Thời sự Văn chương
Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Văn chương là phương thuốc chữa lành những vết thương lòng'
08:23 | 04/07/2019

Ra mắt tập thơ đầu tay năm 2003, đến nay, nhà văn Nguyễn Văn Học đã xuất bản 15 tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và thơ.

Nhà văn Nguyễn Văn Học: 'Văn chương là phương thuốc chữa lành những vết thương lòng'
Nhà văn Nguyễn Văn Học.

Chưa tính cuốn sách được in với thể loại khác, chủ yếu liên quan đến các bài viết báo chí, nhà văn Nguyễn Văn Học là người làm việc miệt mài, chăm chỉ trên con đường văn chương. Với sự ngay thẳng của mình, anh chia sẻ: 70% trong tổng số tựa sách đã xuất bản, đọc lại bản thân anh thấy chán, nhưng nghĩ lại, anh vẫn tiếp tục nỗ lực viết và làm hết khả năng.
 

PV: Tuổi trẻ đầy khó khăn đã mang lại cho anh những gì?

Nhà văn Nguyễn Văn Học: Tôi sinh ra ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), đây là vùng quê một tiếng gà gáy ba tỉnh đều có thể nghe (Hà Tây cũ, Hà Nam, Hưng Yên). Từ trước năm 2000 còn rất nghèo. Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải làm lụng giúp đỡ bố mẹ, nhất là thường xuyên mang rau ra chợ huyện bán, từng chịu cảnh bị con buôn cướp hàng, quỵt tiền. Cuộc sống vất vả đã thôi thúc trong tôi khát vọng văn chương, đã khơi nguồn và chắp cánh ước mơ cho tôi. Hơn thế, tuổi thơ cũng như thời tuổi trẻ hun đúc bản tính tôi, cho tôi tâm hồn đồng cảm với người nghèo, người nông dân, khiến tôi trân trọng sức lao động cũng như giọt mồ hôi, đồng thời cho tôi hiểu rằng, để đạt được thành công, mình phải cố gắng, thậm chí cố gắng rất nhiều.

Đó có phải tiền đề cho việc anh nỗ lực và kiên trì trên con đường anh đã chọn?

- Đúng. Một người khi đã yêu quê, yêu con người, đồng cảm với những người nông dân khổ cực, thì cũng yêu lao động. Từ đó cũng sẽ nỗ lực, kiên trì trên con đường văn chương hoặc bất cứ con đường nào mà bản thân đã chọn. Tôi may mắn được một số nhà văn bậc đàn anh, đàn chị giúp đỡ, dìu dắt, và các anh chị ấy cũng nhận ra sự bền bỉ của tôi, dù nhiều người thẳng thắn góp ý, cái đáng chê thì chê, cái đáng thì khen. Họ biết con đường tôi đi rất nhọc nhằn.

Anh đến với văn chương như thế nào?

- Tôi đến với văn chương đầu tiên bằng những vần thơ. Từ hồi học lớp 8 trường làng, năm 1996. Tất nhiên đó là những vần thơ con cóc, toàn tương cà dưa muối. Thực tế khi đó tôi viết để một phần “than nghèo kể khổ”, bởi ở quê chẳng có điều kiện học hành tử tế và vì tôi cũng khó nói chuyện được với ai về nỗi niềm ấy. Nên tôi nói chuyện với thơ, nói bằng thơ. Tôi đọc được những bài thơ xuất hiện trên báo Hoa học trò ngày đó, và tôi có ao ước được đăng. Đến năm lớp 12, khi đạt giải Nhất truyện ngắn của trường thì tôi nhận ra mình còn có khả năng viết văn xuôi.

Cuốn sách đầu tiên anh xuất bản? Và việc đó có ý nghĩa với con đường viết của anh ra sao?

- Cuốn sách đầu tiên tôi xuất bản là tập thơ “Đừng yêu người làm thơ” (2003). Đó là tập thơ gồm những bài được viết khi học ở Trường Trung học Nghiệp vụ du lịch và đi làm nhân viên nhà nghỉ, nhân viên quán karaoke. Khi đó, tôi phải đầu tư tới 4 tháng lương (3 triệu đồng) - có thể đi đến quyết định như thế, tôi khá “máu”. Một vị khách thân quen đã động viên, bảo cậu cứ in, mình ủng hộ và anh ấy đã cho tôi 1 triệu đồng. Tất nhiên, in sách khi đó đa số để tặng. Tôi có ký gửi ở một số nhà sách và bán cũng được chừng 100 cuốn. Tập thơ đầu tay cho tôi hiểu rằng đây là con đường nhọc nhằn vô cùng và quyết định phải viết văn xuôi nhiều hơn thơ, để có thể kiếm được một chút nhuận bút.

Còn cuốn sách mới xuất bản gần đây nhất thì sao?

- Cuốn gần đây nhất, là tập truyện ngắn “Nhạc cây”, gồm 20 truyện ngắn, viết trong bối cảnh về Hà Nội đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, tàn phá cây xanh và tàn phá môi trường chung, vấn đề con người phải đối mặt với cuộc sống nhiều bon chen, sống trên những ngôi nhà cao tầng.

 

Nói anh là một nhà văn rất chăm chỉ viết, anh có thể chia sẻ sao về điều này?

- Rất nhiều nhà văn chăm chỉ viết. Tôi từng biết nhiều nhà văn đã ngồi vào bàn là viết, mỗi ngày đều phải đọc và viết, đó là nhà văn Tô Hoài, Ngô Văn Phú, Ma Văn Kháng… Tôi không thuộc dạng thông minh, nên lấy cần cù bù lại. Tôi viết một cách chăm chỉ và cần mẫn. Kể cả làm báo, mỗi ngày tôi đều phải viết một cái gì đó.

Với anh, văn chương là gì?

- Với tôi, văn chương là phương thuốc để chữa lành những vết thương lòng, xoa dần những tổn thương xã hội, để con người muốn sống, sống có khát khao, cống hiến, biết yêu đồng loại, đau trước nỗi đau của đồng loại và chịu trách nhiệm về bản thân mình.

Với mỗi tác phẩm, anh chú trọng về câu chuyện hay kỹ năng viết?

- Mỗi người viết đều có cái tạng riêng. Tôi được học ở trường Viết văn Nguyễn Du, khóa 8. Ở đó học 4 năm chính thống tạo cho tôi môi trường, và tôi hiểu rằng để cuốn sách có chất lượng thì phải hội tụ nhiều yếu tố. Câu chuyện có hay mà thiếu chất văn thì vẫn chưa đạt. Tác phẩm phải vừa có câu chuyện, vừa có văn, có tính triết học, tư tưởng, tính ẩn dụ, hay nói cụ thể hơn người viết phải cao tay, không ngừng sáng tạo. Người ta vẫn nói người giỏi là người viết truyện chứ không phải chỉ là đi kể. Mỗi tác phẩm, tôi đang cố gắng để không bị lặp lại, cố gắng có được câu chuyện hay, bảo đảm bám đời sống và vận dụng tối đa khả năng để nâng cao kỹ thuật viết.

Anh rèn luyện việc viết của mình ra sao?

- Tôi viết mỗi ngày bằng việc học, đọc, đi và trải nghiệm. Tất nhiên không chỉ là đọc văn chương. Do công việc làm báo, nên ít nhất mỗi tuần tôi đều dành 2 ngày để đả động đến văn chương. Làm việc ở báo Nhân Dân, tôi học được cách viết khá nghiêm cẩn, chỉn chu. Nhưng biết đâu, viết văn mà nghiêm cẩn quá cũng lại thành một điểm yếu.

Anh có quan tâm đến bạn đọc của mình không? Hay viết đơn giản là do nhu cầu tự thân?

- Trước hết, viết là nhu cầu tự thân, nhưng như đã nói, mục tiêu của văn chương theo tôi nghĩ là có chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí. Qua văn chương, chúng ta góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghĩ thế, nên tôi nghĩ cần viết thế nào để nhiều người đọc càng tốt. Càng nhiều người đọc thì càng tạo được sự lan tỏa.

Với việc ra mắt sách thường xuyên với số lượng nhiều như vậy, anh tự đánh giá chất lượng mỗi đầu sách của mình ra sao?

- Bất cứ người viết văn nào cũng muốn mình viết được những tác phẩm hay, xuất bản được những cuốn giá trị. Một đời nhà văn, dù viết ra hàng chục cuốn sách, nhưng trong đó, bạn đọc nhớ đến một vài cuốn đã là may. Trong một vài cuốn đó có một cuốn xuất sắc. Trong một cuốn xuất sắc bạn đọc nhớ đến một chương, hay một nhân vật hay đã là sung sướng lắm rồi. Thực tế ở nước ta, không phải đa số người ra ít sách thì là sách chất lượng. Có nhà văn in đến 30 cuốn mà cuốn nào đọc cũng thấy hay.

Tôi tự thấy rằng mình đã xuất bản đến chục đầu sách văn học, nhưng chất lượng không đồng đều. Và thật sự, đến 70% trong số đó, giờ đọc lại tôi thấy chán, chán vì chất lượng chưa cao, chưa đạt, thậm chí muốn bỏ đi. Nhưng rồi nghĩ lại, hãy cứ cố gắng và làm hết khả năng. Khi biết chán, biết sợ bản thân, thì người ta sẽ từ tốn, chậm lại, chiêm nghiệm, nghĩ suy, để đập vỡ mình, rồi làm mới mình bằng những cuốn sách giá trị hơn. Phải sòng phẳng mà nói, tôi và nhiều nhà văn trẻ còn thiếu rất nhiều thứ. Tôi phải nỗ lực, học tập rất nhiều nữa, viết hay hơn nữa. Nếu chỉ dừng lại ở việc viết làng nhàng, thì bản thân tôi sẽ ngày càng thụt lùi.

Công việc làm báo có chiếm nhiều thời gian của anh không? Và làm sao để việc sáng tác văn chương vẫn có thể duy trì thường xuyên?

- Tôi là người làm báo có trách nhiệm với công việc của mình. Tôi thuộc dạng bám địa bàn, bám cuộc sống, rất quan tâm đến vấn đề môi trường, giao thông đô thị, quy hoạch đô thị, khai khoáng, thủy điện... Khi có trách nhiệm với công việc, thì dồn tâm huyết vào đó. Thấy tốn công sức và thời gian khủng khiếp, song đó là công việc tôi thích. Hạnh phúc là được làm công việc mình thích. Khi đã yêu công việc, được sống với niềm đam mê văn chương thì sẽ tự biết cách để giảm những công việc vô bổ. Tôi không thích “chém gió”, tôi bớt thời gian nhậu nhẹt, và dành thời gian để bảo đảm công việc. Quan trọng là sắp xếp mọi việc sao cho hợp lý để có thời gian sống với đam mê.

Anh có thể chia sẻ phía sau trang viết, anh là người như thế nào?

- Tôi là người Công giáo, nhiệt tình với bạn bè, dễ gần. Tôi yêu việc sưu tầm bút, cổ vũ tinh thần bảo vệ môi trường, đồng cảm với người yếu thế và người nghèo.

Dự định mới của anh với văn chương?

- Tôi đang viết cuốn tiểu thuyết về đề tài môi trường. Ý tưởng đã tới 10 năm rồi giờ mới có thời gian thực hiện. Và có thể cuối năm tôi xuất bản tiểu thuyết đã viết từ cách đây ba năm.

Xin cảm ơn anh!

* Đã xuất bản các tiểu thuyết: 
Gái điếm (NXB Văn học, năm 2007; NXB Thanh niên tái bản năm 2008 và năm 2017).
Cao bay xa chạy (NXB Hà Nội, năm 2010, tái bản năm 2017)
Hỗn danh (NXB Hội Nhà văn, năm 2011, tái bản năm 2017)
Khi vết thương nằm xuống (NXB Văn học, năm 2013)
Vết thương hoa hồng (NXB Hà Nội, năm 2016)

các tập truyện ngắn:
Người đàn bà đứng khóc (NXB Công an Nhân dân, năm 2006)
Cô gái hát thánh ca (NXB Hà Nội, năm 2011)
Bụi cay mắt người (NXB Văn học, năm 2012)
Bình minh lúc nửa đêm (NXB Văn học, năm 2015)
Những cơn mưa thảng thốt (NXB Văn học, năm 2015)
Đứng giữa heo may (NXB Hà Nội, năm 2016)
Hoa trôi giữa dòng (NXB Thanh niên, năm 2017)
Nhạc cây (NXB Hà Nội, năm 2019)

và các tập thơ:
Đừng yêu người làm thơ (NXB Hải Phòng, năm 2003)
Hóa mùa (NXB Lao động, năm 2005)


Theo Việt Quỳnh - ĐĐK

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng