Góc Hoài niệm
Sông Hương vẫn chảy
14:31 | 31/05/2023

NGUYỄN QUANG HÀ

Ngoảnh đi ngoảnh lại, vừa mới đó, vậy mà đã 100 số Sông Hương trình làng.

Sông Hương vẫn chảy

Đã có lúc Sông Hương rất sung sức, đến nỗi ông thư ký tòa soạn đã phải thốt lên:

- Có lẽ phải in 10.000 bản mỗi số mới đáp ứng được yêu cầu bạn đọc.

Mồi lần Sông Hương xuất xưởng, phải nói là tấp nập. Tíu tít đóng gói. Gửi xe chạy thẳng Hà Nội, Sài Gòn, vào Nha Trang, Đà Lạt, ra Thanh Hóa, Nghệ An... Trong thành phố Huế, Sông Hương như những cánh chim vui vỗ cánh tỏa về khắp nơi, trước sự đón chờ nồng nhiệt của bạn đọc.

Cũng phải nói rằng thời của những năm 1983, 1984 ấy báo chí trong nước còn đang đếm trên đầu ngón tay. Sài Gòn có Sài Gòn giải phóng, Tuổi Trẻ, Tạp chí Văn. Hà Nội có Nhân Dân, Quân Đội, Tiền Phong, Phụ Nữ, Thiếu Niên, Hà Nội Mới. Chứ đâu có phồn thực như báo chí bây giờ. Vì vậy Sông Hương là một cánh cửa mở. Cả nước vốn sẵn lòng yêu Huế, nên Sông Hương trở thành nỗi đợi chờ.

Người xa quê mong gặp lại quê hương trên những trang văn hóa Huế! Người nôn nóng với thời cuộc hân hoan đón những trang bút ký, phóng sự nóng bỏng tính cập nhật. Những người đã góp máu xương vào hai cuộc kháng chiến thần thánh trên đất Bình Trị Thiên thì lại chờ những trang hồi ký vẫn cứ lồng lộng bão táp một thời. Bè bạn nước ngoài như các Việt kiều ở Pháp, Mỹ, Tây Đức, Nhật, Thái Lan, Ốt-xtrây-li-a thì lại sửng sốt có một Sông Hương với những thông tin sốt dẻo về một vùng văn học đương thời, mà họ có thể tin được, hy vọng được.

Thời ấy bìa Sông Hương chỉ trang trí chữ thôi. Và giấy in vừa vàng, vừa ròn. In ti-pô chứ chưa có máy móc hiện đại như bây giờ. Nhưng Sông Hương đã tạo được một vị trí cho mình.

Đội ngũ các cây viết của Sông Hương lúc ấy thật sung sức. Trần Công Tấn, Lương An, Mai Văn Tấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Lập, Thùy Mai, Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Thái Sơn, Bửu Ý, Bửu Nam, Hoàng Dũng... Những “cây đa cây đề” trong nước cũng tin cậy gửi bài cho Sông Hương. Đội ngũ ấy đã góp một phần tích cực tạo nên vóc dáng Sông Hương ngày ấy và kể cả giờ đây.

Sông Hương lúc ấy giống như một ngọn gió mát lành, tạo điều kiện để Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên kết nghĩa với Hội Nhà văn Bi-ê-lô-rút-xi-a. Đoàn nhà văn nước bạn đã qua Việt Nam. Thăm Huế, gặp gỡ giao lưu với bạn đọc của Sông Hương tại giảng đường C trường Đại Học Sư Phạm Huế, hàng ngàn người đã đến dự. Hội “Những người yêu Huế” tại Pa-ri là trạm trung chuyển đưa tạp chí Sông Hương ra nước ngoài. Văn phòng Sông Hương trở thành địa chỉ yêu mến của Việt kiều nước ngoài về thăm Huế. Họ góp vốn “Khuyến Học” cho Sông Hương hàng năm tổ chức thi “Em học Văn” để chọn những năng khiếu mới nhen, và tặng thưởng cho các học sinh đoạt giải ở các cuộc thi văn toàn quốc.

Một loạt các cây bút bước vào ngưỡng cửa Sông Hương ngày ấy nay đã trở thành nhà văn: Nguyễn Quang Lập, Trần Thùy Mai, Hải Kỳ, Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Hữu Phương, Văn Lợi... Người sáng lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của Sông Hương là Nguyễn Khoa Điềm nay đã là Bộ trưởng Bộ Văn hóa.

Nhìn lại từng bước đi của mình, lắm lúc Sông Hương cũng tự giật mình. Mười bốn năm qua, kể từ khi số Sông Hương đầu tiên ra đời, đã hai lần Sông Hương bị “sờ gáy”, cả hai lần đó lập tức Sông Hương phải thay Tổng Biên tập. Hai lần Sông Hương đã quay đầu để nhìn lại dòng chảy của mình. Nói để nắn lại dòng thì cũng quá, không phải thế. Mà là xem những ghềnh đá nào làm cho dòng chảy nghiêng ngửa. Khơi lại một chút, ổn định lại một mạch nguồn cho mãi xứng là dòng Sông Hương lấp lánh chảy qua cố đô huy hoàng, là dòng Sông Thơm của quê hương.

Và dòng Sông Hương vẫn chảy.

Có người nói rằng: “Giai đoạn sau này Sông Hương không hấp dẫn bằng giai đoạn trước!”

Cái đó có một phần. Bởi Sông Hương không còn “độc tôn” như giai đoạn đầu. Nhân dân không đói thông tin nữa. 800 tờ báo trong nước với hệ thống máy nghe nhìn đến từng nhà. Thông tin đã đến lúc bão hòa. Sông Hương cũng đã lắng xuống trong tâm thức ấy. Để thử sức mình, trong vòng 4 năm nay, Sông Hương đã mở hai cuộc thi: Thi truyện ngắn năm 1993 và thi thơ năm 1996 (cuộc này do Hội chủ trì. Sông Hương đảm nhiệm việc thực hiện), bạn viết cả nước đã tham gia, mang lại uy tín cho văn chương Sông Hương. Có bạn đã nói: “Thơ thì Sông Hương nhất”. Sông Hương cũng mong được xứng đáng với lời khen ấy.

Trong phóng sự của Đài Truyền hình Huế nhân nhịp tết Đinh Sửu vừa qua, khi nhắc tới Sông Hương, đã có lời bình:

- “Xưa đã có lúc Sông Hương đông tới 18 người, có cả một bộ phận làm tư liệu riêng. Nay Sông Hương chỉ được biên chế 8 người, ít hơn một phần nửa số người cũ. Xưa Sông Hương 96 trang, bây giờ Sông Hương vẫn 96 trang, nhưng đẹp hơn, sang hơn. Xưa Sông Hương hai tháng ra một kỳ. Nay một tháng ra một kỳ. Như vậy, tính ra, có nghĩa là một thành viên của Sông Hương bây giờ làm bằng sức lực bốn người xưa. Cần nói rõ thêm rằng, tuy vậy đồng lương của họ chẳng thay đổi một chút nào, vẫn ba cọc ba đồng như thời bao cấp. Song có điều giống nhau là Sông Hương ngày xưa và Sông Hương bây giờ vẫn được coi là một đặc sản văn hóa Huế của người cố đô gửi tặng bạn bè và người tới thăm Huế mua về làm quà cho những người thân”.

Phóng sự Đài Truyền hình đã nói đúng. Tôi là người trong cuộc, tôi tường tận mọi ngóc ngách hơn. Biết bao nhiêu khó khăn, nhiêu khê rắc rối phải vượt qua, phải tự lực khắc phục. Về kinh phí, về phương pháp làm việc, về con người về cả trụ sở, phương tiện làm việc như xe cộ, máy móc v.v... Cùng với đồng nghiệp của mình trong Tòa soạn, ông Tổng biên tập cứ điềm tĩnh giải quyết từng việc một, tháo gỡ từng nút một... Điểm lại trên Sông Hương mấy năm vừa rồi, chúng ta thấy đông đảo các cây bút cộng tác là học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu tầm cỡ, nhà văn tên tuổi... mà không cần đề học vị học hàm chức danh trước cái tên, bạn đọc cũng biết. Rồi một loạt các cây bút trẻ trưởng thành trong phong trào, trong thử thách; từ Sông Hương mà làm nên một cái tên cho mình trong văn học. Và những gì nữa..? Nhưng thôi, hãy nhìn về phía trước con đường mình đi.

Vâng, Tòa soạn Tạp chí Sông Hương bây giờ vẫn ở một góc của ngôi nhà 5 Phạm Hồng Thái.

Biết nói thế nào bây giờ?

Để khẳng định tư cách mình, Sông Hương vẫn cứ làm việc. Họp hành, biên tập, tiếp bạn đọc, gặp gỡ khách trong nước và khách nước ngoài ở cái góc nhà 5 Phạm Hồng Thái ấy. Các số tạp chí mỗi tháng một kỳ vẫn cứ ra đời đều đều. Và tháng 6 năm 1997 này, là số Sông Hương thứ 100 đã góp mặt với văn hóa Huế.

Nhà văn Nguyễn Bản tâm sự rằng: “Được in ở Sông Hương thì sang lắm. Tôi phải tự chọn bài của mình, bài nào khá nhất mới gửi cho Sông Hương”.

Không chỉ một mình nhà văn Nguyễn Bản nghĩ và làm như vậy đối với Sông Hương. Bạn bè trong nước có nhiều người nói rằng: So với tất cả các tạp chí ở các địa phương thì Sông Hương đứng đầu.

Vâng, chúng tôi xin dành cho bạn đọc bàn đến những lời trên đúng hay chưa đúng; và nếu đúng thì ở mức độ nào; nhưng những lời cổ vũ ấy giữ chúng tôi đúng vị trí của mình cùng Sông Hương. Và lúc nào cũng mong không phụ lòng của bạn bè trong nước. Những lúc khó khăn, quẫn bách thì hay nghĩ ngợi này nọ. Bình tĩnh lại, lại thấy rằng phải làm thế nào cho Sông Hương hay nữa, ngày càng hay nữa, để nó xứng đáng là Sông Hương của Huế.

Chắc chắn Sông Hương vẫn chảy một dòng loang loáng thơm thảo trên đất Huế mến yêu này. Giờ đây và cả sắp tới, khi Huế đặt bước chân lên thềm một thế kỷ mới.

N.Q.H
(TCSH100/06-1997)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng