Thời sự Văn chương
Lịch sử, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận
10:46 | 13/04/2019

Thời gian cứ trôi, các thế kỷ nối tiếp nhau chảy hoài. Thế hệ lớp trước sẽ chẳng đọng lại gì nếu như không có lịch sử ghi lại những biến thiên, những nhân vật lịch sử. Những lớp vỉa lịch sử như tầng phù sa nuôi dưỡng thế hệ sau. Để cho cuộc sống thăng hoa hơn, thêm phần ý nghĩa, con người hiện đại càng tìm thấy ở lịch sử nguồn cảm xúc vô tận để sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Lịch sử, nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận
Tượng vua Lý Thái Tổ ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm

Với nước ngoài

Hiện tượng học sinh chán học sử, sợ thi sử không còn là thông tin gì mới lạ. Điều đáng ngạc nhiên là những người thầy dạy sử không tìm ra cách, hoặc không dám bứt phá cách dạy sử để học sinh yêu sử. Nếu cứ dạy sử bằng việc nêu sự kiện, rồi con số thì ai chả ngán ngẩm. Trong khi lịch sử là một tiến trình diễn biến, vận động của các nhân vật lịch sử trên nền sự kiện. Nếu chỉ coi trọng lịch sử như một môn học để giáo dục mà thiếu đi tính chất giải trí, thì học sử đáng sợ là phải.

Trong khi ngại học sử thì học sinh có khi lại thích xem những bộ phim về đề tài lịch sử. Người thích đọc sách thì say mê với truyện ngắn, tiểu thuyết chính sử và dã sử. Và gần đây lại nổi lên hiện tượng sáng tạo kiểu kỳ ảo (fantasy) với đề tài lịch sử. 

Từ rất sớm, con người đã lấy lịch sử làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Ở thế giới thì nêu không xuể. Từ những bản trường ca lịch sử được lưu lại hậu thế không bằng chữ viết mà bằng truyền miệng. Ví như: Trường ca Iliad. Đây là bản trường ca Hy Lạp cổ nhất và có lẽ hay nhất trong văn học Tây phương. Trường ca này đã tạo cảm hứng cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa, kiến trúc, thi ca cho đến tiểu thuyết, kịch nghệ, âm nhạc, điện ảnh. Cùng với trường ca Iliad, tác giả Homer (một người hát rong truyền thuyết) còn là tác giả của bộ trường ca đồ sộ khác là Odyssey. Tác phẩm Iliad có nội dung dựa trên các thần thoại về cuộc chiến thành Troy. Còn nội dung của Odyssey là trường ca kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính Odyssey và hành trình trở về quê hương gian nan của người anh hùng này. Về tác giả Homer, có giả thuyết cho rằng ông sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 8 TCN. Hai tác phẩm nổi tiếng, Iliad và Odyssey của ông được ghi chép lại chính thức vào thế kỷ thứ VI TCN theo lệnh của Bạo chúa Athena lúc bấy giờ là Peisistratos. 

Đến lượt trường ca Iliad lại trở thành một đề tài lịch sử để điện ảnh khai thác. Năm 2004, David Benioff đã viết kịch bản và Wolfgang Petersen đạo diễn bộ phim “Troy”. Bộ phim chi phí hết khoảng 175 triệu USD, một con số kỷ lục của điện ảnh hiện đại. Thế nhưng, phần thưởng cho nhà đầu tư thật xứng đáng khi thu về hơn 497 triệu USD khi công chiếu trên toàn thế giới.

Thế nhưng, xét về phương diện văn học thành văn, sáng tác về lịch sử thì không thể không nói tới “Sử ký” của Tư Mã Thiên. “Sử ký” được Tư Mã Thiên viết từ năm 109 TCN đến năm 91 TCN phản ánh lịch sử Trung Hoa cổ đại trong hơn 2.500 năm từ thời Hoàng đế thần thoại cho tới thời tác giả sống. Để có tư liệu viết trong khoảng 20 năm, Tư Mã Thiên đã dành mấy chục năm đi nhiều nơi trên đất Trung Hoa, nơi diễn ra những sự kiện, xuất hiện nhân vật lịch sử. Ông cần mẫn ghi chép trên các thẻ tre. Những nhân vật lịch sử qua trang sách của ông hiện lên sống động. Thủ pháp tả nhân vật của ông đến ngày hôm nay hậu thế còn ngỡ ngàng. Có thể nêu những nhân vật được xây dựng ám ảnh bạn đọc như Hạng Vũ, Lưu Bang, Hàn Tín, Tần Thủy Hoàng, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tô Tần, Trương Nghi, Khuất Nguyên, Tôn Tử, Ngô Khởi… Đặc biệt một nhân vật rất quan trọng đối với những nhà nghiên cứu lịch sử nước ta là Triệu Đà. Nhân vật này đến nay còn gây nhiều tranh cãi giữa triều đại chính thống của nước ta hay là ngoại xâm cướp nước của Thục Phán?. 

Chính vì có thế mạnh lưu giữ được nhiều bộ cổ sử, nên Trung Quốc ngày nay đã tận dụng để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh kết hợp du lịch rất hiệu quả. Nhiều phim trường sau khi được sử dụng quay phim đã đón hàng triệu lượt khách tham quan.

Trong nước

Tác phẩm văn học về đề tài lịch sử nước ta đầu tiên có thể kể là “Lĩnh Nam chích quái” của Trần Thế Pháp. Tác giả sống vào thời kỳ nhà Trần. Đến thời Lê, tác phẩm được Vũ Quỳnh và Kiều Phú san định lại. Tác phẩm thứ hai là “Truyền kỳ mạn lục” của tác giả Nguyễn Dữ. Sách được viết cuối thế kỷ 16. Cũng như “Lĩnh Nam chích quái” nhiều câu chuyện kể vừa chân thực vừa mang yếu tố huyền ảo, ly kỳ cuốn hút. Và gần đây, cách khai thác thác theo lối huyền ảo, ly kỳ này được gọi bằng cái tên “fantasy”. Nhà văn Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết “Bãi săn” là một ví dụ.

Đề tài về lịch sử thời kỳ trung đại và cận hiện đại được các nghệ sĩ Việt Nam khai thác nhiều. Việc xây dựng các nhân vật lịch sử vào truyện ngắn, tiểu thuyết, sân khấu hay điện ảnh từ lâu đã không còn là điều gì mới mẻ. Đầu thế kỷ XX, sau Phan Bội Châu với tác phẩm “Trùng Quang tâm sử” xuất hiện nhiều nhà văn viết lịch sử như Nguyễn Tử Siêu,  Tân Dân Tử, Nguyễn Chánh Sắt, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Huy Tưởng, Khái Hưng, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật… Càng về sau, lực lượng sáng tác càng đông đảo và bút pháp ngày một đa dạng, không đơn giản như lối văn biền ngẫu ban đầu. 

Qua văn học, có những nhân vật hiện lên thật sinh động ví như: Cao Bá Quát qua hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân; Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản trong “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; Thái sư Trần Thủ Độ trong “Bão táp cung đình” của nhà văn Hoàng Quốc Hải; Hồ Quý Ly trong tác phẩm Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; Nhiếp chính Ỷ Lan trong “Giàn thiêu” của Võ Thị Hảo. Có những nhân vật lịch sử được sáng tạo trong nhiều loại hình nghệ thuật.

Ví như hình tượng anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi được thể hiện ở nhiều tác phẩm cả văn học và sân khấu. Về văn học có thể kể “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân; “Vằng vặc sao khuê” của nhà văn Hoàng Công Khanh; “Cuộc thăng trầm” của nhà văn Minh Giang. Về sân khấu có thể kể: vở kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi; “Bí mật vườn Lệ Chi” của Hoàng Hữu Đản; “Oan khuất một thời” của NSƯT Lê Chức, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang…

Với số lượng hàng triệu trang sách sử, không thể nói sử Việt Nam ít ghi chép nên gây khó khăn cho người sáng tạo. vấn đề là nằm ở niềm đam mê. Đôi khi những khoảng trống trong lịch sử lại “kích thích” trí tưởng tượng của nghệ sĩ bay bổng sáng tạo. Đến đây lại cần bàn đôi chút về sự hư cấu và sự thật lịch sử. Có những tác phẩm hư cấu “giải thiêng” thần tượng theo chiều hướng đời thường hóa để cho nhân vật gần gũi hơn, nhưng lại cũng có những tác phẩm giải thiêng để hạ bệ thần tượng. Xin ví dụ về việc hư cấu, đưa nhân vật lịch sử anh hùng của dân tộc như người thường, thậm chí có những câu chữ hạ thấp, miệt thị danh nhân trong truyện ngắn “Kiếm sắc”, “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp gây phản cảm cho người đọc. 

Nếu như hư cấu và xây dựng nhân vật lịch sử trong những tác phẩm văn học có phần thuận lợi vì chỉ cần sự tưởng tượng của nhà văn thì trong tác phẩm điện ảnh, nhân vật và bối cảnh phải hiện lên mắt thấy, tai nghe được. Khi đó, ngoài vấn đề cốt truyện, trang phục, đạo cụ, bối cảnh thiên nhiên, kiến trúc nhà cửa của thời kỳ lịch sử đều được xây dựng một cách kỹ lưỡng. Đây là lực cản đối với tất cả các nhà làm phim trên thế giới. Để thực hiện được nhiều bộ phim lớn, người ta phải có trường quay. Trong điều kiện nghiên cứu về trang phục nước ta còn hạn chế, lại thêm phần không có trường quay chuyên nghiệp nên để thực hiện những bộ phim điện ảnh của thời gian đầu tìm tòi như “Đêm hội Long Trì” (đạo diễn Hải Ninh) rất giống phim sân khấu.

Gần đây, trong loạt phim lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nếu để nói phim truyện nhựa thành công nhất theo ý kiến riêng của người viết là phim “Long thành cầm giả ca” (đạo diễn Đào Bá Sơn) sản xuất năm 2010. Kịch bản phim do Văn Lê viết trên cảm hứng về đại thi hào Nguyễn Du với tâm trạng và bối cảnh lịch sử tao loạn khi sáng tác bài “Long thành cầm giả ca”. Đó là khoảng thời gian 1813 -1814. Bối cảnh Thăng Long khi không còn là kinh đô đang bị rơi đi những vẻ đẹp. Và con người hiện lên trong phim không phải vua chúa mà là những trí thức đau đời, những nghệ sĩ mong manh như cô Cầm…

Việc sáng tạo hình tượng các danh nhân lịch sử trong sáng tạo điêu khắc cũng là điều cần bàn. Khi xã hội phát triển, nhiều đình, đền thờ các danh nhân đều muốn đúc hoặc tạc tượng thờ. Còn tại không gian đô thị, nhiều tượng danh nhân đã được dựng lên. Tượng vua Lý Thái Tổ ở khu vực Hồ Gươm là mẫu tượng tương đối thành công. Còn nhiều tượng danh nhân khác, nhà nghệ sĩ đều làm na ná như nhau: Tượng mắt nhìn xa xăm, tay cầm cuốn thư, tay nắm đốc kiếm…

Như vậy, lịch sử trong sáng tạo nghệ thuật không hẳn là cái đã qua, cái không thể trở lại. Nó còn day dứt, thúc bách người nghệ sĩ sáng tạo mãi chừng nào con người trên trái đất còn tồn tại.

Theo Mạnh Thắng - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng