Tác phẩm hay
Nguyệt thực
10:27 | 17/03/2014

LGT: Nhà văn Mạc Can sinh năm 1945, nổi tiếng là một nghệ sĩ đa tài, tham gia vào nhiều lĩnh vực hoạt động nghệ thuật như đóng hài, đóng phim, biểu diễn ảo thuật và đặc biệt là viết văn (Từng nhận Giải A cuộc thi tiểu thuyết năm 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Tấm ván phóng dao). Ông đã in hơn chục đầu sách gồm tiểu thuyết, tạp bút và truyện ngắn.

Nguyệt thực
Nhà văn Mạc Can - Ảnh: internet

MẠC CAN


Nguyệt thực


 Sáu giờ chiều, bà ngoại già khú đế và đứa cháu con nít trân, trước sau, lần mò lách ra khỏi con hẻm tối. Ngoài đường còn sáng, một số người trong khu phố rách việc, đứng ngồi lề đường, tụ tập tò mò.

 Ai cũng ngửa cổ nhìn trời, người ngang qua, kẻ ngược lại, ngước nhìn theo. Mọi người vẫn cứ nhìn bầu trời trong xanh vô tư, bầy chim én bay xa và cao. Nhìn mỏi cổ, vẫn không thấy có gì lạ, nhưng người ta vẫn tranh nhau nhìn. Sợ rằng mình không phải là người thấy trước cái gì đó. Ngoài các con chim én. 

 Bà già vừa tránh xe qua đường vừa lắng nghe tiếng xì xầm của đám đông, xem ra có vẻ không khác tiếng rào của cơn mưa, hoặc bầy ong, họ kháo nhau, về chuyện nguyệt thực. 

 Khuya nay, mọi người sẽ ơi ới rủ nhau thức xem: mặt trăng ăn mặt trời. Không khác canh giờ xem bóng đá. Có người cho nguyệt thực là điềm gở, tuy không giải thích được. Rằng nó có mối liên hệ nào giữa hiện tượng nào trên trời và sinh hoạt dưới đất, cách xa vạn dặm. 

 Thường lệ, bà đưa mấy đồng tiền xu cho Bé, để Bé tự ra nhà thuốc tây đầu phố, mua chai thuốc ho và viên sổ mũi dị ứng. Còn bà thì phải đi làm, bà già rồi, công việc giặt giũ, cơm nước, trông trẻ cho nhà người ta, bà không còn sức. May mắn bà kiếm được chân nấu trà, nấu cháo, lụm cụm chạy mua thuốc lá, đổi tiền lẻ cho một sòng bài đêm, trong cái xóm cay nghiệt, bên kia đường. Điểm sát phạt sanh tử, hay xảy ra ẩu đả, đâm chém, xung đột bất an. Không khác mấy với cái thế giới trầm kha, tranh chấp dầu, hay nước nặng, hiện có.

 Nhiều đêm. Khách được bạc cũng tội nghiệp, cho bà già vài tờ tiền giấy lẻ nhầu nát. Chủ nhà ngồi cái lấy xâu, cũng phát vài đồng xu kẽm đen nhẻm, gọi là lương tháng cho bà. Bà già được chọn, trong số các “ứng viên” vì bà già cả, kín miệng, mà sòng bạc thì cần bí mật. Cũng là nơi bưng bít những thông tin, tuyệt đối tránh rò rỉ.

 Già, ít nói, không hẳn là ít biết. Tuy cũng trái lòng, vì chuyện mình “đi làm” nơi không đàng hoàng. Song trong hoàn cảnh của bà, kiếm được việc, cũng phải gọi là may. Bởi có ai để ý giúp hai bà cháu đâu.

 Chiều, bà lủi thủi đi, gà gáy sáng mới lủi thủi về. Rồi lúc trời còn mù mờ liên lụy trong tiếng gà. Hai bà cháu gặp lại nhau. Nhưng cả hai phải tự nhường đường - các cuộc hội ngộ thường chỉ giống nhau về nội dung, rất khác về chi tiết, hoạt cảnh - có khi bà đã đi sâu vào hẻm, Bé đang đi ra phải de lui và quay mặt lại, đi trước bà, nhìn thì coi như dẫn đường, mà thật ra Bé theo bà vô nhà. Sau đó mới trở lại và tiếp tục đoạn đường cũ, thời gian bị thất thoát, do bất tiện, một cách bất khả kháng.

 Còn lúc Bé quá nửa đường ra hẻm, bà phải đứng chờ ở đầu hẻm tối. Bé bước tới đầu hẻm, bà mới đi trước vào nhà. Hoạt cảnh nầy, vừa ngộ nghĩnh vừa chua xót buồn cười. Người ta cứ nhìn hai bà cháu bằng ánh mắt chế giễu, bà cháu đã quen sống nơi chật hẹp, không khác bị chôn sống trong một cái hòm. Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, còn có một nghĩa khác, vô hình trung bà và cháu quen dần vài tập quán của con chuột. Bất an, hèn mọn, trốn tránh, lo lắng, rụt rè, thiếu đói. Sống hồi hộp như sợ người ta bẫy bã thuốc, hay bẫy trập nát đầu, bỏ xác ra đường cho xe cán. 

 Lâu nay bà ít nói chuyện với ai trong khu xóm, con Bé thì ngần ngại e dè cũng không làm bạn với đám trẻ con. Sáng sớm, khi bà về thì lúc nào Bé cũng vẫn còn say thuốc, mắt nhắm mắt mở chui ra hẻm. Bé mộng du bước chậm tới cột đèn điện, chỗ người thợ vá xe, và con chó khùng khùng của anh ta. Bé sợ chó, nhưng khổ nỗi, nơi đó có thím bán xôi bắp, bé phải mua xôi cho bà. Một hôm con chó nhảy tới táp giật miếng thịt nhỏ xíu trên gói xôi. Răng nó cắn vào tay Bé, chuyện nầy xảy ra từ hai năm trước. Cho tới nay Bé vẫn cứ giật mình, dù không thấy con chó nào. Và từ ngày đó cho tới nay Bé nói ngọng, tướng hình vẫn như cũ, teo tóp không thấy lớn. Tuy nhỏ xíu xiu Bé ra vào con hẻm cũng vất vả.

 Vì nó cũng như cái hang. Có khi, bà lẫn cháu lưỡng lự. Bé lùi ngược lại, vì đã thấy cái bóng bà ngả dài vô hẻm, hẻm hẹp một người thì mới đi lọt. Nếu thêm một con chó cũng kẹt đường. Lần nào chui ra con hẻm, một mình Bé cũng phải lách ép sát tường, mà vẫn bị những thanh sắt tròn, ngạnh gạch thừa, rồi thì mảnh đá dăm xanh sắc nhọn, làm rách vai, lủng bàn chân, u đầu chảy máu. 

 Tất cả là do khi xây vách phố xong, rất thường khi hết xôi rồi việc, chủ thợ quên cưa, hốt hay cắt các vật thừa đi trong tít mù địa ngục kia, trở thành một ma trận. Ai mà rảnh rỗi tìm biết, dù là quỷ, thì có con quỷ nào dám ở. 

 Ra vào hẻm là chuyện thông thường, ở các thành phố lớn. Nơi nào, bề ngoài càng hoành tráng thì cạnh nó, hay sau những bức tường, lại có nhiều hẻm tối. Con hẻm sâu nghịch ngợm vô tình nầy, ưu ái dành riêng cho hai bà cháu, một khổ hình triền miên, khá giống việc tu hành khổ hạnh ép xác, chặt chẽ tới độ khó có thể tìm đến một niềm vui nào, ở nơi sự nghịch ngợm thường xuyên của ngoại cảnh cứ sờ sờ trước mắt. 

 Bà cũng không thể khác cháu. Vì hẻm độc đạo gian nan lạ kỳ, có lẽ là do trời cao kia sắp đặt cho phận người. Mà khung trời nơi đây cũng quá hẹp. Nói không quá, tựa như không gian bẩn chật của nhà tù, nhưng hình thành một cách khá tự nhiên.

 Mỗi đêm, bà ngoại “đi làm” vắng nhà. Bé phải uống thuốc ho để ngủ, không có cách nào khác hơn. Ngoại không thể nhờ ai trông chừng Bé, không thể dẫn Bé theo vô sòng bài, vốn là nơi gian trá, vô lương, nhiều sự nguy hiểm, của các con bạc người lớn. Ngoại đành phải để cháu ở nhà, nhưng ngoại sợ đêm hôm khuya khoắt, Bé ở nhà một mình, Bé khóc, ngoại lo Bé sợ ma, vì cái đèn dầu leo lét trên bàn thờ ông ngoại. 

 Bà ngoại ngại Bé khó ngủ vì gió từ trên cao, nơi hình dáng như cái phễu kia, gió cứ tạt xuống, tạo ra tiếng ai oán vi vu, làm như có người chết rồi, mà hồn hoang, còn nhớ thương người thân, trở về nhìn ngắm cảnh cũ, đứng than khóc như ri. Sao lại uống thuốc ho, khi Bé hoàn toàn không ho, chính là kinh nghiệm của bà già. Có lúc và cả bây giờ, thỉnh thoảng bà húng hắng ho, khi bà uống thuốc ho xong, bà rất buồn ngủ, thật là tiện, bà cho cháu Bé uống liều thuốc ho, cũng là để cho cháu không đi đâu được, chất á phiện, tuy ít ỏi trong liều thuốc giữ chặt đứa nhỏ, như là cột trói nó. 

 Lâu dần cháu Bé lờn thuốc không ngủ, bà cho mua thêm vài viên sổ mũi dị dúng, viên thuốc hình hạt gạo màu vàng tươi. Bé ngủ được, nhưng ngày qua tháng lại, liều thuốc càng tăng, và Bé trở thành con nghiện thuốc ho và viên thuốc sổ mũi. Bé ngủ nhờ thuốc, nhưng nó cũng góp phần với vết thương của con chó cắn, làm cho Bé lẩn thẩn mất trí nhớ. Bé đi chậm hơn các đứa trẻ cùng tuổi, quả là giống cách đi của con thằn lằn trên tường, vài bước ngắn, nó dừng lại khá lâu, canh chừng gì đó, lại vài bước ngắn, rồi dừng lại quan sát. Bé sợ khung cảnh mình đang sống. Và muốn thoát ra, nhưng không bay lên được. 

 Chính bà ngoại cũng sợ khung cảnh nơi nầy. Ngày dài hay đêm thâu, luôn thiếu ánh sáng của mặt trời, thậm chí mặt trăng cũng soi nghiêng, tranh tối tranh sáng không khác. Cái chòi hoang vắng, nằm sâu trong hẻm cụt, lạnh người, quanh năm suốt tháng, nào có ai bén mảng, ngoài hai bà cháu cũng không khác gì là ma. Không lạ cho sự vô tâm, nó vẫn là bạn của người cùng khổ. Có gia đình ăn ngủ ngoài lề đường hàng chục năm, họ vẫn sống, bên cạnh phường khóm của họ như vậy, giới chức cũng bận bịu nhiều công việc riêng tư, ai cũng là con người, có những nỗi lo riêng tư.

 Còn khổ nỗi, khi xây cất khu phố, người ta chỉ nghĩ tới mình, tấc đất tấc vàng, chủ phố và các chủ nhà trọ cho thuê, xây cất nhà mọc lên như nấm, họ dựng những mảng tường cao vây tròn chung quanh, cái chòi của hai bà cháu. Không phải một chủ, mà nhiều chủ tranh nhau, họ chỉ chừa một lỏm đất, cái ao nước tù, chừng chục cây chuối xanh, cây chuối thì cũng sinh tồn, nó tự nhảy con, mọc lên um tùm. Thực vật cũng giành đất, chuối và cỏ hoang nay đã mọc sát vách nhà, đã rủ rê con cái bầy đàn, kéo tới đứng đầy cửa trước cửa sau. Khu đất ốc đảo trên cạn, quanh năm, buồn hiu, chỉ có cây chuối và cây chuối, chuối xanh tươi khoẻ mạnh một cách vô tích sự, không ra quày sinh trái. Đôi khi cái gì không có lợi, lòng người cũng bạc đãi.

 Lỏm đất bị bỏ quên kỳ dị. Ông thợ sửa đồng hồ có nhà tầng hai của dãy phố, có khi đứng bên cửa sổ nhìn xuống mảnh đất, chăm chú theo dõi hai bà cháu. Ông thấy họ chẳng khác gì hai con cóc. Một con cóc già, da dẻ sần sùi, một bé cóc con. Quanh năm suốt tháng, nín thinh, ngước nhìn lên miệng giếng cao cao vời vợi. Dân gian cho rằng, khi nào cóc mở miệng, thì trời gầm lên, và thậm chí sa mưa. Hai con cóc cô độc khác thường nầy, sợ nắng lẫn mưa, riêng mưa thì nơi nầy lập tức biến thành cái hồ chứa nước, hai con cóc leo lên ngồi thu lu trên bàn thờ ông ngoại cóc, cóc trơ mắt nhìn chung quanh, toàn là rác trôi nổi phiêu du.

Chiều nay, ra khỏi hẻm, bà thều thào căn dặn:

 - Con uống thuốc ho, ngủ sớm nha. 

 Bé nói với bà ngoại. Bé ngắt vụn từng câu mới đủ hơi:

 - Ông thợ sửa đồng hồ. Ông bán thuốc tây. Với ông tổ trưởng nói. Khuya nay có nguyệt thực.

 Rồi Bé thủ thỉ hỏi:

 - Ngoại ơi nguyệt thực, là sao ngoại. 

 Bà nói, tức là, đại ý, dễ hiểu. Trái đất cả ngày cứ quay, cũng như người, cả ngày cứ đi hay là chạy xe, có khi làm biếng, hay không làm biếng cũng phải dừng lại thôi. Người vô tình, che khuất người khác, còn trái đất, khi nguyệt thực lại che một phía mặt trời, mảnh tối nầy làm cho người ta nghĩ oan sai, rằng mặt trăng ăn thịt ông bạn nổi tiếng của mình. 

 Chuyện ăn thịt ác mộng hình sự, trong cách kể chuyện kiểu bà, là do bà bị trầm cảm lẫn ức chế về án mạng, bà cứ lo nghĩ: thế nào rồi án mạng cũng sẽ xảy ra, hay chuyện gì đó đại loại, trong sòng bạc. Cho nên tuy bà nói không đúng về khoa học, là một lẽ, còn lẽ khác. Bà lại còn lưu ý Bé rằng, hắc ám thì chỉ diễn ra vào ban đêm. Bà thì thầm nói thêm: 

 - Hồi bằng tuổi cháu, ngoại có thấy một lần nguyệt thực, sau đó là tản cư, đói khát, hạn hán, lẫn lũ lụt. Còn khuya nay, nếu bà thấy nguyệt thực, thì là lần thứ hai. Trời cũng thương vì hàng chục năm mới có một lần.

 Không nên có nhật thực, nguyệt thực, hay là sao chổi bay, dù sao nó cũng là sự mất bình tĩnh của ông trời. Mà theo bà nó xuất phát từ việc ông trời bất mãn với con người. Cơn giận nào lại không gây tổn thất. Chính là con người, phá hoại trầm trọng những tài sản vô giá mà trời ban cho. Như là rừng, biển, dầu nước, cùng với gió, mưa và còn là mây tuyết, mái nhà của con người, giờ thì là đại nạn, nó đã dột.

 Nguyệt thực hình như là buổi lễ, là một kiểu cúng dường, tế thần. Phải có người chết thay cho người khác sống. Vậy mà mọi người, trong khu phố, vẫn mù mờ, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. 

 Bà nói. Cũng có người, cả đời không thấy nguyệt thực hay là nhật thực gì ráo trọi. Bà cầu mong đừng có chuyện gì trong đêm nay, song không phải ai cũng là hiền nhân như bà. Họ háo hức, có người không ngủ, chờ xem nguyệt thực, chờ xem một cách hiếu kỳ, và thường bị ảnh hưởng. Vì đêm vốn huyễn hoặc đã đành, nó còn là một không gian, hoàn cảnh, và chính là một khoảng thời gian, mà theo như bà nói dành cho sự hắc ám tai ương khó lường.

Bà đi rồi, chiều tàn vàng úa trên các mảnh tường. Năm ba phút vui, nếu có, của một ngày đã chóng qua. Sau đó đêm đến thật sâu dưới đáy giếng, chỉ còn một con cóc nhỏ. Bé vẫn ở nhà một mình. Tuy Bé đã uống thuốc ho, và viên thuốc sổ mũi, rồi nằm trên võng, ngủ say thuốc như mọi đêm.

Tuy ngủ Bé vẫn nghe, văng vẳng, tiếng ai khóc trên các vách tường cao. Con thằn lằn chắc lưỡi, tiếng muỗi kêu vo ve. Đêm nay, có điều mới hơn Bé nhớ tiếng nói của ngoại, về chuyện trái đất ăn mặt trời làm liên lụy tới mảnh trăng hiền lành. 

 Khuya, ánh trăng trong xanh nhiều ưu phiền. Trong phiên ngầy ngật của thuốc gây nghiện hành hạ, Bé mơ màng thấy, mình đứng lên khỏi chiếc võng tàn tạ, chiếc võng của của ông ngoại tài xế để lại. 

 Một mình Bé, không có cái bóng, ngao du, len lỏi, tắm mình trong màu xanh đậm như xiềng xích, của đám cỏ dại và lũ cây chuối hoang, những cây chuối đứng buồn tẻ không con không cháu. Bé ngửa mặt nhìn trời cao thâm thẫm, quả là nơi xa vời ngút mắt. Bé thấy trong cái kính tròn treo lơ lửng kia, ở giữa có các vệt xám muôn thuở mà bà nói là chú Cuội đang ngồi buồn bên gốc cây đa. Có lẽ chú mình cúi nhìn xuống và nhìn thấy Bé chăng. Bé nói:

 - Chú Cuội ơi cho Bé lên đó với. Bé không muốn ngủ nữa. 

 Chính lúc nầy Bé đang còn ở trên mặt đất, trái đất đã tới hồi làm biếng như ngoại nói. Bé đứng ở một góc nhỏ, thuộc phương Đông mà trái đất thì đang bận bịu, lúng túng, che khuất một nửa mặt trời.

 Ánh trăng, có lẽ là vậy, nó trong vắt, như là nước lã, bàng bạc trở thành món rượu pha, ánh trăng xanh, hoà với một ít màu trời úa vàng, giờ hấp hối của mặt trời, ông già không hề chống cự hay tìm cách thoát ra, trông xa ông chỉ còn là cái lưỡi hái. Như các cuộc hôn phối, giao hoan lệch tuyến, bao giờ cũng sinh ra những biến thiên. Nguyệt thực làm cho cả không gian biến thành một nửa quả bầu cắt đôi, lạnh lẽo, toàn một màu vàng chanh, lợt lạt nhạt nhoà. 

 Bé nhìn lên miệng giếng. Ngây thơ, Bé trông thấy một khung cảnh hoan lạc diệu kỳ. Chỉ có vài áng mây lớn là kiên định không thay đổi, còn thì các áng mây nhỏ hơn nhẹ dạ, thành hình vảy cá, quá nhiều vảy cá, nhưng không ai thấy con cá đâu, có lẽ nó là con cá lớn tràn khắp thế gian. 

 Các áng mây trong vùng sáng, gần nơi xảy ra hiện tượng mặt trăng ăn mặt trời, thì còn hơi hướm màu vàng chanh. Các vảy cá xa hơn phải chịu thiệt thòi. Cũng như tất cả mây ngoài vòng phủ sáng, đều bị nhuộm màu đen. Trong khi cả bầu trời, khắp nơi, mỗi một màu vàng chanh, màu của im lặng, lạ thường thay, ngay cả với những người viêm mũi nặng, thậm chí khứu giác không phân biệt mùi, cũng nghe được mùi chua, của múi chanh vừa vắt. Nhưng khác thường và đa đoan hơn cả, trời cũng không hẳn chỉ một màu, một cảnh, mà vô cùng bất thường.

xxx

 Đám đông thức khuya, như ma trơi, ngồi đứng ngoài đường, che mắt nhìn mặt trăng đang nhẩn nha, chậm chạp nuốt sống mặt trời. Không khác con trăn gặm con vịt sống. Ông già thợ sửa đồng hồ, đeo ống kính một mắt phóng đại, đã được che thêm bằng miếng phim phổi màu xám. Ông đang chăm chú nhìn lên không trung như mọi người, bỗng ông hốt hoảng, làm rớt cái kính độc nhãn xuống đất. Không phải ai cũng trông thấy những gì diễn ra trên mặt trăng như ông, với trang bị kính tự chế. 

 Khi ông nhìn cảnh tượng nầy, một lúc khá lâu, bỗng ông thấy ngàn trùng khơi là mây, ở giữa mảnh trăng tròn có viền sáng, thường thì vào những đêm trăng đủ tuổi, nơi thiên đường hoang phế nầy, mang máng luôn hiện vệt đen nổi tiếng, mờ mờ. Hình chú Cuội ngồi dựa gốc cây đa, người ta còn nói thêm là có con thỏ ngọc. 

 Đêm nay lại khác, vẫn vệt đen mờ ảo đó, song như là hình ảnh một đứa trẻ ốm yếu, mộng du. Bé đứng trong mặt trăng, ngửa mặt nhìn lên cao hơn. Có vẻ như em Bé muốn nói chuyện với ông trời, nói về một nỗi buồn khổ gì đó mà Bé không thể tỏ bày dưới thế gian, chung quanh Bé, toàn màu xanh đậm đen của lá chuối. Bé cúi nhìn xuống trái đất, thấy ông già hàng xóm, đang nhìn mình sững sờ. Khi nhìn thấy Bé, rõ ràng là ông sợ đến nỗi làm rơi ống kính một tròng.

 Mọi người nổi da gà, có người còn rùng mình, không chỉ vì gió khuya lạnh, mà vì họ nhìn theo bàn tay của ông già. Họ cũng có trông thấy, tuy khá mù mờ, ở phần mặt trời đang bị ăn khuyết dần, chỉ còn là cái lưỡi hái màu đen khổ sở, nhưng trong tai nạn cho chính mình, ông mặt trời vẫn tốt bụng, cũng đã soi cho mặt trăng, mặc dù chỉ bằng chút ánh sáng úa tàn. Soi sao cho đám nhân loại ủ dột đang đứng dưới trái đất nhỏ bằng quả cam, rong rêu ràng buộc nào là núi non, sông ngòi, vùng băng tuyết, rừng cây, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, sâu thăm thẳm dưới kia kìa. 

 Soi cho mọi người trông thấy. Áng mây mù mờ thường ngày là chú Cuội, đêm nay quả là giống một Bé gái nhỏ nhắn, không khác cho lắm, một màn ảnh truyền hình trực tiếp thiên phóng sự. Mọi người thấy nó đang lách cái thân còm cõi, cố qua một cái khe. Bé đang tò mò cúi nhìn xuống mọi người. Trên đó cùng với các thứ gì chung quanh Bé, trông như bóng lá, rồi Bé chậm chạp bước ra khỏi mặt trăng. Song cũng là vừa ra khỏi con hẻm nhỏ. Bé dừng lại ngập ngừng lưỡng lự. 

 Cũng lại là ông già thợ sửa đồng hồ, lần nầy ông cúi xuống, trố mắt nhìn mặt đường nhựa, con đường lóng lánh màu vàng chanh, còn thì tràn đầy những chiếc lá hình vảy cá, từ trên cao xa xăm kia, in hình xuống. Chẳng những lá đổ in hình xuống con đường, mà còn lem luốc trên vách tường, mái nhà chung quanh, mọi nơi, cái chợ, rạp chiếu bóng, quán hàng đang còn im lặng đóng kín cửa, cũng in đầy bóng lá. 

 Thậm chí ngay trên da mặt, trên cánh tay, trên người ông già và những người chung quanh, bóng lá bám đầy. Mọi người, dưới tranh tối tranh sáng của nguyệt thực, không khác thổ dân trên một hòn đảo nào đó, còn hủ tục xăm hình những ngẫu thần, những bức tranh bằng da.

 Ngay lúc đó, ông thợ sửa đồng hồ bỗng thấy thật rõ, cái bóng đen nhỏ nhắn, hớt hải của bà ngoại từ trong xóm cờ bạc bên kia đường. Cái bóng vội vã đi xuyên qua không gian màu vàng chanh, đầy những chiếc lá vảy cá. Còn Bé gái nhỏ xíu xiu, cháu ngoại tội nghiệp của bà, thì từ trong hẻm bước chậm ra, như con chuột nhắt thận trọng. 

 Bé dừng lại chỗ đầu hẻm, bên cạnh chân cầu thang lên chung cư, nơi hàng đêm bọn con nít chích choác ma tuý rủ nhau tới. Chúng bỏ đầy ống kim tiêm, trên các bậc thang, mà bây giờ, chung quanh cũng in đầy ắp bóng lá xanh đen.

xxx

 Rồi cũng qua một đêm, dù cho là quá dài. Mờ sáng hôm sau, những bóng lá in trên nền đường lần hồi biến mất. Mặt trời thoát ra khỏi trăng, một hình tròn to lớn đỏ thắm mạnh giỏi, ông năng lượng cười vui vẻ hiện lên ở cuối con đường, nắng ấm vàng rực trên khu phố.

 Ông già sửa đồng hồ chưa xuống cái tủ của mình, tủ thợ đặt bên cạnh hiệu thuốc tây, nơi mà mỗi chiều, ông vẫn nhìn theo đứa bé còm nhom, từ trong hẻm lần mò ra mua thuốc ho cho chính nó. Mặc dù nó không ho, không ho chút nào. 

 Đứng nơi cửa sổ tầng hai nhà mình ông chợt mỉm cuời, khi nhìn xuống mảnh đất sau những bức tường. Thì ra, đêm rồi, lúc ánh sáng kỳ hoặc nguyệt thực soi xuống, bởi vì chung quanh khu phố và con đường khu ngoại thành nầy còn giữ được nhiều cây xanh, cành lá nên ánh trăng xuyên qua khoảng trống, nhưng bị ngăn lại hàng triệu chiếc lá, in hình những chiếc lá xuống mặt đường, và... khắp nơi. Nó cũng in hình lá chuối xuống mảnh đất chật hẹp. Quả là như cái giếng, của hai bà cháu... chuột nhắt dưới kia.

 Ông không lạ gì mảnh đất, với những người trú ngụ trước kia. Giờ như đã thấy cũng còn những cây chuối không hề ra trái. Hơn bốn mươi năm trước, mảnh đất và khu phố hiện nay còn là một bãi xe ngựa, vài rẫy hành và chuối mọc hoang. Ông ngoại của Bé là tài xế cho ông chủ đất, ông lái xe cho chủ đi khắp chốn, lúc nào cũng mang theo cái võng, khi chờ ông chủ lo công việc, hay ông chủ ăn nhà hàng, người tài xế nào lại khác hơn, thường thì giăng võng bên cạnh chiếc xe ngủ khò. 

 Cho tới khi ông tài xế cứ thao thức, không ngủ được vì gặp bà, người đàn bà lỡ thì ít nói, chịu thương chịu khó. Cả hai nên vợ chồng, lúc nầy ông chủ phải nhờ một tài xế trẻ hơn. Đó cũng là khi ông chủ đất cất khu phố cho thuê, còn ông bà tài xế cũ thì được ông chủ cho cất một cái chòi sau bức tường cao. Ông tài xế già lo chuyện điện nước, cho bà con khu phố, bà vợ đi thu tiền nhà cho chủ, mãi cho tới khi chung quanh nở rộ lên chuyện nhà đất, thì cái chòi của ông bà bị bao vây. 

 Đứa con gái duy nhất của ông bà lấy chồng, sinh ra Bé gái nhỏ nhắn. Rể của ông tài xế cũng lái xe, nhưng là xe ben, chở gỗ đường đường dài, anh bị tai nạn, khi súc gỗ nặng đâm thẳng vào buồng lái, lúc xe xuống một chân đèo. Người vợ trẻ của anh sau đó bỏ đi mất tăm, ông ngoại tài xế già cũng theo ông bà. Giờ chỉ còn có hai bà cháu, như chuột nhắt, hay là như hai con cóc dưới đáy giếng.

 Cũng vẫn là những người rách việc, xúm quanh cái xóm cờ bạc bên kia đường. Người ta cuốn trong manh chiếu rách một cái xác. Đêm qua, lúc diễn ra nguyệt thực, hình như là điềm gở, mà không vậy thì chuyện xô xát trong sòng bài, chuyện ẩu đả, thậm chí chém nhau bằng mã tấu nơi nầy cũng bình thường. 

 Lạ thay các sát thủ chỉ bị thương, họ chỉ là vai phụ trong sự việc, không vai phụ nào chết. Người chết lại là bà già làm công việc nấu trà, nấu cháo hàng đêm trong sòng bài. Đã rõ đó là một tai nạn, vì bà té trúng ngay vào lưỡi dao. Các nhân chứng xác nhận như trên, người ta đưa xác bà đi bác sĩ pháp y. Vết thương nơi đầu là do va chạm, không phải chém tới.

 Nhưng sao lại có chuyện gì, còn đọng lại trong mắt của ông già sửa đồng hồ. 

 Khuya đó. Ông thấy rõ ràng, cái bóng của bà ngoại hớt hải, vội vàng chạy qua đường về nhà. Trong ánh sáng màu vàng chanh, và toàn cảnh, in đầy đủ thứ bóng lá. Có chuyện gì khác thường, không phải lẽ. Ông cố nhớ lại, rồi chợt hiểu ra, thật khó giải thích nhưng có trước mắt. Ông thấy, đúng vậy, đó chỉ là chiếc bóng của bà ngoại.

 Bà đã chết, nhưng cái bóng cố chạy về với cháu bà. Bà sợ cháu thức giấc giữa khuya, và nó sợ phát khóc vì những trò huễn hoặc của nguyệt thực. Mặc dù đêm qua, hay những đêm khác trước đó, buổi chiều nào khi bà với cháu đi thật chậm, ra khỏi con hẻm chật, bà cũng đưa cho cháu vài đồng xu kẽm đen nhẻm, rồi đi làm ở sòng bài, còn cháu tới đứng dưới quầy bán thuốc tây. 

 Tay chủ hiệu thuốc, đã gói sẵn một cách thản nhiên cho cháu bé liều thuốc ho, và những viên sổ mũi dị ứng, cả hai liều thuốc đều có chất gây ngủ. Người ta không tìm thấy Bé Cóc trong cái chòi, trong những khoảng tối đầy muỗi, giữa những cây chuối. Không tìm thấy Bé Cóc dưới cái ao như đáy giếng.

 Đêm nguyệt thực. Bé bước ra khỏi hẻm, trong ánh sáng màu vàng chanh, cùng bóng lá in trên da Bé như các thổ dân. Đó là buổi lễ đón khách của trời. Chính ánh sáng pha trộn giữa mặt trời và mặt trăng giúp Bé Cóc nhẹ nhàng cất cánh, bay vào không gian bao la. 

 Bây giờ cứ mỗi đêm trăng tròn, mọi người thấy Bé đứng trong mặt trăng, nhìn xuống đất mỉm cười. Trên đó Bé có dịp thức, để bù lại thời gian dài ngủ vùi. Thật là khó, có ai chuẩn bị trước cho mình điều gì, khi mới ra đời, song để cho khi mình lúc mới chỉ là một bào thai, và chỉ một ít ngày tháng ít ỏi để lớn lên an vui hơn, thì cũng nên nghi ngờ. Hình như... chuyện trên trời có ảnh hưởng tới thế gian trần tục nầy chăng?

M.C
Nguồn: nguoidaibieu.vn








 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Mẹ điên (06/03/2014)