Tác phẩm hay
Những linh hồn phiêu dạt (phần II)
16:12 | 21/04/2014

WAYNE KARLIN

Người dịch: Thảo Lê - Đan Phượng

 

TRỞ LẠI PLEIKU

Mọi chuyện đã được lo liệu chu đáo từ trước, nhưng rõ ràng vẫn còn có những trở ngại phải vượt qua.

Tại ga Quy Nhơn, chúng tôi chia làm hai tốp lên hai chiếc xe ô tô: Mấy người Mỹ và nhóm làm phim lên một xe, mấy anh em nhà họ Hoàng lên một xe đi trước đến nghĩa trang Ya Yunpa ở Azaban để thu xếp cho cuộc viếng thăm và cất bốc hài cốt.

Trong lúc đó chúng tôi sẽ đợi ở Pleiku chờ tin của họ. Chúng tôi đi qua miền Trung, để đến nơi mà trước kia Homer trải qua cuộc chiến tranh. Anh không thể nhận ra cả hai nơi, An Khê và Pleiku. Con đường bê tông uốn lượn nối hai thị trấn, ngoắt ngoéo giữa những ngọn núi và xuyên qua đèo, từng là con đường lún bùn đất và lỗ chỗ hố bom mìn vào năm 1969 – nơi anh đã từng chạy xe hết tốc độ, giữa những làn đạn B-40 và những tay bắn tỉa, người phủ lớp bụi đỏ.

Nhưng những dãy núi, những cánh đồng lúa và vùng thôn quê đáng yêu, những đỉnh núi có tán lá rừng bao phủ xuôi về mọi phía... thì vẫn như xưa. Giữa màu xanh ngọc, đất đỏ lộ ra qua những khe hở như vết thương của trái đất.

Anh em nhà họ Hoàng phải đến trước chúng tôi để thu xếp mọi việc và sẽ gọi điện cho chúng tôi tiếp tục đi đến nghĩa trang. Việc bốc cất, như chúng tôi hiểu, phải tiến hành vào ban đêm. Nhưng ngay sau khi xe chúng tôi vượt qua họ trên đường, họ đã dừng lại ở một nhà hàng nhỏ để ăn cơm. Họ đi đứng thế nào để kịp làm mọi thứ đây?” - Doug hỏi.

Anh sắp trở về Mỹ trước chúng tôi một ngày và đang lo chuyện làm thế nào chúng tôi sẽ liên hệ tiếp với nhau. Mối lo lắng của anh là đúng. Tôi không quan tâm về việc liên hệ, nhưng tôi cảm thấy có một sự hối thúc mãnh liệt phải làm việc này, phải thực hiện được việc này. Phải đưa việc này ra khỏi lòng đất. Cả chuyến đi chỉ để hướng về thời điểm đó.

Tôi nhìn Homer. Những điều anh nói về cha mình là câu trả lời cho mối băn khoăn của riêng tôi, rằng chuyến đi này có phải là một việc tốt hay không.


Tại Pleiku, như kế hoạch, chúng tôi dừng lại và chờ điện thoại của anh em nhà họ Hoàng. Cái thị trấn nhỏ bé, ngái ngủ mà Homer nhớ trong đầu nay đã biến thành một thành phố. Rất khó nhận thấy bất cứ dấu vết gì của quá khứ, cả những vụ giết chóc lẫn nét duyên dáng của nó.

Tôi nằm trong màn chống muỗi màu trắng và cố ngủ. Trên các góc trần nhà những cái bóng đèn mắt trâu vẫn sáng vì tôi không thể tìm ra chỗ tắt đèn, nhưng tôi đã quá mệt nên cũng chẳng muốn gọi điện hỏi lễ tân.

Một con thạch sùng hoảng hốt bò lên cao, chỗ bức tường đối diện. Tôi thích thạch sùng. Chúng ăn sâu bọ. Nhưng con này không phải loại thích yên tĩnh. Nó bắt đầu tắc lưỡi với tôi. Có thể nó bảo tôi tắt đèn đi. Ít nhất thì nó cũng không phải là con thạch sùng chết tiệt, tôi nghĩ.

Bọn ta đang làm những điều bọn ta phải làm, tôi nói với con thạch sùng. Nhân vật của nhà văn O’Brien phải nhìn thấy gương mặt của người anh ta đã giết trước khi anh ta có thể để tang cho họ. Ái chà, đồ văn chương khốn kiếp, con thạch sùng nói.

Đừng có mà biến mọi thứ thành tiểu thuyết hết cả nhé. Đây là người đàn ông bằng xương bằng thịt mà mi có thể đang làm cho phát rồ lên, đang lôi xềnh xệch anh ta tới nhìn xuống huyệt mộ. Chết-tiệt.

Tôi trở dậy, đến bên chiếc bàn nhỏ, bật máy tính lên và nghe nhạc. Một con rết nhỏ màu xanh đang tìm đường bò chậm rãi quanh phòng. Tôi ngắm nhìn sự chuyển động kiên nhẫn và vô định của nó trong giây lát.

Tôi viết lại trong nhật ký của mình: Sau hành trình dài bằng tàu hỏa – thất vọng không thể tránh khỏi. Anh em nhà họ Hoàng gọi điện báo rằng họ không được phép bốc hài cốt, đến Azaban muộn, không tìm được ai để nói chuyện.

Những cú điện thoại di động như điên cho nhà ngoại cảm, người cho phép họ nói chuyện với anh Đảm. Hãy giữ máy trong một giây, anh ấy sẽ ở ngay đây. Nghe điện thoại đi, anh Đảm. Chúng tôi đợi ở Pleiku. Hôm nay gánh xiếc đang ở trong thành phố, giọng Dylan hát từ máy tính cá nhân của tôi. Bài Desolation Row. Tôi đánh cuộc là bài ấy.

Nhà quay phim đang chĩa máy quay vào Jessica. Tôi phải nói anh ta tắt máy đi. Hãy nói với anh ta là tôi đã giết người đấy, Homer nói, nét mặt ngây ra bất động.

Tốp làm phim truyền hình nói với Homer là họ muốn đưa anh đến một ngọn đồi và quay cảnh ở đó, coi như là nơi trước đây anh ta bắn chết anh Đảm. Không được, Jessica giận dữ nói. Không được.

Tôi tự hỏi liệu chúng tôi có gặp phải tình huống mà những người bạn hoài nghi của tôi là Khuê và Thái đã đoán trước, nếu không thể tránh khỏi. Mong muốn có một kết thúc tốt đẹp có thể trở thành một bi kịch và tệ hơn, một trò cười.


HAI CHA CON

“Tôi từ cuộc chiến trở về, bố nhìn vào mắt tôi và nói: Bố có thể thấy rằng con đã thay đổi. Nhưng đừng để nó điều khiển con theo hướng tiêu cực”- Homer Steedly kể với Wayne Karlin, nhà văn, giáo sư đại học Nam Maryland, cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam.

Sẽ ra sao nếu đào được hài cốt của anh Đảm? Ở Việt Nam đó không phải là một việc lạ lùng. Người Việt làm việc này theo thông lệ, ba năm hoặc hơn ba năm sau khi chôn thì cải táng. Bốc hài cốt lên, rửa xương cho sạch rồi chôn lại xuống đất. Nhưng nay đã gần bốn mươi năm rồi. Xương cốt có lẽ đã ngả màu nâu đen, gẫy vỡ, và bộ quân phục mới tinh của anh Đảm hẳn đã nát vụn.

Có ánh sáng phía ngoài cửa sổ. Tôi nhìn đồng hồ trên máy tính: năm giờ. Tôi mặc quần áo và đi ra ngoài. Phía cuối sườn đồi, tám tầng của một ngôi chùa mới, quét sơn sặc sỡ, vươn lên nền trời. Trong khi chậm rãi đi lên, tôi nhìn thấy Homer đang đi xuống phía tôi. Tôi không ngạc nhiên.

“Anh cảm thấy thế nào”?

“Thực sự là ổn”.

“Anh không thấy lo cho điều đang xảy ra với anh em nhà họ Hoàng hay sao?”.

“Anh đã lo đủ cho cả hai chúng ta rồi mà”, Homer nói.

“Nói thật với anh, tôi cứ băn khoăn không biết chúng ta nên hay không nên làm việc này. Liệu tôi có xử sự đúng khi đưa anh đến đây, bắt anh phải chứng kiến tất cả những điều này hay không”.

Homer mỉm cười: “Điều hiện đang làm hay không làm đối với tôi không phải là vấn đề. Tôi muốn họ tìm được anh Đảm”.

“Anh là một người dũng cảm”.

Homer nhắm mắt lại và lắc đầu, dường như tôi đã hiểu chệch. Chúng tôi cùng im lặng. Tôi ra hiệu về phía phòng ăn, nơi một số nhân viên đang sửa soạn bàn ăn theo kiểu tự chọn.

Chúng tôi đến bên bàn thức ăn, tự rót cà phê, pha thêm chút sữa theo cách người Việt Nam thường làm. Tôi phết bơ lên một chiếc bánh mì que.

“Bố tôi là một người dũng cảm”, Homer bất chợt nói. “Dũng cảm hơn tôi rất nhiều. Về mặt tinh thần, ông là người mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết”.

Anh cũng vậy, tôi muốn nhắc lại điều này. Nhưng tôi biết điều đó sẽ làm cho anh ngừng nói. Tôi tự hỏi, khi nhìn qua cửa sổ ra phía những ngọn đồi kia, trong giây phút hồi tưởng, tại sao anh lại nói về cha mình thay vì nhớ đến những ký ức khác chắc hẳn đang tràn ngập ở nơi này?

“Ông có một trái tim nhân từ, rộng lượng. Tôi nhớ có một hôm cả hai bố con làm việc suốt ngày, một công việc gì đó bẩn thỉu, nặng nhọc và kiếm được 20 đô la. Nhưng rồi ông đưa hết số tiền đó cho một người da đen làm việc cùng với chúng tôi – người cần tiền hơn, và hình như đang gặp khủng hoảng trong gia đình – tất thảy đã làm mẹ tôi rất giận”.

Homer nhìn đi chỗ khác. “Ông cũng là người luôn biết phải trái. Tôi lớn lên ở vùng Nam Carolina, thời đó, người ta phải chấp nhận tình trạng phân biệt chủng tộc. Nó giống như khí trời người ta phải thở. Người ta không thắc mắc bởi vì không hề có sự lựa chọn nào khác. Nhưng bố tôi biết điều đó là sai. Ông ghét điều đó.

Tôi không biết điều gì khiến ông khác biệt như vậy. Có thể là do chiến tranh. Có thể là do ông bà nội của tôi – tôi cũng không biết nữa. Tôi còn nhớ, chuyện về cái nhóm 3K, Ku Klux Klan ấy...

Tôi nhìn qua cửa sổ phòng ngủ của mình và trông thấy một đám cháy ở nhà bên cạnh. Họ đang đốt cây thánh giá, cho dù lúc đó tôi không biết đó là cái gì. Tôi gọi bố tôi và bảo ông nên ra ngoài xem sao. Ông bước ra ngoài rồi quay trở vào, cầm lấy khẩu súng săn, nạp thuốc súng và bảo chúng tôi ở yên trong nhà.

Tiếp đó, tôi nghe thấy hai tiếng nổ. Không ai có ý định trả thù ông vì điều đó. Mọi người kính phục ông, biết là không thể ngăn cản ông. Anh biết không, ông là loại người mà nếu ai đó trong quán rượu đánh nhau với ông, vì bất cứ lý do gì, anh ta chắc phải giết chết ông thì mới mong giành chiến thắng. Ông không ngại cái chết, và ông không đầu hàng. Người ta nhìn thấy điều đó, người ta sẽ lùi bước”.

Trước đó, Homer nói với Jessica rằng trong nhiều năm cho tới khi anh gặp Tibby, anh không dám nhìn thẳng vào mắt mọi người. “Tôi không nhìn họ trừ phi tôi sắp sửa vật tay với họ”, anh nói. Trông anh lúc nói ra điều ấy – anh không phải là người to con – tôi đã nghĩ đúng như bây giờ, khi anh nói về cha mình. “Nếu người ta đánh nhau với cha tôi, người ta phải giết chết ông, chứ ông không chịu bỏ cuộc”.

Homer liên hệ câu chuyện về cha mình với nhóm 3K, nhưng có điều gì đó thay đổi trong lời anh kể. Trong giây lát tôi chợt nhận ra đó là điều gì. “Tôi không nhớ những hình ảnh”, anh cũng từng nói với tôi như vậy. “Đó là lý do tại sao tôi thấy rất khó trả lời những câu hỏi của anh, và thỉnh thoảng của Jessica nữa.

Khi anh hỏi tôi cảm thấy như thế nào về một điều gì đó, tôi không thể trả lời. Tôi không nhớ, không thấy những hình ảnh liên quan đến các câu hỏi, vì thế các câu hỏi không có ý nghĩa gì đối với tôi”. Nhưng lúc này anh đã có thể tả lại ánh lửa từ cây thánh giá đang cháy khi anh nhìn qua cửa sổ như thế nào, việc anh bị đánh thức, và tiếng nổ từ khẩu súng săn của người cha. Anh tả lại được cảm nhận của mình.

Bên ngoài cửa sổ, một chú chim hót những tiếng chói tai hướng về phía chúng tôi, đưa tôi trở về với thực tại.

“Bố tôi là người không được học hành nhiều, nhưng ông biết mọi thứ”, Homer kể tiếp. “Ông có thể quan sát mọi người làm việc – đào một cái giếng, chữa một động cơ – và rồi ông có thể làm được việc đó”.

“Thật vậy sao?”.

“Tôi từ cuộc chiến trở về, bố nhìn vào mắt tôi và nói: Bố có thể thấy rằng con đã thay đổi. Nhưng đừng để nó điều khiển con theo hướng tiêu cực. Hãy trưởng thành lên từ điều đó. Hãy làm cho nó trở thành điều tốt đẹp”.

“Đó là điều mà anh đang làm”.

“Tôi yêu bố tôi. Nhưng anh biết không? Tôi đi đưa tang ông mà không cảm thấy gì. Tôi biết là tôi yêu ông và tôi biết cái mà tôi đáng ra phải cảm thấy. Nhưng tôi chẳng cảm thấy gì cả”.

Tôi không biết phải nói gì.

Điều mà tôi muốn nói là, lúc này đây tôi đang cảm thấy điều đó. Tôi nhớ bố tôi. Nếu giờ đây tôi có mặt trong đám tang của ông, tôi có thể sẽ khóc được. Chắc là tôi sẽ khóc.

Tôi nhìn Homer. Những điều anh nói về cha mình là câu trả lời cho mối băn khoăn của riêng tôi, rằng chuyến đi này có phải là một việc tốt hay không.
 

Cả làng hầu như tập trung đông đủ. Hàng trăm người đứng ngồi khắp hai bên sân. Một số dựa lưng vào tường, những người khác ngồi trên ghế, xếp thành hàng, có cả quân nhân, già lẫn trẻ, mặc quân phục màu xanh lá cây.



SỰ KIỆN Ở THÁI GIANG

3 năm kể từ khi cựu chiến binh Homer Steedly hé mở thông tin về người anh ta đã giết, rốt cuộc thì liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã trở về quê mẹ nhờ nỗ lực của những người quan tâm đến anh. Sự kiện cảm động xảy ra ở Thái Bình hai năm trước nay tái hiện bởi cây bút nhiều duyên nợ với Việt Nam- Wayne Karlin.

Homer ngồi cùng khoang tàu hỏa với mấy anh em nhà họ Hoàng, ngay bên hộp đựng hài cốt của anh Đảm. Tôi ngồi cạnh Homer và chị Tươi, ở tầng dưới cùng. Anh Lượng, anh Diệu và anh Cát(1) cùng với anh Quân ngồi ở ghế đối diện, mỉm cười với chúng tôi.

Chiếc hộp đựng hài cốt anh Đảm được đặt trên mặt chiếc bàn gấp bên dưới cửa sổ. Họ đã bỏ cờ phủ trên chiếc hộp các tông dầu gội đầu để người trên tàu không thể biết trong đó đựng gì. Nhưng khung ảnh kép của anh Đảm và anh Chi thì vẫn để phía trên hộp, lúc này khuôn mặt anh Đảm ở gần sát khuôn mặt Homer. Khoang của Homer, Jessica, Doug và tôi ở bên cạnh, nhưng anh em nhà họ Hoàng gọi chúng tôi sang ngồi cùng với họ.

Tôi cảm thấy có điều gì đó băn khoăn về Homer. Sau nghi lễ ở trên đồi, anh vẫn im lặng, vẻ bối rối. Hẳn là phải như thế, tôi nghĩ. Tôi còn có thể chờ đợi thái độ như thế nào nữa? Lễ cúng ở đèo Mang Yang thật tốt đẹp và kỳ lạ, nhưng tôi đã thầm mong giá mà mọi chuyện kết thúc sau khi chúng tôi tới Thái Giang, sau khi Homer thắp hương trên bàn thờ có ảnh của anh Đảm, và khấn lời xin lỗi.

Trách nhiệm nặng nề là phải mang bộ hài cốt của người mình đã giết về cùng với gia đình của người ấy dường như làm cho Homer im lặng trở lại. Bây giờ chúng tôi trở lại Thái Giang, anh sẽ phải chịu đựng lễ cải táng và việc chôn cất nữa. Đó là một yêu cầu quá lớn với bất cứ ai.

Sau khi nghi lễ trên đồi kết thúc, Homer lại len lỏi vào những con đường nhỏ và chụp cận cảnh những bông hoa. Lúc tôi đến gần, anh nói khi nhìn lên những ngọn núi kia, anh lại nhớ tới những đồng ngũ đã khuất, cũng như nhớ tới anh Đảm, khi đôi mắt trẻ trung từ trong khung ảnh thờ cứ luôn dõi theo và hút chặt ánh mắt của anh mỗi khi anh đưa mắt nhìn về phía ấy.

Tuy nhiên giờ đây mấy anh em nhà họ Hoàng đang rất vui vẻ. Trong đám tang, họ sẽ lại khóc than, tôi biết vậy, và trong giây lát tôi cảm thấy ghen tị với những hình thức nghi lễ trong cuộc sống của họ, khả năng xếp đặt nỗi buồn và niềm vui lên trên từng chiếc bàn thích hợp, như là hình ảnh được thắt bằng những dải ruy băng màu đỏ, được đóng khung phía trước cái nền là những rặng núi và đồng lúa xanh bất tận đang vun vút lùi lại đằng sau con tàu, qua ô cửa sổ.

Lúc này họ đang vui đùa với chúng tôi, tất cả cùng cố gắng để cho Homer hiểu là những gì mà họ báo cáo với linh hồn anh Đảm đều xuất phát từ trái tim. Chỉ có anh Diệu vẫn có vẻ buồn rầu, nét mặt anh bần thần, có lẽ anh nghĩ đến hài cốt của những người lính Mỹ anh đã bỏ lại trên mảnh đất Quảng Ngãi, mặc dù tôi không có lý do gì để nghĩ như vậy. Ngoại trừ cái nhu cầu của riêng tôi là phải có một sự cảm thương tương xứng nào đó cho những linh hồn đã khuất của chính chúng tôi.

*

Một lát sau, khi trở lại khoang tàu của mình, tôi bảo Homer kể lại cho nghe về trận đánh năm xưa của anh ở trên đồi, nơi chúng tôi tưởng nhớ anh Đảm. Homer nhìn tôi trong giây lát.

“Anh không thể hiểu được đâu, đó chính là cái sườn đồi nơi tôi giết anh Đảm”, Homer nói.

Một cái gì đó sắc nhọn nhói lên trong tim tôi. Tôi nhìn chằm chằm vào anh.

“Tôi cứ nhìn vào nơi đó, nghĩ rằng có thể tôi đã lầm”, anh nói. “Nhưng tất cả mọi thứ đều ở đúng vị trí đó. Chúng tôi được trực thăng thả xuống bên trên con đường (cách chỗ xe ô tô của chúng ta đỗ một quãng). Chúng tôi đi bộ xuôi xuống ngọn đồi nhỏ ấy, qua chỗ những mảng tường chắn bằng bê tông ở phía kia.

Tôi vẫn còn nhớ các mảng tường đó. Con đường hiện nay có khác trước, nhưng tôi nhớ khi đó tôi nghĩ là những mảng tường chắn bằng bê tông ở chỗ kia trông mới kỳ cục làm sao. Tôi nhớ cái khúc quanh trên con đường trước khi nó đổ xuống phía trong thung lũng. Con đường ở trong tấm bản đồ của tôi, và tôi đã trông thấy nó.

Tôi nhớ hình dáng của đỉnh núi ấy. Tôi nhớ những người lính đã chùn lại do dự. Tôi không còn nhớ điều gì cho tới tận lúc trở lại đó. Tôi không phải là chỉ huy trung đội chính quy của họ và họ nghĩ là có thể tránh nó, nên tôi phải tiến lên phía trước, cùng với tay bác sĩ quân y, hy vọng là họ sẽ đi theo”.

Anh dừng lại, thở một hơi thật sâu.

“Điều tôi nhớ nhất là cái cây. Vẫn cái cây ấy. Bao nhiêu là cây mọc trên triền núi, và rồi tới cái cây ấy, tán cây có hình thù kỳ lạ vươn ra cao hơn hẳn mọi thứ xung quanh. Cái cây ấy đứng cao vút lên như vậy. Tôi đã dùng nó làm đích khi chúng tôi trèo lên đỉnh núi”.

Tôi vẫn chăm chú nhìn anh, không thể thốt ra lời nào. Tôi nghĩ, nếu đây là một ai khác chứ không phải là Homer thì có thể tôi đã coi những gì anh vừa nói chỉ là một ý nghĩ mang tính ước mong.

Chương trình phát thanh quảng cáo bắt đầu bằng một giai điệu nhạc sến nào đó, một giọng nữ hát một bài chán ngắt. Tiếng bánh sắt nghiến lạch xạch trên đường ray.

“Anh ổn chứ, anh bạn?” - Cuối cùng tôi hỏi anh.

Homer mỉm cười với tôi. “Điều tôi đang cảm thấy”, anh nói, “là sự thanh thản”.

*

Chúng tôi xuất phát đi Thái Giang vào lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau. Chị Tiến đi cùng với chúng tôi. Nhóm truyền hình đã trở về Hà Nội để thay máy quay phim mới, sau đó họ sẽ đi thẳng xuống làng.

Cả làng hầu như đã tập trung đông đủ. Khoảng sân dài nằm kế bên trụ sở Ủy ban nhân dân xã được che bằng một tấm bạt màu xanh. Hàng trăm người đứng ngồi khắp hai bên sân, một số dựa lưng vào tường, những người khác ngồi trên ghế, xếp thành hàng phía bên trái, trong đó có cả quân nhân, cả già lẫn trẻ, mặc quân phục màu xanh lá cây.

Bên cạnh là ban nhạc bát âm mặc đồng phục trắng toát, đầu đội mũ lính, chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn bầu, đàn nguyệt, kèm phách - gồm những thanh tre gõ vào nhau theo nhịp - trống chầu, đàn thập lục mười sáu dây và sáo.

Phía cuối sân đặt một ban thờ, bên trên có ảnh anh Đảm, phía sau là chiếc tiểu nhỏ bằng sành rất nặng phủ quốc kỳ, có hài cốt bên trong. Bên trái ban thờ là một cái bục dành cho diễn giả và một chiếc micrô.

Hai anh Diệu và Lượng tiến lại chào chúng tôi, sau đó dẫn Homer, Jessica, Quân và tôi ngồi vào dãy ghế nhựa nhỏ màu xanh gần ban thờ. Doug đi lại phía sau cùng Jessica, tay cầm chiếc máy quay phim du lịch.

Homer nhìn ảnh anh Đảm. Tôi trông thấy mọi người trong đám đông phía sau chúng tôi nhìn Homer chằm chằm, rồi họ quay lại thì thầm to nhỏ với nhau, rồi lại nhìn anh chăm chú hơn. Anh ta ở đây. Người đã giết anh Đảm. Ánh mắt anh ấy lại dán chặt vào mắt anh Đảm trong tấm ảnh. Trời rất nóng và ẩm, cái nóng hắt ra từ thân thể mọi người gộp lại dưới tấm bạt che, ép chặt lên da thịt chúng tôi, nên không khí như cũng đã biến thành da, thành thịt.

Tôi nhìn thấy chị Tiến đang bắt tay mấy sĩ quan quân đội. Lần này thì thân quyến trong gia đình họ Hoàng đông hơn lần trước – toàn bộ dòng tộc – họ đang ngồi bên cạnh ban thờ và chiếc tiểu sành, cầu khấn và kêu khóc, trong đó có chị Phạm Thị Minh, vợ cũ của anh Đảm.

Nhiều người đứng dọc hai bên sân phía ngoài, xô cả vào lưng chúng tôi. Nhiều người còn trẻ - thế hệ mới. Tất cả những người thuộc họ Hoàng đều mặc đồ đen, chít khăn tang trắng quanh trán. Một người phụ nữ trẻ, mảnh dẻ, rất đẹp – sau này tôi được biết đó là cháu Quỳnh, con dâu của anh Diệu, làm việc ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc chiếc áo sơ mi có đính hạt cườm thành chữ “Versace”.

Khi ban nhạc đang chơi, từng nhóm nhỏ thân nhân trong gia đình, hoặc một nhóm bạn bè, lần lượt bước tới. Một người trong mỗi tốp mang chiếc khay trên có chai rượu, ít hoa quả và một chiếc phong bì. Đến gần ban thờ, họ bỏ giày dép, đặt chiếc khay lên ban thờ và trao chiếc phong bì cho người phụ nữ trẻ mặc áo thêu chữ Versace. Họ thắp hương, cắm vào chiếc lư đựng cát để trước ảnh anh Đảm, chắp tay lại rồi khấn, ba lần. Nhóm người tiếp theo lặp lại nghi lễ này, rồi nhóm tiếp theo, tiếp theo.

Cái nóng hầm hập tăng lên. Chúng tôi ngồi đờ đẫn, vì chuyến đi và cái nóng, giữa âm thanh của đàn bầu và tiếng trống dồn dập. Một vị tướng đứng trên bục và đọc bài diễn văn dài. Một tốp sĩ quan già hơn trong quân phục nghi lễ chính thức. Năm người lính trẻ trang phục dã chiến sạch sẽ màu ô liu xanh đứng thành hàng ngang phía trước ban thờ, từng người một giơ tay chào.

Tiếp đó, không phải liền ngay sau nhưng đủ để tạo ra một sự đối lập, một sự chuyển giao, là sự xuất hiện của năm cựu chiến binh già. Quân nói nhỏ với tôi đó là những người cùng nhập ngũ với anh Đảm năm xưa. Họ bước đến gần ban thờ, nét mặt hằn sâu vẻ khắc khổ, già nua và những nếp nhăn, nhưng dáng đi và tư thế thì thật thư thái.

Họ chào đón người đồng đội cũ trở về nhà - bức ảnh anh ấy vẫn mang bóng hình anh ấy, giống như những người lính trẻ đứng trước ban thờ, trong hình ảnh của một thời tuổi trẻ bất diệt đã qua của họ.

Và tôi nói với anh Đảm, rằng anh sống khôn thác thiêng, xin hãy ban ơn và tha thứ cho người đàn ông tốt bụng đang đứng kế bên tôi, người đã cướp mất cuộc đời anh, nhưng lại là người anh em dũng cảm và tốt bụng của anh đã đưa anh và tất cả chúng ta đến với hòa giải. 

 

-------------------------
 (1)
Những người anh em ruột thịt của anh Đảm (BTV)



NGÀY TRỞ VỀ

“Song hành cuộc đời của hai người lính nông dân từ hai đầu trái đất. Chuyện làng quê, chuyện gia đình và người thân của họ đan quyện vào nhau. Một hành trình bắt đầu từ máu lửa chết chóc, kết thúc trong sám hối, cảm thông và hòa giải. Một cuốn sách lay động tâm can, khơi gợi ý nghĩ và hành động, được viết bằng văn phong trang nghiêm mà không kém phần lãng mạn”- Lời Nhà xuất bản Thông Tấn nói về Những linh hồn phiêu dạt.

Lại có thêm những bài diễn văn. Anh Lượng, nay là người nhiều tuổi nhất và là con trưởng, tiến lại phía sau ban thờ. Khi anh nói, tất cả đều im lặng. Giọng anh, thỉnh thoảng nghẹn lại vì xúc động, nghe trầm bổng giống như đang hát thánh ca.

Tôi có thể nghe thấy những từ mà tôi nhận biết được, có tên của chúng tôi, những người Mỹ, lại gắn với câu chuyện mà họ đã chứng kiến tại nghi lễ tổ chức bên sườn núi, nơi anh Đảm bị giết và nơi chúng tôi dừng lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, để hài cốt anh ấy nghỉ chân.

Anh Lượng cũng nhắc đến chuyện hài cốt anh Đảm đã bị thất lạc như thế nào và làm sao mà lại tìm được anh. Câu chuyện về người bị thất lạc và người được cứu rỗi.

Khi anh nói xong, anh Diệu lên thay. Sau này, cháu Quỳnh đã dịch và gửi cho tôi một phần bài nói của anh:

Cách đây bốn mươi tư năm, người anh của gia đình chúng tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường vào Nam đánh Mỹ.

Mười năm sau, năm 1974, tin sét đánh đến với gia đình, anh Đảm đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Đảng ủy, Ủy ban và nhân dân xã Thái Giang đã tổ chức lễ truy điệu anh chỉ với một tờ giấy báo tử - không ba lô, không một tư trang theo về.

Tháng 4 năm 2002, 33 năm sau khi anh tôi hy sinh, anh em tôi được đồng đội của anh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện giúp đỡ, đã đi khắp núi rừng Pleiku mong tìm được anh, nhưng vì còn thiếu thông tin nên đành phải trở về mà không có anh.

36 năm sau, năm 2005, nước mắt của anh em, con cháu, của người thân trong gia đình lại chảy trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, chính quyền và đông đảo bà con quê hương với việc tiếp nhận các kỷ vật của anh từ chính người Mỹ đã sát hại anh lưu giữ suốt ba mươi sáu năm qua gửi về.

Hôm nay là lần trở về thứ ba của anh, sau 39 năm, nhưng đây là lần trở về trọn vẹn nhất. Một sự trở về vẻ vang, rất đáng tự hào trước sự đón tiếp long trọng và chu đáo của Đảng bộ và nhân dân xã nhà.

Vẻ vang này xin được dâng lên Đảng bộ và nhân dân xã nhà - người đã vun đắp bản lĩnh cách mạng tuyệt vời của anh tôi – liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm.

Xin được cảm ơn Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khai thông con đường để người Mỹ nhận ra lỗi lầm, trở lại Việt Nam, góp phần đưa anh chúng tôi về với quê hương.

Xin được cảm ơn hồn thiêng sông núi đã đưa đường dẫn lối cho anh trở về hôm nay.

Xin được cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành của tỉnh, của huyện, của xã và toàn thể nhân dân xã nhà đã dành cho gia đình chúng tôi một tình cảm đặc biệt trong buổi lễ hôm nay.

Xin được cảm ơn nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên cùng đoàn làm phim Đài Truyền hình Việt Nam suốt mấy ngày qua đã cùng anh em chúng tôi lặn lội vào tận chiến trường xưa để ghi lại những hình ảnh xúc động trong chuyến đi này.

Xin cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm qua đã đăng tải nhiều tin tức quan trọng, giúp gia đình sớm tìm ra hài cốt anh tôi.

Xin được cảm ơn các bạn cựu chiến binh Mỹ. Chính những việc làm đầy thiện chí của các bạn trong suốt thời gian qua đã giúp chúng tôi nhận lại kỷ vật, cung cấp thông tin và cùng gia đình vào chiến trường xưa đón anh tôi trở về.

Xin được cảm ơn một bà mẹ người Mỹ – mẹ của Homer, chính bà đã giúp con trai mình lưu giữ rất cẩn thận các kỷ vật của anh tôi trong suốt hơn ba mươi năm qua.

Thưa ông Homer, chúng tôi biết rằng ông là một trong những cựu chiến binh Mỹ đã sớm nhận ra sai lầm của cuộc chiến tranh do người Mỹ gây ra trên đất nước chúng tôi và ông đã thực sự day dứt và bị ám ảnh suốt mấy chục năm qua. Linh hồn anh tôi và gia đình đã hoàn toàn tha thứ cho ông và coi ông như một người bạn. Đó cũng là truyền thống nhân văn và lòng vị tha của người Việt Nam chúng tôi.

Khi anh Diệu đọc xong, anh mời ba người Mỹ chúng tôi bước tới ban thờ. Chúng tôi đến gần chiếc chiếu trải phía trước ban thờ và lần lượt làm lễ. Khi bước lên, tôi nhìn vào mắt anh Đảm - tôi biết Homer cũng đang nhìn vào đó - và thầm thì nói lời xin lỗi anh, vì đã đến đất nước anh vào lúc ấy và với tư cách ấy - cũng như xin lỗi tất cả những người đã chết, người Việt Nam cũng như người Mỹ, vì những sự thiếu sót trong cuộc đời vô nghĩa của tôi, cũng cả vì những niềm vui của nó, bởi tất cả những gì mà những người đã khuất không bao giờ được nếm trải: đó là tình yêu mà tôi có trong vòng tay, đứa con trai mà tôi được nhìn thấy sinh ra trên trái đất này, và thậm chí nỗi đau đang nén chặt trong lồng ngực tôi, trong họng tôi khi đứng trước bức ảnh này, bức ảnh mà tôi có thể cảm nhận được bởi vì tôi đang được sống.

Và tôi nói với anh Đảm, rằng anh sống khôn thác thiêng, xin anh hãy ban ơn và tha thứ cho người đàn ông tốt bụng đang đứng kế bên tôi, người đã cướp mất cuộc đời anh, nhưng lại là người anh em dũng cảm và tốt bụng của anh đã đưa anh và tất cả chúng ta đến với hòa giải.


Đoạn kết của 'Những linh hồn phiêu dạt'

Bản thảo đầu tiên Những linh hồn phiêu dạt viết xong vào cuối tháng 7 - 2008. Sau đó không lâu, tôi nhận được nhiều thư điện tử Việt Nam kể về bộ phim tài liệu của đạo diễn Minh Chuyên.

Anh đặt tên bộ phim là Linh hồn Việt Cộng, một tiêu đề có vẻ hơi kỳ cục, khi tôi cho rằng anh Đảm là một người lính chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng đạo diễn Minh Chuyên, vốn là cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thì trong suy nghĩ của nhiều người, Việt Cộng là thuật ngữ dùng để chỉ bất cứ ai tham gia chiến đấu chống lại binh lính Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Vài tuần sau, tôi tải bộ phim từ Internet xuống, cùng xem với Wick và Nguyễn Hồ – cả hai giúp tôi dịch lời bình. Mặc dù đạo diễn Minh Chuyên đã ghi lại một cách cơ bản câu chuyện của chúng tôi, anh ấy cũng loại bỏ và thay đổi một số sự kiện nhất định. Ví dụ cho rằng buổi lễ mà chúng tôi tổ chức tại đèo Mang Yang là ở gần nghĩa trang, rằng Homer đã giúp tìm ra chính ngôi mộ của anh Đảm. Tôi cho rằng các chi tiết được dựng lên theo cách mà anh Minh Chuyên coi là để tăng thêm kịch tính dường như không cần thiết.

Sự thực đã có đủ kịch tính rồi. Nhưng ít nhất, tôi tự nhủ, là tinh thần của những gì đã xảy ra vẫn được ghi lại trong phim, và tinh thần đó đã làm cho khán giả cảm động.

Tuy vậy, ngày 23-8, một số bài đăng trên mấy tờ báo ở Việt Nam đặt vấn đề về sự không nhất quán giữa địa danh nêu trong phim với địa danh đích thực. Một bài báo cũng đặt câu hỏi tại sao đạo diễn không cho quay cảnh cất bốc hài cốt anh Đảm và một số di vật tìm thấy trong mộ để chứng minh cho lời nhà ngoại cảm đã xác định nơi Đảm đang yên nghỉ là đúng.

Tôi nhớ tình thế đã thay đổi nhanh chóng như thế nào khi chúng tôi đang chờ ở Pleiku. Và tôi, Homer, Jessica thở phào nhẹ nhõm ra sao khi nhận được tin gia đình họ Hoàng đã xin được phép. Cả sự ngạc nhiên của tôi khi thấy tất thảy công việc được hoàn thành một cách nhanh gọn.

Nhưng đúng như Jessica nhận xét, khi chiếc tiểu sành được đưa xuống huyệt bị trượt nghiêng, giống như mọi câu chuyện có thực về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, câu chuyện này kết thúc một cách không rõ ràng. Có phải đã thực sự bốc được đúng hài cốt anh Đảm hay không? Đó không phải là điều tôi băn khoăn.

Họ đã chôn một bộ hài cốt có thể được chôn. Nếu đó không phải là anh Đảm thì cũng là một chiến sĩ vô danh nào đó ở miền Bắc đã được đưa về nhà. Điều đọng lại trong tâm trí tôi là sự cảm thông của gia đình họ Hoàng đối với Homer, là sự cần thiết phải đào cái quá khứ lên để chôn nó trở xuống cho thật đúng với sự hiểu biết, thông cảm và những nghi thức cần thiết.

Có lẽ bộ hài cốt mà chúng tôi đã cải táng vào lòng đất đúng là hài cốt anh Đảm – điều mà tôi thấy ở đèo Mang Yang, đã chứng kiến tận mắt. Điều mà tôi cảm thấy ở Thái Giang, và cảm nhận bằng trái tim mình.

Gia đình họ Hoàng có được cái kết của chính mình. Họ đã thực hiện việc mà họ cảm thấy cần phải làm.

Cả Homer cũng vậy.

WAYNE KARLIN
       Nguồn: Tiền Phong










 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Gió heo may (27/03/2014)
Kẻ dự phần (25/03/2014)
Nguyệt thực (17/03/2014)