Câu chuyện hôm nay
Cơ hội và thách thức trong phát triển đô thị Huế
14:40 | 05/02/2010
Chúng ta đã đi hết gần chặng đường 10 năm đầu của thiên niên kỷ mới. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại mà sự phát triển song hành giữa cơ hội và thách thức đan xen.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua tác động không trừ một ai nhưng cũng là cơ hội lớn để đất nước tiến lên thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cùng các nước phát triển. Vượt qua thách thức đôi lúc khó gấp trăm lần nắm bắt cơ hội. Điều này, đối với Huế thành phố chúng ta đang sống lại còn có ý nghĩa hơn trên con đường tìm lại chính mình, khẳng định mình, hướng về tương lai.

Chúng ta đều biết, những năm lại đây phong trào đô thị hoá diễn ra dồn dập trên khắp đất nước. Xã, phường phấn đấu lên thị trấn..., đô thị loại 3, loại 4 phấn đấu lên loại 2, loại 1... Huyện phấn đấu tiến lên thị xã... Thị xã phấn đấu trở thành thành phố... Đối với Huế, tốc độ này diễn ra nhanh chóng, nhất là sau kết luận của Bộ Chính trị đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lên Thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương trong vài năm tới. Kết luận 48 của Bộ Chính trị mở ra một không gian mới cho đô thị Huế và đặt ra một trách nhiệm mới là phải quy hoạch lại không gian đô thị Huế.

Thật ra, lâu nay, khi nói về không gian đô thị Huế thì người dân Huế không bó khung trong địa giới hành chính thông thường mà nhìn với một không gian thông thoáng hơn. Không gian Huế phải vươn xa vượt quá Bình Điền, Tứ Hạ, Phú Bài, Thuận An... Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi quy hoạch lại hai bờ sông Hương là nhìn từ Tuần về đến Thuận An; hoặc đối với di tích, người ta nghĩ ngay đến quy hoạch không gian vùng phụ cận Huế... không gian được mở ra, đặt ra cho chúng ta tầm nhìn rộng rãi hơn, thông thoáng hơn và bao quát hơn; thành phố không còn luẩn quẩn trong năm, ba km mà phải bằng năm mươi, bảy mươi km... Thành phố có nhiều cơ hội hơn, nhiều thuận lợi hơn trong ứng xử với quỹ kiến trúc đô thị vô giá, nhiều tầng nấc mà cả hàng trăm năm nay cha ông đã tạo dựng.

Vậy quy hoạch không gian đô thị Huế như thế nào? Câu hỏi đặt ra tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra là một thách thức hết sức gay gắt. Không gian đô thị Huế phải là một không gian tôn trọng đô thị cũ với nhiều di sản văn hoá nhân loại và dòng sông Hương thơ mộng cùng nhiều danh thắng song hành cùng đô thị mới mang dấu ấn của thời kỳ phát triển hiện đại. Không gian đô thị Huế là một không gian thân thiện môi trường, không đe dọa môi trường sống trong tương lai với lượng cây xanh ngày càng được tăng cường. Huế phát triển nhà cao tầng nhưng phát triển ở đâu phải được tính toán kỹ và song hành với nó là khoảng xanh được chăm chút. Không gian đô thị Huế là không gian của một thành phố hiện đại với tiêu chí: phố trong rừng, rừng trong phố. Huế là một thành phố văn hoá và giá trị văn hoá cao nhất là Huế hài hòa với thiên nhiên.

Từ sau ngày giải phóng đến nay, quá trình phát triển đô thị Huế để lại những ký ức buồn, có thời chúng ta phát triển ồ ạt các cơ sở sản xuất ở Nội thành cuối cùng phải di dời hết sức tốn kém; công viên lề đường phát triển rau màu nay đã trở thành những thảm cỏ duyên dáng; qua rồi thời kỳ phá rừng được tuyên dương; ai có cái gì ta có cái nấy, người ta mía đường mình cũng mía đường; tỷ như phát triển thủy điện giờ dần đang bị trả giá... Huế không cần có bước phát triển vũ bão, Huế không cần phải nôn nóng; Huế chỉ cần trái tim nóng, cái đầu lạnh có đủ năng lực và trình độ cũng như bản lĩnh dám nói không trước những ứng xử không đúng đắn, tác động đến không gian, thậm chí hủy diệt môi trường.

Kết luận số 48 của Bộ Chính trị đang mở ra một cơ hội lớn, mở ra một mốc mới mang tính lịch sử trong tiến trình xây dựng và phát triển Huế. Cơ hội thực sự to lớn, nhưng đặt ra biết bao thách thức trong quá trình thực hiện nó. Vấn đề đặt ra là chúng ta chuẩn bị đón nhận như thế nào để bảo đảm cho thành phố phát triển thực sự bền vững.

Kinh nghiệm phát triển đô thị thời gian qua trên cả nước cho thấy: dường như hạ tầng đô thị chậm một bước, nếu không nói là hạ tầng đi chậm hàng thập kỷ. Bài toán “đổi đất lấy hạ tầng” gần như chưa đủ sức giải quyết nổi tình hình. Có thể nói đại bộ phận các đô thị trong cả nước mới mưa đã lụt, lụt rồi nước chậm rút. Nhìn những lô cốt trên các trục đường ở thành phố Hồ Chí Minh phần nào khái quát bức tranh phát triển đô thị ở nước ta mà hậu quả cũng như hiệu quả kinh tế của nó khó lường hết được: công ăn việc làm người dân bị trở ngại, các công trình nhanh chóng xuống cấp, giao thông ngưng trệ, môi trường ô nhiễm kéo theo dịch bệnh phát triển, một bộ phận dân cư cơ cực từ việc đô thị hóa lại càng cơ cực thêm...

Có lẽ vấn đề gay gắt nhất trong phát triển đô thị là xử lý thoát nước mặt, không giải bài toán thoát nước mặt thì đô thị sẽ phát triển què quặt. Chỉ nhìn hệ thống thuỷ đạo kinh thành Huế đủ thấy cha ông ta xưa “lợi hại” biết chừng nào? Chỉ việc khôi phục lại thủy đạo kinh thành Huế tiến hành chậm chạp thì làm sao bức xúc không ngày càng gay gắt được? Do vậy, vấn đề tiên quyết trong phát triển đô thị Huế là hạ tầng phải đi trước một bước, giải quyết đồng bộ hệ thống thoát nước mặt. Xưa hệ thống thoát nước mặt thông qua sông, hồ, hói, ván, các cánh đồng thì nay hệ thống thoát nước mặt mới phải tương xứng. Không làm được điều này thì rõ ràng chúng ta đang gặm nhắm vào tương lai, mà thế hệ sau không thể tôn trọng được.

Tất nhiên đây là thách thức lớn bởi vì đầu tư cho hạ tầng chậm sinh lợi, không như đầu tư thủy điện rất khó thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy nó phải được đặt lên bàn các nhà quản lý, nó phải được tập trung lãnh đạo, mọi nguồn lực phải được huy động vào đây. Làm được điều này, chúng ta mới nhận rõ đâu là mục tiêu thành phố phấn đấu, đâu là mục tiêu hão huyền “dễ làm khó bỏ”.

Cùng với hệ thống thoát nước mặt hoàn chỉnh, thách thức đặt ra do phát triển đô thị mang lại là sự gia tăng ô nhiễm môi trường, môi trường sống dần đang bị hủy diệt. Nhìn ô nhiễm trên dòng sông Hương cũng như các phụ lưu ngày càng lan toả trong vòng 10 năm lại đây chúng ta mới thấy tác hại như thế nào: hồ, hào nội thành ô nhiễm đến mức độ sen không sống nổi, nước đã bốc mùi, nước sông Hương đã ô nhiễm quá Cồn Dã Viên.

Thách thức trong phát triển đô thị Huế chính là đẩy lùi ô nhiễm. Trách nhiệm của các nhà quản lý chính là vạch ra kế hoạch khơi thông và làm thông thoáng hệ thống sông, hồ, hào. Có lộ trình đẩy lùi ô nhiễm trên các dòng sông với những giải pháp nghiêm ngặt buộc phải xử lý nước thải trước khi đổ ra sông, hồ, hào. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý phải công khai đầy đủ, chính xác về các nguồn gây ô nhiễm; đồng thời tạo cho người dân có nhiều quyền hơn trong can thiệp vào các chủ trương, chính sách, dự án liên quan đến môi trường, cũng như tạo điều kiện cho người dân đấu tranh tố cáo phản biện trước những tác động ảnh hưởng đến môi trường sống.

Năm 2010 là năm chúng ta kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm 60 năm kết nghĩa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Hà Nội là trung tâm chính trị của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của đất nước và Huế là trung tâm văn hoá. Ứng xử tốt với môi trường chính là nâng tầm trung tâm văn hoá Huế. 3 thành phố đã có một quá khứ huy hoàng trong chống Mỹ cứu nước, thì nay 3 thành phố sẽ tạo nên nét hài hoà và cân bằng trong xây dựng và phát triển đất nước.

HẢI LÊ
(252/02-2010)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng