Câu chuyện hôm nay
9 độ richte và bản lĩnh xứ Phù Tang
09:48 | 29/03/2011
Khi nhắc đến xứ sở Phù Tang, điều đầu tiên thế giới nghĩ đến là một Nhật Bản thần kỳ, giàu mạnh về kinh tế và điều thứ hai chắc chắn sẽ là sự đối mặt thường xuyên với thảm họa thiên tai.
Nhiều người phát hoảng khi nghe câu: động đất, sóng thần và núi lửa là “đặc sản” của Nhật Bản. Nhưng đối với người Nhật, đó là điều bình thường. Vị trí địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Hai mối đe dọa thường xuyên và nghiêm trọng nhất là động đất và sóng thần. Mỗi năm Nhật Bản phải chịu 7500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ, không thể nhận ra, nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Từ trận động đất Kanto chết chóc năm 1923, tới nay Nhật Bản đã phải trải qua 16 vụ động đất và sóng thần. Vụ sóng thần khủng khiếp gần đây nhất xảy ra năm 1993 là hậu quả của trận động đất 7,8 độ richte ở ngoài khơi phía tây nam đảo Hokkaido đã gây ra thiệt hại trên diện rộng, làm 230 người thiệt mạng và phá hủy 601 ngôi nhà.

Thảm họa kinh hoàng

Nhưng tất cả chẳng là gì với vụ động đất và sóng thần kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Nhật ngày 11/3 vừa qua. Trận động đất mạnh 9 độ richte đã cướp mất sinh mạng 10.000, trong đó gần 3.400 người được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 6.700 người trong diện mất tích chỉ trong vài giờ đồng hồ và kéo theo sau đó hàng trăm hệ lụy khủng khiếp mang tính thảm họa không chỉ cho nước Nhật mà cho cả thế giới. Cái giá của thảm họa này có thể lên tới 10.000 tỷ yen (120 tỷ USD) tương đương 2% GDP Nhật Bản, đó là chưa kể thảm họa môi trường sinh thái với vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Fukushima.

Đứng trước một thảm họa chết chóc và đổ nát như thế, nước Nhật đã thể hiện bản lĩnh dân tộc mình trong cơn hoạn nạn trước những con mắt quan sát quốc tế. Động đất khiến nhà cửa đổ nát, sóng thần ồ ạt tràn vào các vùng đất duyên hải cuốn phăng tất cả những gì trên đường đi. Tất cả những khu dân cư đông đúc, nhà máy, các công trình xây dựng thoáng chốc biến thành đống hoang tàn. Nếu là bạn khi chứng kiến thảm họa này sẽ trở nên hoảng loạn, hành động lúng túng và chắc sẽ thét lên đau đớn khi nghe tin người thân bị mất tích. Trong trường hợp cả một cộng đồng đều như vậy thì đó sẽ là cấp số nhân của thảm họa.

Người Nhật xếp hàng mua dầu hỏa - Ảnh AP

Cốt cách Nhật Bản

Người Nhật đã cho chúng ta thấy bản lĩnh của họ khi đứng trước những hiện tượng này. Một loạt tin và phóng sự quốc tế trong và những ngày xảy ra thảm họa đã cho thấy một nước Nhật Bản khác, không như chúng ta tưởng. Đó là những cảnh người Nhật bình tĩnh và kiên trì đi tìm những người thân trong những đống đổ nát hay trật tự chờ đợi đến lượt mình được nhận nhu yếu phẩm. Đặc biệt, báo giới phản ánh rằng không hề có dấu hiệu hôi của, cướp bóc hay bạo lực, những điều con người có thể làm trước diễn biến đó. Thế giới đã kinh ngạc và như tờ Daily Telegraph viết: “Việc sự vắng mặt hành vi xấu xa này là hoàn toàn lạ lẫm trong xã hội loài người”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thảm họa này xảy ra ở phương Tây hay bất cứ đâu khác thì đó sẽ là mảnh đất cho những nguy cơ phạm pháp.

Rõ ràng, người Nhật có một xã hội ổn định, kỷ luật tốt và được chuẩn bị sẵn sàng cho những thảm họa, một quốc gia hiện đại theo đúng nghĩa tinh thần văn minh của nó. Bằng chứng là họ đối phó với thảm họa 300 năm mới có một lần với thái độ bình tĩnh, trật tự và không hề xảy ra hoảng loạn. Bởi người Nhật đã được giáo dục kỹ những cốt cách truyền thống của họ khi gặp hoạn nạn, hơn thế nữa họ còn nghĩ đến những điều cần phải làm sau thảm họa là nhiệm vụ cứu nạn khổng lồ mà họ phải đương đầu.

Các trường hợp thảm họa, Pakistan (2005) lũ lụt ở Anh (2007) hay động đất Tứ Xuyên (2008), động đất Chile, Haiti (2010) số người chết lên cao vô lý chính vì tâm lí hoảng loạn, mất bình tĩnh gây nên, mặt khác các hành động cướp bóc, bạo lực cũng dẫn đến các hậu quả khôn lường. Báo chí đã phản ánh tình trạng phạm tội và cướp bóc diễn ra táo tợn hàng ngày, hàng giờ sau các thảm họa. Chúng ta còn nhớ rằng tình trạng hôi của tại Chile sau trận động đất năm ngoái tồi tệ đến nỗi quân đội phải nhập cuộc. Ở New Orleans, Mỹ, cơn bão Katrina cũng gây nên tình trạng cướp bóc đến mức kinh hoàng.

Với người Nhật, chuyện ai cũng có thể làm được đơn giản như là việc lấy đồ đạc của người khác gói gọn trong từ “hôi của” không nằm trong suy nghĩ của họ. Thậm chí từ ngữ này theo một chuyên gia về văn hóa Nhật là không thể tìm thấy trong từ điển của họ. Tính cách đó của dân tộc Nhật thật sự đã làm cho thế giới cảm phục, ít ra là họ tranh thủ được cảm tình của thế giới trong “quyền lực mềm” của đạo đức dân tộc.

Hành vi của người Nhật đã chứng minh họ đúng. Hoảng loạn và mất bình tĩnh chẳng giải quyết được việc gì, có khi còn gây hại. Hôi của nằm ngoài mong muốn và suy nghĩ của họ. Đó là cái lợi không chính đáng, mà không chính đáng thì không phải là điều người Nhật muốn.

Xếp hàng ngay ngắn bên ngoài một cửa hàng ở Sendai - Ảnh: CNN


Người dân trật tự xếp hàng để mua nhu yếu phẩm, trật tự để di chuyển, không chen lấn, xô đẩy. Trong cái khung cảnh thảm họa đó, chỉ có con người là trật tự hơn hẳn cái đống đổ nát sau lưng họ. Các siêu thị bán hàng giảm giá chứ không tăng giá sau khi xảy ra thảm họa để người dân có thể mua được hàng, một số cửa hàng giải khát còn phát không nước cho người di tản. Khi chạy ra từ những căn nhà chung cư, mọi người vẫn giữ đúng phép xã giao, chào nhau lịch sự, nhường đường cho nhau, không cuống cuồng xô đẩy mạnh ai nấy chạy. Đặc biệt, đến đèn xanh đèn đỏ, mọi người vẫn đứng chờ đèn hiệu, trật tự, không hoảng loạn khi di tản vì động đất. Điều này khó gặp ở những trường hợp đang nguy cấp ở các nước khác. Tại những chỗ tập trung đông người lánh nạn, mọi người gọi điện thoại, nhưng vẫn giữ ý, nói nhỏ, và che miệng, để không ảnh hưởng đến người khác.

Hầu hết những ai chạy ra khỏi nhà đều đội những chiếc mũ bảo hiểm trắng và ưu tiên cho những đứa trẻ. Giao thông bắt đầu tắc nghẽn, xe cộ đi lại đông nghịt, nhưng không hề có tiếng còi bấm inh ỏi tranh giành đường của nhau. Tất cả đều trật tự, từ tốn, chờ tín hiệu giao thông như những ngày bình thường. Mọi thứ đều trong tình trạng trật tự, có hàng có lối từ con người cho đến phương tiện. Có lẽ sẽ không ai chết đói, chết vì bạo lực trong tình cảnh đó, trừ phi họ không được tìm thấy. Tài sản của họ chỉ có thể bị mất đi bởi sự tàn phá của thiên nhiên chứ không mất đi bởi bàn tay của đồng loại.

Một hình ảnh đáng thú vị có thể gợi tưởng đến tính cách người Nhật là Cổng Toril. Đó là cánh cổng truyền thống dẫn vào ngôi đền thờ Shinto - biểu tượng của sự kết nối tâm linh giữa con người và đất. Năm 1945, một chiếc cổng Toril vẫn hiên ngang giữa đống đổ nát là một trong số ít công trình còn được nguyên vẹn sau khi bom nguyên tử dội xuống thành phố Hiroshima. Và hôm nay, tại làng Otsuchi sau trận sóng thần, động đất ngày 11/3 vẫn tồn tại trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Toril là bản lĩnh Nhật, là tính cách Nhật luôn bất biến trước mọi thời cuộc mà họ đã khẳng định qua hàng ngàn năm lịch sử với các diễn biến canh tân đất nước, Đệ nhị Thế chiến và hiện tượng thần kỳ kinh tế.

Người dân thành phố Sendai, nơi gần tâm chấn và bị sóng thần quét qua, xếp hàng dưới tuyết để mua nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị . Ảnh: AFP/JijiPress


Tất cả vì con người!

Những người dân bình thường đã đối xử với nhau như vậy trong cơn hoảng loạn đã khiến chúng ta ngưỡng phục. Các vị nguyên thủ của Nhật cũng đã có những hành động và lời nói kịp thời để trấn an nhân dân. Thủ tướng Naoto Kan trong bài phát biểu đã đề cao khẩu hiệu “Tất cả vì con người”. Chỉ có thể vì con người lúc này mới giải quyết mọi việc, những giá trị khác là vấn đề của thời gian, của sự khắc phục còn trước mắt hãy cứu lấy những gì có thể, làm được những gì có thể cho đồng loại. Chính phủ Nhật thông báo tất cả các công sở công cộng, trường học đều mở cửa cho mọi người lánh nạn vào trú nhờ. Công tác hướng dẫn di tản được chú trọng, hàng chục máy bay lên thẳng quần đảo khắp bầu trời để điều tra diễn biến thảm họa. Tiếng loa phát thanh thông báo tình hình vang lên, giọng phát thanh chậm rãi, rõ, từ tốn, không hoảng hốt, giúp mọi người bình tĩnh lại, không hoảng loạn. Trên tivi, các quan chức chính phủ, từ Thủ tướng Kan, đều mặc quần áo bảo hộ lao động. Đặc biệt, Hoàng đế Nhật Bản Akihito lần đầu tiên phát biểu trước một thảm họa thiên nhiên kể từ khi ông lên ngôi năm 1989 rằng: “Tôi cầu nguyện bình an cho đất nước” và gửi đến mọi người dân Nhật lời nhắn nhủ: “Tôi thực sự hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ cho tình hình không bị xấu đi”. Điều đó thể hiện sự tập trung cao độ nhất của chính phủ trong việc đối phó với động đất. Con người là tất cả những gì còn lại của đất nước này, của thế giới này. Chỉ có thể là tất cả vì con người mới mong cứu rỗi được đất nước Nhật qua cơn thảm họa.

Ngay từ thứ sáu ngày 11/3, ngày nào tôi cũng lên mạng và xem ti vi để biết về diễn biến tình hình thảm họa ở Nhật Bản. Nhiều bạn bè, người thân của tôi cũng quan tâm và biến nó thành chủ đề trao đổi sôi nổi. Những dòng tâm sự, những lời nhắn gửi cầu chúc nhân dân Nhật bước qua thảm họa, xây dựng lại đất nước vang vọng đâu đó trên những comment, blog. Người Việt Nam thật sự đã có những đồng cảm, sẻ chia với thảm họa mà người Nhật đang gánh trải.

Thảm họa, thiên tai tự nhiên là những điều chúng ta khó có thể lường trước được và thiệt hại từ chúng quả là vô lường. Chúng ta không kiểm soát được thảm họa nhưng chúng ta có thể kiểm soát và chế ngự được hành vi của mình trước những thảm họa. Mỗi người hãy là tấm gương đạo đức để kết thành bình phong ngăn được mọi thiên tai, thảm họa khi chúng diễn ra. Điều đó đã là một niềm mong mỏi và vinh dự lớn cho cả loài người trước những thử thách chống chọi với tự nhiên.

VŨ TRƯỜNG GIANG
(266/4-11)





Các bài mới
Các bài đã đăng