Góc Hoài niệm
Báo Dân với nhà thơ Tố Hữu
09:49 | 20/06/2019

Kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6  

NGUYỄN XUÂN HẢI

Báo Dân với nhà thơ Tố Hữu

Tố Hữu, nhà hoạt động chính trị, nhà thơ lớn “con chim đầu đàn trong làng thơ ca cách mạng Việt Nam”; suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, sự nghiệp chính trị và sự nghiệp thi ca cách mạng luôn đồng hành song song và cùng phát triển đến đỉnh cao.

Trong sự nghiệp thành công ấy, tất nhiên có vấn đề tài năng. Nhưng không chỉ có tài năng, mà cần phải có lý tưởng cách mạng, làm thơ cách mạng, để phục vụ cách mạng, đó là sự lựa chọn của Tố Hữu trong sáng tác thi ca và cũng là con đường đấu tranh cách mạng của ông. Sau này khi đã rời vũ đài chính trị, trở về “vui với thiên nhiên cây cỏ” Tố Hữu vẫn tiếp tục sáng tác thơ ca, viết tiếp “những bài thơ giàu trữ tình cách mạng”.

Nhớ lại một thời tuổi trẻ, theo con đường hoạt động cách mạng và đến với thi ca cách mạng, Tố Hữu luôn khẳng định một cách chân thực và lòng biết ơn sâu sắc những đồng chí, người thầy, những người anh đã từng kèm cặp, bồi dưỡng, rèn luyện mình từ những ngày đầu mới bước chân vào con đường “hoạt động cách mạng và tập tành làm thơ cách mạng” trong đó có vai trò của Báo Dân - cơ quan ngôn luận công khai của Xứ ủy Trung Kỳ xuất bản tại Huế, nơi mà ông đã công bố những bài thơ cách mạng đầu tiên của mình. Trong bài thơ Quê mẹ sáng tác 1955, ông đã viết về quê hương, về những người anh đó:

Con lớn lên, con tìm Cách mạng
Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chửa biết gì.


Những câu trong ngoặc kép dưới đây đều trích trong hồi ký của Tố Hữu Nhớ lại một thời, (Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002).

Tố Hữu viết: “Năm 1935, khi tôi học năm thứ hai (Trường Quốc Học Huế), phong trào Mặt trận Bình dân Pháp lên cao, lập được chính phủ mới, tiến bộ. Ở nước ta, Mặt trận Dân chủ do Đảng ta khởi xướng, hoạt động ngày càng sôi nổi. Thành phố Huế cũng bừng lên không khí rất rầm rộ. Cùng nhiều đồng chí ở các nhà tù được trả tự do, các đồng chí Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu1, Nguyễn Chí Diểu ở Côn Đảo về lãnh đạo phong trào. Đồng chí Hải Triều bị án tù ở Sài Gòn, ra Huế được giải phóng, liền mở hiệu sách Hương Giang để tuyên truyền cách mạng. Bọn học sinh yêu nước như chúng tôi rất khao khát được hiểu biết thêm về Chủ nghĩa Cộng sản. Tôi được cán bộ của Đảng tiếp xúc tuyên truyền. Mười lăm tuổi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản. Tôi rất thích sang Hương Giang, hiệu sách của anh Hải Triều. Một hôm thấy có nhiều sách mới, tôi thích quá, cứ mân mê từng quyển, cầm lên lại đặt xuống, anh Hải Triều đến gần, hỏi:

- Cậu mua không?

- Tôi muốn đọc mà không có tiền.

Anh Hải Triều nhìn tôi trìu mến: - Cứ đọc đi, nhưng giữ đừng làm nhầu nhé!

Thế là tôi được đọc Người mẹ của Gorki, Thép đã tôi của Ostrovski… đã mang đến cho tôi, một học sinh đang trưởng thành những suy nghĩ mới mẻ. Thời kỳ Mặt trận Bình dân Pháp, Đảng Cộng sản Pháp có ảnh hưởng khá sâu rộng đến giới học sinh, trí thức Việt Nam. Hồi đó sách Mác - Lênin được đưa sang công khai. Ở Huế loại sách này được bán ở hiệu sách Hương Giang của anh Hải Triều, nhưng chủ yếu là ở hiệu sách Thuận Hóa do anh Lê Duẩn đóng vai chủ hiệu. Chúng tôi đến hai hiệu sách này, tìm đọc Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, sách của Lênin và cả bộ Tư bản của Mác”.

“Anh Lê Duẩn (lúc đó là Ủy viên Trung ương, Bí thư Xứ ủy)2 cũng cho tôi tự do đọc. Một lần anh hỏi tôi:

- Đọc có hiểu không?

Tôi đáp: - Dạ, hiểu ít.

- Có loại sách ABC chủ nghĩa Mác đấy!

Anh không nói gì thêm, mà chỉ nhìn tôi với ánh mắt khích lệ.

Bọn học sinh chúng tôi được nghỉ chiều thứ năm và ngày chủ nhật. Cứ có thời gian là tôi đến hiệu sách vùi đầu vào đọc. Chúng tôi cảm thấy những điều trong sách như mở ra một chân trời mới. Có lúc các anh cho tôi mượn về nhà, dặn giữ cẩn thận rồi trả lại. Có sách là tôi cố đọc thật nhanh, mang cả vào lớp học. Tôi ngồi ở cuối lớp nên trên bục thầy cứ giảng, còn tôi thì cứ đặt sách dưới mặt bàn mải mê đọc, không nghe thầy nói gì, đầu mải suy nghĩ về những câu rất hay trong các sách Mác, Lênin, hoặc tác phẩm văn học cách mạng.

Nhờ đọc được nhiều sách, lại được những người như các anh Lê Duẩn, Hải Triều, đặc biệt là anh Phan Đăng Lưu và anh Nguyễn Chí Diểu, dần dần tôi giác ngộ chủ nghĩa cộng sản. Tháng 3 năm 1937, khi cùng hàng vạn quần chúng đi đón Gô-đa phái viên của Chính phủ Pháp, để đòi những quyền dân chủ, dân sinh, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ thành phố Huế, là một trong những người lãnh đạo phong trào học sinh ở trường Quốc Học. Vì vậy, tôi bị đuổi ra khỏi nội trú, bị cắt học bổng, và phải tự kiếm sống mà học. Thế là tôi bắt đầu đi làm gia sư ở một xóm gần Đập Đá, gọi là chợ Cống. Anh Bùi San là người thường xuyên tiếp xúc với tôi, dạy tôi về chính trị và kinh nghiệm hoạt động quần chúng. Đến lúc cảm thấy “không đủ chữ” giải thích cho tôi, anh vui vẻ giới thiệu tôi đến gặp anh Phan Đăng Lưu. Người giảng chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh, tôi cầm cuốn Tư bản, nói với anh:

- Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá.

Anh nói: - Cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước.

Rồi anh hướng dẫn tôi dần dần đọc từ thấp đến cao. Từ những quyển sách mỏng loại ABC về chủ nghĩa Mác, của Nxb. Xã hội Pháp, đến Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và những tác phẩm kinh điển khác… Tôi nhớ anh Phan Đăng Lưu là người tập nhu thuật, lại có phương pháp gì đó nên mặc dù ăn cơm nhà trọ rất đạm bạc, anh cứ béo phây phây. Tôi biết anh là người cách mạng đi tù Côn Lôn3 về nên rất thán phục. Hơn nữa, thấy anh học rộng, trầm tĩnh, thông thạo tiếng Hoa và tiếng Pháp, nên tôi càng kính nể. Anh lại có tài mài tem thư cho mất dấu triện, trông như mới, bán được tiền để chi dùng cần thiết”.

“Anh Lưu lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng được phân công hoạt động công khai, làm Chủ bút tờ báo Dân của Đảng4. Sự ra đời của tờ báo cách mạng là sự kiện rất quan trọng vì lần đầu tiên Đảng có một tờ báo công khai ở Huế, nói được tiếng nói của người lao động, phê phán chính quyền thống trị. Sau mấy số đầu, anh Lưu cảm thấy hơi khô nên khó vào lớp trí thức, học sinh. Một hôm anh hỏi tôi:

- Cậu biết làm thơ không?

Tôi đáp: - Niêm luật Đường thi, ca dao lục bát, thì tôi nắm được, nhưng không biết làm thơ có hay không.

- Vậy thì tốt rồi. - Anh Lưu nói: Báo ta hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc phong kiến bóc lột, và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý: thơ phải chân thật, xúc động lòng người, dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng…

Tôi nói: - Nếu viết những cái đó thì tôi viết được”…

Bài thơ đầu tiên Tố Hữu đăng trên Báo Dân, số 10 ra ngày 6 tháng 9 năm 1938 là bài Mồ côi. Theo Tố Hữu, nội dung của Mồ côi chính là viết về thân phận của Tố Hữu “Cha đi xa chẳng có tin tức gì, mẹ mất khi tôi còn nhỏ”:

Những chữ trong ngoặc đơn bên cạnh chữ trước đó ở hai bài thơ dưới đây về sau do Tố Hữu, hoặc người biên tập sửa lại. Chúng tôi in nguyên bản (sic) bài thơ mà Tố Hữu công bố lần đầu trên Báo Dân năm 1938.  

Mồ côi
 
Con chim non rũ cánh,
Đi tìm tổ bơ vơ…
Quanh nẻo rừng (đường) hịu quạnh
Lướt mướt dưới dòng (lòng) mưa…

 
Con chim non chiu chít,
Lá động khóc tràn trề…
Chao ôi! Buồn không xiết (da diết),
Chim ơi! Biết đâu về?

 
Gió lùa mưa rơi rơi,
Trên nẻo đường sương lạnh,
Đi về đâu em ơi.
Phơi thân tàn cô quạnh!

 
Em sưởi trong bàn tay,
Cho lòng băng giá ấm.
Lìa cành lá bay bay
Như mảnh đời u thảm!

 
Con chim non không tổ
Trẻ mồ côi không nhà
Hai đứa cùng đau khổ,
Cùng ngất ngưỡng (vất vưởng), bê tha!..


Rồi ngày kia, rã cánh,
Rụi chết bên đường đi…
Thờ ơi, con mắt lạnh,
Nhìn chúng: “Có hề chi!”.


Sau Mồ côi là bài Vú em của Tố Hữu, đăng số 11 ra ngày 9 tháng 9 năm 1938.
 

Vú Em
 
Nàng gởi con về nơi (nương) xóm cũ,
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi.
Rồi hôm ấy, ôm con chủ,
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi.

Nàng nhớ con nằm trong ổ (tổ) lạnh,
Không chăn gối không nệm (ấm), không màn;
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh,
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan!

 
Rồi từ hôm ấy, dưới đêm thâu (sâu),
Hồi hộp nàng ra tựa (vịn) cửa lầu,
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu!

 
Gió vẫn vô tình lơ đãng bay,
Những tàu cau yếu sẽ lung lay,
Xạc xào động cánh nàng mơ tưởng (đau lòng mẹ)
Như (nghe) tiếng con hờn (lòng con) vẳng tới tai (đây)!

 
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay…
Bạn ơi, nguồn gốc (thảm) sầu kia bởi
Số mệnh (phận) hay do xã hội (chế độ) nầy?


Sau đó, Tố Hữu viết liên tiếp nhiều bài thơ về những cuộc đời khổ cực, bất công quanh ông. Chẳng đâu xa, mà ngay trong cái xóm chợ Cống bé nhỏ nơi ông thuê phòng trọ để ở. Tố Hữu giải thích: “Mọi cảnh đều thực, sẵn có sự đồng cảm của tôi, chỉ cần thêm vần điệu là thành thơ. Có lẽ nhờ vậy mà dễ đi vào lòng người”.

Thơ Tố Hữu lúc ấy thường viết về các trẻ em nghèo khổ, ăn mày như em nhỏ ôm đàn đi hát dạo, hoặc thân phận người già đi ở v.v…Mà có lần, tại hiệu sách Hương Giang, Hải Triều vỗ vai Tố Hữu, cười to nói: “Ôi! cậu là nhà thơ thật rồi”.

“Bằng những bài thơ như vậy, tôi trở thành một cây thơ của báo Dân”.

Do tinh thần hăng hái hoạt động tuyên truyền trong thanh niên, và có thể do những bài thơ được đăng trên Báo Dân, Báo Thế giới của Đoàn Thanh niên dân chủ ở Hà Nội, tôi được kết nạp vào Đảng”… Một năm sau (1938), cái cảm giác ấy vẫn tươi nguyên trong tôi:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương thơm và rộn tiếng chim…


Tố Hữu viết: “Tôi được sinh hoạt trong một chi bộ cùng đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, học sinh trường Kỹ nghệ thực hành (Huế), mà sau này tôi có dịp gặp lại ở trại tập trung Đaklay5. Chúng tôi phân công nhau vận động học sinh ở các trường công và tư, đi vào các xóm công nhân trong thành phố và cả một số làng xã ngoại thành. Với những tờ báo công khai của Đảng, chúng tôi kêu gọi lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh đòi những quyền dân chủ, dân sinh, tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến, tổ chức các cơ sở cách mạng. Phong trào dân chủ cũng tạo thuận lợi cho Đảng ta phát biểu công khai trên báo chí, trên văn đàn về quan điểm của mình”.

Những ngày tháng hoạt động sôi nổi ấy Tố Hữu viết rất nhiều bài thơ cách mạng, có thể những bài thơ ấy được đăng ở nhiều tờ báo khác của Đảng, như tờ Thế giới ở Hà Nội, Báo Mới ở Sài Gòn chẳng hạn.

Trên 17 số Báo Dân chúng tôi chỉ tìm thấy hai bài thơ Mồ côi Vú em của Tố Hữu. Cả hai bài này đều in tháng 9 năm 1938. Sau này in lại trong các tập thơ, Tố Hữu đã sửa lại một số câu chữ. Ngày tháng Tố Hữu sáng tác các bài thơ này lại được ghi trước thời điểm đăng trên Báo Dân khá lâu; chẳng hạn bài Mồ côi in trong tập Từ ấy ghi tháng 10 năm 1937?

Theo chúng tôi, cũng có thể Tố Hữu khởi viết Mồ côi từ năm 1937, đến tháng 9 năm 1938 mới công bố lần đầu trên Báo Dân nhờ sự hướng dẫn và yêu cầu của Chủ bút Phan Đăng Lưu?

Dù sau này ghi chép về ngày tháng sáng tác có khác nhau, nhưng rõ ràng hai bài thơ đầu đời trong sự nghiệp thi ca cách mạng của Tố Hữu viết ở Huế đã được công bố lần đầu tiên trên báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ là hoàn toàn chính xác.

Điều quan trọng hơn chính Tố Hữu đã khẳng định: “Anh Lưu lúc đó là Ủy viên Trung ương Đảng được phân công hoạt động công khai, làm Chủ bút tờ báo Dân của Đảng. Sự ra đời của tờ báo cách mạng là sự kiện rất quan trọng vì lần đầu tiên Đảng có một tờ báo công khai ở Huế, nói được tiếng nói của người lao động, phê phán chính quyền thống trị”…

Những vần thơ cách mạng in trên Báo Dân, mà Tố Hữu nói rằng: “Bằng những bài thơ như vậy, tôi trở thành một cây thơ của báo Dân”.

Và “Như vậy, anh Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng”.6

N.X.H  
(SHSDB33/06-2019)

------------
1. Theo nhiều công trình đã công bố của Nxb. Chính trị quốc  gia thì Phan Đăng Lưu bị giam ở nhà lao Vinh, rồi Buôn Ma Thuật (Buôn mê Thuộc) được trả tự do tháng 2/1936, về ở Huế hoạt động; Phan Đăng Lưu không bị giam ở Côn Đảo như Tố Hữu đã nhớ nhầm?
2. Sau khi thành lập Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí  Diểu, Ủy viên Thường vụ Trung ương làm Bí thư, đồng chí Lê Duẩn và Phan Đăng Lưu là Ủy viên Thường vụ, do bệnh nặng, Nguyễn Chí Diểu đã ủy quyền cho đồng chí Lê Duẩn thay mình làm Bí thư Xứ ủy vào cuối tháng 8/1938, và chỉ thời gian ngắn thì Trung ương điều Lê Duẩn vào Nam hoạt động. Xem Phan Đăng Lưu, Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.216.
3. Xem chú thích 1.  
4. Mặc dù Phan Đăng Lưu là Chủ bút, nhưng không ghi tên  trên báo; công khai trên báo là những đảng viên Xã hội tiến bộ, nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ đứng tên xin phép nhà cầm quyền để giữ thế hợp pháp.
5. Khi bị giam ở nhà ngục Đaklay, đầu năm 1942, Huỳnh  Ngọc Huệ và Tố Hữu, rủ nhau cùng vượt ngục Daklay: Huỳnh Ngọc Huệ về đến Đà Nẵng một thời gian thì bị chúng bắt lại; Tố Hữu thoát về Huế rồi ra Thanh Hóa…
6. Tố Hữu, Nhớ lại một thời, Sđd, tr. 24, 27.  




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Mưa Huế (07/05/2019)