Thời sự Văn chương
Trò chuyện với Người đi tìm cá tính H’mông
22:52 | 27/12/2014

"Những đỉnh núi du ca" là công trình nghiên cứu mới nhất về tộc người H'mông của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Mạnh Tiến (ảnh bên), người đã cố công lang thang suốt ba năm trên khắp miền núi phía Bắc mà trọng tâm là cao nguyên đá Đồng Văn để tìm kiếm cho mình một lối tiếp cận khả dĩ nhất để giải mã những phản ứng phức tạp của tộc người vừa đặc biệt, vừa hấp dẫn nhưng cũng không ít bí ẩn.

Trò chuyện với Người đi tìm cá tính H’mông

Dưới đây là cuộc trò chuyện của nhà nghiên cứu trẻ này với Pháp luật Việt Nam Chủ nhật.  

Những khoảng trống…

(PV) Bên dưới cái tựa nghe đầy chất thơ, “Những đỉnh núi du ca” lại là một công trình nghiên cứu công phu và khó nhọc về thân phận một tộc người lang thang và phiêu bạt trong suốt chiều dài lịch sử. Tại sao anh chọn người H’mông ở cao nguyên đá Đồng Văn cho công trình dân tộc học đầu tiên của mình?

Trong cái nhìn của tôi, Hà Giang là nơi người H’mông đông đảo nhất và lại cũng chính là nơi đầu tiên người H’mông được truyền vào Việt Nam (khoảng 300 năm). Vì thế, ký ức tập thể của H’mông Việt Nam lưu lại đậm đặc nhất có lẽ là ở Hà Giang. Người H’mông đã từng tổ chức, thiết lập được nền chính trị tộc người ở vùng đất này như họ Sùng ở Đường Thượng, và họ Dương ở Mèo Vạc, và rõ nhất là họ Vương ở Đồng Văn. Dinh Vua Mèo ngày nay còn lại khá nguyên trạng cho phép khảo sát về sự tiến triển kiến trúc của tộc người. Ngoài ra, Đồng Văn cũng từng là trung tâm của mạng lưới chính trị thuốc phiện vùng cao một thời, nơi mà H’mông từng là bá chủ, do đó, cho phép tìm kiếm manh mối, tiến hành thăm hỏi hồi cố về bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam phần núi non thời trung cận đại.

(PV). Là một vùng thực địa đã bị "cày nát" bởi các nhà nghiên cứu đi trước, anh đã có những phương pháp mới nào để có được một cái nhìn khác về H’mông học từ cao nguyên đá? 

Vùng H’mông được lựa chọn thực địa nhiều hơn cả là Lào Cai chứ không phải cao nguyên đá Đồng Văn. Lào Cai từ đầu thế kỷ, với sự thuận lợi về giao thông đã được các nhà dân tộc học cả quốc tế lẫn trong nước tiến hành nghiên cứu H’mông và có những thành tựu nhất định. Sau đó, vùng cao nguyên đá mới là lựa chọn tiếp theo của các nhà nghiên cứu. Đồng Văn dù sao, với tầm quan trọng đặc biệt của mình trong nghiên cứu H’mông vẫn chưa được chú ý tương xứng, vì thế, tôi chọn Đồng Văn cũng là một cách thức để thông hiểu H’mông ở chính nơi H’mông để lại những dấu ấn đậm đặc nhất.

Thêm nữa, các nghiên cứu về tộc ít người Việt Nam khu vực miền núi phía Bắc thành tựu lớn, đủ chiều sâu và khả tín chỉ có ở người Mường và Thái (đen). Các tộc còn lại, kể cả quan trọng như ngành Thái (trắng), Tày và H’mông thì còn đó nhiều khoảng trống.

Xuất phát của tôi là phân tích tâm lý tộc người dựa trên nền tảng văn chương dân gian để lại rất đồ sộ của H’mông – tộc không văn tự. Những nếp gấp tâm lý, những phản ứng mang tính tâm bệnh tập thể như tự vẫn, nổi loạn, di dân… được đặt trọng tâm trong các phân tích. Quan sát H’mông như một sự kiện xã hội tổng thể, cho phép tôi xử lý văn chương dân gian H’mông, các bài ca, câu truyện kể như biểu hiện cụ thể của một tổng thể văn hóa H’mông rộng lớn. Các quan sát về H’mông, do đó, được xử lí trong cái nhìn liên đới với tộc người, vùng miền, quốc gia, khu vực.

Nhà nghiên cứu Dân tộc học Nguyễn Mạnh Tiến

(PV). Anh hiểu về cá tính tộc người và cá tính H’mông tộc như thế nào? 

Đứng trước một sự kiện xã hội nào đó, nhất là những sự kiện mang tính biến cố, mỗi một tộc người lại có một cách thức lựa chọn, tâm thế ứng xử không giống nhau. Ví dụ, trong phong trào hạ sơn do nhà nước khuyến khích trong thế kỷ trước, những tộc người ở giữa núi như Dao chấp nhận hạ sơn, H’mông thì không thế, H’mông vẫn bỏ lên trên các đỉnh núi.

Trong chính sách định cư, nhiều tộc chấp nhận và thích nghi, nhưng H’mông ở một bộ phận rất lớn vẫn không chọn định cư mà chọn di cư “như một thói quen”. Trong cuộc sống, những mâu thuẫn nhỏ nhặt là bình thường với các tộc khác nhưng với H’mông lại trở nên hết sức nghiêm trọng, và chết vì tự vẫn là phổ biến trong xã hội H’mông… Những khác biệt ấy, trong ứng xử tâm lý văn hóa đã qui định cá tính tộc người. Ở đây, tâm lý đã thành văn hóa rọi phóng ra ngoài. Số phận mỗi tộc người, ngoài các yếu tố ngoại quan, còn là sự qui định chính bởi yếu tố nội quan của cá tính tập thể đặc thù ấy.

Bộ từ khóa nhằm xác lập “cá tính H’mông” trong lịch sử từ phân tích của tôi, sẽ gồm: tâm thức lưu vong / di dân / mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi. Bộ từ khóa này chỉ đến, chỉ có được sau những sống trải của tôi khi đi vào văn chương - văn hóa H’mông.

Điệu khèn H’mông

 

Thông điệp từ quá khứ

Anh nghĩ gì về đia vị người H’mông trong bức tranh quốc gia đa dân tộc Việt Nam?

Ngày nay, người H’mông chỉ là một trong nhiều tộc người của quốc gia Việt Nam đa tộc người và họ cũng như mọi tộc người ở Việt Nam hiện đại đang phải đối diện và biến đổi nhanh chóng bởi toàn cầu hóa.

Nhưng trong quá khứ, H’mông từng là một trong vài mắt xích quan trọng hơn cả của miền núi phía bắc Việt Nam. Giữa hỗn độn của bức tranh tộc người, nhóm tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam tồn tại đến cuối thế kỷ XIX hình thành hai lớp quyền lực chủ đạo. Lớp quyền lực vành đai núi thấp Mường - Thái (Tây Bắc) và Tày (Đông Bắc) là vành đai quyền lực nổi trội, sức mạnh của họ bao trùm toàn bộ các vùng núi.

Trong đấy, vượt thoát trên các đỉnh núi, chung cho cả của Đông Bắc và Tây Bắc, bởi sự kiêu hùng, thiện chiến và đông đảo, lại hình thành riêng lớp quyền lực của người H’mông - quyền lực đỉnh núi. Các lớp quyền lực này tồn tại mối quan hệ liên đới phức tạp với nhau và với quyền lực của người Việt ở đồng bằng. Nước Việt Nam cổ truyền, nhìn từ núi, là một thực thể liên kết các trung tâm quyền lực chính trị - quân sự tộc người, trong đấy, sức mạnh người Việt ở các châu thổ là sức mạnh đã kiến tạo dân tộc - quốc gia.

Cuốn sách của anh là một nghiên cứu hồi cố, vậy từ những vấn đề quá khứ nó gửi những thông điệp gì cho hiện tại? 

Savina trong công trình rất quan trọng nghiên cứu H’mông liên quan đến Việt Nam đầu thế kỷ XX đã có một ý tưởng rất đáng chú ý, khắc sâu vào trí nhớ tôi: với H’mông thời gian không quan trọng, quá khứ đối với họ mãi luôn là một hiện tại ở đời. Cá tính H’mông, vì thế, xuyên qua thời gian vẫn sống động với ngày hôm nay. Hiện tại là một kiến tạo từ truyền thống. Vì thế, tôi mong rằng những phát hiện của tôi về cá tính tộc người H’mông trong lịch sử sẽ góp vào thông hiểu cái hiện tại để chủ động kiến tạo vị lai.

Thêm nữa, bài học lớn từ mối quan hệ của núi non và đồng bằng trong lịch sử được xử lí bởi mô hình núi khi quan sát về Việt Nam như chương 3 quyển sách của tôi đã trình bày, tôi muốn nhấn mạnh một hệ quả của lịch sử: hành động của miền núi, vốn là tồn tại ngoại biên có mối quan hệ mật thiết với các động thái đến từ trung tâm đồng bằng.

Khi nào đồng bằng tỏ ra ôn hòa, liên kết, xa rời não trạng Hoa – Di như mô hình kiểu Lý thì khi ấy Việt Nam ổn định, phần núi non và đồng bằng gắn kết chặt trong một quốc/gia Việt Nam đa tộc người. Trái lại, khi nào đồng bằng tỏ rõ tâm thế bá quyền, não trạng Hoa – Di dâng cao, ý chí thực dân mãnh liệt như mô hình kiểu Nguyễn thì Việt Nam đa tộc người suy yếu bởi sự nghi kỵ, phân rã và thù hằn trong nội bộ quốc gia. Sự liên kết hay phân ly, Việt Nam thống nhất hay rời rã, mạnh mẽ hay yếu ớt, phần rất lớn nằm ngay ở chính sách của miền xuôi đối với miền núi.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Phi Hùng

 (thực hiện)

[Nguồn: Pháp luật Việt Nam Chủ nhật, số 355 (5.877) Chủ nhật 21/12/2014]

Các bài mới
Các bài đã đăng