Góc Hoài niệm
Huế và cuộc chiến 50 ngày bao vây, tấn công quân Pháp
08:42 | 20/12/2013

PHẠM HỮU THU
       Nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 - 12

“Có những sự thật quá lớn lao của một thời, đến nỗi hậu thế nhìn qua lớp sương mù của thời gian, không thể nào tin nổi” (Nhà văn Phùng Quán).

Huế và cuộc chiến 50 ngày bao vây, tấn công quân Pháp

Bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiếp phòng quân Thuận Hóa  anh dũng hy sinh ngày 2/1/1947. Dưới bia có dựng bài thơ  của Bùi Hữu Trân: “Trời ơi! Ai biết đời thương nhớ/ Nức  nở lời thơ nặng nghĩa tình/ Với cả cây chiều hôm gió lạnh/  Nhớ thương nhiều đồng đội hy sinh...”.


Huế - mùa đông 1946

Như đã biết, chiều ngày 6/3/1946, tại 38 Lý Thường Kiệt - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Vũ Hồng Khanh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp Jean Sainteny Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp. Theo đó Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do trong Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng; ngược lại Chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Trung Hoa Dân Quốc làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Pháp hứa trong vòng 5 năm sẽ rút hết quân.

Với danh nghĩa “quân tiếp phòng”, đầu tháng tư năm đó, 825 binh sĩ Pháp từ Lào do đại tá Crèvecoeur dẫn đầu đến Huế. Theo hiệp ước Hoa - Pháp được ký ở Trùng Khánh trước đó, 5.000 quân của Trung Hoa Dân Quốc cuốn gói về nước. Theo thỏa thuận, Pháp đóng quân ở khu tam giác phố Tây: Morin - Ga Huế - Provindance thuộc khu vực Nam sông Hương. Tất cả có gần 20 vị trí mà Morin là trung tâm, bởi đây là nơi lực lượng quân tiếp phòng Pháp đồn trú. Lúc đầu, quân Pháp ở Huế do Đại tá Crèvecoeur chỉ huy mãi đến giữa tháng 7/1946 mới bàn giao cho Trung tá Coste đảm trách. Còn các điểm như Nhà đèn, Ngân hàng do quân tiếp phòng 2 bên kiểm soát.

Nhằm ngăn ngừa và xử lý những hành động vi phạm Hiệp định Sơ bộ 6/3 mà đại diện 2 Chính phủ đã ký kết, tại Huế, Ủy ban liên kiểm Việt - Pháp được thành lập và ông Lê Khánh Khang, Tiểu đoàn trưởng quân tiếp phòng Thuận Hóa được cử làm đại diện cho phía ta. Tiểu đoàn tiếp phòng quân Thuận Hóa lúc này đồn trú ở Trung bộ phủ - Tòa Khâm sứ cũ nằm ở phía Đông đường Courbet (nay là đường Hùng Vương) tiếp giáp với Morin ở phía Tây. Binh sĩ của Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa được trang bị khá. Tiểu đoàn có 3 Đại đội. Ông Ký làm Đại đội trưởng Đại đội 1, ông Lê Ngọc Hoàng làm Đại đội trưởng Đại đội 2. Đại đội 3 do ông Mậu làm Đại đội trưởng. Họ là những binh sĩ của chế độ cũ, giác ngộ cách mạng được tin tưởng giao trọng trách mới. Để “đối ngoại”, lực lượng Tiếp phòng quân ở Huế được trang bị giày đinh, đội mũ da, thắt lưng to bản và đeo súng ngắn. Ngoài cao to, đẹp trai, họ còn phải biết tiếng Pháp.

Nhân ngày mừng lễ chiến thắng đại chiến lần thứ nhất - 11/11, tại khu vực Quartier Francais chạy dài từ Morin đến Ga Huế nằm trên phạm vi đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi) quân Pháp tổ chức duyệt binh, có mời ta tham dự. Đám tàn quân của tướng Turquiem chạy sang Lào trốn quân Nhật ngày nào, giờ được dịp dương oai diễu võ. Khi đi sang Đài chiến sĩ trận vong - Monument aux Morts, chúng nện gót giày đinh theo nhịp kèn đồng với vẻ dáng tự đắc. Xe thiết giáp có kéo trọng pháo theo sau hành tiến. Dưới mặt đất thì như vậy, còn trên bầu trời, quân Pháp cho các loại máy bay tiêm kích Spitfire, máy bay khu trục Hencat, máy bay vận tải quân sự Dakota gầm rú. Chúng khoe vũ khí tối tân nhằm uy hiếp tinh thần của quân và dân Huế.

Phía đối diện ở bắc sông Hương ta đáp lại. Tại vườn hoa Thượng Tứ, sân vận động chợ Xép quân ta tiến hành tập trận giả. Đội du kích Ba Tơ diễn võ thuật, côn quyền, đao kiếm... Binh sĩ Nhật theo Việt Minh và lớp quân chính của Trung đoàn Trần Cao Vân biểu diễn đâm lê. Các đội Cảm tử quân diễn tập chôn bom dây, đâm bom ba càng, ném chai xăng ngâm crep... Tiếng hô bắt tù binh “Hô-lê-manh” - đưa tay lên như tiếp thêm khí thế. Nhiều nơi, bộ đội và tự vệ diễu hành vũ trang, cất cao tiếng hát hào hùng:

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường
Quân xung phong, nước Nam đang chờ, mong tay người

Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời
Ngựa phi nơi xa

Kìa nghe súng vang bên trời điệu kèn rộn ràng
Là trang nam nhi
Quyết chiến sa trường
Sống thác coi thường

Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai
...

Hai bờ Nam - Bắc sông Hương khí thế sục sôi.

Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, những ngày sau đó quân Pháp bội ước. Ở Huế, chúng ngang nhiên cho xe bọc thép húc vào một số công sự của ta. Chúng ném lựu đạn vào bốt Trương Định. Chúng tiến hành bắt cóc công an, cán bộ. Tại ngã tư cầu Trường Tiền, khu vực giáp ranh giữa 2 bên có trạm gác chung, tự vệ ta ở bên trái, quân Pháp ở bên phải. Đang gác, một tên lính lê dương của Pháp chĩa súng vào ngực một tự vệ có tên là Tùng (người ở Bao Vinh) đòi tước vũ khí. Thay bằng đưa súng, tự vệ Tùng rút chốt quả lựu chìa ra và nói:

- S’it vous plait! - Xin mời, nếu mày thích!

Tại cầu Lòn, một sĩ quan Pháp lái xe Jeep vượt ranh giới quy định, trung đội của Lê Tử Văn chặn lại. Tên sĩ quan lên đạn uy hiếp, lập tức tự vệ ta xúm lại đẩy chiếc xe của hắn về ranh giới quy định. Tại An Cựu, khi phát hiện 2 sĩ quan Pháp sục vào hãng dầu khuynh diệp Viễn Đệ ở bờ sông do thám, Hoàng Bình và Thái Cán đã bắt sống 1 tên, tên còn lại bỏ cha- y, Hoàng Bình truy đuổi và ôm vật nó. Một bác thợ mộc đi ngang qua, thấy thế nhảy vô phụ sức. 2 tên này sau đó được trao thả thông qua Ủy ban Liên kiểm.

Cũng tại Trạm kiểm soát bờ Nam cầu Trường Tiền, Pháp bắn 1 công an ta bị thương, dân uất ức muốn đánh nhưng cấp trên động viên kiên nhẫn chờ lệnh, không manh động và tránh rơi vào bẫy khiêu khích của địch.

Ta nhân nhượng, quân Pháp càng lấn tới. Tại Hà Nội, ngày 19/12/1946, tướng Molière gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của bộ đội ta, đòi nắm quyền kiểm soát thành phố. Không chấp thuận yêu sách ngang ngược của chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Người, đúng 2 giờ 30 phút ngày 20/12/1946, Huế nổ súng mở đầu cho cuộc chiến không cân sức nhưng hào hùng của 50 ngày đêm quân ta bao vây, tiến đánh quân Pháp.


Huế - nửa đêm về sáng ngày 20/12/1946

Đêm 19/12/1946, tại Trụ sở của mình, ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công an Trung bộ nhận được điện thượng khẩn của Trung ương. Theo đó, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh tấn công quân Pháp ngay trong đêm nay và yêu cầu Huế chuyển lệnh này cho Đà Nẵng. Đọc xong ông liền cho liên lạc hỏa tốc đưa sang Thành Nội trình cho Bí thư Xứ ủy Trung bộ Nguyễn Chí Thanh. Tại khu vực Tam tòa, cả Bộ Chỉ huy Mặt trận Huế đang nóng lòng chờ đợi, bởi trước đó, qua radio họ đều biết vào lúc 23 giờ Hà Nội đã nổ súng. (Sự thật, Hà Nội nổ súng lúc 20 giờ 3 phút). Mãi 2 giờ sáng ngày 20/12/1946 chuông điện thoại mới reo. Từ Hà Nội, thay mặt Bộ quốc phòng, ông Đàm Quang Trung gọi báo cho Chỉ huy trưởng Hà Văn Lâu: “Ngoài này đã bắt đầu, trong đó cho nổ súng”.

Huế mất yếu tố bất ngờ nhưng nhờ trước đó, theo kế hoạch ta đã cho quân áp sát các vị trí địch nên vẫn chủ động mở cuộc tấn công.

Sau khi lệnh cho Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 17 Võ Lương tiến hành kế hoạch giật sập cầu Trường Tiền như đã định, Chỉ huy trưởng Hà Văn Lâu cùng Tham mưu trưởng Phùng Đông tiến lên Kỳ đài. Tại đó, khẩu Sơn pháo 75 ly duy nhất mà ta thu được của quân Nhật ở Nam Giao đang hướng nòng về bờ Nam sông Hương chờ điểm hỏa. Trong khẩu đội tác chiến đêm ấy, có một sinh viên, cựu binh sĩ Nhật theo Việt Minh mang tên mới là Nguyễn Văn Tín giúp căn chỉnh tọa độ.

Thấy Chỉ huy đến, cả khẩu đội đứng nghiêm, hồi hộp chờ. Thay mặt Bộ chỉ huy Mặt trận Huế, Tham mưu trưởng Phùng Đông dõng dạc cất cao lời thề:

- Nhân danh Quyết tử quân Trung đoàn mang tên chí sĩ Trần Cao Vân
- Nhân danh nỗi căm hờn hơn 80 năm nô lệ
- Xin thề rửa nhục cho non sông
Bắn!

2 giờ 30 phút ngày 20/12/1946 khẩu sơn pháo 75 ly nhả đạn, báo hiệu cho cuộc tấn công, bao vây quân Pháp tại Huế - Ảnh: tư liệu của Phạm Hữu Thu


Người vinh dự được thực hiện điểm hỏa phát lệnh tấn công đầu tiên ấy là Nguyễn Phú Thứ, Thị đội trưởng Huế. Chỉ huy trưởng Hà Văn Lâu nhìn đồng hồ: kim chỉ đúng 2 giờ 30 phút!

Theo sau pháo lệnh, Huế nổ súng, bắt đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại cầu Trường Tiền, Đại đội trưởng công binh Lê Vừa cùng với chiến sĩ Trần Bòn châm ngòi, quả thủy lôi nặng 500 kg phát nổ. Vài cầu phía Bắc gục đổ. Trong khi đó từ Nhà máy Đèn, còi báo động vang lên nhưng mấy phút sau, toán của ông Nguyễn Minh, theo lệnh của Đại đội trưởng Lê Vừa đã làm cho nó im bặt bởi một tiếng nổ lớn. Huế mất điện.

Đứng ở thượng thành gần cửa Thượng Tứ, các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Hoàng Anh, Trần Quý Hai, Hoàng Điền... hướng về Nam quan sát.

Nghe tiếng súng nổ, người dân Thành Nội rủ nhau ra bờ sông Hương hoặc lên thượng thành theo dõi. Tiếng hò reo, cổ vũ hòa trong tiếng súng làm đất trời Cố đô rung chuyển.

- Cháy rồi! Cháy kho xăng rồi!

Tiếng reo càng lớn khi khối lửa từ trường Khải Định bốc cao, sáng rực cả dòng sông. Ở phía bên kia, trong khu phố Tây, sau những ngày ém quân chờ đợi, các mũi, dưới sự chỉ huy của: Nguyễn Đổng, Lê Ngọc Hoàng, Hoàng Diêu, Trần Gia Suyền và các ông Ký, Mâu... bộ đội cùng với tự vệ thành đã đồng loạt tiến công. Từ đồn De Courcy (trụ sở của Thành đội Huế bây giờ), quân ta tiến sang và đánh chiếm 1/3 Morin, phá đài vô tuyến điện. Tiếp đó quân ta triển khai tiến đánh nhà Antiquites, chiếm garage le Croix và tấn công nhà hàng Chaffanjon, tiến công địch tại Sở Công chánh. Phía khu vực Ga Huế - Bến Ngự, quân ta đã đánh và chiếm được khách sạn Thanh Minh, nhà Mar- beuf. Từ nhà Viễn Đệ quân ta tiến đánh Viện Dân biểu, trường Perllerin. Còn ở khu vực tây nam, quân ta phân thành 2 cánh. Một từ cung An Định đánh lên và một từ Ecole pratique - Trường Kỹ nghệ thực hành đánh xuống mục tiêu Provid- ance - Trường Thiên Hựu.

Tại khu vực ngã 5 quân ta phá 1 xe Jeep và 1 xe vận tải quân sự, tại đầu cầu Nam Giao 2 xe bọc thép bị phá, ở khu vực miếu Đại Càng 1 xe bọc thép cũng bị hư hại. Khi chúng đưa quân nhằm tái chiếm Nhà Đèn, quân ta diệt 45 tên và phá hỏng 2 xe bọc thép... Một cánh quân khác từ trường Đồng Khánh đã đánh sang trường Khải Định. Mặc dù yếu tố bất ngờ không còn nhưng nhờ mưu trí và dũng cảm, Huế đã giành được thế chủ động. Ông Nguyễn Phước, cựu chính trị viên Đại đội 5, Tiểu đoàn 17, Trung đoàn Trần Cao Vân, một trong những chỉ huy tham gia trận đánh vào trường Khải Định - Huế cho biết:

- Trước đó, đại đội của ông được lệnh ém quân ở trường Đồng Khánh. Tất cả đều cải trang thành dân thường. Đại đội được bổ sung thêm 1 trung đội tự vệ của Phú Hòa, tăng cường vũ khí, chủ yếu là bom ba càng. Trước khi trận đánh diễn ra, đơn vị ông đã tách ra khỏi Tiểu đoàn 17 và đổi tên thành Đại đội Quyết tử quân đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chỉ huy sở Mặt trận.

24 giờ kém 15 phút ngày 19/12/1946, trong lúc ông Nguyễn Phước đang trực chỉ huy thì liên lạc viên của Chỉ huy sở là Phùng Quán (sau này là nhà văn) mang lệnh đến. Đại đội trưởng Trần Gia Suyền, đại đội phó Vỹ và ông Nguyễn Phước cùng xem và đốt ngay tại chỗ. Trước khi rời phòng chỉ huy, liên lạc viên Phùng Quán rút chiếc Omega và đưa cho đại đội trưởng Trần Gia Suyền yêu cầu chỉnh lại theo đúng giờ của đồng hồ Sở chỉ huy. Thời gian tấn công được ấn định là 2giờ 30 phút ngày 20/12/1946.

Thế rồi, pháo nổ. 3 trung đội của ông Ngọc, ông Thuyết và ông Toàn trước đó đã áp sát bờ tường trường Khải Định, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại đội phó Vỹ, họ xuất kích. Súng và lựu đạn nổ. Một số binh sĩ Pháp ở tầng dưới bị tiêu diệt. Số sống sót chạy lên tầng trên rồi co cụm về dãy lầu phía Bến Ngự chống trả. Có một lính Pháp do nhảy vội bị rơi xuống đất, đập đầu chết. Đại đội Quyết tử quân chỉ chiếm được nửa trường Khải Định. Lính Pháp vừa ném lựu đạn, xả trung liên từ trên xuống vừa dùng đại liên từ vọng gác phía Bến Ngự quét ngược ra, buộc quân ta co cụm, không xung kích được.

Theo kế hoạch, Đại đội của ông Phạm Văn Đăng trước đó ém quân ở vùng Lịch Đợi phải có mặt để phối hợp với đại đội của Trần Gia Suyền đánh chiếm nửa trường còn lại của trường Khải Định, nhưng đến lúc đó vẫn không thấy, buộc đại đội trưởng Suyền chuyển hướng tấn công vào dãy nhà xe. Trung đội trưởng tự vệ Toàn cho anh em bôi xăng ngâm crep vào bánh và đổ vào carbin. Trung đội trưởng Thuyết xách trung liên bắn, sau đó lựu đạn được ném vào. Xe và kho xăng gần đó bốc cháy. Đứng ở thượng thành nhìn sang, rực một phương trời.

Sau cầu Trường Tiền, thêm cầu An Cựu và cầu Ga bị phá. Quân Pháp ở Huế lâm vào thế bị bao vây và chia cắt. Đảm đương nhiệm vụ đó là đại đội trưởng công binh của Trung đoàn Trần Cao Vân Lê Vừa, người đã tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành - Ecole pratique. Ông Lê Vừa là em ruột của ông Lê Văn Mười, tự vệ thành Huế được giao nhiệm vụ quản thúc số binh sĩ Pháp trước đó đã bị Nhật bắt đem giam ở Providance.

Ông Lê Văn Mười hy sinh khi ngăn không cho số tù binh này nhận vũ khí từ máy bay Pháp thả xuống. Đám tang của liệt sĩ Lê Văn Mười được tổ chức ở chùa Từ Đàm. Đám đưa, kéo dài hơn hai cây số. Trước khi hạ huyệt, Ủy viên trưởng quốc phòng Thuận Hóa Lê Tự Đồng đọc điếu văn đầy căm uất và xót xa. Đứng bên linh cữu anh trai, quá xúc động, ông Lê Vừa rút dao găm, đặt bàn tay lên quan tài, chặt đứt ngón trỏ rồi hét vang:

- Phải diệt quân xâm lược!

Thực hiện lời thề đó, nửa đêm về sáng ngày 20/12/1946, ông Lê Vừa đã trở thành người thương binh đầu tiên của Mặt trận Huế sau khi giật sập cầu Trường Tiền.


Sống mái với quân thù

Tại điểm trường Khải Định, 6 giờ sáng ngày 20/12, quân Pháp từ khu Hội chợ dùng 2 G.M.C chở quân có xe bọc thép dẫn đầu đưa quân xuống cứu viện. Xe bọc thép húc vào đống chướng ngại vật mà quân ta trước đó đã dựng trong đêm. Bom nổ, xe bị lật nhào. Quân địch bỏ chạy, ta truy kích. Để giải cứu, Pháp cho thêm 2 xe bọc thép cắt đường rút của quân ta. Thấy thế, Chính trị viên trung đội Huỳnh Thế Điểu cùng Tô Thế Định (một học viên của Trường Quân chính Nhượng Bạn mới bổ sung) ôm bom ba càng đâm vào chiếc xe bọc thép và Chính trị viên Huỳnh Thế Điểu hy sinh!

Bị đánh phủ đầu, mãi đến trưa ngày 20/12/1946, quân Pháp mới tổ chức phản công để giành lại Bưu điện, Ngân hàng. Chúng tấn công Nhà Đèn nhưng do bị thương vong nhiều nên rút lui. Đến lúc này ta đã làm chủ Ngã tư trường Kỹ nghệ, kiểm soát bờ sông An Cựu, chiếm đóng ngã 5 miếu Đại Càng, chiếm khách sạn Thanh Minh. Đến chiều, ta cho phá Nhà máy nước Vạn Niên và phá thêm một số cầu cống nhằm tạo thế bao vây, chia cắt địch.

Sau khi tấn công vào trường Khải Định, Đại đội Quyết tử quân rút về cố thủ ở trường Đồng Khánh sau đó rút về Nhà thương, đồng thời lập chướng ngại vật ngăn địch chi viện cho Morin. Pháp cho xe bọc thép húc và bắn phá chướng ngại vật nhưng ở đó có chôn xăng ngâm crep. Lửa bùng phát dữ dội nên chúng chuyển hướng đánh vào ngã sau.

Không cho địch được yên, tối hôm đó ta lại đánh địch ở Providance. Địch đưa xe bọc thép đến giải vây, các cảm tử quân như Phan Chánh, Đinh Diệm, Phan Cháu, Nguyễn Chát, Nguyễn Ngọc Thuyên, Võ Phi Trắng, Ngô Viết Thụ, Đặng Thế Bồng, Ưng Tuệ, Phan Dũng Quý... phối hợp với quân của đại đội trưởng Nguyễn Đổng và đại đội phó Ngô Đào Du ôm bom ba càng và lựu đạn ngăn giặc. Xe bọc thép bị phá hỏng, xe Limousine bị thiêu cháy.

Ngày đầu tiên kháng chiến, ở mặt trận Huế ta đã tiêu diệt ngót 100 tên giặc, phá nhiều xe quân sự, thu và phá hủy nhiều vũ khí, buộc quân Pháp phải cố thủ, bị động chống đỡ, tâm lý hoang mang. Về phía quân ta đã có 30 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhiều người khác bị thương.

Tham chiến tại mặt trận Huế lúc đầu chỉ có Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa của Lê Khánh Khang, Tiểu đoàn 16 của Huỳnh Điểu, Tiểu đoàn 17 của Võ Lương và Tự vệ thành phố Huế (Tiểu đoàn 18 của Trung đoàn Trần Cao Vân trước đó đã hành quân về đóng quân ở vùng Phú Lộc ngăn giặc chi viện). Sau đó Liên khu IV tăng cường thêm Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Vinh đóng quân ở An Hòa. Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị mỗi địa phương cử một đại đội đến Huế. Riêng Trường Quân chính Nhượng Bạn gửi một đại đội, số binh sĩ này được phân bổ và trực tiếp tham chiến ở phía Nam sông Hương.

Bộ đội ta vũ khí còn thô sơ, chủ yếu là các loại súng trường cổ lỗ sĩ như Indochinois,  Mousqueton,  Remington, súng Chiêu Hòa của Nhật, Thất Cữu của Tàu, súng trường của Nga. Cả Mặt trận chỉ có 10 khẩu trung liên Pren của Tiệp và chỉ có duy nhất 1 khẩu sơn pháo 75 ly. Vũ khí không đủ nên bộ đội cũng như Tự vệ thành phải dùng mác Lào, đại đao, mã tấu, lựu đạn “mỏ vịt” tự chế. Đến giữa tháng 12 Liên khu IV mới trang bị thêm ít bom ba càng, loại cải tiến từ mìn để chống xe tăng. Do thiếu hỏa lực nên khi yểm trợ bộ binh tấn công, quân ta còn sử dụng cả súng thần công, chỉ khác là trước đây dùng bi bằng gang thì nay dùng đầu đại bác đế bắn và đặt tên là Lancebombe!

Sau mấy ngày chiến đấu giành đi giật lại, thấy không ổn, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Xứ ủy lúc này kiêm Bí thư Tỉnh ủy triệu tập họp, quyết định chia mặt trận Huế thành 3 khu vực và giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị bao vây, chia cắt và tổ chức đánh địch. Khu A ở phía tả ngạn sông Hương do Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu phụ trách. Tiểu đoàn 17 của ông Võ Lương được giao nhiệm vụ trấn giữ ở đây. Phía hữu ngạn sông Hương căn cứ vào tình hình lúc bấy giờ được phân thành 2 khu. Khu B quy ước từ Morin -Trường Tiền - Đập Đá - miếu Đại Càng do Lê Khánh Khang, Tiểu đoàn trưởng Tiếp phòng quân Thuận Hóa phụ trách. Trong Ban chỉ huy Khu B có các ông Trần Văn Bành, Chính trị viên Tiểu đoàn Tiếp phòng quân, ông Nghệ. Bộ chỉ huy Mặt trận phái trung đoàn phó Trung đoàn Trần Cao Vân, Trần Gia Hội chỉ huy cánh quân này. Liên lạc Khu B có tiểu đội trưởng Trần Hậu và các ông: Nguyễn Viết Tá, Nguyễn Viết Du, Vĩnh Mẫn, Nguyễn Khắc Thìn, Chương, Quỳ, Bửu Tập...

Ông Vĩnh Mẫn kể: Bộ chỉ huy Khu B đóng ở hầm của Tòa khâm sứ cũ, nơi mà trước đó cố vấn tối cao Nhật Yokoyama đặt trụ sở làm việc. Trong hầm có 2 tấm gỗ lim dài dành cho chỉ huy, trên đó có đặt 1 chiếc điện thoại. Ông Ngô Đức Thọ, vốn là Trưởng ban Thông tin liên lạc của Giải phóng quân Huế được Bí thư Nguyễn Chí Thanh giao nhiệm vụ thiết lập hệ thống thông tin thời chiến.

Kể về người chỉ huy có biệt hiệu “O tròn” Trần Gia Hội, ông Vĩnh Mẫn cho biết:

- Trong những ngày vây đánh Pháp ở Huế, chúng tôi thường gọi ông là bằng cái tên thân thương là “bọ Hội”. Ông thường trực ở Chỉ huy sở để điều hành. Khi các cánh quân báo về, bọ Hội thường hỏi “Còn bao nhiêu quân số?”. Nghe xong, bọ Hội lấy cây bút chì 2 màu xanh-đỏ của Nhật khoanh tròn con số cán bộ, chiến sĩ còn lại lên tấm bản đồ lúc nào cũng có sẵn trên tay và lệnh: sát nhập với đơn vị khác để tiếp tục chiến đấu!

Còn khu C kéo dài từ Nam Giao - Ga Huế đến Long Thọ do ông Trần Chí Hiền, Tỉnh đội trưởng Dân quân phụ trách.

Cần biết thêm, do vị trí của Trung bộ phủ nên trước khi xảy ra chiến tranh, với tầm nhìn xa trông rộng trên tư cách Bí thư Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã điều từ Mặt trận Nha Trang 3 cán bộ am hiểu về quân sự và chính trị, đó là Hà Văn Lâu, Trần Quý Hai và Trần Chí Hiền nhằm tăng cường cho Huế, bởi trước đó Huế đã cử đội ngũ cán bộ tinh nhuệ dẫn các phân đội Nam tiến và Tây tiến. Khi chiến sự nổ ra, ông Phùng Đông, Tham mưu trưởng Trung đoàn được phái về chỉ huy khu C. Liên lạc ở C có các ông: Trần Đăng Nghi, Nguyễn Đình Dánh, Phùng Quán, Mai Duy Hồ... do ông Thu Lương và Đinh Văn Chí phụ trách.

Chiến sự nổ ra, từ nhà Marbeuf, Pháp dùng đại liên bắn dọc cầu Bến Ngự, những liên lạc viên đã dũng cảm vượt qua làn đạn để truyền lệnh và khi ta thắng trận ở miếu Đại Càng (25/12/1946), chính họ là những người dẫn đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trưởng Cù Huy Cận dẫn đầu đến thăm hỏi động viên bộ đội ở Cung An Định.

Tại khu nhà gần Cung An Định, Pháp chiếm 1 ngôi nhà và lập chốt khống chế quân ta. Ta tập kích mấy lần nhưng không đạt vì công sự dày và có nhiều lỗ châu mai. Bộ chỉ huy Mặt trận quyết tấn công. 2 trung đội và một số đơn vị chia làm 2 mũi. Mũi của trung đội trưởng Thọ đánh vỗ mặt thu hút hỏa lực địch. Mũi của chính trị viên Thâm vòng ra phía sau áp sát để diệt ổ súng máy. Khi tiếp cận mục tiêu, ta bị thương vong nhiều do cối từ L’accueil bắn xuống, do lựu đạn “mỏ vịt” tự chế vừa tung đã nổ. Trong tình thế đó, chính trị viên Thâm vọt lên dúi lựu đạn vào lỗ châu mai. Mỏ vịt chưa kịp bung thì bị giặc đẩy ra. Lần 2 cũng như thế. Cuối cùng Thâm dúi và mở chốt. Lính Pháp thấy thế bỏ chạy nhưng không kịp. Lựu đạn nổ. Ổ đề kháng bị diệt. Bàn tay cầm lựu đạn của người chính trị viên dũng cảm bị băm nát phải cắt bỏ. Gương chiến đấu của thương binh Thâm lan truyền. Đồng bào khâm phục tặng ông biệt danh là Tướng Gan Lì. Đồng đội biến tấu thành Tướng Ga Li.

Phối hợp với bộ đội, Tự vệ thành cũng nghĩ nhiều cách đánh độc đáo, trong đó có việc treo bom trên cây. Trước tết Đinh Hợi 1947, Tổ tự vệ Phú Bình 4 người do Trung đội trưởng Tùng chỉ huy cho treo 2 quả bom (cách chế nhờ anh em hàng binh Nhật hướng dẫn) trên cành cây xà cừ ở sau hông Trung bộ phủ. Khi xe bọc thép xuất phát từ nhà tướng Turquiem lọt vào tầm, trên đài quan sát ông Bờ phất cờ trắng làm lệnh. Ông An (bị câm) thả ngay dây néo. 2 quả bom rơi. Chiếc xe bọc thép dẫn đầu chỏng vó. Xác địch bị bom xé nát văng tung tóe, treo trên cành cây.

Sát cánh với bộ đội, Thiếu niên xung kích thành Huế, đêm xuống len lỏi vào lòng địch. Nhiều toán bí mật đột nhập lấy cắp tài liệu, vũ khí hoặc leo theo ống máng, bò lên mái nhà, dỡ ngói thả lựu đạn làm cho quân Pháp ăn không ngon ngủ không yên.


Morin, những trận đánh bất thành

Đợt đầu tiên tấn công vào Khách sạn Morin không đạt kết quả vì quân Pháp dựa vào 4 tòa nhà, ở giữa có sân rộng nhằm lập công sự cố thủ nên tối hôm sau (21/12), quân ta tiếp tục mở cuộc tấn công.

Ngoài lực lượng của Tiếp phòng quân và Tự vệ Huế, theo ông Võ Việt An được ông Vĩnh Mẫn xác nhận, đêm đó còn có sự tham gia của một đội quân rất đặc biệt chừng khoảng 20 người, đặt dưới quyền chỉ huy của ông Lê Thiên Hương. Ông Hương là một sĩ quan Nhật, sau sự kiện Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng Minh đã theo Việt Minh và thay tên đổi họ mà lúc đó chúng ta thường gọi là những người Việt Nam mới. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Christopher E. Goscha dẫn nguồn từ giới quân sự Pháp cho biết, lúc xảy ra cuộc chiến, tại Huế họ phải chống lại một đơn vị xung kích gồm khoảng 150 người Nhật. Riêng đội xung kích đặc biệt - Tok- kohan này, trước khi chuyển ra Cửa Tùng - Quảng Trị (5/1946) đã trực tiếp tham gia huấn luyện cho Trung đoàn Trần Cao Vân của cụ Trần Gia Hội.

Ngày 20/12/1946, theo lệnh của Chủ tịch UBHC Kháng chiến Trung bộ Trần Hữu Dực và Tham mưu trưởng Phân khu Bình Trị Thiên Hoàng Điền, từ Cửa Tùng, họ đã vào Huế. Tại khu vực Tam Tòa trong Thành Nội, ông Trần Hữu Dực và Hoàng Điền đã chỉ định ông Lê Thiên Hương chỉ huy đội quân cảm tử gồm những binh sĩ Nhật theo Việt Minh và mang họ tên mới như: Lê Trung Lý, Nguyễn Sơn, Nguyễn Khắc, Nguyễn Minh, Nguyễn Thế Kế, Bùi Thiết... để đánh chiếm Khách sạn Morin. Kế hoạch được vạch ra như sau: 23 giờ ngày 21/12, sau khi đội cảm tử quân Nhật áp sát bờ Nam sông Hương, từ phía Gia Hội, ông Nguyễn Sơn sẽ bắn 15 phát pháo 75 ly; sau đó từ thượng thành ở khu vực Thượng Tứ ông Lê Trung Lý sẽ dùng súng thần công của triều Nguyễn bắn tiếp 10 quả bom tự tạo. Bom, pháo dội xong, đội cảm tử và các đơn vị phối hợp mới xung phong đánh chiếm Morin.

Nhận kế hoạch xong, đúng 15 giờ, họ xuất phát. 20 cảm tử quân người Nhật cúi đầu chào vĩnh biệt những người lãnh đạo Việt Minh. Họ hành quân về Gia Hội và theo thuyền sang bờ nam sông Hương ở Đập Đá. Theo nhiệm vụ được phân công, Liên lạc viên khu B là ông Vĩnh Mẫn và ông Nguyễn Viết Du đón và đưa đội quân này về Trung bộ phủ.

Đúng như kế hoạch, đêm đó sau khi những loạt bắn yểm trợ của pháo binh (rất tiếc là những bom của súng thần công bắn không trúng mục tiêu), từ gầm cầu Trường Tiền, đội cảm tử quân người Nhật xuất kích đánh vào cửa chính của khách sạn. Quân Pháp từ trong bắn ra và khẩu đại liên của Pháp đặt ở Phòng thông tin gần bờ sông bắn vào. Để kiềm chế hỏa lực của đối phương, một cảm tử quân quay nòng khẩu đại liên Chiêu Hòa bắn yểm trợ. Tranh thủ, một cảm tử quân khác áp sát ném 2 quả lựu đạn, làm ổ đại liên của quân Pháp im bặt.

Sau 3 lần xung phong nhưng do lối vào cửa chính của khách sạn đã bị quân Pháp dùng bao cát ngăn lại nên họ chỉ lợi dụng được những lổ hổng để ném lựu đạn vào và sau đó rút lui. Trong ánh chớp của lửa đạn, những cảm tử quân Việt Nam đã rất cảm động khi thấy hình ảnh một cảm tử quân Nhật đứng lên rồi ngã xuống 2 lần nhưng vẫn giơ tay hô: “Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” rồi hy sinh. Đúng 3 giờ rạng sáng ngày 22/12/1946, lui quân. Điểm lại trận này quân ta có 3 chiến sĩ hy sinh,7 người khác bị thương.

Tấn công trực diện không thành vì quân Pháp dựa vào các tòa nhà có công sự vững chắc để cố thủ nên có người đã hiến kế bằng cách cho đốt rơm - ớt ở tầng dưới, khói xông lên tầng trên, địch sẽ bị sặc khói, bị ngạt, thừa cơ ta xông lên dùng đại đao, mã tấu chém. Thấy có lý, Ban chỉ huy Mặt trận đồng ý tổ chức trận hỏa công vào Morin. Trước khi tiến hành, Đội tuyên truyền xung phong khu B liền sáng tác bài văn vần, thúc giục:

Ngót tháng trời bao vây quân Pháp
Không làm sao hạ được Mo-ranh
Mất tầng dưới Pháp cố thủ tầng trên
Quyết diệt đồn thiếu khí tài công phá
Ban chỉ huy đành viện trơ đến thần hỏa
Không củi than mà cứ ớt rơm

Thuận tiện gánh gồng dễ xách ôm
Hun giặc Pháp khác chi hun chuột
Lửa khói rơm thêm mùi cay ớt bột
Lửa nóng hơi cay ngạt ngột hoang mang
Loa kêu chắc giặc Pháp đầu hàng
Rơm ớt thay súng đạn

Hãy mau mau hưởng ứng
Hỡi đồng bào, tự vệ dân quân
Hãy tham gia đánh trận hỏa công
Hỏa công quyết thắng

Hỏa công quyết thắng!

Lệnh ban ra, rơm ớt bằng đường bộ, đường thủy từ các nơi được đưa về tập trung tại Trung bộ phủ và dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu bây giờ.

Đêm đến bộ đội, tự vệ mang rơm vào chất ở sân Morin rồi trộn ớt bột vào… Lửa nổi, gió từ sông Hương tiếp sức nên cháy rừng rực. Quân ta reo hò, bắn súng uy hiếp tinh thần, làm cho binh sĩ Pháp ở tầng trên kêu la inh ỏi. Nhưng khốn nỗi, do lửa rơm ớt không có “lập trường”, “quan điểm”, không phân biệt bạn thù nên khi đổi hướng cũng làm quân ta lãnh đủ.

Lợi dụng ánh lửa, thừa cơ địch ở trên cao tung lựu đạn, xả súng. Ta đánh giáp lá cà và mấy lần lên được tầng 2 nhưng đều bị đẩy xuống. Trước khi rút, ta chỉ kịp cho bom nổ giật phá cầu thang, chặn đường truy kích của giặc. Ông Thân Trọng Một bị thương khi tham gia trận hỏa công không thành này.

Hết dùng rơm - ớt, quân ta lại tính đến việc dùng xăng để tiếp tục “hỏa công” Morin. Nhưng thật oái ăm, khi vòi rồng bơm xăng từ Trung bộ phủ sang thì từ tầng lầu địch phát hiện tổ chức bắn trả. Xăng bén lửa, máy cháy. Quân ta bí đường chỉ biết bỏ của chạy lấy người.

Thấy đánh bằng cách này vẫn không hạ được Morin, cán bộ ta đề nghị khoan tường dùng dynamile - thuốc bắn ở các mỏ đá để giật. Bộ chỉ huy cho thực hiện. Đêm xuống, trong lúc quân ta khoan tường, nghe tiếng động, địch ở trên cao ném lựu đạn, xả súng. Quân ta bị thương vong, kế hoạch này cũng phá sản.

Cách cuối cùng mà quân ta nghĩ tới là dùng bom để đánh Morin, bởi trước đó, nhờ dùng bom mà ta đã đánh sập nhà Marbeuf và tấn công L’accueil, nhà La Greve. Một quả bom nặng 500 kg được đưa đến, nhưng vì bom nặng, địch bắn xối xả, thương vong nhiều nên đến bậc thềm thứ 3 thì đành bỏ lại. Mấy ngày sau công binh lén lắp ngòi nổ nhưng chỉ giật sập góc mái nhà Morin.

Từ đó, việc đánh Morin lâm vào bế tắc.


Thà chết, chứ không buông súng!

Trong báo cáo gửi Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, Khu trưởng Chiến khu IV cho biết diễn tiến của Mặt trận Huế như sau:

- 3 giờ đêm 25/12/1946, với sự yểm trợ của trọng pháo, quân ta tiến công đốt phá Morin, chiếm trụ sở Thông tin tuyên truyền Trung bộ, Sở Công chánh, Tòa báo Chiến sĩ, Sở Thủy lâm, Nhà Antiquites. Đến 7h, Pháp có phi cơ yểm trợ cho quân và xe bọc thép đánh ngã 5 Nông phố ngân hàng rồi tiến đến trường Thuận Hóa thì bị 2 trung đội ta đánh lui về sau garage le Croix. Pháp kéo đến đánh Thông tin tuyên truyền Trung bộ và Sở Công chánh, dồn quân ta vào Sở Công chánh để tiêu diệt.

Ông Lạc là cảm tử quân duy nhất trong số hơn 40 cán bộ, chiến sĩ còn sống sót trong trận quân Pháp bao vây Sở Công chánh nhờ bơi được qua sông Hương thuật lại:

- Khi cảm tử quân rút về Sở Công chánh thì trời vừa sáng. Địch phát hiện, chúng bao vây. Trung đội trưởng Ngọc và trung đội trưởng Tôn Thất Xuân tổ chức anh em cầm cự, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Bọn chúng hết đạn, máy bay thả dù. Dù rơi trước sân nhà Morin, chúng cho quân ra lấy đã bị xạ thủ Lê Văn Minh bắn tỉa diệt nhiều tên. Liên tiếp sau đó địch lại phản công. Quân ta và chúng đánh giáp lá cà. Chiến sĩ bị bắt, dùng dao găm hoặc lựu đạn tự sát. Đến 14 giờ, vì hết đạn nên tất cả chấp nhận hy sinh, quyết không để sa vào tay giặc.

Trung đội trưởng Ngọc như đã biết, nửa đêm về sáng ngày 20/12/1946 đã dẫn quân đánh địch ở trường Khải Định. Địch phản kích, theo đơn vị ông rút quân về cố thủ ở Nhà thương cùng Đại đội Quyết tử quân đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch. Khi bị vây hãm ở tòa nhà của Sở Công chánh, địch kêu hàng nhưng tất cả chấp nhận thà chết, chứ không buông súng! Còn trung đội trưởng Tôn Thất Xuân là con của Thượng thư Bộ Lại Tôn Thất Cổn. Sau khi tốt nghiệp Khóa I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, cuối tháng 12/1946, ông Tôn Thất Xuân đã kịp về quê tham gia chiến đấu chống Pháp và đã hy sinh, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Cùng học với ông ở Sơn Tây, ở Huế còn có các ông Tôn Thất Hiến, Tôn Thất Khoa, Bảo Sàng... Họ học một khóa với nhà tình báo AHLLVTND - đại tá Phạm Ngọc Thảo.

Sau cái chết của hơn 40 cán bộ, chiến sĩ Vệ Quốc quân ở Sở Công chánh (trụ sở UBND TP Huế hiện nay) chừng một tuần sau, 17 cảm tử quân khác tiếp tục hy sinh khi cố thủ ở nhà tên mật thám Sogny (nay ở đường Hà Nội). Trong số này có đại đội trưởng Lê Ngọc Hoàng, trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao, chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập và trung đội phó Phùng Huấn.

Đầu tháng giêng năm 1947, sau khi tấn công vào nhà hàng Chaffanjon, giết được một số địch, khi rút qua gần nhà mật thám Sogny thì bị địch chặn đánh. Kể về sự kiện này, nhà văn Phùng Quán cho biết:

- Trận “cảm tử” vào nhà hàng Chaffan- jon không kết quả vì lưới lửa phòng thủ của giặc quá dày đặc. Ba giờ sáng, trung đội anh Ngọc vừa rút đến ngôi lầu cạnh nhà tên trùm mật thám Sogny thì bị bọn địch vây chặt, trong khi các đơn vị khác quanh khu vực đã rút hết. Trời hừng sáng, tiếng súng vang lên dồn dập dưới tầng 1 ngôi lầu 2 tầng. Mười giờ sáng, tiếng súng bắt đầu vang dội ở tầng trên ngôi lầu. Như thế, hẳn là bọn địch đã chiếm được tầng dưới, các chiến sĩ ta phải rút lên tầng trên cố thủ. Đạn súng máy các cỡ, rồi đạn các loại súng cầu vồng xối xả nhắm vào tầng lầu... Đến ba giờ rưỡi chiều, tiếng súng chống trả vẫn tiếp tục vang lên trong tầng lầu. Như vậy là các anh còn đứng vững. Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu truyền lệnh khắp mặt trận: Các đơn vị sẵn sàng xuất kích lúc mặt trời lặn. Nhưng bọn giặc dã man đã đưa hai xe cứu hỏa chở đầy xăng phun như tắm cả ngôi lầu, rồi tiếng loa cực lớn vang lên: “Chúng mày hãy hàng đi! Ném tất cả vũ khí xuống sân!... Không hàng, tất cả sẽ bị thiêu ra tro!...” Thay cho câu trả lời là tiếng súng đồng loạt vang lên từ tầng lầu và sau những tràng đạn lửa của địch bắn vào, ngọn lửa xăng vàng khè bùng lên, ngày một lan rộng, bốc cao phủ kín ngôi nhà. Rồi bất ngờ, cả ngôi lầu phủ lửa bỗng sụm xuống trong tiếng nổ rung chuyển cả mặt trận. Thế là các anh đã cho nổ hai khối mìn mang theo chưa kịp dùng khi tấn công nhà hàng Chaffanjon, biến vị trí cố thủ thành nấm huyệt chôn chung...

Minh chứng cho sự kiện này, năm 1992, trong khi đào móng ở khu vực nhà của Sogny, người ta phát hiện 17 bộ hài cốt.

Nhờ kỷ vật còn sót lại, các cựu chiến binh từng tham gia đánh Pháp ở Huế như các ông: Phan Đàn, Vĩnh Mẫn, Mai Duy Hồ… khẳng định đó là hài cốt của cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đội 9 Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa hy sinh vào đầu năm 1947.

Là liên lạc viên của Mặt trận Khu B nên ông Vĩnh Mẫn biết rất rõ về vóc dáng to, cao và hàm răng đều của trung đội trưởng Nguyễn Ngọc Giao (quê ở Hải Dương vào Huế mở tiệm khắc dấu trước cửa Thượng Tứ) cũng như dáng người thấp, đầu to của anh ruột của mình là chính trị viên Trung đội Vĩnh Tập, con quan đại thần Bửu Trác, thống chế nhất phẩm triều đình Khải Định.

Lúc đó, anh Giao thường mang khẩu trung liên Steen 1 bảng còn anh tôi mang khẩu Rulo hiệu Saint Étienne của Pháp. Nhìn dáng to cao nằm chồng lên người khác tôi biết ngay đó là anh Giao, bởi trước Cách mạng Tháng 8/1945 anh Giao và anh tôi rất thân nhau, vì họ là đồng chí- Ông Vĩnh Mẫn bùi ngùi nhớ lại.

Nhà văn Phùng Quán kết luận: “Một tập thể anh hùng hào kiệt thà bị thiêu cháy, quyết không hàng giặc là có thật; người chiến sĩ Cộng sản từ bỏ giai cấp mình (Vĩnh Tập), xả thân vì lý tưởng thế giới Đại đồng Cộng sản là có thật!...

...Với riêng tôi, trong suốt cuộc đời làm văn của mình, có vài ba đề tài ám ảnh tôi không phút nào nguôi. Nó giống món nợ “bát cơm Phiếu mẫu”, không trả được, chết không nhắm mắt... Câu chuyện về trung đội cảm tử quân anh Ngọc, về bác Phùng Huấn tôi... bị giặc thiêu cháy thành tro bụi trong “Huyệt lửa chôn chung”, là một đề tài như vậy đối với đời văn của tôi...”.

Ngoài đại đội của ông Lê Ngọc Hoàng, lực lượng của Tiểu đoàn Tiếp phòng quân tham chiến tại khu B còn có đại đội của ông Ký và ông Mậu.

Nhân dân ở các vùng Vỹ Dạ, Nam Giao, An Cựu, nhiều người không chịu tản cư, dưới sự quán xuyến của các mẹ các chị không chỉ lo bộ đội từng vắt cơm, ấm nước cho người mang ra tận chiến hào mà còn tổ chức đón bộ đội, thương binh về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc.

Chùa Vạn Phước, cầu ông Thượng, trường Đoàn Thị Điểm đã trở thành những trạm xá dã chiến. Nhiều học sinh cứu quốc đã ra mặt trận tham gia tiếp đạn rồi tham gia cấp cứu, vận chuyển thương binh... làm cho tình quân - dân thêm thắm thiết.

Rơi vào tình cảnh khốn khổ của 50 ngày bị Việt Minh bao vây và tấn công, trung tá Coste, chỉ huy quân Pháp ở Huế đã thú nhận:

- Suốt hàng chục ngày, hàng ngàn quân Việt Minh vây hãm và liên tục tấn công chúng tôi. Tai tôi suốt đêm ngày nghe tiếng hô xung phong và la giết Pháp, sát Pháp ghê rợn. Có những tên trí thức trong bộ máy tuyên truyền của Việt Minh dùng loa kêu gọi chúng tôi ra hàng và sỉ nhục chửi bới, lên án chúng tôi bằng tiếng Pháp rất đúng chất giọng Paris. (*)

Quân lính và sĩ quan Pháp có người lo sợ đến phát điên. Có vài tên lính chịu đựng không nổi đã bắn vào đầu tự sát. Hàng ngày tôi sợ nhất khi nghe tiếng rên la của thương binh Pháp và tiếng kêu khóc rền rĩ của đàn bà con gái vợ con những tên cộng sự người Việt.

Người chết không chôn được, nằm vắt vẻo trên các bờ rào, lùm cây cứ rã dần ra và bốc mùi đến nhức đầu nôn mửa. Nhiều tên lính ôm súng ngồi ngủ gật chốc chốc lại la lên như bị ma ám và nổ súng lung tung gây thương vong không ít cho đồng đội. Hình ảnh những tên Việt Minh cởi trần trùng trục, ôm một loại bom tự chế được bó nối với cái cọc tre dài, có ba râu và ngòi nổ, liều chết lao vào xe, vào công sự và binh lính chúng tôi. Hình ảnh những con đàn bà Việt Minh tóc ngắn, xắn quần đến tận bẹn cầm lựu đạn và đại đao xông vào làm tán loạn quân Pháp va sợ nhất là lũ nhãi ranh chừng hơn mười tuổi, theo ống máng, theo cây to va cột điện trèo lên mái nhà, giơ ngói tha lựu đạn xuống gây thương vong không ít cho quân Pháp... Những hình ảnh ghê rợn đó làm cho quân Pháp khiếp hãi. Nhiều sĩ quan dưới quyền đa vo kỷ luật chửi mắng tôi va yêu cầu tôi nếu không kêu được viện binh thì phải mơ đường máu, phá vòng vây rút chạy ra cửa sông Hương ở biển Thu- ận An chỉ cách Hue mươi dặm. Nhưng chúng tôi không đu lực lượng để pha vây. Hơn nữa những ngày đáng nguyền rủa đo gio mùa đông bắc thổi mạnh, biển động dư dội không co tàu be nào co thể vào đon được. Chúng tôi đành phải nằm nghiến răng chờ quân cứu viện. Nếu không có viện binh thì chờ chết, chờ bị tiêu diệt.”

Sau 50 ngày, đêm bao vây và tấn công, cuối cùng ngày 6/2/1947 Mặt trận Huế vỡ, khi tướng Bourgound điều 3.000 quân Pháp có pháo binh yểm trợ đánh chiếm Huế.

Quân ra rút lên chiến khu và cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và sau gần 30 năm sau mới giành thắng lợi vẹn toàn để Tổ quốc có như ngày hôm nay.

50 ngày đêm ấy mãi mãi là bản anh hùng ca cứu nước đầy bi tráng và bất tử của Cố đô Huế.

Huế, mùa đông
P.H.T
(SH298/12-13)


.................................................
(*) Trí thức Việt Minh mà trung tá Coste đề cập chính là nhà văn Nguyễn Khoa Bội Lan thuộc Đội thanh niên tuyên truyền xung phong của Mặt trận B - Huế.
Từ Trung bộ phủ Bà kêu gọi:
- Soldats francais! Pour qui combattez vous? Pour les marchands de canons?
(Hỡi binh sĩ Pháp! Các anh chiến đấu vì ai? Phải chăng vì bọn lái súng?)

Sau loạt tiểu liên bắn sang Trung bộ phủ, tiếp đó là tiếng đáp lại:
- Pour vous, mademoiselle.
(Vì cô đấy, cô em ạ!)









 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ấy và mình (20/10/2013)
Trăng (21/06/2013)