Góc Hoài niệm
Tiếng chim tu hú
09:37 | 27/05/2022

ANH THƠ
          Hồi ký (trích)

"Tiếng chim tu hú" là tập II của "Từ bến sông Thương” - hồi ký dài của Nữ sĩ. Tác phẩm này sẽ ra mắt bạn đọc một ngày sắp tới. Đoạn dưới dây là các chương 3 và 4 của phần "Đường lên xứ Lạng”.

Tiếng chim tu hú
Anh Thơ (Hồi Ký Văn Học) - NXB Phụ nữ 2005 - Ảnh: internet

Khiết và tôi dở nghị quyết công tác của huyện, bàn chương trình họp để phổ biến cho xã. Sau khi thống nhất chỉ đưa ra ba vấn đề lớn: chống giặc xâm lăng, diệt giặc đói, trừ giặc dốt, để bàn với dân cách thực hiện sao cho được kết quả. Khiết bảo tôi:

- Đồng bào miền núi, khi đã tin thì tin tuyệt đối, khi đã nói làm, là làm được ngay; đó là những điểm căn bản thuận lợi cho cán bộ chúng ta đến công tác với họ. Nhưng chị cần lưu ý: tuyệt đối chớ nói, hoặc làm điều gì cho họ mất lòng tin ở cán bộ.

Tôi mỉm cười, nghĩ thầm:

- Anh chàng dạy mình một điều sơ đẳng quá. Ai làm cán bộ mà không biết rằng phải được lòng tin của nhân dân?

Đoán được ý nghĩ thầm kín ấy. Khiết nghiêm mặt:

- Những điều tôi nói không thừa đâu đồng chí ạ! Nhất là đồng chí từ xuôi lên đây, tiếng nói của dân chưa biết, phong tục, tập quán tuy đã hỏi trước rồi, nhưng đề phòng cũng có khi quên. Mà đó lại là điều người ta hay để ý nhất.

Nghe anh, tôi chợt thấy mình quá chủ quan. Vì khi tôi mới công tác ở dưới xuôi vào lúc thanh thế Việt Minh đang lên như chẻ tre. Còn bây giờ, phong trào có những khó khăn vì cái lối đánh trống gọi dân đến, ghi tên vào Việt Minh. Họ vào các đoàn thể một số vì thấy vui, vì phục Việt Minh, và cũng có kẻ thích được tiếng làm cách mạng. Còn giác ngộ quyền lợi giai cấp, quyền lợi dân tộc thế nào, thì họ chưa được học hiểu cho thấu đáo, nên ngay từ 1946 trở đi, phong trào đã rã dần từng mảng. Nhất là khi có tin Pháp sẽ quay lại, những kẻ cơ hội đã lộ mặt không ít... Nhưng ở đây là miền núi, lại là cái "nôi" của cách mạng, thì chắc cũng không có kẻ cơ hội lọt được vào hàng ngũ ta. Nhưng những khó khăn vì không biết tiếng nói, vì không hiểu sâu được phong tục tập quán của đồng bào, thì quả có khó khăn cho tôi:

Khiết như hiểu rõ tâm tư ấy, anh an ủi:

- Cái chính là bước đầu đồng chí làm được cho đồng bào yêu và tin mình. Rồi từ lòng tin yêu đó, đồng chí sẽ vượt qua được những khó khăn khác.

Tôi gật đầu tán thành lời anh, rồi nhìn ra cửa sàn thấy trời đã sẩm tối. Xa xa trong bóng rừng nhập nhoạng, có mấy cụ ông, cụ bà chống gậy, người từ trên đèo xuống, người lội suối đi lên; trời rét đậm, mà các cụ quần áo rất mong manh. Tôi chạy vội ra đầu cầu thang, dắt tay từng cụ mời vào. Khiết đang với tay lên sàn bếp, để lấy một túm lá cọ, đựng chè búp nhà rang. Anh thong thả đỡ ấm nước từ tay chị Lủ, pha chè mời các cụ. Có một cụ ông dáng người khỏe, và chắc, da mặt đỏ như đồng điếu, để cái gậy vào góc sàn, tiến đến bên bếp lửa, vừa hơ tay vừa hỏi tôi:

- Các đồng chí dưới xuôi mới lên, có thấy rét không á?

Tôi chưa kịp nói, thì một cụ bà, Khiết chào là "mế" - mế là mẹ, anh cắt nghĩa cho tôi, vừa vén áo ngồi cạnh bếp, vừa bỏ củi cho lửa cháy to, nhìn tôi:

- Noọng lại đây cho ấm; Noọng! Đừng đứng đầu sàn nó rét hơn chúng ta đi rừng đó.

Tôi cảm động vì sự ân cần của cả hai cụ. Nhà chả có ghế, cũng không có chiếu, được cái sàn tre sạch bóng, các cụ ngồi quanh bếp uống trà, hút thuốc, nhai trầu. Tôi gợi chuyện mế Páo:

- Mế ơi, ngày Tây đến mế có đánh nó không?

Mế nhả bã trầu cầm tay, sốt sắng nói:

- Không đánh nó bằng dao đi rừng, mà chỉ cho các đồng chí du kích nhiều nhiều cơm canh thôi!

Cụ ông da đỏ cười móm mém:

- Đàn bà thì chỉ lo tiếp tế và đưa con cháu vào hang trước, các lão mới trực tiếp đâm nó.

- Thế cụ đâm được mấy thằng ạ?

Một cụ ông gầy, xanh, như mang bệnh sốt rét kinh niên, phều phào nói tiếng Kinh lẫn tiếng Thổ. Khiết dịch:

Cụ Quay bảo: - Tất cả các cụ đều xông vào, mặc tụi nó bắn súng đoàng đoàng cháy cả rừng.

Câu chuyện vừa bắt đầu, thì dưới chân sàn, đã được sáng rực các bó đuốc từ bốn ngã rừng kéo đến. Bóng váy, áo chàm với những thân hình thon thả qua những dải vải thắt ngay lưng, thấp thoáng ánh lửa. Có những tay áo Nùng rộng đang đập đuốc:

- Đại biểu các ngành đoàn thể trong xã, đã đến - Khiết bảo tôi. Tôi ngây cả người, nhìn cô nào, chị nào cũng thấy má đỏ hồng hào, miệng trầu tươi thắm. Có lẽ vì trời lạnh? Có lẽ vì ánh đuốc? Nhưng ai cũng đẹp, đẹp như những nàng tiên xanh, mà thuở bé tôi hay tưởng tượng.

Khiết lần lượt giới thiệu: "Ngọc Lan, đại biểu thanh niên, đồng chí Bạch Tuyết xã đội dân quân. Đồng chí Mỹ Dung hội trưởng nông hội. Đồng chí Tú Mai, chủ nhiệm Việt Minh".

Tôi cứ trố mắt nhìn: "toàn nữ là nữ"? Mà tên ai cũng đẹp, cứ như tên các nhân vật tiểu thuyết ấy! Khiết giải thích:

- Hậu phương này, con trai đi hết Vệ Quốc, nên nữ làm chủ cả. Chị em đều mang tên đẹp, đó là bí danh cho các cán bộ làm miền xuôi lên công tác đặt cho". Họ tíu tít chào các cụ, và sà vào ăn trầu của chị Lủ. Căn nhà vui rộn hẳn lên. Tôi toan hỏi tên dân tộc của các cô, thì Khiết đã cao giọng:

- Thế là đại biểu các ngành đã đến đày đủ. Các cụ, các đồng chí, xin yên lặng, ta bắt đầu họp.

Anh giới thiệu tôi, rồi nói: "đồng chí Việt Thi thay tôi ở lại đây phục vụ các cụ và công tác với các đồng chí. Bây giờ xin mời đồng chí Thi đọc chương trình cuộc họp”.

