Thời sự Văn chương
Chân dung không chỉ từ hai phía
14:56 | 25/08/2021

“Hai phía chân dung” (NXB Nghệ An, 2021) là một tập “ngẫu văn”. Bằng giọng thủ thỉ tâm tình, tác giả đưa ta đến với nhiều địa danh.

Chân dung không chỉ từ hai phía

Đó là  Kỳ Anh, nơi chôn rau cắt rốn của mình; đó là Hương Sơn, quê nội ngoại gắn với những dòng sông mềm mại như suối tóc người thiếu nữ; đó là Đức Thọ, nơi sinh ra người con gái để thi sĩ tỏ tình vào một đêm xuân trên bãi biển Kỳ Khang và sau đó gắn kết duyên nợ trọn đời; đó là Hương Khê, nơi chàng phải lòng một người con gái tuyệt sắc giai nhân từ năm 20 tuổi, mười năm sau trở lại, biết nàng đã xách váy theo chồng và thi sĩ đứng ngẩn ngơ nhìn “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Viết về những miền quê gắn bó yêu thương, tác giả thể hiện sự hiểu biết thấu đáo, tỉ mỉ, thể hiện một niềm yêu máu thịt, ruột gan, điều đó chẳng có gì lạ. Nhưng có những miền quê chỉ gắn bó một thời gian công tác như Cửu Long Giang, Đồng Nai hay thậm chí có nơi chỉ cùng đoàn văn nghệ “cưỡi ngựa xem hoa” như Quỳnh Lưu, Thái Hòa, Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong... tác giả cũng phác họa một cách công phu. Những cảnh, những người, những việc, những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết hấp dẫn, những nét văn hóa riêng của mỗi miền quê cứ thế găm vào bộ nhớ tác giả và neo lại đó một cách bền vững. Có cảm tưởng, các bạn giáo viên Ngữ văn nếu muốn tìm ngữ liệu cho văn thuyết minh về một di tích lịch sử hay danh lam thắng cảnh vừa chính xác, khoa học, khách quan, vừa có yếu tố nghệ thuật, có thể mở “Hai phía chân dung” của Lê Quốc Hán ra. 

Tôi cũng đặc biệt thích thú khi nghe tác giả luận về các loài hoa. Hoa đào rực nở khi xuân về xua đi cái rét ở miền bắc gợi đến câu chuyện cảm động về người chinh phụ lấy máu mình thêu khăn gối gửi chồng nơi ải bắc. Hoa mai rực nắng phương nam tượng trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử. Hoa ban, hoa mơ, hoa mận dệt nên bức thổ cẩm diệu kỳ trải dài một dải bắc nam. Hoa xoan, hoa chanh, hoa bưởi rụng tơi bời trong thơ Nguyễn Bính ướp hương thơm đến tận hôm nay. Hoa gạo thắp lửa tháng ba cho phượng vĩ cháy lòng tháng sáu... Rồi hoa sen, hoa súng, hoa cúc, hoa hồng... đều được nói đến gắn với những quan niệm, những tư tưởng, những nhân vật rất thú vị. Tôi thú vị nhất là chi tiết nói về sự ra đời của tác giả: Mẹ đi lễ Phục sinh ở nhà thờ, thấy trở dạ liền vội về nhà, đi vội quá vấp phải khóm hoa hồng, khuỵu xuống và sinh con. Bà chép miệng, thằng bé sinh bên cành hồng, lớn lên chắc gặp nhiều gai! 

Thế mà, khi tiếp xúc với tác giả, nhìn gương mặt nhẹ nhõm, thanh thoát với nụ cười hiền, tôi có cảm giác ông là một đóa sen! Và có lẽ vì thế, đọc “Hai phía chân dung”, tôi nhận ra rằng, dù những cái “gai đời” có làm ông đau nhưng ông vẫn là bông sen nguyên vẹn trắng trong, thanh khiết và dâng cho đời những gì tinh túy nhất!


Theo Nhật Thành - Thời Nay

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng