Góc Hoài niệm
Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng
16:08 | 22/11/2022

LỆ HẰNG
         Bút ký dự thi

“Thấu Huế rồi.”

Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng
Ảnh: internet

Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt mênh mông chỉ để hét lên như thế khi con Honda Blade của mình điềm nhiên lướt qua khúc cua cuối cùng dưới chân Hải Vân Quan. Vậy là thấu Huế. Thấu Huế thật rồi.

Bên ni đèo với bên tê đèo chỉ cách một bước chân trong không gian địa lý nhưng với tôi là cả một sải dài tâm tư. Tôi nhớ những lần về Huế dịp tết, ngồi trên xe hoặc tàu hỏa qua hầm, vừa chạm đến Lăng Cô là phải khoác thêm áo, quàng thêm khăn, cái lạnh như một cú sốc hoặc là một lời nhắc nhở, vừa sâu vừa ngọt, “Huế đây rồi và Huế đang mưa”. Mưa tháng Chạp miên miên thâm thâm cứa vào lòng kẻ xa quê, vịnh nhỏ im im, núi đồi lặng lẽ chỉ có lũ chúng tôi cõi lòng vốn dĩ đã mênh mang như nước giờ gặp phải một cú sốc nhiệt bỗng chòng chành, bỗng trào dâng, bỗng hồn nhiên thác lũ. An, một người chị phương xa của tôi thỉnh thoảng có về Huế thăm quê ngoại, bảo rằng chị đã trải qua nhiều cái lạnh ở nơi này nơi kia nhưng không nơi đâu như Huế, lạnh cắt da cắt thịt, lạnh dấm dứt dai dẳng, lạnh thê thiết nhớ nhung, lạnh như u hoài của ngàn năm trước rỏ xuống ngàn năm sau. Cái lạnh không làm con người ta lơ đễnh hay lãng quên sự tồn tại của mình, mà ngược lại, nó khiến con người ta bật dậy như chồi cây, một chồi cây lặng lẽ trong thế giới chừng như thu hẹp dưới một chái hiên, một vết nứt từ bức tường cũ hay biết đâu là một kẽ hở thời gian, giữa các niên đại. Tôi đã bổ sung thêm với An rằng cái lạnh ở Lăng Cô là “đay nghiến” nhất. Phần nhiều khí lạnh không vượt đỉnh Hải Vân mà quần tụ dưới chân đèo khiến giá buốt ken đặc không trung và mưa, vừa dày vừa nhọn châm chích vào nỗi nhớ.

Bây giờ đang là đầu tháng Tám, chẳng có cái lạnh nào cứa vào da thịt, chỉ có một khoảng trời cam vàng lộng lẫy và chỉ có một buổi chiều lộng lẫy sau khi gió biển thổi bay hết mọi xót xáy trên đường. Bụng đã đói meo vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đành phải làm đầy đôi mắt để quên đi cảm giác trống trải trong dạ dày. Tôi ngắm hết, ngắm ngấu nghiến những ngôi nhà lấp ló sau hàng tre, hàng dừa, hàng chè tàu, hàng bông bụt… Mỗi ngôi nhà ươm vào lòng tôi một câu chuyện. Tôi chợt cười khi lướt qua một khoảng sân vuông có bức bình phong phía trước và ở một góc sân có cái am nhỏ với mái che. Về Huế, đi đâu cũng thấy những am thờ như thế. Am thờ cô, thờ cậu thường có mái che kèm thêm hình chạm trổ mà tôi vì quan sát và bận tâm chưa đủ nhiều nên chưa thể hiểu hết ý nghĩa. Thờ trời đất thường là một trang thờ nhỏ không có mái che. Bây giờ ngẫm lại thấy tuổi thơ mình “ngủng ngẳng” vô cùng, chiếc am vuông vức dựng giữa trời, lù lù như cái ti vi thuở còn màn hình đen trắng rồi đứa nọ truyền tai đứa kia đi “sửa ti vi”. Đứa nào trong đầu cũng có một kho chuyện ma, và đứa nào cũng tin cũng sợ cũng khiếp vía.

*

Tôi về đến nhà lúc đã hơn tám giờ tối. Mạ mở cổng, vừa mở vừa mắng “ui cha, ra chi mà lạ ri bây…”. Với mạ tám giờ là khuya khoắt lắm rồi. Tôi cười, biết mạ đang vui. Đẩy xe vào sân xong, tôi lướt nhìn khoảng sân quen thuộc của mình vài giây. Một mảnh đất chẹo chẹo hình thang, cuối góc sân hai cái am đã có từ mười mấy năm trước lặng lẽ nép bên bụi đinh lăng ba mới trồng mà lá đã sum suê lấn lướt. Trong am, bóng đèn quả ớt hắt ra một thứ ánh sáng dịu nhẹ, ảo mờ, thanh tịnh, và ấm cúng. Tôi nhìn ra xa, đèn đường đổ lên bụi tre hóp thứ ánh sáng màu trắng, bàng bạc dưới sương. Ba hỏi tôi “lạ lắm đúng không con?” Hai năm rồi vì dịch giã nên tôi chẳng về Huế lần nào. Trong những lần chuyện trò vội vã qua điện thoại, ba đã phong thanh kể cho tôi nghe thôn xóm mình bữa nay khác lắm nhưng tôi đâu ngờ cái xóm nhà cách nhà gọi hết hơi không tới, cái xóm đêm rớt xuống là tối bưng bưng, đứng trong nhà nhìn ra, ngoài ánh điện từ mấy ngôi nhà hắt ra le lói thì chẳng thấy gì ngoài một màu đêm hun hút. Và, cái xóm của những mùa trăng rộn ràng khi trẻ con đổ ra đường đi lạo xạo từ nhà này sang nhà khác, đá banh, bẻ bắp, “sửa ti vi” bây giờ không còn nữa, ít nhất là dưới góc nhìn cực đoan của một đứa xa quê như tôi. Cảnh này, “sửa ti vi” có lẽ đã thành chuyện của ngày xưa và chỉ còn trên trang viết thơm tho kỷ niệm. Bây giờ, đường đã bê tông rộng rãi cho xe tải đi, điện cũng đã chạy miên man lên tới núi, thanh niên không phải chờ những mùa trăng để hẹn hò, trẻ con không phải chờ những mùa trăng để í ới, làng tôi, xóm tôi sớm thôi sẽ rộn ràng sầm uất. Ba kể người ta mở rộng khu công nghiệp Phú Bài, cả một vùng nương đồi rộng mênh mông giờ đã thuộc về dự án. Nhiều người trúng đất dự án khấm khá đổi đời nhanh còn hơn trúng số. Ngày trước, nương đồi bạt ngàn như thế, ai có sức thì khai thì khẩn nhưng sức người có hạn, thiên nhiên lại vô chừng, từ gieo trồng cho đến gặt hái là cả một quãng dài cười khóc. Sau này, nhiều người đầu tư cho chăn nuôi nhưng chẳng ăn thua chi, lại còn thêm khoản nợ nần làm sao bì được với việc trúng đất dự án. Bây giờ, Internet phủ sóng, các dịch vụ mua hàng chuyển phát tận nhà cũng nở rộ, ở đây có khác phố là bao, ba nói. Tôi nghĩ về những ngôi nhà mới mọc kín cổng cao tường như biệt phủ, rồi thì những chiếc ô tô bóng lộn hay những buổi tiệc tùng. Ôi, một góc Huế của tôi đang thay đổi. Tôi mừng, lẽ dĩ nhiên, nhưng cũng ngậm ngùi. Rồi đây những con người vốn quen việc tay chân đơn sơ và trầm lặng sẽ xoay xở thế nào để thích nghi trong một nhịp sống mới? Như mạ chẳng hạn, không biết đến khi nào thì tám giờ tối mới thôi khuya khoắt. Quê hương, với tôi, để viết về thì không biết bao giờ là dấu chấm cuối cùng nhưng để miêu tả thì gọn vô cùng, chỉ hai từ “trầm” và “ấm”. Trầm và ấm như hương gỗ bạch đàn. Một loài hương an ủi. Cả giấc mơ tôi. Cả cuộc đời tôi. Cả trang viết tôi.

“Rồi ôn nằm ở mô, ba?”

Tôi sốt sắng khi trong đầu hiện lên hình ảnh của nội. Tôi chỉ thích dùng một từ “nội” cho cả ôn và mệ và ngôi từ đường trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên. Về thăm nội là về ngôi nhà ấy, cũng là về thăm mệ, thăm ôn. Bây giờ thì tôi chỉ nghĩ về ôn. Nội đội cái nón lá đã cũ, hơi móp và rách, tua rua xòa ra đây đó dọc theo vành nón. Cái nón đội đi nương khác với nón đội đi làng đi họ. Nội có cái nón xịn và cả cái dù nữa, dù rất táy máy nhưng có vài thứ nội dùng dè xẻn và trân trọng đến nỗi tôi không dám đụng vào. Áo quần cũng thế, những bộ tươm tất thường treo riêng cùng khăn đóng, áo dài. Áo dài đi họ ban đầu là áo dài đen, sau này là áo dài xanh chữ thọ khi nội đã làm ông Cả họ Lê làng Phù Bài. Bộ đồ đi nương là bộ đồ hạng bét, từ màu trắng nó đã chuyển sang màu ươm vàng và sờn rách. Trong đầu tôi, nội còn khỏe lắm. Nội cầm cái rựa đi phăng phăng trên giường ruộng chặt lạt dưới tán bạch đàn. Trong đầu tôi có một khoảng trời thu hẹp và đóng khung nơi vạt nương xanh bên khe Chứa. Phía trên là hàng mít và chỗ trồng khoai sắn, đậu mè, bình tinh, phía dưới là thửa ruộng ngăn cách với khe bằng hàng tre hóp rậm rì. Thửa ruộng hình chữ nhật, bốn cạnh đều trồng bạch đàn, ruộng chỉ canh tác một vụ và thường chỉ được một chút lúa lép, có lẽ ba trồng để nuôi tụi gà thôi. Mùa mưa ruộng đầy nước, nước trong vắt nhìn thấy từng chiếc lá, từng cọng bạch đàn, từng con rô, con lia thia nhỏ, tụi cá từ khe lạc vào. Trong đầu tôi, khoảng trời ấy bao giờ cũng có nội. Nội ngậm điếu thuốc do tự tay nội vấn bằng loại giấy chuyên dùng hút thuốc, mỗi lần hết giấy thì vấn tạm bằng tờ lịch mỏng. Có năm, nội trồng cây thuốc lá trong nương, lá phơi đủ nắng rồi đem quấn thành điếu to nhìn rất thích. Tôi cũng tập tành hút thuốc như nội, tôi vấn thuốc, châm lửa y chang nội. Người lớn ai cũng bảo “chơi dại, sứt môi lọng chừng”. Vậy là thôi, tôi chỉ ngồi bên phụ nội cắt thuốc, vấn thuốc, tìm bật lửa… Ngày tháng ấy sao mà cổ tích!

Lần này tôi về thì đã không còn nội. Nội mất khi đại dịch đang căng thẳng nên chẳng đứa cháu nào ở xa về được. Hôm đưa nội đi, tôi chỉ ngồi cầu nguyện. Tôi chưa từng hỏi ba mộ của nội ở đâu bởi tôi biết nội luôn có dự tính cho mình trong những chuyện này và tôi nghĩ dự tính của nội sẽ không đi xa mấy khoảng nương tôi đã thuộc làu: Trạng Mè, Nương Gần, Cồn Ông Cải…

“Ôn ưa nằm ở Trạng Mè nhưng không được.”

Ba nói khi mắt dõi xa xăm. Dù đất ở Trạng Mè hiện không nằm trong dự án nhưng đã có công văn không được chôn cất hay xây lăng đắp mộ gì ở đó nữa. Vậy là di nguyện không thành, nội phải đi xa. Chẳng ai biết chắc bên kia cái chết có gì nhưng tôi tin không mối bận tâm nào trong thế giới vật chất này trở thành quan trọng nơi thế giới của linh hồn, ngay cả mối bận tâm về mộ phần sau cái chết. Đã nghĩ vậy, sao lòng vẫn bùi ngùi?

Tôi muốn được thắp nén nhang trên mộ nội nhưng ba xua tay.

“Nơi ấy toàn chim kêu vượn hú, cảnh buồn và hoang vu lắm. Ba đi loạng quạng còn lạc huống chi con…”. Nội nằm xa lắm tuốt trong rú lận, một mình tôi không lên đó được mà ba thì đang mệt trong người không thể dắt tôi đi.

*

Khuya. Gió núi thổi ra dìu dịu. Ba đã lên giường nằm nghỉ. Đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong ngày khi ngôi nhà chìm vào tĩnh vắng, lặng lẽ giải phóng hết bao nhiêu cái nóng nảy, oi bức, lào xào, bực dọc trong ngày. Lâu quá mới lại về nhà khiến tôi thao thức. Tôi nằm đây mà thấy tôi của nhiều năm trước, cúi lom khom ngậm cây đèn pin chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút trùm chăn viết nhật ký, dù là giữa mùa hè. Tôi giấu đèn pin và cuốn sổ trong gối, tối nào cũng lôi sổ ra tâm sự, có khi còn viết cả “thơ” nữa. Giường của chị em tôi sát bên cửa sổ, mùa hè cửa chẳng đóng bao giờ để đón gió núi về khuya. Thi thoảng, tôi tỉnh giấc giữa khuya, mở mắt ra thấy mảnh trăng bạc treo bên cửa sổ chênh chếch sau đọt bạch đàn ngoài xa, trăng đẹp quá, có lần tôi ngồi dậy nhòm ra cửa sổ thấy tàu lá chuối loang loáng dưới trăng, sương sõng sượt phủ lên mặt lá, có con chàng hương nép vào bẹ chuối cánh bụng hóp vào hóp ra. Tôi tưởng mình đã đi xa, không còn ở trong không gian ấy nữa nhưng không hẳn, bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn âm thầm tìm về đó, tái tạo lại thế giới của mình qua những lần đắm chìm vào trang viết, như Khu Vườn Ươm Ánh Sáng của tôi chẳng hạn. Thời gian thật kỳ lạ, vừa bôi xóa vừa khiến thứ bị mình bôi xóa được hiển hiện, tái sinh. Nếu tôi không lớn lên, tôi làm sao biết được mình đã có một tuổi thơ, và làm sao biết được tôi sẽ còn trở về sẽ còn tái hiện nó thêm nhiều lần nữa.

Tuổi thơ tôi con đường nào cũng đầy dáng nội. Đều đặn, tuần nào nội cũng đạp xe ra chùa Phù Bài rồi đi làng đi họ, thăm người này người kia. Dáng nội lom khom, đầu hơi chúi về trước, cái nón nhiều khi không đội mà úp trước giỏ xe. Nhiều lần tôi đứng bên này sông Phù Bài nhìn sang phía trường Đình và nhận ra ngay là nội đang đạp xe băng qua Đình, nội sẽ đạp lên thôn Bảy, qua cầu Ông Rồng và về nhà. Sau này, khi tôi đã rời quê, mỗi lần về thăm nếu chưa gặp nội thì chỉ cần hỏi ba đúng một câu “ôn còn hay đạp xe đi họ không ba” là biết ngay nội còn mạnh hay không. Nếu xem cuộc đời mỗi người là một chuyến hành hương về bên kia sự sống thì nội đã hành hương ngót nghét một thế kỷ nay. Và ngót nghét thế kỷ buồn vui của một người gói trọn nơi ruộng đồng, nương rẫy, làng họ, đặc biệt là từ đường. Nội sinh ra, lớn lên trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên, sống và thác trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên, mọi niềm vui và mọi nỗi bận tâm đều xoay quanh nơi ấy. Cái tráp gia phả, cái tủ thờ, những bát nhang, kỵ giỗ, chạp mộ, nhang đèn, trầm hương, những rằm, mùng một… năm năm tháng tháng chật vật lo toan trong bấy nhiêu công việc, bấy nhiêu nỗi niềm. Một người bạn từng nói với tôi đại ý rằng người Huế sống cho người chết nhiều hơn cho mình, lo cho phần âm nhiều hơn phần dương. Tôi không đồng ý khi bạn tôi khái quát hóa về “người Huế” như thế, nghe rất cực đoan, nhưng có lẽ bạn tôi đang muốn nói đến những điển hình như nội. Và bây giờ là ba, dù ba chưa ở hẳn bên từ đường. Sứ mệnh của cuộc đời nội là chăm lo cho từ đường. Kho lẫm của nội cũng nằm ở đó. Cả hy vọng. Cả tương lai nữa. Vì bạn tôi là người ngoài đứng trông vô nên không hiểu được những người như nội lo cho “người sống” cho “phần dương” đến thế nào, chỉ là mọi thứ luôn phải được đặt trong mối tương quan kín đáo mà mãnh liệt với tổ tiên.

Và những người như nội không chỉ lo cho người đã khuất mà còn lo cho phần mình khi khuất núi. Tôi không nhớ rõ tự khi nào, nhưng lâu lắm rồi khi tôi còn long nhong trên nương dưới ruộng, tôi đã biết nội lo cho hậu sự của mình. Ở làng tôi, chuyện một người đang sống nhắm trước và thậm chí dọn sẵn cho mình một vạt đất để nằm xuống không có gì là lạ. Nhiều người còn xây sẵn lăng, đắp sẵn mộ rồi đến ngày con cháu sẽ đặt quan tài xuống. Vài gia đình khi xây lăng đắp mộ cho cha ông mình thì cũng làm luôn một ngôi y chang ngay bên cạnh cho mẹ cho bà dù người vẫn đang vui vẻ bên con cháu. Tôi lớn lên trong không gian ấy, nơi những câu chuyện về xây lăng đắp mộ luôn là phần sinh động nhất của những buổi chuyện trò từ lớn đến nhỏ, từ cuộc tâm tình chỉ có hai người là ba và chú cho đến những cuộc họp dòng họ mà tôi lén núp sau hè nghe lỏm. Rồi tôi đi xa, học hành, giao tiếp, đón nhận những tư tưởng mới, nếp sống, nếp nghĩ mới, đã có lúc tôi nghĩ sao người quê mình khổ thế, sống không lo phần sống mà suốt ngày lo cho phần chết. Phần chết của người đã chết và phần chết của người đang sống, là mình. Nhưng giờ đây khi đã trải qua vài nốt thăng trầm trong cuộc sống, khi những ý niệm đầu tiên về sự hữu hạn của trăm năm bắt đầu nhen nhóm trong tôi, tôi khám phá ra một lối nhìn mới mẻ cho những sự “khổ” thường tình ấy. Tôi hình dung trong những bước chân xao xác của nội trên nương, giữa vồng khoai vồng sắn, giữa vồng đậu vồng mè hay dưới tán bạch đàn, bên bờ tre hóp… là những buồn vui như mưa nắng của một kiếp người. Và, trong những lúc nghỉ tay hay trong những giờ khom lưng cuốc đất nội đã chọn cho mình một góc nhỏ bình yên, một nơi mà nội tin tưởng rằng sự an nghỉ của mình sẽ mang lại tốt lành và hy vọng cho con cháu. Như thế, mỗi ngày trôi qua, nội đi dần về bên kia sự sống với tâm thế an nhiên, khoảng cách giữa hai bờ sinh - tử không còn là mênh mông sợ hãi. Cuộc đời quá đỗi vô thường, con người có thể làm gì hơn nếu không phải là chọn cho mình một cách đối mặt nhẹ nhàng và vui sống. Tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng đi khi nghĩ rằng trong niềm tin của nội, cố tôi, sơ tôi, tổ tiên tôi vẫn luôn bên cạnh để dìu dắt nội bước qua bên kia đường đời.

*

Chiều nay, vừa làm xong vài công việc quan trọng và chọn ngày rời Huế, tôi lại về từ đường thắp hương. Huế mưa. Mưa rả rích mặt đường. Mưa châm chích dưới ruộng. Mưa tí tách trên lá. Mưa trầm ngâm mái ngói. Mưa rỉ rách bên hiên. Mưa tỉ tê hàng trầu. Mưa ngậm ngùi vòm bưởi. Mưa miên man vườn chè, bông trang, bông chuối, thanh long, vạn tuế… Mưa nhòe nhoẹt khung trời xanh thẫm lá. Khung trời ấy là khu vườn của nội, trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên này. Tôi đã từng tự bạch trong một trang viết của mình rằng “nếu bạn nhìn sâu vào tuổi thơ tôi, bạn sẽ chỉ thấy màu xanh”, đó là lời tự bạch chân thành. Màu xanh của khu vườn này là nỗi ám ảnh đối với tôi, ai đó có thể nói vậy, và nó là nỗi ám ảnh có tính chữa lành, tái sinh và tha thứ. Tôi nhìn khu vườn mướt mát dưới mưa lòng dấy lên một thứ cảm xúc dìu dịu, long lanh và ấm áp. Chẳng có gì thay đổi so với trước đây ngoài việc cây bưởi già oằn mình hơn vì sây trái, tán rậm rì như một mái nhà con. Chẳng có gì thay đổi, kể cả sự vắng mặt của nội bởi tôi không thấy cô đơn trống trải chút nào mà ngược lại, tôi thấy lòng mình như nắng hửng sau mưa khi nhìn lên di ảnh nội. Trăm năm có là dài hay chỉ như một cánh chim xanh thoắt ẩn giữa trời xanh? Ý niệm về thời gian lúc này đối với tôi thật mơ hồ, tôi chỉ thấy mình vẫn gần nội, như ngày xưa.

Tôi vòng quanh từ đường thắp hương. Sự ấm cúng ngày nào còn đây sao nguyên vẹn. Tôi đã có thói quen thắp hương ở từ đường từ khi còn rất nhỏ, tôi nhớ là vào cuối năm lớp một. Khi ấy, tôi được chọn làm một trong bốn học sinh giỏi của lớp tham dự một kỳ thi đặc biệt để chọn ra người xuất sắc nhất khối. Đó là một phần thưởng danh dự mà ủy ban xã và hội khuyến học của làng phát động để khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi ý thức hơn tầm quan trọng của sự học khi mà nhiều thầy cô chủ nhiệm phải về tận nhà học sinh dỗ dành học sinh đừng bỏ học. Cả nhà tôi ngạc nhiên khi tôi được công nhận là học sinh giỏi và đại diện cho lớp đi thi. Tôi nhớ, hồi ấy, mạ mải bán buôn dưới chợ tối mịt mới về tới nhà. Ba mải lo nương vườn ruộng trưa, lâu lâu mới nhòm đến bài vở của tôi, tôi thường học “thuội” theo chị gái, năm ấy chị học lớp năm. Buổi trưa, tôi trịnh trọng thông báo tin quan trọng với cả nhà là chiều nay tôi đi thi học sinh giỏi, chị cho tôi mấy cặp giấy trắng để làm bài, ba dặn tôi kiểm tra cây bút và bơm mực cho đầy, mạ dặn ba chở tôi về từ đường thắp hương trước khi đi. Từ đó, tôi hình thành thói quen thưa trình với tổ tiên. Bất cứ việc gì tôi cho là quan trọng, dù chỉ là một bài kiểm tra, tôi cũng đều về từ đường thắp hương trước khi lên đường. Từ đường có rất nhiều bát nhang, tôi không dám trỏ tay đếm nhưng khi tôi đã có thể tự mình bật lửa đốt nhang thắp thì tôi đã có một cảm giác gần như chuẩn xác mỗi khi rút nhang ra. Tôi thường đi vòng quanh từ bên này sang bên kia, các bát nhang được xếp cao thấp theo đời, nhiều bát nhang cao tôi phải kê hai cái đòn chồng lên nhau mới vói tới. Những cây nhang tôi cắm từ xiêu vẹo dần dà dựng đứng theo thời gian, đến ngày tôi rời Huế đi học xa thì cây nhang đã cắm đúng tâm, nghiêm túc, thẳng thớm. Tôi thường dừng lại rất lâu trước một di ảnh trong từ đường, một bức đen trắng to vào khoảng trang giấy vở học sinh, di ảnh của ôn sơ. Cố tôi, nội tôi, ba tôi, ai cũng kể nhiều về ôn, về sự hiếu học và ân tình mà người làng đã dành cho ôn lúc sinh thời và về một đám tang làm chay đông hiếm thấy trong làng. Tôi thường nhìn sơ rất lâu, ai cũng nói tôi giống ba nhất nhà, giống ở cái kiểu nhăm nhắm đôi mắt khi nói chuyện để lộ ra đuôi mắt và giống ở nụ cười với hai cái răng cửa như hai cái “cuốc tượng” hơi chìa ra trước. Thật ra, tôi không chỉ giống ba mà còn giống nội, giống cố, giống sơ tôi nữa. Chỉ vậy thôi mà tôi thích ngắm hoài.

Tôi đã thắp nhang xong trong từ đường, còn hai cái am ngoài sân và cuối cùng là vòng ra bếp thắp cho ấm bếp. Tôi chợt cười khi nhớ lại câu mà lúc nào tôi cũng khấn mỗi khi thắp hương trước các kỳ thi. Tôi khấn thế này: “Thưa cố, thưa sơ, thưa ôn mệ tổ tiên, hôm nay con đi thi, xin phù hộ cho con làm bài tốt, cho con tỉnh táo không quên mấy cái con đã học…”. Đó là câu tôi đã khấn từ kỳ thi học sinh giỏi năm lớp một ấy cho đến mãi sau này, thi đại học. Ngẫm lại, tôi có chút tự hào nho nhỏ vì mình không đến nỗi nào, không khấn xin những điều không tưởng, cũng không xin ông bà tổ tiên nhắc bài cho hay làm bất cứ điều gì gian lận dù là trong lời cầu nguyện âm thầm. Tôi hình dung tổ tiên có linh thiêng chắc sẽ mỉm cười với đứa cháu khờ này.

Niềm tự hào lớn nhất của tôi với tổ tiên mình đến vào năm tôi học lớp bốn. Nhờ kỳ thi khởi đầu cho sự học của tôi năm lớp một ấy mà những năm sau ba để ý đến việc học của tôi nhiều hơn. Năm lớp hai, tôi giành được giải danh dự nhất khối và ba năm liên tiếp duy trì ngôi quán quân nên năm lớp bốn tôi được công nhận là nhất toàn trường - vinh dự lớn nhất của tôi lúc ấy và phần thưởng cũng lớn nhất, đủ để mua một chiếc xe đạp ngon ơ. Tôi sung sướng mang tất cả giấy khen và phần thưởng về “méc” với tổ tiên. Cả mùa hè tôi không treo giấy khen lên cũng không động đến bất kỳ phần thưởng nào, tôi trân trọng mở ra xem các thứ rồi cẩn thận gói lại để vào một góc trong từ đường, kể cả những bì thư tôi được nhận ở làng và họ mình. Niềm vui đơn sơ đến thế. Niềm tự hào cũng đơn sơ đến thế. Ý nghĩa của từ đường, của tổ tiên, của thờ cúng cũng đơn sơ đến thế.

Tôi ra chái sau nhìn ra  phía  đìa và cây thị. Bao lâu rồi, phải hơn cả chục năm, tôi chưa lượm trái thị nào. Mưa đã vơi một phần, nước từ đuôi lá rớt xuống thảm mục bên dưới chầm chầm, chầm chậm như những giọt thời gian. Chợt tôi thương nội quá, cái khuôn viên này là cuộc đời của nội, nội hằng kỳ vọng ba tôi sẽ có một đứa con trai, nghĩa là nội có đích tôn và cái đứa đích tôn ấy sẽ tiếp nối nội và ba, năm năm tháng tháng sớm sớm chiều chiều gắn bó với từ đường như nội đã từng nhưng nội chỉ có đứa cháu nữ như là đích tôn là chị gái tôi và chị đang sống tại Hà Lan. Cuộc sống vận hành theo lộ trình riêng của nó, Đấng tạo hóa có lý lẽ riêng của mình mà con người thường không thấu được. Tôi cũng đã không còn buồn vì mình mang thân phận nữ nhi. Nhiều khi, tôi nghĩ nếu đong đếm buồn vui của mỗi kiếp người thì có lẽ là có một hằng số tương đối cho cuộc đời của nội, của ba, của chị, và của tôi nữa.

Tôi nhìn lên, năm nay thị sum suê quá. Cây thị làm tôi nhớ những ngày rằm tháng bảy khi bàn thờ tươm tất, ba và nội đặt những trái thị vừa mới trảy sắp trên nải chuối vừa chín hườm ngả màu thiên lý, vàng vàng xanh xanh đượm đà thơm thảo cả gian thờ. Tôi nhớ một người thường giữ những quả thị bên mình, để trên giường ngủ gần chỗ kê đầu nằm. Mệ cố của tôi. Với tôi, quả thị lúc nào cũng hao hao cổ tích nhưng không phải vì cô Tấm mà vì mệ cố, trong đầu tôi hình ảnh đẹp nhất về cố là khi cố tỏm tẻm nhai trầu và đưa cho tôi trái thị, cố già, già lắm, già hơn hết thảy người già trong các truyện cổ tích. Kỷ niệm chợt về, gợn vào lòng mấy nỗi xôn xao.

Mệ cố mất khi tôi đang thi cuối kỳ lớp hai. Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức về sự biến mất của người thân khỏi thế giới này. Tôi ngơ ngác đội lên đầu mình chiếc mũ của nỗi mất mát đầu tiên, nỗi buồn thứ nhất. Tôi thích được quấn khăn tang như chị tôi hoặc mặc áo tang trắng như mạ hay các o tôi nhưng tang phục cũng chia theo tuổi và thứ bậc, tôi chỉ được nhận một chiếc mũ thôi. Tôi đi học về thì cố đã an vị trong quan tài, tôi đưa tay lên đầu, sửa lại chiếc mũ, biết từ đây mình không còn được mân mê hai trái tai to và dài của cố nữa. Ai cũng bảo, trái tai dài và dày như cố là sống thọ lắm, tôi không biết sống thọ liệu có phải là điều gì đó hay ho nhưng tôi muốn giống cố nên thường xuyên kéo tai của mình cho nó được dài ra. Tôi cũng thích mân mê lớp da ram ráp của cố, tôi có thể kéo nó ra bên này bên kia rồi chạy những ngón tay như cù léc nhưng cố không nhột chút nào. Tôi chợt nghĩ đến vỏ chay ăn trầu, da của cố sần và ấm y chang vậy. Phát tang xong thì từ sáng đến tối ngôi từ đường vang tiếng kèn đám, tiếng trống và tiếng khóc. Người và xe đông từ trong nhà ra tới đường cái, lần đầu tiên trong đời tôi biết mình có nhiều họ hàng đến vậy. Dù chỉ đang học lớp hai, nhưng tôi cũng có bạn đến thăm đám. Tôi được gọi vào, được người lớn chỉ bảo rồi đứng bên quan tài lạy tạ. Ôi, tôi không thể quên được cái cảm giác của mình lúc ấy, cảm giác về sự trưởng thành với chiếc mũ ngay ngắn trên đầu, tưởng như mình có thể lớn lên ngay lập tức. Suốt cả đám tang, tôi cùng mấy đứa khác, cũng đội mũ như tôi, lăng xăng từ vườn sau ra sân trước ngày không biết bao nhiêu bận, cảm giác mất mát dường như vẫn chưa kịp hình thành trong những bộ óc non nớt chỉ biết ăn và ngủ và thò thò theo mấy người thổi kèn đám. Đến khi người ta khiêng quan tài đi tôi mới bật khóc tức tưởi chạy theo. Người ta khiêng cố của tôi lên Cồn Ông Cải nhưng tôi không được đi theo, tôi phải thi cuối kỳ môn toán. Lúc ấy, tôi không biết đường lên Cồn Ông Cải bao xa nhưng tôi biết mình xa cố, xa thật rồi, có thứ gì đó nhoi nhói trong lồng ngực tôi, lần đầu tiên...

Nỗi buồn thứ nhất ấy nó khiến tôi xao xuyến hơn cả bùi ngùi hơn cả là khi tôi cầm trên tay những dải tang trắng nhỏ đi quanh vườn cột vào từng cây, mỗi cây một dải trên nhánh lá. Người lớn bảo cho cây để tang kẻo cây buồn cây chết. Tôi đi giữa những hàng tiêu rồi ra dãy trầu, vạt ổi, cây đào, cây thị, cây khế, cây mít, cây mai… Có những cây như mạch sống của vườn, tuổi cây không chừng cũng bằng tuổi cố. Một thế kỷ là bao xa? Chiều nay, tôi đứng dưới màn mưa trắng mỏng thấy một dải khăn trắng vừa bay qua đời mình.

*

Mai tôi rời Huế, còn một đêm nhỏ để gói ghém lòng mình. Mưa vẫn lâm thâm thổn thức suốt mấy ngày chưa dứt. Giường tôi nằm sát chái hiên sau, nghe rõ tiếng nước mưa rớt xuống nền gạch cũ, từng hồi từng hồi... Mưa mỏng như tấm voan trắng phủ lên chái hiên, nước mưa tụ lại rồi xuôi theo mái chảy đến đuôi tấm ngói và rỏ xuống nền từng giọt một như đang rỏ xuống lòng tôi. Lần này tôi về, quê hương như ưu ái cho tôi được sống cả hai mùa mưa nắng. Tôi nằm nghe mưa, xem lại những tấm ảnh mình chụp trong điện thoại từ hôm về đến nay. Có tấm tôi chụp vào buổi sáng khi nắng vàng lúng liếng bên hiên. Có tấm tôi chụp vào buổi trưa khi trời hầm hập nóng. Có tấm tôi chụp trên cánh đồng mùi nắng khét quyện trong tóc. Có tấm tôi đi săn hoàng hôn, bắt được một ráng chiều mọng đỏ. Có tấm tôi chụp ở từ đường, chiều ướt mi, mưa kể chuyện thì thầm trên lá. Hôm nay có người nói với tôi ai cũng nói Huế mưa buồn như đứt ruột đứt gan nhưng không phải cái mưa nào cũng buồn. Mưa sầm sập trắng đồng tháng chín chỉ có lo mà không có buồn. Mưa lớt phớt bụi bay đêm giáp tết chỉ có trông có ngóng mà không có buồn. Mưa cuống quýt vội vàng chiều tháng sáu chỉ có nhớ mà không có buồn. Mưa như hôm nay, ngay lúc này mới thật là mưa buồn. Tôi đồng ý. Và tôi nói thêm rằng nỗi buồn này đẹp đến nỗi đay nghiến tim tôi.

Ngoài kia, ếch nhái oàm oạp, dế giun rỉ rả thâu đêm. Tôi nghĩ rồi sẽ có một ngày tôi về quê mà không còn được nghe ếch nhái kêu đêm nữa, khi ấy chỉ mong lòng không ngậm ngùi cô quạnh.

Thật, không có gì da diết như quê hương.

L.H
(TCSH404/10-2022)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng