Thời sự Văn chương
Người nổi tiếng viết tự truyện: Sự thật, "sự thật được làm ra" và con dao hai lưỡi
10:04 | 19/06/2018

Trong những năm trở lại đây, tự truyện – một trào lưu không mới nhưng vẫn bùng lên như một “cơn lốc” và được nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng ưa chuộng. Cùng với những thông điệp khác nhau mà mỗi cuốn tự truyện đem lại cho bản thân người viết và các độc giả, không ít cuốn lại như “con dao hai lưỡi” kéo theo những scandal ồn ào to nhỏ, khiến những người được nhắc tên trong sách tổn thương, khiến độc giả thất vọng, bị “sốc”...

Người nổi tiếng viết tự truyện: Sự thật, "sự thật được làm ra" và con dao hai lưỡi
Cuốn tự truyện “Phút 89” của cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh đã gây bức xúc cho các đồng đội cũ của anh và khiến xôn xao dư luận

Điểm lại các cuốn tự truyện của văn nghệ sĩ được xuất bản liên tiếp trong một vài năm trở lại đây, không thể không kể đến các cuốn như “Tâm thành và lộc đời” - NSƯT Thành Lộc, “Đằng sau những nụ cười” - ca sĩ Khánh Ly, “Một đời giông bão” – nghệ sĩ Thương Tín, “Là tôi” – siêu mẫu Hà Anh, “Tôi vẽ chân dung tôi” - Hương Giang Idol, “I believe I can fly” – ca sĩ Đức Phúc, “Chạm tới giấc mơ bay” – ca sĩ Sơn Tùng M-TP", “Vàng Anh và Phượng Hoàng” – ca sĩ Hoàng Thùy Linh…

Chuyện của cá nhân có thể làm tổn thương người khác

Mặc dù vậy, không phải cuốn tự truyện nào ra mắt cũng êm đềm, được độc giả nồng nhiệt chào đón. Diễn viên Thương Tín chia sẻ, anh ra mắt sách “Một đời giông bão” một phần vì cần tiền để lo cho cô con gái nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Song, những nội dung về một lối sống sa đọa một thời và cách trải lòng “thẳng như ruột ngựa” của anh trong cuốn sách đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số độc giả thấy thích con người sống thật của anh, số còn lại cho rằng cuốn sách cố ý những chi tiết gây “sốc” nhằm câu khách. Cuốn sách này cũng vô tình gây tổn thương cho không ít người trong cuộc.

Nhà báo Trần Minh, người chấp bút cuốn tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” của ca sĩ Hoàng Thùy Linh từng bị một số độc giả miệt thị với những từ ngữ tục tĩu. Còn ca sĩ Hoàng Thùy Linh, sau 11 năm có “scandal” để lộ clip “nhạy cảm” trải lòng, rằng “ngã ở đâu, đứng dậy ở đấy”. Hiện, cô đã đủ can đảm để tha thứ cho chính mình, nhìn lại quãng thời gian tăm tối để viết tiếp những điều còn đang dang dở.

Gần đây nhất, cuốn tự truyện “Phút 89” của cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam Lê Công Vinh đã gây bức xúc cho các đồng đội cũ của anh khi viết về mối quan hệ bất hòa giữa mình với HLV Lê Thụy Hải tại Bình Dương. Không chỉ vậy, Lê Công Vinh còn thẳng thắn chia sẻ chuyện anh bị Huỳnh Đức ghét, “tố” Tấn Tài, Văn Quyết không muốn chuyền bóng cho mình. Cùng với đó, dư luận xôn xao cho rằng nhiều tình tiết trong cuốn tự truyện chưa đúng với sự thật.

Chia sẻ với báo chí, bình luận viên Quang Huy cho rằng, ai cũng hiểu hồi ký đôi khi phải có "ngoa ngôn", là góc nhìn của chủ thể thôi, nhưng nó phải toát lên một bức tranh tổng thể. Sự thẳng thắn của Công Vinh viết ra không đầy đủ, trọn vẹn khiến người đọc có cảm giác như Vinh "một mình chống lại mafia vậy", khi tất cả trở thành phông nền cho Công Vinh nổi lên và mọi người cố dìm Công Vinh xuống. Bình luận viên Quang Huy nhận định, đó là chuyện không tốt, khiến người đọc nhìn vào bóng đá Việt Nam với góc độ xấu xí dù đó chỉ là một phần và e rằng sau cuốn tự truyện gây tranh cãi, Công Vinh khó có cửa quay lại với bóng đá.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, tự truyện không chỉ hoàn toàn đem đến những ồn ào tranh cãi. Hồi ký “Lê Vân yêu và sống” dù gây xáo trộn gia đình nữ nghệ sĩ điện ảnh Lê Vân nhưng lại khiến độc giả hiểu cuộc đời nghệ sĩ đôi khi phải trả giá cho những ánh hào quang và nghệ sĩ có những góc khuất không phải ai cũng thông cảm được.

ảnh 2

Nhiều nghệ sĩ chọn viết hồi ký, tự truyện như một cách để trải lòng

Người viết cần có trách nhiệm với độc giả

Nói về lý do hồi ký bùng nổ thời gian gần đây, tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu đưa quan điểm, đó là do nhu cầu nói thật của các tác giả và mong muốn lắng nghe sự thật của công chúng. Đây là nhu cầu bất tận của con người. Về nghi ngờ liệu có sự thật trong tự truyện không hay chỉ là những "sự thật được làm ra", tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu khẳng định cần có nhiều tác phẩm để người đọc có thể soi rọi “sự thật” từ nhiều chiều.

Rõ ràng, hậu trường, đời tư của văn nghệ sĩ hay của các ngôi sao trước giờ luôn là một nội dung hấp dẫn, gây tò mò đông đảo độc giả. Những người chọn tự truyện như một cách để giãi bày khó có thể lường trước được tâm sự của bản thân lại có thể trở thành “vũ khí” tấn công, thậm chí làm người khác tổn thương sâu sắc.

Khi đọc tự truyện, thần tượng trong lòng độc giả có thể “sụp đổ”, một số độc giả hoang mang khi phải đối diện với những luồng thông tin về thần tượng khác hoàn toàn so với tưởng tượng của họ.

Còn những người có liên quan nhân vật chính được nhắc tới trong cuốn tự truyện, họ có thể đã muốn quên đi những chuyện cũ căng thẳng, muốn hiện tại bình yên, nên việc ai đó tự ý khơi gợi quá khứ chẳng khác nào cứa vào vết thương đã lành.

Không nói tới số ít người chọn viết tự truyện như cách đánh bóng tên tuổi, hay “tô hồng” tài năng để nổi tiếng, những người coi hồi ký, tự truyện như một việc làm có ý nghĩa đối với cuộc đời mình cần viết, đưa thông tin một cách thận trọng đến độc giả. Đồng thời thay vì gay gắt “ném đá”, độc giả nên bình tĩnh nhận định tác phẩm đúng sai, hay dở một cách khách quan.

Theo Nguyễn Ngọc Trâm - ANTĐ

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng