Thời sự Văn chương
Sách được giải nhưng không được bán
14:48 | 30/12/2019

Ngày 26-12, chương trình giới thiệu các ấn phẩm đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) TPHCM 5 năm lần II (2012 - 2017) đã diễn ra tại TPHCM, nhiều tác phẩm có giá trị đã được xướng tên, có điều, với việc được dán nhãn “sách không bán”, chưa biết tác phẩm sẽ đến với độc giả như thế nào?

Sách được giải nhưng không được bán
Nhóm tác giả ở lĩnh vực nhiếp ảnh và hội họa nhận Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II

Vinh danh nhiều tác phẩm giá trị 

Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II đã được TPHCM tổ chức lễ công bố và trao tặng vào tháng 4 vừa qua tại Nhà hát Thành phố. Trong chương trình diễn ra vào ngày 26-12, Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM đã giới thiệu 9 ấn phẩm liên kết với các đơn vị như: NXB Văn hóa - Văn nghệ, NXB Văn hóa Dân tộc và NXB Mỹ thuật để xuất bản và tái bản tổng cộng 11.000 cuốn sách, là tác phẩm của 23 tác giả - nhóm tác giả thuộc các lĩnh vực chuyên ngành văn học (7 tác phẩm), lý luận phê bình (2 tác phẩm), mỹ thuật (6 tác phẩm), nhiếp ảnh (7 tác phẩm) và thư pháp (1 tác phẩm). 

Trong số tác phẩm được vinh danh lần này, Ở R - Chuyện kể sau 50 năm là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Lê Văn Thảo. Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM đánh giá cao tác phẩm này bởi tất cả tình tiết, khung cảnh, con người ở R sau 50 năm vẫn còn rất sinh động. Ông cho rằng, nhu cầu của bạn đọc trong tương lai sẽ hướng đến văn chương người thật, việc thật, dựa trên sự kiện hay tư liệu. “Nếu văn chương không làm đúng chức năng “thật hơn đời sống thật” thì có lẽ vai trò của văn chương sẽ mờ đi”, nhà văn Trần Văn Tuấn bày tỏ.  

Đặc biệt, đa số các tác phẩm văn học được vinh danh trong đợt này đều mang cảm hứng và tình yêu với quê hương, đất nước; thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút. Theo chia sẻ của nhà văn Văn Lê, ông viết về chiến tranh đơn giản vì muốn giải tỏa những điều mình đã nhìn thấy trong chiến tranh, đã chứng kiến đồng đội mình chết trong chiến tranh, nhân dân mình chết trong chiến tranh. Phượng Hoàng là cuốn tiểu thuyết viết về chiến dịch cùng tên do Mỹ và quân đội Sài Gòn thực hiện trong giai đoạn từ năm 1968 và những năm sau đó. Trong chiến dịch này, có hàng trăm ngàn chiến sĩ và hơn 40.000 cán bộ cơ sở của ta hy sinh, bị bắt bớ, tù đày. Trong bối cảnh mất hết và bị dồn đến đường cùng, nhưng chiến sĩ và nhân dân vẫn chấp nhận hy sinh, tích cóp sức lực và cuối cùng đã lật được thế cờ.

“Viết về người lính là viết về phẩm hạnh, về lòng trắc ẩn - cái mà thiếu nó, chúng ta khó có thể củng cố được danh giá và thể thống con người. Phẩm hạnh của người lính được thử thách bởi thời gian, được tổ tiên ta truyền lại một cách thần bí cho các thế hệ. Nhờ có phẩm hạnh ấy mà dân tộc ta đã đi vào giai đoạn cuối của chiến tranh một cách điềm tĩnh và đầy nhân bản”, nhà văn Văn Lê chia sẻ.  

Quảng bá bằng cách nào? 

Không thể phủ nhận giá trị của những tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II. Có điều, làm cách nào để tác phẩm đến rộng rãi hơn với công chúng là một vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ. Chia sẻ với Báo SGGP, bà Đinh Thị Phương Thảo, Giám đốc NXB Văn hóa - Văn nghệ, cho biết, trước mắt đơn vị này đã thương thảo được với tác giả để đầu tư xuất bản công trình lý luận phê bình điện ảnh Phương pháp phê bình điện ảnh của PGS-TS Trần Luân Kim. 

Nhưng không may mắn như tác phẩm của PGS-TS Trần Luân Kim, số phận của những tác phẩm còn lại sẽ như thế nào khi được dán nhãn “sách không bán”? Chẳng hạn, trước khi đạt giải nhất Giải thưởng VHNT TPHCM 5 năm lần II, tác phẩm Ở R - Chuyện kể sau 50 năm của cố nhà văn Lê Văn Thảo từng đạt giải B Sách hay - Giải thưởng Sách quốc gia 2018. Tác phẩm này đã được NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành trong năm đó. Tuy nhiên, giống như lần trước, ở lần tái bản này, tác phẩm cũng được dán nhãn “sách không bán”. Và không khó để hình dung ra số phận của những đầu sách này: lưu kho, lưu thư viện rồi nằm đó! 

Theo họa sĩ - NGND Huỳnh Văn Mười, để các tác phẩm đến được với đông đảo công chúng, cần có sự đầu tư về công tác quảng bá. Và mỗi loại hình cần có một phương thức quảng bá khác nhau. “Muốn làm được điều này, chúng ta phải trang bị các phương tiện để quảng bá các tác phẩm. Bởi vì bản thân người nghệ sĩ không thể tự thân quảng bá tác phẩm của mình được, vì thế vai trò của nhà nước rất quan trọng. Nếu không làm điều này thì chiến lược công nghiệp văn hóa sẽ không có hiệu quả”, NGND Huỳnh Văn Mười chia sẻ. 

Tuy nhiên, khi được hỏi về “đường đi” của dòng sách Nhà nước đặt hàng, NGND Huỳnh Văn Mười bày tỏ: “Cũng đáng tiếc thật. Sao Nhà nước không nghĩ đến việc chuyển thành ebook để độc giả đọc nhanh hơn?”.

Theo Hồ Sơn - SGGP

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Món quà thân ái (10/12/2019)