Góc Hoài niệm
Kẻ hành hương khốn khổ và sung sướng
10:08 | 27/03/2024

TẤN HOÀI        
     bút ký

Nhà văn Graham Grin có một quyển tiểu thuyết "MỘT NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG".

Kẻ hành hương khốn khổ và sung sướng
Ảnh: tư liệu

Và hôm nay, đi theo tôi - đúng hơn là cùng đi một người Mỹ thầm lặng. "Thầm lặng" chứ không phải trầm lặng như nhân vật của Graham Grin.

Hôm nay - tức là một ngày của năm 88. Thế là đúng mười ba năm sau hòa bình 1975 anh được trở lại. To, cao, khỏe là tiêu chuẩn lính Mỹ. Từ Đà Nẵng anh ra Bình Trị Thiên.

Anh phó ban điều hành Đà Nẵng giới thiệu:

Anh ta đi tìm bạn anh ta ở Quảng Trị.

- Bạn?

- Xác bạn ấy mà!

- Họ đã mang về hết rồi.

- Nơi cư trú của linh hồn bạn anh ta!

- Chậc! Hay đấy! Hóa ra linh hồn họ không về à?

- Cũng có thể!

Brow Ilt Russel thêm vào:

- Nước Mỹ là tổ quốc tôi, nhưng không phải thiên đường cho chúng tôi. Ở thiên đường không có chỗ cho những lương tâm trong sáng mà khốn khổ. Các bạn tôi chắc vẫn ở đây.

- Cảm ơn, một phát hiện mới lạ!

Sau chiến tranh Russel đi vào dân tộc học. Chưa thể gọi anh là "nhà", nhưng anh đang mê nó, nghiên cứu nó. Hình như sự định hướng ấy đã có từ thuở sắp là sinh viên. Anh vào quân đội Mỹ sang Việt Nam không theo mục đích của nó, mà theo những dự định riêng sắp sẵn. Ở Khe Sanh, lính Mỹ không được đi vào các làng bản trừ trong những cuộc hành quân của đơn vị. Chỉ có thể vào các nơi tập trung được gọi là trại định cư. Russel không thích thú gì khi biết trước kia họ sống tự do giữa thiên nhiên rừng núi. Họ trồng lúa trong những lỗ nhỏ thọc bằng gậy trên nương, trồng sắn lưng rẫy. Cuộc sống hòa quyện vào đất đai, cây cỏ dù rất nguyên thủy, lạc hậu. Họ săn bắt, kể cả hái lượm. Nhưng bây giờ Russel nhìn ngắm họ ở dưới những mái nhà lợp tôn công nghiệp, lấy nước trong những quả bầu bằng nhựa, và nhận gạo từ những miền khác chở đến không qua bàn tay họ gieo trồng. Russel gọi đó là những "chuồng thú người". Người lính Mỹ có thể cho họ kẹo như cho đàn khỉ nuôi. Anh không thể hiểu được đằng sau cuộc sống ấy, những người dân tộc thiểu số ấy nghĩ gì khác nữa.

Chiếc xe du lịch phóng đi, êm nhẹ. Russel yên lặng lướt tầm mắt ra ngoài. Người lái quặt vòng về phía cồn Tiên theo hướng dẫn.

Những thanh niên đi đường vẫy vẫy. Có cả phụ nữ. Họ reo lên vui vẻ "hello".

- Hello! Russel vui vẻ đáp lại. Anh quay sang tôi hỏi:

- Sao họ biết tôi là người Mỹ?

- Những du khách các nước không mấy ai đi đến những nơi người Mỹ chết trận.

Russel bỗng cúi mặt xuống. Chắc trong anh không nghĩ đến sự phân biệt chủng tộc mà nghĩ đến điều thiện ác. Đúng - dù đã lùi vào quá khứ, nhưng hình ảnh những kẻ làm điều ác như anh trước đây hẳn không song song tồn tại trong lòng nhân loại. Hẳn là một điều tủi hổ. Và cả anh nữa, cũng khác rồi!

Xe dừng. Chúng tôi xuống đi bộ. Đầu tiên tôi nói cho anh - khách du lịch của tôi:

- Ở đây, anh cần đi theo từng bước chân tôi, và tránh bước quá vào các lề cỏ bên đường.

Russel trợn tròn mắt ngạc nhiên, nói như đùa:

- Tôi là tù nhân của anh!

- Không! Nếu anh thích dùng chữ tù nhân, thì anh là tù nhân của bom mìn các anh rải còn sót lại. Chúng tôi đã phải hy sinh mấy nghìn người sau chiến tranh, khi phải tìm trong từng tấc đất những mầm chết người của các anh xưa. Vẫn còn nhiều, chưa hết đâu!

- Ôi, chiến tranh, sự tàn phá và khốc liệt. Hãy cho tôi dẫm lên đó, tôi xin làm chứng nhân mà! Lương tâm tôi còn khốn khổ đến tận bao giờ!

- Anh yên tâm, hãy đến với chúng tôi bằng lương tâm thanh thản, không có sự khốn khổ của mặc cảm của anh và linh hồn các bạn anh ở đây. Anh thấy chúng tôi đã san lấp hết các hố bom và cũng đã xóa gần hết dấu vết chiến tranh. Chúng tôi không muốn nhìn các anh là những kẻ hành hương khốn khổ.

- Hoàn toàn chân thật ở một đất nước nghèo và nhỏ như các anh.

Anh tiếp:

- Tôi biết - thời chúng tôi ở đây, cây cỏ cũng là Việt Cộng - Vi-xi ấy mà. Cho nên chúng tôi bắn, ném bom cài mìn khắp nơi. Trên đất Việt Cộng, chúng tôi phải tự vệ. Khi tôi về Mỹ rồi, tôi không còn thấy kẻ thù xung quanh, nhưng tôi bỗng thấy mình là kẻ thù của tất cả. Sự im lặng của các anh thành nỗi đau của tôi của bạn bè tôi, những người đã chết hay còn sống - những công dân hòa bình Mỹ. Tôi muốn đến thăm lại những con người hòa bình thật sự - các anh và - tử sĩ - bạn chúng tôi.

Đến một cái lô cốt đầy cỏ lấp, anh bỗng ngồi xuống. Anh rút từ trong xắc một thẻ hương, cắm vào giữa một đống sắt thép ngổn ngang.

- Bertrand, Smith, ôi những người khốn khổ, - những linh hồn trong sáng. Các bạn tôi, các bạn tôi!!!

Anh khóc thật sự. Chúng tôi đứng lặng yên xung quanh, như không muốn quấy thêm sự xáo động. Anh lau nước mắt và ngước lên:

- Tôi học cách cắm "hương" Việt Nam. Đấy là một sự gợi cảm tế nhị. Rồi như suy nghĩ điều gì, anh lấy một lá cờ Mỹ ở túi bên cạnh xắc, có cán nhỏ bằng cây bút chì, cắm xuống gần nắm hương đang cháy, tiếp:

- Đừng cho tôi là vi phạm lãnh thổ các ông nhé! (Bây giờ anh dùng đúng danh từ "ông"). Tôi xóa cấm vận với các ông, với tôi, và với các bạn tôi. Mặc kệ ông tổng thống Bush.

- Hoan nghênh "đại sứ" Russel. Chúng tôi như cũng muốn cùng anh xóa cái thầm lặng trầm mặc của mười mấy năm đè nặng lên lòng một người Mỹ, dù chúng tôi đều hiểu những điều luật về ngoại giao cũng như quy chế du lịch.

Trở lại đường Chín, chúng tôi ngược lên Khe Sanh như một người trút được gánh nặng, bây giờ anh có vẻ nhẹ nhàng hơn. Anh xin được về Tà Cơn. Đến đây, tôi mới càng hiểu thêm người lính Mỹ này. Anh ra khỏi quân đội Mỹ với cấp bậc trung úy và với bốn lần bị thương ở dọc đường lên Khe Sanh.

- Tôi không thể tự trả lời được. Russel tâm sự. Không biết tôi đã giết bao nhiêu các anh, hay không giết người nào - tôi mong như thế - vì tôi phải bắn vào bóng tối, vào lặng im, vào cái bóng tối sợ sệt và ảm đạm vây bọc lấy tôi. Tôi không hề thấy xác "Việt Cộng", nhưng tôi thấy nhiều xác bạn bè tôi, những Bertrand, những Smith...

Không khí Khe Sanh oi nồng. Như muốn mưa, như không muốn mưa. Đất ba-dan đỏ quạch phả bụi đỏ. Xe hai chiều mờ những hàng số. Xe xuôi đường êm ả hơn. Xe ngược, trừ những chiếc xe du lịch loại sang, tất cả đều ậm ạch, phì phò cố leo dốc. Chợ kín người, kín hàng, ngồi đứng lô nhô, ra vào đủ màu sắc: miền núi, đồng bằng, mới cũ.

- Khó hình dung nổi Khe Sanh ngày trước - lời Russel.

