Tác phẩm hay
Trên mênh mông vùng đồi xứ Ailen
14:29 | 10/03/2014

LGT: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 13 tháng 02 năm 1957 tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Nguyễn Quang Thiều viết đều và ghi đậm dấu ấn ở các mảng: thơ, văn xuôi, tiểu luận,... Ông hiện là Ủy viên Hội đồng thơ và Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8, Phó tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi.

Trên mênh mông vùng đồi xứ Ailen
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

NGUYỄN QUANG THIỀU


Trên mênh mông vùng đồi xứ Ailen


Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nhà văn giải Nobel Henrich Boll ở Ai-len mời đến sáng tác trong ba tuần tại khu nhà này. Đó chính là ngôi nhà mà nhà văn Henrich Boll đã đến vùng này dựng lên và sáng tác trong một thời gian dài. Tại đây, ông đã viết nhiều tác phẩm quan trọng. Bây giờ, hàng năm Ban lãnh đạo khu nhà này mời một số nhà văn trên thế giới đến đó nghỉ và sáng tác. Và hầu như mỗi lần họ chỉ mời một nhà văn. Trước cổng ngôi nhà có một tấm biển với dòng chữ: Nơi đây đang trú ngụ một nghệ sỹ, xin đừng quấy rầy đến sự sáng tạo của họ.

Ngôi nhà nằm dưới chân một dãy đồi bên cạnh bờ biển ở Achill, Ai-len. Đây là lần đầu tiên tôi đến đất nước này. Từ sân bay phải đi ô tô mất năm tiếng mới về đến khu sáng tác đó. Khi đến đó tôi mới nhận ra đó là một vùng đồi. Những quả đồi nối nhau bất tận như không bao giờ hết. Ngôi nhà đầy đủ tiện nghi để một nhà văn có thể sinh sống và làm việc. Phòng ngủ, phòng khách, phòng vẽ, bếp…Trong nhà sáng tác có một chiếc xe đạp để nhà văn có thể dùng làm phương tiện đi lại. Đứng từ sân ngôi nhà nhìn ra chỉ thấy những triền đồi liên tiếp và thi thoảng dưới chân đồi xa xa hiện lên một ngôi nhà nhỏ bé. Hình như nơi này chỉ có đồi, những thảo nguyên cỏ bất tận và gió thổi suốt năm tháng. Một cảm giác cô đơn và hoang vu sẽ tràn ngập lòng tôi nếu tôi không nhìn thấy những đàn cừu lớn đi lang thang trên những triền đồi bất tận. Người quản lý nhà sáng tác nói với tôi có thể dùng xe đạp đi xuống những làng gần đó mua thực phẩm và trò chuyện với những người nông dân xứ này. Tôi vừa rời nước Mỹ với những thành phố khổng lồ ngạt thở vì người và xe đến một nơi chỉ có tiếng gió. Đêm đầu tiên tôi sống một mình trong ngôi nhà trên vùng đồi ấy, một cảm giác vừa lo sợ mơ hồ vừa phấn kích ùa vào tôi. Gió từ biển suốt đêm thổi qua những quả đồi và rít trên mái nhà và những ô cửa. Sau gần nửa tháng ở đây, tôi thấy chưa bao giờ gió ngừng thổi. Tôi hỏi một người nông dân già và ông nói từ lúc ông sinh ra và lớn lên trên vùng đồi này cho đến bây giờ gió chưa ngày nào ngừng thổi. Cả vùng đồi là cỏ và hoa dại cùng những thứ cây có thể chịu được gió. Cứ lúc nào bước ra khỏi nhà tôi cũng thấy gió thổi như muốn bứt hết tóc của mình. Trong tiếng gió là tiếng cừu kêu như tiếng trẻ con gọi mẹ. Những người nông dân ở đây không làm chuồng cho cừu. Họ thả cừu suốt năm như vậy trên những vùng đồi. Suốt đêm ấy hình như tôi không ngủ. Tôi ngồi trong chiếc ghế rộng bên lò sưởi lửa cháy suốt đêm. Đã sang đầu tháng Bảy nhưng ở đây vẫn lạnh. Suốt ngày sương mù che khuất những đỉnh đồi cao.

Sáng sau tôi đạp xe xuống phố sớm. Người dân ở đây thấy một ngươời Châu á xuất hiện thấy làm lạ. Vì ở vùng này có lẽ không có người Châu á nào sinh sống. Tôi nói cho họ biết tôi là nhà thơ từ Việt Nam đến và đang ở tại nhà sáng tác Henrich Boll thì mọi người ồ lên và kết bạn với tôi ngay. Tôi nói với một người nông dân rằng khi ở Việt Nam tôi có đọc một bài báo viết cứ năm người dân Ai-len thì có một nhà thơ. Họ cười và nói lại rằng cứ năm người Ai-len thì trong đó có một người hoặc là nhà thơ, hoặc là nghệ sỹ hát dân ca, hoặc là hoạ sỹ. Có lẽ vì thế mà Ai-len chỉ có hơn bốn triệu người thì đã có bốn nhà văn nhận giải Nobel.

Những ngày sau đó, tôi thường lang thang xuống một làng gần đấy để trò chuyện với những người nông dân. Nếu không ai nói họ là nông dân thì tôi cũng khó lòng biết được. Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi và rất hiện đại. Hầu hết nhà nào cũng có xe hơi. Làng có khách sạn cho khách du lịch, có siêu thị và có sân chơi gôn. Mọi làng ở đây đều không có chính quyền thôn hay chính quyền xã. Chỉ có hai thứ mang tính tập thể: đó là nhà thờ và bưu điện. Tất cả cứ thế mà sống theo pháp luật. Những người nông dân ở đây hầu như không cấy trồng gì cả. Thu nhập của họ là chăn nuôi cừu và một số gia súc khác. Ngoài ra họ có một nguồn thu nhập không lớn lắm nhưng có lẽ không bao giờ cạn. Đó là đất. Trên những thảo nguyên mênh mông tôi nhìn thấy rất nhiều đống bao tải chất cao. Đó là những bao tải đựng đất để bán. Họ bán đất để làm chất đốt trong các lò sưởi để chống lại mùa đông như kéo dài cả năm ở vùng này. Đất của toàn bộ vùng này là đất đen. Một thứ đất đen như than. Đất này là do cây rừng của hàng triệu năm về trước để lại. Tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự kỳ lạ lần đầu tiên tôi được biết này. Những người nông dân cứ việc đào đất và phơi khô ngay trên đồng. Chỗ đất mỏng chỉ chừng 40cm. Nhưng chỗ dày có thể đào sâu cả hàng mét cũng chưa hết. Loại đất đen này trải mênh mông gần hết cả vùng phía đông Ai-len. Dù cho cả bốn triệu người Ai-len đào đất bán thì đến trăn đời sau cũng không bán hết đất được. Sau khi đào đất lên, những người nông dân ép lại thành từng thỏi như những khúc củi và bán. Mỗi cân đất khô bán đươợc khoảng một phần ba euro (khoảng sáu đến bảy ngàn đồng tiền Việt Nam). Đất này cháy rất đượm than và khói có mùi rất dễ chịu. Và trên thứ đất này, người ta rất khó trồng các loại ngũ cốc và rau qủa, nhưng cỏ thì lại vô cùng tốt tươi và hoa dại nhiều vô kể. Hình như ở đâu cũng thế, cỏ có thể sống và vươn lên trong mọi khắc nghiệt. Có lẽ vì thế mà các nhà thơ thường ví nhân dân như cỏ, im lặng và bền bỉ, mạnh mẽ và bất tận, mọc lên trên tất cả mọi vương quyền.

Buổi tối, những người nông dân thường tụ tập ở các quán bar. Tôi không hề thấy có bất cứ một quán bar nào ở đây giống các quán bar ở Việt Nam. Những người nông dân đến quán bar uống bia tươi và chơi nhạc. Cả bốn triệu người Ai-len đều có thế hát dân ca và thuộc các câu chuyện cổ tích của xứ sở mình. Những ngôi nhà cổ trong làng đều có lịch sử của nó. Lịch sử của ngôi nhà hầu hết cũng giản dị như chính những ngôi nhà ấy. Mọi đứa trẻ ở đây đều có thế kể cho tôi về ngôi nhà ấy sinh ra như thế nào và những ai đã sống trong ngôi nhà ấy với những câu chuyện về số phận của họ. Trong các quán bar, những người nông dân uống bia, chơi billar và ca hát đến khoảng một giờ sáng. Trời ở đây rất lạ, chỉ thực sự tối lúc 10 giờ đêm. Chín giờ tối vẫn có thể xâu kim bên cửa sổ được mà không cần đèn. Mùa đông thì trời tối sớm hơn một chút. Nhưng điều ấy đối với người dân ở đây chẳng quan trọng gì. Họ làm và chơi đến khi nào buồn ngủ thì ngủ, đến khi nào muốn thức dậy thì thức dậy. Họ sống nhàn nhã với công việc, với thi ca, với âm nhạc và với thiên nhiên. Ở đây không có trộm cắp và không ai cần khoá cửa bao giờ, gia súc nuôi cứ thả trên đồng suốt tháng này năm nọ, xe hơi cứ vứt ngoài đường, cửa hiệu bao quanh là những cửa kính mỏng chỉ đập một nhát là có thể chui vào. Thực sự cuộc sống của người dân Ai-len không phải là giàu. Nhưng họ đã sống như thế.

Mấy hôm trước tôi đến đọc thơ ở thành phố Sligo. Tại phòng chính tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật thành phố nơi tôi đọc thơ cả một buổi tối có treo một bức tranh chính. Đó là bức tranh vẽ một con bò sữa. Đối với ngươời dân vùng đó thì con bò là biểu tượng của ấm no và nhân hậu. Con bò qúa gần gũi, quá cần thiết với người Ai-len vùng này từ xưa. Nó không phải là biểu tượng của tin ngưỡng mà nó chỉ là tình yêu. Họ yêu con bò và họ có quyền đặt con bò lên nơi trang trọng. Họ đã được sống đúng con người họ, họ được mơ những giấc mơ của họ, họ được khóc những nuỗi buồn đau của họ.

Có lẽ không ở đâu lại yêu các nhà thơ như người của đất nước này. Sau đêm đọc thơ, tôi được một ngơười bạn đưa đi chơi phố. Chúng tôi tạt vào một xưởng làm tượng gỗ của một nghệ nhân trên phố và tôi vô cùng ngạc nhiên nhìn thấy tờ quảng cáo đêm thơ của tôi treo bên cạnh những thông tin văn hoá khác. Người nghệ nhân kia chưa bao giờ biết tên tôi, chưa bao giờ đọc thơ tôi, ông chỉ cần biết có một nhà thơ từ xa xôi đến đọc thơ ở thành phố của ông thế là ông hãnh diện và quí trọng. Ông nói với tôi:Tôi chưa bao giờ đọc thơ anh, hay thế nào, dở thế nào tôi không biết, nhưng tôi tin vào hai chữ nhà thơ. Hai chữ ấy là chứng minh thư quan trọng nhất của tâm hồn anh.

Mấy hôm trước, tôi vừa đi thăm một nhà thơ, nhà văn rất nổi tiếng của Ai-len: bà Leland Bardwell. Bà đã hơn bảy mươi tuổi và sống trong một ngôi nhà quá giản dị bên bờ biển. Phòng viết của bà thật giống một cái bếp của một gia đình nông thôn Việt Nam. Bà đã chuyển từ thành phố về và sống ở đó hơn hai mươi năm nay. Ngôi nhà đó cũng giống như ngôi nhà sáng tác tôi đang ở, lẻ loi giữa một vùng đồi và biển cả mênh mông rất ít khi nhìn thấy bóng người. Chiếc bàn để ngoài vườn tiếp khách của bà chính là cái lõi gỗ để cuộn dây điện cáp. Tất cả đời sống vật chất và phương tiện của một nhà thơ danh giá chỉ như thế ; không một chút ham muốn vật chất hay quyền lực. Và chỉ như thế đất nước này mới sinh ra cho thế giới những nhà thơ vĩ đại.

Đêm nay, tôi lại ngồi im lặng bên lò sưởi trong ngôi nhà của Henrich Boll. Xunh quanh tôi chỉ có những quả đồi xứ Ai-len bất tận, chỉ có tiếng gió thổi suốt đêm từ biển cả vào, chỉ có mình tôi. Và trong tiếng gió thổi về từ xa xôi là tiếng cừu kêu đêm nghe như tiếng trẻ gọi mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi sống trong khung cảnh này. Tôi có cảm giác như mình đang sống trên phần đất cuối cùng của thế gian và chỉ cần đi qua bên kia dãy đồi là đến một thế giới khác. Tôi phải cám ơn số phận đã cho tôi được đi qua những năm tháng có đau đớn, có hạnh phúc, có buồn bã, có mệt mỏi và được sống ở nơi hoang vắng tưởng như vô tận này.

Có những buổi chiều tôi lang thang trên vùng đồi giống như chàng Robinson xưa. Và trên khắp vùng đồi kia bạt ngàn hoa dại nở. Có thể có những bông hoa mà chưa ai nhìn thấy bao giờ. Nhưng nó vẫn nở. Nở cả mấy triệu năm nay trong im lặng và cô độc. Nó nở vì không phải nở để cho ai trầm trồ về vẻ đẹp của nó và không phải để cho ai phải đứng ở vị trí dưới nó. Nó nở như tự thân nó phải sinh ra như vậy và kiêu hãnh như vậy dưới trời xanh vô tận kia. Nếu nó chỉ nở với mục đích để cho người khác nhìn thấy mà cúi đầu trước nó thì nó đã tàn lụi từ lâu rồi. Bởi nó không đủ kiên nhẫn để đợi trong mấy triệu năm cho tôi hay ai đó một chiều như chiều nao nhìn thấy nó và cúi đầu chiêm ngưỡng. Và tôi chợt nghĩ về số kiếp bé bỏng hình như chẳng có ý nghĩa gì của tôi trên thế gian này. Tôi đang sống không có ai biết đến những ngày ở vùng đồi mênh mông này. Những ngày mà không thù hận, không đố kỵ, không nguyền rủa, oán trách, không hơn thiệt. Nhưng có một điều tôi nhận thấy rất rõ khi tôi đứng trên đỉnh đồi một mình với hoa cỏ, với gió, với trời xanh thì lòng tôi dâng lên niềm kiêu hãnh vô cùng vì đã đươợc sinhh ra trên thế gian này để được nhìn thấy một bông hoa dại mọc như mơ hồ dưới những lá cỏ mà không ai nhìn thấy và cũng có thể họ không cần nhìn thấy. Và tôi tự hát chỉ mình tôi nghe thấy về sự sinh ra, về sự hiện diện của tôi và của bông hoa dại kia dưới bầu trời ngập ánh Thiên thanh.

N.Q.T
Nguồn: An ninh Thế giới Cuối tháng









 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Mẹ điên (06/03/2014)