như năm 1942, khi ông cụ tôi về hưu định cư tại Huế thì có khi tôi được xem là “người Huế” cũng nên. Thì bao nhiêu vị được coi là “người Huế” “gin” cũng đều có quê gốc là các tỉnh phía Bắc, cả đến con cháu triều Nguyễn thuộc dòng “tôn thất” khai canh vùng đất Hóa châu xưa cũng rành rành quê ở Thanh Hóa. Chỉ có điều khác nhau: họ tộc, gia đình đó định cư ở Huế thời gian bao lâu.

Có một khía cạnh khác của vấn đề cũng đáng phải suy nghĩ là lâu nay bàn đến họ tộc, chúng ta chỉ nói đến họ của người cha; điều ấy quả là không công bằng, khi khoa học hiện đại đã chứng minh được một con người hình thành là do phần nửa khí huyết (gien) người cha cộng với phần nửa khí huyết (gien) người mẹ (Đó là chưa nói đến những trường hợp người mẹ và quê ngoại lại có ảnh hưởng quyết định trong việc hình thành tính cách người con). Hãy lấy một thí dụ: Ông A có mẹ quê ở Huế - (ở Huế đã nhiều đời), nếu chồng là người quê Thanh Hóa mới định cư ở Huế thì theo quan niệm lâu nay, ông A phải ghi quê là “Thanh Hóa” và đương nhiên không được coi là “Người Huế”. Ngược lại, một nhân vật nổi tiếng ở Huế là nữ sĩ Mai Am thì mặc dù bà mẹ là Nguyễn Khắc Thị Bửu, quê ở huyện Bình Dương, phủ Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh), năm 1814 mới được vua Gia Long chọn vào Kinh, nhưng là công chúa của vua Minh Mạng, nên Mai Am (sinh năm 1826) đương nhiên là “Người Huế” - một “Người Huế - tiêu biểu”. Một trường hợp khác: nhà văn Thái Vũ, thân phụ quê ở Quảng Trạch (Quảng Bình), nhưng thân mẫu quê An Truyền, hồi nhỏ từng học nhiều năm ở Huế, từng viết cả ngàn trang tiểu thuyết lịch sử về Huế, liệu được xem là “Người Huế” mấy chục phần trăm?...

Tuy vậy, có lẽ “tiêu chí” hàng đầu ai cũng đồng tình là họ tộc (nên kể cả bên ngoại), gia đình nào sống ở Huế càng lâu, càng dễ được công nhận là “Người Huế”. Nhưng liệu có căn cứ nào và có ai dám quả quyết là sống mấy đời ở Huế thì được gọi là “Người Huế”? Hai ba đời hay phải 5-6 đời?...

Là người “ngọai đạo”, tôi không dám trả lời câu hỏi ấy mà mong được các nhà “Huế học”, các bậc thức giả chỉ giáo. Riêng tôi nghĩ rằng: bàn đến tính cách con người - một điều không dễ xác định vì bản thân con người là sản phẩm kỳ diệu của tạo hóa, nếu quá lệ thuộc hoặc chỉ căn cứ vào tiêu chí thời lượng (tức ở Huế bao lâu?) một con số đo đếm cụ thể thì e rằng không đầy đủ và chính xác. Hơn nữa, đặc điểm lịch sử Việt Nam và nhất là Huế - một vùng đất đầy biến động, không biết bao nhiêu lần xê dịch, tan hợp trong một họ tộc, một gia đình cho đến mỗi con người, nên tiêu chí “thời lượng” nói trên có lẽ cần được quan niệm một cách co dãn, linh động thích hợp với từng trường hợp cụ thể. Xin thử đơn cử vài trường hợp:

Nếu tôi không nhầm, rất nhiều người nghĩ rằng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là “người Huế”, thậm chí là một người-Huế-tiêu-biểu; mặc dù ông quê Quảng Trị và gia đình ông ở Huế chủ yếu do được bố trí làm việc ở đây.

Trong khi đó, một số tên tuổi khác, như nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh, giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Nguyễn Hoàng Phương tuy quê gốc Huế, nhưng bản thân và gia đình nhiều năm không ở Huế, liệu có thể khẳng định một cách mạnh mẽ rằng các vị đó là “Người Huế” không? Tuy vậy, nếu nhắc đến bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh hay nhà văn Ngọc Trai... các chị cũng là người ở xa quê lâu ngày, nhưng hình như ai cũng nhận ra đó là “Người Huế” chính hiệu! Phải chăng, “nữ tính” là một trong những “tính cách Huế” và ngọn nguồn sâu xa (có khi  cả về mặt tâm linh nữa) của đặc tính đó không chỉ gắn với dòng sông Hương thơ mộng mà còn liên hệ với Huyền Trân Công Chúa người con gái đã đem Huế về cho đất Việt từ gần 700 năm trước (1306).

Thực ra, vấn đề xác định “Người Huế” không quan trọng bằng xác định tính cách Huế, đặc tính người Huế. Tôi không dám bàn đến đề tài này trong bài phát biểu ngắn hôm nay, chỉ muốn nói rằng một người muốn được gọi là “Người Huế”, có tính cách Huế thì đương nhiên phải có thời gian sống ở Huế, chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp những yếu tố (hay điều kiện) khách quan như thế núi hình sông, khí hậu và phong thủy, thể chế, truyền thống và tập tục xã hội để tất cả những yếu tố ấy thấm vào máu thịt, tâm hồn mình. Nhưng con người ta là “bách tính”, việc “tiếp thu” những yếu tố ấy nhanh hay chậm, mạnh hay yếu, không ai giống ai, nhất là trong môi trường giáo dục (gia đình và xã hội) khác nhau; mọi so sánh đều ít nhiều khập khiễng, nhưng điều đó cũng tương tự như trong nhóm tập khí công, người “đắc khí” nhanh, người rất chậm; hay như cùng một bệnh, nhưng hai người phải dùng hai thang thuốc (đông y) khác nhau. Nói thế để thấy rằng không nên “máy móc” xác định thời lượng sống ở Huế bao nhiêu mới được gọi là “Người Huế” và cũng không nên có cách nhìn cứng nhắc, đơn tuyến kiểu toán học. Tổng ba góc của mọi tam giác đều bằng 180 độ, nhưng không phải mọi “Người Huế” đều có cách sống kín đáo, biết giữ gìn lễ nghĩa...(nếu như đó là hai trong những tính cách đặc trưng của “Người Huế”).

Mặt khác, các yếu tố kể trên lại biến đổi theo thời gian; thể chế biến đổi là điều ai cũng biết, nhưng ngay cả hình sông thế núi, khí hậu, phong thủy cũng thay đổi. Xin dẫn những ví dụ gần gũi, dễ nhận biết: khu phố Đống Đa, Trường An mấy chục năm trước còn là đồng ruộng đồi núi, núi Ngự Bình và những dãy núi bao quanh Huế thời trước hẳn là xanh tươi cây lá hơn bây giờ và sông Hương “đổi màu”, rồi đập chắn Thảo Long, công trình hồ Tả Trạch sắp xây dựng chắc chắn sông Hương còn biến đổi; hoặc như phố Phạm Ngũ Lão, ngày xưa gọi là Hàng Me, một dãy phố nhỏ yên tĩnh, nên thơ, nay có đến mấy khách sạn cao tầng bít hết hướng nhìn ra sông Hương, ngày đêm rộn ràng khách du lịch vào ra thì hẳn là khí hậu và phong thủy cũng khác xưa. Nếu chúng ta đã thừa nhận các yếu tố kể trên tạo nên tính cách Huế thì điều rõ ràng là khi các yếu tố biến đổi, tính cách Huế dù muốn hay không cũng ít nhiều thay đổi.

Vấn đề là chúng ta nhìn những sự thay đổi ấy là tích cực hay tiêu cực, nói nôm na là xấu hay tốt? Một câu hỏi không dễ có câu trả lời nhất quán vì nó tùy thuộc quan niệm từng người. Tôi còn nhớ năm 1987, khi giúp các chị cựu nữ sinh Trường Đồng Khánh biên tập cuốn “Đồng Khánh Mái trường xưa” nhân lễ kỷ niệm ngày thành lập trường lần đầu tiên được tổ chức long trọng sau ngày giải phóng, nhiều chị em cựu Đồng Khánh cũng như các chàng cựu “Quốc học” đi kèm từ xa về đã tỏ ra tiếc nuối “Huế không còn như xưa nữa” nói cách khác là Huế đã bỏ mất nhiều “nét Huế”. Ngược lại, không ít người lại so sánh Huế với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng rồi than phiền rằng “Huế chậm chạp quá!” có người thì noi thẳng “Huế bảo thủ quá!”

Không phải là “trung dung”, nhưng theo tôi, cả hai nhận xét vừa nêu đều có căn cứ, đều đáng suy nghĩ, bởi sự vật nào cũng có hai mặt. Ví như tính “bảo thủ” và gần gũi với nó là tính “khép kín”, nếu tôi không nhầm, là một nét của “tính cách Huế” (do mấy trăm năm là kinh đô của chế độ phong kiến với tính bảo thủ và những lễ giáo khắt khe của nó, do “thế đất” nằm giữa hai ngọn đèo, lại bị dãy Trường Sơn và biển Đông bao bọc...) thì có mặt tốt là tạo nên cách sống kín đáo (trong trang phục, ăn nói, xây dựng nhà cửa...) không dễ dãi đón rước, chấp nhận những thứ “ngoại lai”, nhờ đó, riêng về mặt văn hóa, Huế từng tự hào là “thành phố Mỹ không vào được!”; nhưng măt khác, rõ ràng tính cách “khép kín” đã hạn chế sự phát triển của Huế, nhất là trong thời đại ngày nay (có thể thấy qua việc chậm xác định ngành du lịch là kinh tế mũi nhọn, chậm triển khai xây dựng Bạch Mã và cảng Chân Mây và có lẽ cả việc ít tiếp nhận nhân tài từ những vùng đất khác...) Cũng do ảnh hưởng trực tiếp nhiều năm của nếp sống, lễ giáo phong kiến, một tính cách khác có lẽ cũng là nét riêng đáng chú ý của Huế là biết giữ “lễ” con cái luôn có lễ phép với ông bà cha mẹ, học sinh có lễ phép với thầy cô giáo; đó là mặt tốt không thể phủ nhận; nhưng có phải vì quá giữ “lễ” mà khó phát huy tinh thần dân chủ?...

Đi sâu vào khía cạnh này có lẽ là đề tài của một tham luận khác; là người “ngoại đạo”, tôi chỉ xin nêu vài ý kiến nhỏ với mong muốn là chúng ta sẽ có cách nhìn “Người Huế” và “tính cách Huế” sinh động hơn, thực tế hơn và do đó chính xác hơn, hữu ích hơn đối với sự nghiệp xây dựng Huế ngày càng xứng đáng là một trung tâm văn hóa của cả nước.

NGUYỄN KHẮC PHÊ
(187/09-04)

Các bài mới
Các bài đã đăng