Chị Lủ dịch lời Khiết cho các cụ nghe, tất cả đều nhìn tôi một cách thân mến. Chợt Tú Mai kêu lên:

- A lúi! Đồng chí Khiết đi xã khác à? Nhưng em cũng thích cái đồng chí Việt Thi, vì đồng chí có nhiều bài hát hay lắm.

Cả tôi và Khiết cùng bật cười: vì cái tình cảm ngây thơ của cô gái miền núi. Mế Páo - tên mẹ già đến đầu tiên, dời bếp lửa, đến bên tôi, yêu cầu:

- Vậy các đồng chí hát cho mế nghe vui.

Khiết đưa mắt ra hiệu cho tôi nên chiều ý mế già. Tôi nhớ lại các cuộc họp với Hội Mẹ Chiến sĩ ở Bắc Giang, các cụ thường thích tôi ngâm thơ theo kiểu kể hạnh đi chùa của các vãi. Ở đây, tôi cũng phải hát theo kiểu ấy thôi, chứ "Suối mơ" hay "Thiên Thai" chỉ có các cô là thích, tuy không hiểu hết ý lời và nhạc.

Tôi bèn hắng giọng, ngâm mấy câu thơ ra mắt với "các cụ".

Mẹ là mẹ của các con
Mẹ chung chiến sĩ tiền phương diệt thù
Đói, nghèo nhà cửa xác xơ
Lên nương xuống rẫy vẫn lo tảo tần
Mẹ là mẹ của toàn dân
Lo chung việc nước, đảm đang việc nhà...

Những câu đơn sơ ấy, đã từng có tác dụng động viên rất nhiều các cụ Hội mẹ chiến sĩ ở miền xuôi. Khiết hiểu tác dụng ấy, liền dịch ra lời Thổ, rồi dùng giọng lượn hát lên; nhưng anh không hát gọi "ới nọong, nàng ơi ới!..." Mà lại hát: "ới mến mế ơi, ới!..." làm cả hội nghị cười rộn rã. Mấy mế, và tất cả các cô đến xúm lại quanh tôi. Mế Páo thì cười hở hết mấy cái răng đen còn lại, hai tay nắm chặt lấy tôi! Rồi nói một hồi dài tiếng Thổ. Khiết dịch:

- Mế bảo, các anh bộ đội qua bản, hay hát cho mế nghe, nhưng chưa ai có bài hát tặng riêng hội các mế cả. Mế thích Việt Thi lắm! Đồng chí phải ở lại Vũ Lăng dài dài ngày, làm con gái mế.

Chị Lủ thì vỗ vai tôi:

- Đồng chí Việt Thi phải hát và làm bài hát cho phụ nữ Vũ Lăng, phụ nữ Bắc Sơn nữa.

Đồng chí Khiết lại dịch ra tiếng Thổ một hồi, tất cả đều vỗ tay. Thấy tôi bỡ ngỡ nhìn cả hội nghị, Khiết bảo:

- Tôi giới thiệu với mọi người là đồng chí Thi đã có tiếng làm thơ hay ở miền xuôi, nên mọi người hoan nghênh đấy.

Tôi cảm động nói với các cụ và chị em:

- Quá trình công tác ở đây, xin hứa với các cụ, các đồng chí, tôi sẽ làm thơ về các cụ, các chị em có nhiều tình yêu quê hương cách mạng, có căm thù giặc xâm lăng. Còn bây giờ, xin hội nghị hãy bàn những chuyện công tác ta phải làm.

Tôi đọc nghị quyết của huyện với ba vấn đề trọng yếu, Khiết tiếp lời tôi:

- Cả ba vấn đề đồng chí Việt Thi vừa nói đều cần cả. Nhưng vấn đề chống giặc xâm lăng là vấn đề quan trọng đầu tiên. Vậy xin ý kiến các cụ và các đồng chí, ta nên bàn trước và bàn thật kỹ vấn đề này.

Cụ Lâm - cụ da đồng đỏ - nói:

- Phải vớ! Đánh giặc đầu tiên đã. Còn dốt thì ta sẽ học, đói thì làm rẫy, làm nương thêm.

Cụ Quay (cụ da xanh sốt rét) nói:

- Vậy đồng chí Việt Thi nói cách đánh Tây cho chúng tôi biết, với!

Tôi cứ theo nghị quyết huyện, nói:

- Hiện có tin thằng Tây định nhảy dù xuống Việt Bắc, đánh thẳng vào cơ quan đầu não kháng chiến của chúng ta. Vậy ngoài việc tập quân sự thường xuyên và chuẩn bị ngô, gạo, súng, dao, gươm, giáo để đánh giặc, ta cần nhờ các cụ đi xem các địa hình, thấy nơi nào trống trải thuận lợi cho giặc bay đến đổ quân, thì ta phải cắm chông thật sắc, để khi chúng nhảy xuống, là sẽ nhảy vào những mũi nhọn đâm cho chúng chết. Thế là không có súng ta cũng diệt được giặc.

Lần này, chị Lủ thông ngôn. Các cụ đều gật đầu, còn các chị em thì vỗ tay hoan nghênh. Rồi hội nghị thống nhất là phải vận động toàn dân đi làm chông và cắm chông.

Hội nghị lại bắt tôi hát lần nữa, tôi lại ứng khẩu mấy câu hò về động viên tinh thần giết giặc của bà con. Được Khiết dịch lại, và các chị vừa xuống thang vừa dùng giọng lượn, hát luôn. Tôi đứng dưới chân nhà sàn, nhìn các bó đuốc lập lòe tản mát khắp rừng xa, với tiếng hát "Nàng ới, nọong ơi... phổ lời ca dao của tôi vang vọng tận đầu nguồn. Lòng tôi cảm xúc, bâng khuâng. Y như lần đầu, sau khi khai hội với bà con ở tổng Thiết Nham, đứng nghe các cô gái quê dùng giọng cò lả, hát mấy câu ứng tác của tôi về đời sống vất vả của chị em nông dân, trải khắp cánh đồng lúa mênh mông. Bỗng Khiết từ trên sàn bước xuống, vai đeo xà cột, tay cầm roi ngựa nói:

- Tôi cũng phải tạm biệt chị, lên đường đây. Chúc đồng chí Bắc Giang ở lại công tác thắng lợi nhé.

Tôi ngẩn người, không ngờ Khiết lại đi ngay đêm nay. Một nỗi tiếc nhớ bâng khuâng, khiến tôi không nói được nên lời, chỉ rút ở túi ra, một cuốn sổ nhỏ mới tinh, do Vân tặng lại, đưa anh, và nói:

- Để đồng chí Khiết chép những bài hát đồng chí thích vào đây, lưu niệm nhé.

Khiết bật cười:

- Chị làm như chúng ta không còn gặp nhau nữa hay sao?

Rồi anh lấy ra đưa tôi một cuốn sách nói:

- Đây là cuốn nói về chủ nghĩa Mác - Lê nin. Tôi thấy hình như chị muốn tìm hiểu chủ nghĩa ấy, xin để chị đọc, bao giờ trả tôi cũng được.

Tôi hiểu ngầm anh muốn tuyên truyền về Đảng cho tôi. Tôi mừng quá, cầm vội lấy tập sách, vô tình chạm phải tay anh. Tự nhiên bốn mắt lặng nhìn nhau dưới ánh sao mờ lạnh. Rồi tôi vội vừa lên thang vừa nói: "xin chào và cảm ơn đồng chí".

Tôi đã vào buồng, nằm rồi còn nghe tiếng ngựa hí, tiếng vó mạnh mẽ phi nhanh trong đêm. Xa xa tiếng từ qui gọi bạn, tha thiết tận cuối rừng!...

Sau ba ngày lội suối trèo đèo cùng các cụ Lâm, cụ Quay, cả cụ bà Páo, chúng tôi tìm được một bãi trống rất rộng: (đó là những nương ngô trồng hết màu đất, đồng bào bỏ lại cho cỏ mọc). Tôi họp chủ nhiệm Tú Mai, xã đội.. dân quân Bạch Tuyết, hội trưởng phụ nữ Lủ, trưởng đoàn thanh niên Ngọc Lan, Mỹ Dung hội trưởng nông hội, bàn với các đồng chí. Để gây một khí thế ra quân lần đầu cho xã ta huy động toàn dân làm mít-tinh rồi mới đi chặt tre nứa, cắm chông để đánh giặc nhảy dù. Các cô đều đồng ý vui vẻ, chia nhau đi về các bản làng, huy động mọi người.

Sáng nay trời lại hửng nắng. Lá rừng càng rực rỡ hai màu vàng đỏ cuối đông. Trước trụ sở Việt Minh, Bạch Tuyết vạm vỡ trong bộ áo Nùng, tay rộng. Chân quấn xà cạp, lưng thắt dao rừng, đứng nghiêm trước hàng dân quân toàn nữ. Cô áo Thổ dài, dải lưng thắt quặt ra đàng sau gọn ghẽ. Cô áo Nùng xanh đen, tay rộng, đầu trùm khăn cùng màu áo, nhưng có chấm hoa trắng, sáng tươi. Nhưng tất cả các cô Tày, cũng như Nùng, ai nấy chân quấn xà cạp trắng rất gọn và mạnh mẽ. Tôi từ hàng ghế cùng ngồi với các cụ bước lên diễn đàn giữa tiếng trống ếch thì thùng, cờ bay phấp phới (diễn đàn là một tảng đá mọc tự nhiên giữa sân trụ sở Việt Minh xã, như một cái bàn vuông chắc chắn). Sau khi nắm tay chào theo kiểu Việt Minh, tôi cất cao giọng:

- Thưa các phò, các mế.
Thưa các đồng chí.
Thưa toàn thể đồng bào Vũ Lăng, ta đã mất nhiều xương máu trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chống Pháp năm 1940. Nay, toàn đất nước theo Hồ Chủ Tịch, đã đuổi được quân Nhật, lấy lại được nền độc lập cho nước nhà. Nhưng quân Pháp lại trở lại cướp nước ta. Chúng đốt nhà, cướp của bắn giết đồng bào ta ở các tỉnh miền xuôi. Chúng lại lăm le, muốn nhảy dù xuống chiến khu này, để mong đặt lại ách nô lệ lên dân ta. Toàn quốc đã kháng chiến, máu đã đổ nhiều, để giữ lấy đất nước. Giặc Tây chưa lên được đây. Nhưng ta phải sẵn sàng như lời trong bài hát của nhạc sĩ Văn Cao: "Bắc Sơn đây mồ sâu hố chôn giặc Pháp"... Vậy toàn dân ta phải sẵn sàng giết giặc bằng cách hôm nay đi cắm chông chờ giặc nhảy dù xuống xã ta. Tôi hô mấy câu khẩu hiệu: "Hồ Chủ tịch muôn năm", "Việt Minh muôn năm”, "Sẵn sàng giết giặc"...

Tôi nói và hô xong, ở dưới mấy chị thạo tiếng Kinh hô hướng dẫn đồng bào theo mấy câu khẩu hiệu, rồi trống dong, cờ mở, tôi cùng cán bộ và đồng bào theo chân cụ Lâm, cụ Quay, mế Páo. Ai nấy tay lăm lăm cầm dao rừng, đã được mài sáng quắc! Chúng tôi vào rừng nứa. Rừng nứa rất lắm vắt, thấy chân người, chúng nhâu nhâu nhô lên hàng loạt những đầu đen đen như mũi nhọn trên những tầng lá mục rồi nhảy tanh tách vào cổ, vào nách người. Yếu bóng vía như Hoa chắc phải rú lên. Nhưng tôi đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nên cố nén ghê tởm mà rứt chúng ra, nhưng sau nhiều vắt quá, lại thấy chị em đã bắt đầu chặt nứa, tôi đành "lờ" chúng đi. Y như ngày công tác ở dưới xuôi... phải đi cấy với chị em tôi đã "lờ" được lũ đỉa. Vì trông lũ vắt cũng ghê ghê như đỉa, nhưng chúng cắn cứ êm như không, khi no là tự lăn xuống. Có tức thì dẫm bẹt chúng phọt máu ra. Nhưng chả có thì giờ, vì tôi còn phải nhìn chị em, để học cách chặt nứa. Dao thì sắc, nhưng chặt không quen, mãi chả được một cây, lại thêm gai góc, trong rừng, hết cứa tay lại vướng tóc, xoay trở thế nào cũng khó có thể đứng để chặt. Mà chặt được rồi - cành nhánh lại vướng ngang, rất khó kéo ra. Sau tôi phải đề nghị: - "Người chặt cứ chặt, người kéo cây ra cứ kéo". Chị Lủ và Ngọc Lan có ý kiến, (có lẽ họ cũng tế nhị với tôi): "Mời các cụ và đồng chí Việt Thi ra ngoài rừng, vát đầu cây cho nhọn làm chông, như vậy, việc làm sẽ chóng xong". Tôi thấy cũng hợp lý. Nhưng vát nhọn đầu cây nứa cũng chả dễ gì. Cụ Lâm đến gần tôi hướng dẫn: "phải phát nghiêng lưỡi dao, với động tác thật mạnh, một nhát là xong, thì đầu cây không bị dập". Việc làm đơn giản thế, mà tôi tập mãi mới quen.

Chung quanh sắc cờ đỏ, nổi bật lên nền rừng nứa xanh. Tiếng trống ếch vẫn rầm rập. Tiếng cây bị chặt đổ rào rào. Tiếng người cười nói rộn rã đầy rừng. Tôi nhớ đến đoạn hào hùng của bài Bắc Sơn, liền hát với thiếu nhi và các nữ thanh niên:..."Khi nhìn chốn xưa, bóng cờ rực rỡ sao vàng. Đồn cao vách núi, nếp mây huy hoàng. Lớp lớp chiến đấu, Lạng Sơn tung bay cờ. Rồi vùng rừng núi nhớ bao nhiêu hận thù. Dân quân du kích cách mạng bùng mùa thu. Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu". Chị Lủ lại đóng vai phiên dịch tóm tắt ý đoạn hát ấy cho các cụ nghe. Lập tức các cụ trở lại ngay những hồi ức ngày khởi nghĩa. Vừa làm, các cụ vừa kể, qua Ngọc Lan phiên dịch cho tôi, nghe những tội ác của thực dân Pháp. Như khi chúng đã dập được phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn, chúng cho lính dõng và cả lính Tây đi lùng sục khắp Vũ Lăng. Đàn ông thì chúng trói chặt, bắt đi. Đàn bà phải địu con, quẩy muối chạy lên rừng, tìm những hang hốc thật sâu, sống chui, sống lủi như con cáo, con chồn. Đói phải đào củ mài ăn. Rét phải đập vỏ cây sui tơi ra làm áo làm chăn, mà có yên với chúng đâu! Nhà Ngọc Lan, có mình nó chạy thoát, hai anh và bố bị bắt đi mất tích. Mà cả Vũ Lăng này, chẳng nhà ai là không có người bị Tây bắt giết. Thù chúng nó lắm. May mà có Việt Minh về... Việt Minh giỏi lắm! Các phò, các mế theo Việt Minh là vững cái bụng, là trả được thù chúng nó". Nghe chuyện các cụ, tôi cảm xúc rạt rào vừa thương đồng bào vừa sung sướng thấy mình công tác cách mạng, nên mới hiểu, mới thấy được nhiều kiếp sống bị áp bức, đàn áp ở tận những nơi rừng sâu, núi đá này.

Tiếng trống ếch vẫn nổi lên, cờ vẫn bay phấp phới, cây vẫn đổ rào rào. Tiếng hát càng hào hùng, náo nức: "Cầm giáo, cầm súng dân quân vùng ra sa trường. Bắc Sơn nơi đó sa trường xưa. Bắc Sơn đây núi rừng chiến khu...”

A.T.
(TCSH53/01&2-1993)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng