Thời sự Văn chương
Góc nhìn từ tài liệu lưu trữ
15:39 | 06/05/2019

Sau 65 năm, những kinh nghiệm lịch sử, bài học quý giá từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn được học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Không chỉ là góc nhìn riêng của mỗi bên, việc hợp tác để khai thác khối tư liệu, tài liệu lưu trữ - di sản chung của hai dân tộc Pháp - Việt nhằm có thêm sự đối chứng, từ đó làm rõ hơn lịch sử.

Góc nhìn từ tài liệu lưu trữ
TS. Ivan Cadeau ký tặng sách tại Hà Nội - Ảnh: Ng. Phương

Tài liệu lưu trữ chưa từng công bố tại Việt Nam

“Tôi đã sử dụng đa số tài liệu bằng tiếng Pháp, nhưng cố gắng khai thác theo góc nhìn “từ phía bên kia ngọn đồi” nghĩa là cách nhìn từ phe đối diện với Pháp tại Điện Biên Phủ, khắc họa hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chân thực hơn. Tuy nhiên, nếu có thể viết lại cuốn sách, tôi muốn bổ sung tài liệu lưu trữ từ phía Việt Nam. Giữa Việt Nam và Pháp có quá khứ chung, và tìm hiểu về quá khứ chung là nền tảng cho hai nước trong tương lai”.

TS. Ivan Cadeau

“Có thời kỳ người Pháp không mấy chú ý đến chiến tranh Đông Dương, nhưng sau thất bại tại Điện Biên Phủ, công chúng vô cùng quan tâm và các nhà nghiên cứu nhận ra đây là đề tài hấp dẫn. Cuốn đầu tiên về Điện Biên Phủ ra đời chỉ 2 tuần sau thất bại của người Pháp năm 1954 và đến nay, đề tài này vẫn có sức hút, nhiều cuốn sách ra đời dưới dạng văn học, hồi ký, lời kể của các nhân chứng... “Điện Biên Phủ 13/3 – 07/5/1954” được viết dựa trên tài liệu lưu trữ của Pháp chưa từng công bố tại Việt Nam và các thông tin, hồi ký từ nhiều nhân chứng lịch sử” - Ivan Cadeau - sĩ quan và nhà sử học chuyên nghiên cứu chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Đông Dương, hiện làm việc tại Ban Lịch sử Bộ Quốc phòng Pháp chia sẻ nhân dịp ra mắt sách tại Hà Nội chiều 3.5.

Ivan Cadeau là tác giả của nhiều sách chuyên khảo về lịch sử. 25 năm qua, ông rất quan tâm tới chiến tranh Đông Dương cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ, và bắt đầu nghiên cứu đề tài này 7 - 8 năm nay. Để hoàn thành cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3 -07/5/1954”, tác giả đã tiếp cận các tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp, “nơi có 850km giá tài liệu, tương đương quãng đường từ Điện Biên Phủ đến Hà Nội, nếu đi qua Mộc Châu, Sơn La; và có nhiều tài liệu lưu trữ về chiến tranh Việt Nam, từ khi người Pháp hiện diện cho tới khi ra đi vào năm 1954”.

Ra mắt lần đầu tại Pháp năm 2013, cuốn sách đưa người đọc trở lại thời điểm quân đội Pháp tiến hành trận chiến cuối cùng trong lịch sử tại Điện Biên Phủ. Trong 56 ngày, quân đội Liên minh Pháp đã phải trải qua cuộc chiến khốc liệt để chống lại những người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Kể từ đó, cái tên “Điện Biên Phủ” được nhắc đến để gợi nhớ sự can đảm và hy sinh. Với Pháp, trận chiến thua này - sự sụp đổ của trại cố thủ Điện Biên Phủ ngày 7.5.1954 chính là sự kết thúc của cuộc chiến tranh tại Đông Dương. Nó cũng gây ra một chấn động thực sự, không chỉ tổn thất về con người mà còn tác động đến nhận thức của dư luận Pháp về lý do dẫn đến sự hủy diệt của 17 tiểu đoàn tốt nhất của Pháp do tướng De Castries chỉ huy, trong đó có đến 15.000 người bị chết, bị thương và bị bắt làm tù nhân. 

Để hỗ trợ tài liệu lưu trữ và lời khai chưa được công bố, Ivan Cadeau cho thấy một thực tế khác của sự kiện quan trọng này và vẫn còn được tranh luận cho đến ngày nay, đặc biệt thông qua việc phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan (bắt đầu vào năm 1955)...

Hành trình tìm kiếm nguồn tư liệu giá trị

“Điện Biên Phủ 13/3 - 07/5/1954” chia thành 7 chương: Cánh cửa cho một lối thoát danh dự; Chiến dịch mùa thu năm 1953; Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập và một số căn cứ khác; “Đó là vì ngày mai”; Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến trên năm quả đồi; “Tạm biệt ông bạn già”. Ngoài ra, phần phụ lục của cuốn sách còn thống kê quân số Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20.11.1953, số đạn dược của các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 10.2.1954, quân số các đơn vị quân đội Pháp tham gia chiến dịch ngày 12.3.1954…

Cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3 – 07/5/1954” và bản nguyên gốc tiếng Pháp Ảnh: Ng. Phương

Cuốn sách được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiếp cận khi tổ chức đoàn đi sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Nhận thấy đây là nguồn tư liệu có giá trị, góp phần bổ sung thông tin về sự kiện Điện Biên Phủ và cuộc chiến tranh tại Đông Dương dưới góc nhìn của một sĩ quan, nhà sử học Pháp, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành biên dịch và mua bản quyền xuất bản bản dịch cuốn sách trên, giới thiệu tới đông đảo công chúng Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết: Thực hiện đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tiến hành khảo sát, lựa chọn và sao chụp hàng nghìn trang tài liệu về Điện Biên Phủ đang lưu trữ tại Lưu trữ Quốc phòng Pháp. Đây là những tài liệu mới được giải mật năm 2016 và lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Cùng với các tài liệu trên, cuốn sách “Điện Biên Phủ 13/3 - 07/5/1954” cung cấp những thông tin tư liệu lịch sử chân thực về thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam. Sách sẽ được Cục tặng các thư viện, trung tâm tư liệu, viện nghiên cứu, trường đại học để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.

“Điện Biên Phủ 13/3 - 07/5/1954” là sản phẩm hợp tác đầu tiên với cơ quan Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Dự kiến năm 2020, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ phối hợp với Lưu trữ Quốc phòng Pháp xuất bản tác phẩm về tài liệu lưu trữ chưa từng được công bố về chiến tranh Việt Nam. Theo ông Đặng Thanh Tùng, Luật Lưu trữ của Pháp quy định các tài liệu tuyệt mật và tối mật chỉ được giải mã sau 60 năm, sớm nhất các tài liệu này được giải mã cách đây 5 năm, nên chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của công chúng. 

Hành trình tìm kiếm tài liệu lưu trữ về Việt Nam có giá trị như một tài liệu đối chứng, góc nhìn từ phía bên kia, để thấy rõ lịch sử, sự hy sinh của các thế hệ cha ông, và trân quý hơn hòa bình, tự do trong thời điểm hiện tại.

Theo Ngọc Phương - ĐBND

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng