Góc Hoài niệm
“Tháng Tám vùng lên Huế của ta”
08:23 | 18/08/2017

VŨ HẢO

Tháng Tám năm 1945 đã trở thành mốc son chói lọi, vẻ vang trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng tháng Tám thành công đã phá tan xiềng xích của thực dân, phát xít, lật đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta”

Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ vừa là kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, và là nơi đặt cơ quan cai trị của phát xít Nhật. Do đó, cuộc khởi nghĩa ở Huế có ý nghĩa và tác động sâu sắc đối với cả nước: đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, chính phủ bù nhìn và thế lực bảo trợ là phát xít Nhật; góp phần thành lập nhà nước dân chủ cộng hòa mới.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), tình hình chính trị ở Thừa Thiên - Huế, đặc biệt là Kinh đô Huế rất phức tạp: Hơn 4.500 quân Nhật thiện chiến do tướng Yokoyama Matayuki chỉ huy đồn trú; Chính phủ Trần Trọng Kim được dựng lên, những đội lính khố vàng người bản xứ được Nhật tổ chức để đàn áp cách mạng; Các tổ chức phản cách mạng thân Nhật xuất hiện ngày càng nhiều: “Hội tân Việt Nam”, “Ðại Việt Quốc Gia liên minh”, “Ðại Việt Duy tân”, “Quốc Dân Ðảng”, Nhóm anh em Ngô Ðình Nhu, Ngô Ðình Diệm ráo riết hoạt động, âm mưu đưa Cường Ðể - một hoàng thân có xu hướng thân Nhật về thay Bảo Ðại... Trong lúc đó, lực lượng Việt Minh ở Thừa Thiên - Huế bị quân Nhật đàn áp dã man, cán bộ chủ chốt phải hoạt động bí mật ở vùng rừng núi.

Trước tình hình đó, từ ngày 23 đến 25/5/1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh đã được tổ chức tại đầm Cầu Hai (Phú Lộc). Hội nghị đã đi đến Nghị quyết: Khởi nghĩa khi thời cơ đến, chuẩn bị lực lượng, xây dựng và củng cố tổ chức. Hội nghị đánh dấu bước chuyển quan trọng, có tính chất quyết định đối với sự thành công của Cách mạng tháng Tám trong toàn tỉnh. Tiếp đó, cuối tháng 6/1945, lãnh đạo hai tổ chức Việt Minh đã họp tại Huế. Đại diện cho Việt Minh Nguyễn Tri Phương là các đồng chí Hoàng Anh, Nguyễn Dĩnh và Lê Tự Đồng. Đoàn Việt Minh Thuận Hóa gồm các đồng chí Nguyễn Tấn, Nguyễn Kèn (tức là Nguyễn Thế Lâm), Phan Tử Quang và Lê Khánh Khang. Cuộc họp quyết định sáp nhập tổ chức Việt Minh Thuận Hóa vào Việt Minh Nguyễn Tri Phương, thống nhất kế hoạch và phương hướng hoạt động nhằm tập hợp lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Kể từ đó, lực lượng cách mạng ở Huế phát triển mạnh mẽ, Việt Minh đã lôi kéo được một số nhân sĩ yêu nước của “Hội Tân Việt Nam”, lực lượng thanh niên Phan Anh, lính khố vàng, lính bảo an cùng hàng chục vạn nhân dân cùng khổ toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một thời gian chưa đầy 2 tháng.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, dưới danh nghĩa Việt Minh Nguyễn Tri Phương, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh. Hội nghị hoàn toàn nhất trí với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các huyện khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Huế tiến hành khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Thừa Thiên - Huế vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Hình thái khởi nghĩa hết sức phong phú, có nơi giành chính quyền ở xã, tổng rồi lên huyện; có nơi giành chính quyền ở huyện rồi về tổng, xã; có nơi vừa ở xã, vừa ở huyện. Thành thị phối hợp với nông thôn, nông thôn hỗ trợ thành thị đã đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.

16 giờ ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ sao vàng phấp phới, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố: Từ nay chính quyền về tay nhân dân; đồng thời giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh do đồng chí Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của Bảo Ðại - vị vua của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại Ngọ Môn. Vua Bảo Ðại đọc thoái vị và trao cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trên kỳ đài Huế, cùng với quốc ca hùng tráng “Tiến quân ca”, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời Huế tự do độc lập trong tiếng hô vang của người dân “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên - Huế kết thúc thắng lợi rực rỡ.

Xúc động trước không khí của những ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, ở Thừa Thiên - Huế, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta
Quảng, Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà
Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế
Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.


Thật sự đó là những tuần lễ Thừa Thiên - Huế tưng bừng trong không khí của “Ngày hội non sông”. Cách mạng Tháng Tám ở Thừa Thiên - Huế thành công đã cổ vũ mạnh mẽ đến tinh thần đấu tranh của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân Trung bộ. Đây chính là thắng lợi từ đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn của Đảng, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thắng lợi của lòng yêu nước… đã trở thành sức mạnh trong tâm hồn nhân dân.

V.H  
(TCSH342/08-2017)




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng