Thời sự Văn chương
Nhịp điệu từ văn xuôi đương đại
15:32 | 09/11/2020

“Nẻo vào văn xuôi đương đại Việt Nam” là tập tiểu luận - phê bình của TS Bùi Như Hải, do NXB Văn học ấn hành tháng 9-2020.

Nhịp điệu từ văn xuôi đương đại

Là một người nghiên cứu có nhiều năm quan sát khu vực văn chương này, đặc biệt là những đề tài về nông thôn, nông nghiệp, đô thị, Bùi Như Hải cho thấy những mô tả, lý giải và đánh giá của mình là có căn cứ, khá xác đáng, trong bối cảnh mọi thứ dường như vẫn chưa được định hình một cách ổn thỏa.

Trong những bài viết như: “Diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại”, “Sự chiếm lĩnh hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ đổi mới”, “Nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn thời kỳ đổi mới”, “Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 từ chuyển mình đến thành tựu”, “Sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa trong tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn đương đại”, “Hiện thực đời thường và con người thế sự, đời tư trong tiểu thuyết Việt Nam về nông thôn đương đại”…, Bùi Như Hải đã phân tích và đưa ra những nhận định khá thấu đáo. Có thể nói, đây là những tiểu luận tương đối bao quát, thể hiện được bối cảnh xã hội và văn chương, nhìn nhận một cách cụ thể vào các đề tài, chủ đề, đặt trong sự chuyển động có tính bước ngoặt của Việt Nam sau thời điểm 1975 (và đặc biệt là sau đổi mới - 1986). 

Nổi bật lên trong trường nhìn của Bùi Như Hải chính là anh quan sát thấy nhịp điệu và trạng thái của những chuyển động: từ xã hội đoàn thể - công vụ sang xã hội dân sự, từ con người tập thể đến con người cá nhân, từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự - đời tư, từ cái nhìn đơn tuyến sang cái nhìn đa chiều, từ nhận thức có tính đồng thuận đến những suy tư phản biện… Rọi chiếu cái nhìn vào văn chương, từ văn chương, Bùi Như Hải đem đến cho người đọc hình dung về sự đổi thay của các thiết chế văn hóa, xã hội, đạo đức, luân lý, mỹ học cùng các hệ giá trị khác, khi Việt Nam chuyển từ thời chiến sang thời bình và tiến hành đổi mới. 

Tập tiểu luận - phê bình của Bùi Như Hải còn chú ý đến những biểu đạt khác của đời sống Việt Nam trong văn chương đương đại như: yếu tố tâm linh, hình tượng người phụ nữ, chiến tranh nhìn từ hậu chiến, vấn đề họ tộc trong làng xã… Bên cạnh đó, từ hình thức nghệ thuật, tác giả cũng bàn luận tương đối thỏa đáng về tư duy nghệ thuật, kết cấu của tiểu thuyết đương đại, thể loại truyện cực ngắn với diện mạo và thành tựu hiện thời… 

Có thể nói, ở một chừng mực nhất định, các vấn đề trong cuốn sách đem đến hình dung khá rộng cho bạn đọc. Từ những câu chuyện trong cuốn sách này, với những trải nghiệm riêng khác, bạn đọc có thể kết nối cho mình một ánh nhìn vào văn chương Việt Nam từ sau giải phóng đến nay. Đó là một động lực rất đáng quý mà Bùi Như Hải cố gắng đem đến cho công chúng văn học.

 
Theo Lê Phong - Thời Nay/ND
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng