Tác phẩm hay
Thõng tay vào chợ
15:12 | 19/03/2014

LGT: Người sáng tạo văn chương không phải bao giờ cũng có ý thức đầy đủ, hoặc cố ý viết theo một thứ lý thuyết văn chương nào mà có thể dễ dàng đạt được, nếu không có những xung lực, những va đập, bùng nổ từ bên trong tâm hồn, và Bạch Lê Quang không phải là một trường hợp ngoại lệ... Bạch Lê Quang đánh đu với văn chương như một kẻ dạ du, một cuộc lãng du giang hồ bất định. Anh không phải là người lấy văn chương làm sự nghiệp ở đời. Anh viết như một nhu cầu tự thân trong cuộc rong chơi (PHẠM PHÚ PHONG).

Thõng tay vào chợ
Tác giả Bạch Lê Quang (phải) nhận tặng thưởng tác phẩm hay Sông Hương năm 2011 - Ảnh: Internet

BẠCH LÊ QUANG


Thõng tay vào chợ

                    Truyện ngắn

1.

Cùng đường, Đoàn quyết định về quê bán đất. Thật ra, đối với hắn, đây là nước cờ cuối cùng trong canh bạc áo cơm. Đúng hơn, là cờ tàn. Dẫu sao, thề với nhật nguyệt hai vai, hắn không muốn. Nhất thời lao đao, đây chỉ là một hạ sách buồn.

Thuở bỏ làng đi, hắn nhớ như in, đó là một buổi chiều mưa lạnh. Lúc ấy, hắn đã tự nói với mình, như trối: “Không khá lên, quyết không về”. Ban đầu, hắn chưa đủ chín, chưa té ngã để nghĩ rằng, mưu sinh đôi khi còn dữ và lăn lóc hơn cả chiến tranh. Cơm áo, nhiều lúc là rắn rết.

Phố thị là đất hứa nhưng cũng là đất hiểm. Mật nhiều mà ruồi cũng không ít. Buổi ấy, hắn phất nhanh như diều gặp nồm nam. Của đáng tội, kẻ giàu nước nổi lúc này nhiều lắm. Mà loại này, lên xuống thất thường như thời tiết. Bởi, luật đời, cái gì dễ đến cũng dễ đi. Hắn trắng tay ở cuộc chơi mà hắn đã táo tợn dốc hết vốn liếng.

Nhớ một lần rượu lúc xênh xang cơm áo, bạn hắn, kẻ đã năm bảy bận xuống ruộng lên bờ, nhìn hắn, cười gật gù, hát nửa đùa nửa thật: “Rừng ơi! Hãy giữ cho bền nhé…”. Trong cơn đắc chí lúc thênh thang, hắn nhếch mép, họa lại như thách thức: “Đường trần còn mưa bay gió cuốn, còn nhiều em ơi…”.

Thế rồi, gió cuốn mưa bay thật. Hắn bể lớn trận dốc túi để bây giờ phải tính nước cờ tàn. Ừ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, không thể nghĩ khác hơn, khi người ta đã tính đến việc về quê bán đất, đó cũng là lúc người ta không cùng đường thì cũng quẩn chí.

Nhớ lại mấy năm trước, hắn thở dài. Buổi đó, hắn về quê như cụ Thượng về làng, như bọn đã đời phố thị, chán phố về chơi quê. Xóm dưới ngõ trên nhìn hắn mà cám cảnh nước mặn đồng chua, cua chợ rạm đồng, ao ước một cuộc đổi đời ngẫu nhĩ. Hắn điệu đàng thói phố thị nghênh ngang, đòi uống rượu làng Cói đầu vòi với cá ngạnh đồng um măng chua mới nhú. Đòi ngủ phanh ngực nơi bờ đê vẫn gió. Đòi nghe bằng được tiếng cu gù trong trưa nồm vắng buổi rượu tàn. Đòi. Uống. Và khóc. Ngô nghê như con trẻ khát bầu sữa mẹ.

Ai đời, thế mà giờ đây, nhanh như mưa nắng, hắn buộc phải về như lúc đi. Chỉ có khác là phải về, bán quê.

Buổi đi, mẹ hắn dầu dầu: “Đất này của mi. Còn sống còn giữ. Chán phố thì về”.

Phố chưa chán, mẹ mất. Đất hoang, nhà vắng. Hắn về lập bàn thờ mẹ cạnh bàn thờ bố. Lần khân mãi bởi bỏ đi không đành. Cuối cùng, việc cũng tạm ổn. Số là, hắn có ông chú họa sĩ. Tính chú cà tàng như chiếc xe đạp thời bao cấp. Ông chuyên vẽ tranh Thiền và ảnh Đạt Ma. Thằng con cả của chú bảo: “Nhà phố, không dung nổi ông già. Ông từng xới bao lơn trồng rau”. Nhất nhất, ông muốn về quê. Nói chuyện với hắn, ông chú uống liền mấy chén rượu quê, cười khểnh khảng: “Ở với chúng nó trên phố, người bó như chết bó chiếu. Mưa không ra hồn, nắng không ra đũa”. Dốc tiếp mấy chén, ông nói hiền: “Về quê, vẽ cho vui”.

Nghe ông chú cà tàng phán, hắn sướng như mở cờ. hắn bảo: “Hay chú về ở với cháu. Mất cha còn chú. Mất mẹ bú dì”. Ông chú cười khà, cụng chén thằng cháu đáo để: “Xong. Trời có mắt. Giúp mi mà cũng giúp tau”.

Đoàn uống ực, nhìn chú cười nhăn nhở: “Vậy là, một công đôi việc”.

Thỉnh thoảng về, Đoàn lại yên tâm đi. Bàn thờ cha mẹ khói nhang nghi ngút. Những vồng khoai lang, lá xanh thì con gái. Buổi mẹ mất, hàng chuối tiêu úa vàng. Xóm giềng bảo: “Cây nuối người”. Không biết điều đó có thật không nhưng từ ngày có chú, chuối trở xanh, đọt non phong kín. Người chọn đất. Đất lại dung người. Nét bút vẽ tranh của ông chú càng phóng khoáng. Gặp lại Đoàn, ông bảo: “Đạt Ma của tau ở phố như Tạ Tốn ở Băng Hỏa Đảo trong phim Tàu. Ở đây, Đạt Ma gặp khúc hòa âm điền dã, ngộ đáo để”. Phấn khích, ông nghêu ngao: “Biển dâu sực tỉnh giang hà”.

Ông chú cà tàng càng sướng khi nhiều bức Đạt Ma của ông được khách mua. Buổi đất quê là đất hội hè, tranh càng chạy. Khách thập phương tám hướng. Ở phố về, tỉnh khác. Thậm chí, khách ở bên kia.

Ông chú vui một, Đoàn vui hai. Cha mẹ hắn và đất chắc cũng thỏa.

Thế mà lúc nầy… Nước cờ tàn bao giờ cũng là nước cờ độc. Độc lắm. Nhưng làm sao?

2.

Ở làng gần tám hôm, thằng đã từng chợ đời lăn lóc như Đoàn vẫn không sao nói được điều ấy với chú. Đoàn vẫn biết chú là người dễ tính. Đi và ở với chú như chim trời. Và đất này là tạm. Nhưng hễ cứ nhìn niềm vui hơn mấy năm về đây của chú, nhìn những bức tranh dung dị, mộc, thô trần gắn chắc trên những cái kèo, cái cột gỗ lim của ngôi nhà cũ, lòng hắn chùng xuống, nao nao niềm nỗi.

Trên đường về, hắn trù định giải quyết nhanh. Đất này xưa, khỉ ho cò gáy. Từ khi nghe phong phanh tỉnh dự kiến mở khu chế xuất, giá đất tăng lên từng giờ. Vợ chủ tịch xã bén tin, lại xuất thân kẻ chợ, nhanh nhạy gom tiền họ hàng làm đầu nậu mua đất. Mua không cần giấy. Bán kiểu ứng. Gọn và nhanh của bọn biết thời.

Đêm quê, hắn trở mình trên chiếc giường thuở mẹ nằm. Mùi thuốc Cẩm Lệ âm ẩm, nồng, như còn, như mất. Mùa này, phố nóng hầm hập. Ở đây, thật lạnh. Gió từ khu nghĩa địa sát chân đê Mũi Trâu lồng lộng. Cút rượu với ông chú cà tàng chưa tới nên hắn khó ngủ lạ. Ánh sáng của ngọn đèn dầu trên nền vách thỉnh thoảng vẫn chao qua, đảo lại bởi gió. Và cái bóng đậm lui khui suốt đêm của chú Thành. Hồi chiều, trên chiếu rượu, chú Thành bảo hắn “Mười bức tìm trâu mới xong ba bức. Tau đang sướng. Đêm nay, phải thức thôi”.

Hắn hé mắt nhìn bức họa giấy dó được vẽ bằng mực tàu gốc đang dở của chú Thành. Nét họa đậm và mộc như đất quê. Hắn lan man nhớ chuyện chú nói buổi chiều lúc đã đời với rượu. Lúc này, chú Thành đã không còn nghĩ hắn là một gã học hành lam nham, một thương hồ lỡ vận. Ông phấn khích chỉ tay lên bức họa, gật gù: “Mi biết không, đây là bức thứ ba trong mười bức tranh tìm trâu của Thiền tông. Mỗi bức, mi cứ cùng tau cạn một chén, tau diễn giải cho nghe. Bức thứ nhất gọi là Tầm Ngưu, tức là tìm trâu. Trâu làng thiệt đó con. Bức thứ hai là kiến tích. Kiến tích là thấy dấu… Ừ, uống đi… nữa… Bức thứ mười, biết không Đoàn? Là bức nhập thiền thùy thủ. Ừ nôm na là thõng tay vào chợ. Bức này vẽ một vị đạo sư vào chợ. Chợ đời, chợ người. Vị sư tay chống gậy tre, tay ôm bầu nước. bầu nước hay bầu rượu? Tau cho là bầu rượu mới phải. Lúc này, sư đánh bạn với dân nhậu và phường đồ tể. Bọn thọc huyết heo ấy mà. Người hỏi. Sư bảo: “Tụi nó và sư đều là Phật cả. Đã không Đoàn, uống đi…”. Nghe chú Thành nói, hắn không hiểu nhiều lắm. Nhưng thích. Hắn lờ mờ nhận ra, hình như, tất cả sẽ phải thõng tay vào chợ. Chợ đời, Cái chợ mà lúc cao hứng rượu, chú Đoàn đã ngâm, ừ, như là: “Chợ buồn đi bán những vui. Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em?”.

3.

Hắn lao vào làm lại từ đầu với vốn liếng của đất quê, với chí của kẻ từng thua, thua đau. Đất lại dung người như từng dung những nét bút họa Đạt Ma phóng khoáng của chú Thành. Mạt vận và xênh xang có khi mỏng như lúa quê. Thương hồ lại gặp thời, vung tiền như mưa tháng chạp. Nhưng lần này, hắn đã thận trọng hơn. Hắn quyết định lấy vợ. Sinh thời, mẹ hắn bảo: “Căn cơ bổn mạng người đàn ông phải do đàn bà nắm. Làm mấy mà thiếu nó coi như múc nước chó uống”.

 Vợ Đoàn là người kẻ chợ nhưng hiền và có chữ. Buổi mới quen nàng hỏi quê hương, gốc tích của Đoàn. Đoàn nhớ câu thơ mà chú Thành hay đọc, nói luôn: “Hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa?”.

Mà với hắn, quê bây giờ là mộng, là xa thật. Xa đến mất. Mất hẳn rồi. Nhắc quê, hắn lại nhớ chú Thành và mấy ngày ở quê đến lạ lùng. Hắn nhớ, ngày thứ mười một hắn cũng nói được điều khó nói. Đêm ấy, làng Cói lại đổ mưa dầm thâu đêm. Mưa quê của người chuẩn bị mất quê như muối xát ruột. Những chén rượu tìm trâu mấy ngày trước bõ bèn. Trong mưa, hắn vượt hói làng kiệt nước, tìm rượu. Rượu mưa, lại rượu quê của ngày mai biệt xứ nghe như mật đắng.

Trong cơn say, hắn chắp vá chuyện cơm áo ngậm ngùi, chuyện mưu sinh đổ vỡ. Và cái ý định buổi cờ tàn. Hắn nhớ, lúc đi, chú Thành vẫn cười như lần về. Nhưng mắt buồn. Buồn lắm. Chú cầm tay hắn, khẽ khàng: “Ráng làm ăn. Canh bạc cuối”. Hắn nhắc chú Thành về ba bức tìm trâu vẫn treo trên vách nhà. Hắn ngỡ chú quên. Chú bảo: Thôi, không cần. Đời người mấy ai vẽ trọn thập mục ngưu đồ. Có khi, không trọn mà lại trọn”.

Mắt hắn cay nồng. Dáng chú như ngày về, vẫn liêu xiêu.

4.

Làng Cói phía đê Mũi Trâu râm ran câu chuyện ông doanh nghiệp vốn người làng, từ xứ khác về, mua gần mấy trăm hecta đất với giá chóng mặt. Nếu chỗ đất ấy gần với địa bàn định mở khu chế xuất thì không nói làm gì. Đằng nầy, đất nầy không gần. Ai có chút lõi đời phố thị thì bảo: “Ông ấy rửa tiền”. Kẻ thâm trầm, giấm giúi: “Ông ấy khôn. Xứ ta làm giàu từ đất là chắc ăn nhất”. Người nhiều chuyện, nói nhỏ vào tai nhau: “Ông ấy vung tay quá trán. Khu chế xuất chưa thấy. Chuyện con mẹ Lộc, vợ chủ tịch xã gom đất còn nhãn tiền ra đấy. Thua gần trắng”. Đôi khi về, nghe chuyện, chủ đất chỉ cười. Một số người làng hiểu cái cười của ông. Họ hiểu, bởi họ là một số rất ít người ở làng Cói này, biết ông là ai. Họ xa gần: “Nợ gì cũng phải trả. Huống chi là nợ đất quê. Lại quê nhà”.

Đó là thị phi. Tâm ông chủ đất không cho đó là nợ. Với ông, trong sâu thẳm, đó là một ngậm ngùi xa ngái nhưng ám ảnh. Về già, người ta thường làm mọi điều để đuổi xua ám ảnh. Hoặc giả, bớt đi.

Ngày chú Thành của ông đi, chú đã không về phố như ông tưởng. Hóa ra, hồi còn ở phố, khi chú lẩn thẩn với những bức tranh Thiền, thằng cả con chú đã đe: “Bố cứ tiếp tục như thế, tụi con phải đưa bố vào viện dưỡng lão”.

Về ở làng Cói, chú Thành giấu biệt chuyện thằng Cả. Ông cứ tưởng những người như chú, đất quê là nơi thỏa chí. Không thỏa thì về phố. Ông không ngờ, với chú, đó còn là đất sống.

Thằng út nhà chú kể rằng: “Dạ, bố đã không về lại phố”. Thằng cả, thằng ba luống cuống đi tìm. Gặp, chú chỉ bảo: “Về đâu. Đây là nhà”.

Thằng út lại kể: “Dạ, đó là ngôi miếu hoang cuối làng Cói. Trước giải phóng, miếu đã hoang tàn. Thời chống mê tín, xã lại càng cấm tiệt người lai vãng. Dạ, cái miếu mà hồi nhỏ, ngang qua, thằng nào cũng sợ, nhất là anh em mình”.

5.

Chủ đất tìm đến chùa. Giữ chùa là già Tính. Hớp ngụm trà đầu đãi khách buổi sương sớm làng quê, già Tính chậm rãi kể chuyện. Ông bảo: “Sư trụ trì bén cửa Thiền khi tuổi đã cao. Duyên muộn vẫn là duyên. Thật ra, gọi người là sư cũng được mà người giữ miếu cũng xong. Sư vẽ nhiều tranh lắm. Tranh Phật. Tiền bán tranh đều dùng công quả trùng tu chùa. Sư có chín bức tranh. Lạ lắm. Sư bảo là tranh tìm trâu. Gặp người hiểu chuyện, sư giải: “Đây là thập mục ngưu đồ…” Một bận, gặp lúc thư thái, hỏi: Thập là mười. Sao chỉ chín bức? Sư không trả lời thẳng, chỉ nhìn xa mà bâng quơ: “Không trọn mà trọn”.

Nghe chuyện, chủ đất càng xốn. Rượu buồn đã đành mà trà cũng buồn. Làng Cói lại âm âm mưa. Ông chủ đất nhìn xa. Mắt mờ đục vì mưa sương, già Tính lại rủ rỉ tiếp chuyện: “Ngày sư hóa, chú biết không, người vẫn thanh thản vẽ nốt bức tìm trâu cuối cùng. Lạ lắm, bức tranh chỉ một vòng to tướng. Hỏi sư, sư bảo khẽ khàng, như một lời kệ…”.

Không đợi già Tính nói hết chuyện, chủ đất chậm rãi buông thong thả từng lời. Lời như chuông đêm, nhẹ mà trầm: “Thõng - tay - vào - chợ”. Đến lượt già Tính giật mình, ngạc nhiên: “Ừ, thõng tay vào chợ. Mà sao chú biết?”

Chủ đất không trả lời. Ông bốc lên một nắm đất quê. Mùi quê nồng, ẩm như một câu hò, đêm rượu mưa, buổi biệt xứ. Hò rằng:

“Đời ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
Em ra đi - Đời bưng mặt khóc òa”.

B.L.Q








 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Nguyệt thực (17/03/2014)
Mẹ điên (06/03/2014)