Chúng tôi vào một quán ở chợ. Hóa ra người chủ quán cũng nói được cả tiếng Anh. Anh nói như để chúng tôi hiểu hơn:

- Tôi từng làm thông dịch viên mà. Lên đây làm ăn sinh sống. Tiếc là bây giờ ít gặp người để dùng lại cho thạo thứ ngoại ngữ mình biết.

- Không sao, không sao! Russel kêu lên:

Xe lại xuôi dốc. Những vườn cà phê hai bên đường chìa cành đầy quả đỏ chín. Gió Lào như đẩy thêm tốc độ. Những người Vân Kiều thồ nặng hàng rẽ những lối vào bàn.

Phải những người Vân Kiều kìa! Anh đã từng quen với một đôi vợ chồng người "Mỹ Vân kiều". Họ đã Vân Kiều hóa thực sự. Chỉ có màu da chưa đủ để nhầm lẫn họ. Họ hút tẩu bằng đất thuốc lá địa phương mà Russel chỉ mới ngửi thôi đã ho sặc sụa và lộn mửa. Khét như mùi giẻ cháy, ông chồng cũng đóng khố và người vợ mặc "váy thổ dân" - như bà ta bảo. Họ thờ "đạo giàng" - đạo thờ trời! Những người Vân Kiều có thể đến cầu nguyện trước bàn thờ Giàng và cầu xin những gì họ cần. Vợ chồng người Mỹ đứng đó, chứng kiến và nghe những câu khấn to, rõ ràng. Lát sau, sẽ có những người khác mang đến cho họ những thứ đã cầu khẩn, hào gạo, thịt, quần áo, kể cả xa xỉ phẩm nước hoa, xà phòng...

- Đấy, Giàng nghe biết hết mà! Giàng nó thương người Vân Kiều lắm!

Russel hiểu Giàng của đôi vợ chồng người "Mỹ Vân Kiều" là chiếc máy ghi âm và dây dẫn mà những người của rừng núi nguyên sơ này khó có thể biết đến.

Nhưng chính cái điều mà Russel thú vị là đã có một người đàn ông Vân Kiều nào đó đến tại đây, ra lệnh cho người phụ nữ Mỹ phải bỏ cái "đạo Giàng" của bà ta ở trên đất này đi. Trong lúc người chồng vắng mặt, người đàn ông kia không hề có một hành động thô bạo, đã cho súng vào bao và chỉ nói:

- Tôi có thể giết bà, nhưng tôi không làm điều ấy với phụ nữ, kể cả những việc khác đối với bà. "Tôi muốn ông bà không dùng cái "đạo Giàng" của mình để lừa dối bà con chúng tôi.

Đúng là một con người lịch sự.

Russel kể lại hồi ức của mình và quay sang hỏi:

- Các anh có biết người đàn ông Vân Kiều ấy là ai không? Hẳn là một "Vi-xi"?

Tôi nói cho anh:

- Đúng, đấy là Hồ Ai, một chiến sĩ Vi-xi, một người Vân Kiều đích thực, anh ấy từng sống với chúng tôi.

- Tôi cảm phục anh ta. Russel ngập ngừng rồi tiếp - trong khi các bạn tôi... có người...

Anh bỏ lửng câu nói.

Chúng tôi cùng hiểu phần anh không nói thêm. Và bỗng hiện lên trước mắt tôi những trang phóng sự ảnh của báo Life về vụ Sơn Mỹ từ những năm xa. Hẳn là của cả Russel.

Buổi trưa, chúng tôi nghỉ lại dưới móng cầu Đa Krông. Tất cả ào xuống tắm. Russel lôi ở túi ra một mẩu đá nhỏ, đưa xuống nước rửa sạch. Anh giơ cao hòn đá lên:

- Tà Cơn, Tà Cơn. Rồi anh lại bỏ vào túi áo ngực.

Xong anh lại lấy một cây gậy, không, một chiếc cần câu. Anh rút từng đoạn ra thành một cần câu bằng chất thép công nghiệp như một cần ăng-ten radiô nối dây câu vào, và mắc vào lưỡi một con cá chép lớn nhựa hồng nom như cá thật. Anh kéo rê con cá lên dòng nước Đa Krông. Con cá nhảy lên theo lớp sóng cao thấp do những tảng đá tạo ra. Chúng tôi ngồi tắm và ngắm nhìn anh chàng bé con Russel say sưa trò chơi câu cá không cần cá. Màu hồng con cá nhựa ánh lên trong những gợn nước có lúc như một bó hoa rừng.

Tôi nói với anh bạn Đà Nẵng:

- Một Hemingway tưởng tượng!

Chắc chẳng cần nói gì thêm về anh bạn Russel - "một người Mỹ thầm lặng" này nữa.

T.H
(TCSH57/09&10-1993)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)