Tác phẩm hay
Câu chuyện đại chiến
09:48 | 27/05/2014

LGT: Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ sinh 12/8/1966. Quê quán: Thanh Phong, Thạnh Phú, Bến Tre. Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Câu chuyện đại chiến
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
- Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
- Giải B giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Hà Nội 1986 (truyện Một khoảng chờ đợi); Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội (truyện ngắn Hậu thiên đường); Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 1994 (tập truyện ngắn Hậu thiên đường).
- Tác phẩm đã xuất bản: Cát đợi (truyện ngắn, 1993); Hậu thiên đường (truyện ngắn, 1994); Phù thủy (truyện ngắn, 1995) và một số tập in chung.



NGUYỄN THỊ THU HUỆ


Câu chuyện đại chiến

Truyện ngắn


Vào ngày thứ tư, rạp chiếu phim giảm giá 50% cho sinh viên.

Anh thông báo: Xem lại Xích Bích.

Dù là đã thuộc từng hình, từng câu thoại hay âm thanh ấn tượng của Xích Bích, tôi vẫn sáng mắt, gật đầu, hỏi: “Mình đi với ai?”. Anh cười: “Ít nhất là hai đứa. Nhiều là bốn”. Câu sau cùng, anh nói khi chạy phầm phập lên gác. Sàn nhà gỗ bắt đầu rung khẽ vì âm bass phát ra trên phòng anh trai

Phòng tôi tầng dưới. Anh ở trên, cách nhau cái sàn gỗ. Tôi làm gì ở phòng mình, anh không biết. Nhưng anh làm gì bên trên, tôi có thể đoán được đúng bảy mươi phần trăm. Phòng tôi có sáu cái bể cá. Bốn bể nước ngọt, hai bể nước mặn. Để chúng vào chung căn phòng mười lăm mét vuông thật bất tiện. Không chỉ có quá nhiều hơi ẩm trong không khí, quá nhiều tiếng ồn của máy lọc, máy sủi tạo ô-xy, tiếng nước chảy qua bộ lọc xối ngược xuống triền miên đều có thể chịu được do quen tai, mà gay go là chế độ sống của những con cá đế vương đó hoàn toàn khác nhau về thời tiết.

Cá biển ưa lạnh. Cá nước ngọt ưa nóng. Mùa đông, lúc những Nemo sung sướng vẫy vùng và béo tròn từng ngày thì La Hán hay Rồng ẹo ẹo vì lạnh. Ngược lại, mùa hè đến, bọn La Hán phổng phao bao nhiêu thì Nemo lại lừ đừ bấy nhiêu. Biết thế, nhưng tôi luôn hào hứng với việc được thừa kế tất cả những gì từng là niềm vui, là tình yêu của anh trai mình. Và phải giải quyết một cách hiệu quả nhất, theo sự chỉ đạo một lần vô cùng tận tụy của anh. “Với cá nước mặn, mùa hè nóng, nếu không bật máy lạnh, chú lấy mấy chai nước lã cho vào ngăn đá, thành những chai đá, rồi thả vào bể nước cho cá mát”. Hay “Mùa đông, khi nào nhiệt độ ngoài trời xuống dưới mười lăm độ, thì chú cắm cái sưởi này cho cá Rồng. Để hai mươi bảy độ là tự ngắt điện. Lạnh là ngoẻo đấy”.

Tôi từ lâu tự nhận biệt danh cho mình là Lười. Ngày nhỏ, mẹ nói: “Con lười tắm quá, không béo được đâu”, hay “Đến ăn mà cũng không buồn nhai, sau này làm sao thành chủ gia đình đây?”. Rồi đến bố: “Sao không đi đá bóng với bọn ở lớp? Ngày xưa, bằng tuổi con, bố đá bóng ở tất cả các bãi cỏ khu Hoàn Kiếm, hay bãi sông Hồng”. Anh thì: “Chú mà một tuần mới gội đầu một lần, rụng hết cả tóc đấy”. Lâu dần, tôi đâm yêu quý chữ Lười như thể nó là một phần thân thể.

Khi mọi người quên cái tên thân thương đã theo tôi bao tháng ngày, tôi tự nhắc nó bằng cách cố tình không làm một việc gì đấy, để có cớ nhờ mẹ, nhờ anh, rồi tự nhận: “Không biết con là thằng lười à?”.

*

Tôi tiếp nhận tất cả những gì anh bàn giao, không đắn đo, bởi tôi vốn không thiết nghĩ nhiều về một chuyện gì đó. Cụ thể là: sáu cái bể cá, hai con chó nửa tây nửa ta, bốn con mèo, một con rùa..., và khoảng bảy chị: bạn gái, người yêu rồi, đang định yêu rồi bỏ... của anh trai. Anh năm nay hai lăm. Còn tôi mười sáu.

Thật sự thì với một thằng nhóc mười sáu tuổi, khi nuôi tất cả những con vật mà anh bất thình lình mê mẩn thích, mang về chăm sóc như với con đẻ trong khoảng thời gian chừng sáu tháng rồi chán, là việc không khó. Sáu bể cá xếp vòng quanh giường ngủ. Cá nào có thức ăn của cá đó. Ngoài những ngày ăn đồ hộp là viên bột tổng hợp bán sẵn phòng đói bụng giống mì tôm, phở ăn liền của người, là những bữa ăn tươi mấy nghìn tép sống nhảy tanh tách ngoài chợ mà mỗi khi tôi thả chúng xuống, lũ cá như biểu diễn thời trang, múa rất dẻo với món ăn khoái khẩu. Đấy là cá.

Còn chó và mèo sinh sống ở phòng chung. Chó ăn chung bát với mèo. Hai con chó lần lượt được anh bỏ trong túi áo khoác mang về. Ban đầu, các em chỉ nhỉnh hơn cái ấm pha trà, lông xù, chân ngắn, bụng chạm đất và rõ ràng là giống chó Tây như anh trai xác nhận. Nhưng chỉ một tháng sau, với tình cảm quá khích và cách chăm sóc đặc biệt của anh, chúng đã từng bước khẳng định là chó ta có lai Tây một tẹo. Chân cao, lưng dài ngoằng, và sủa ông ổng về đêm khi có cái lá rụng hay lũ chuột chạy đuổi, chửi nhau chí chóe. Đôi khi khu phố có trộm, thì chó ta bỗng nổi gien lành như chó Tây, vẫy đuôi mừng, không kêu một tiếng. Hết nhiệm kỳ được sủng ái của chó, thì sang mèo, cho dù chó vẫn lừng lững hiên ngang đi lại quanh nhà. Mèo dễ chịu hơn chó, biết làm người ta yêu nhiều hơn bởi cách làm duyên. Ngoẹo đầu ngủ vắt vẻo nơi cầu thang, hay dang bốn chân, phơi bụng tênh hênh tô hô giữa đường với một cái mặt tròn xinh đẹp.

Trong suốt những quá trình nhập hộ khẩu vào nhà tôi của các loài thú cưng, là hình ảnh các chị. Tôi gặp bảy chị trong vòng bốn năm (tôi nhớ những chị này vì họ đều đến nhà: “Chào Tí, chị mua cho Tí chè thập cẩm này”. Một chị nghiện trứng chim cút lộn, bao giờ cũng một bịch chị, một bịch em... Hay những đặc sản của quê từng chị xếp la liệt góc bếp như măng muối Lạng Sơn, măng khô Tuyên Quang, hồng Đà Lạt...).

Và bảy chị đó, từ chỗ không biết nhau, rồi biết, rồi ghét, nói xấu, ghen tuông... nhưng có một tình cảm đồng nhất của cả bảy người, là đều coi thằng lười tôi là em trai yêu quý.

*

Anh trai rầm rầm chạy xuống. Quần bò trễ cạp, thấy rõ từng cụm lông bụng nâu óng mềm. Râu quai nón, mắt đen, lông mày rậm và tóc hung. “Chú, anh gọi điện rồi. Đi với ba đứa”. “Là ba chị nào?”. “Mèo, Bột và Con Con”. “Cái gì? Ba chị đấy không thích nhau lắm đâu”.

Tôi rùng mình. Lập tức một hình ảnh như trong phim chạy qua, là chị Mai và Hương cao như nhau, khoảng mét bảy mươi, tóc người dài người ngắn, ai trông thấy mắt cũng dừng lại một lúc. Riêng chị Thúy bé xíu. Anh nói chị Thúy may, vì cao được một mét bốn sáu, thoát luật cấm đi xe máy vì thừa quy định một centimet. Anh gọi các chị bằng biệt danh: Hương Mèo (vì chị cho mấy con mèo), Mai Bột (vì da ngăm đen, lúc nào cũng như vừa đi tắm nắng về) và Thúy Con Con. Tuy cao thấp khác nhau nhưng ai cũng xinh. Lườm nhau cũng khiếp.

“Không thích cũng phải thích”. Anh phẩy tay. “Chú chuẩn bị đi, anh chở chú”. “Thế các chị kia đâu?”. “Tự đến thẳng rạp rồi”.

Ngồi sau xe máy, đầu óc thằng tôi bắt đầu hoạt động. Các tình huống đặt ra: đi xem phim, là thưởng thức bộ phim. Với anh và mình, chắc chắn là như vậy. Nhưng với ba chị kia sẽ không tập trung tâm trí xem phim mà là xem nhau. Khi xem nhau với một tâm trạng ghen ghét, đố kỵ, sẽ chỉ thấy cái xấu, và sinh nói xấu, khích bác nhau... Tóm lại, là một đại chiến. Tại sao anh lại làm thế nhỉ? Mà rắc rối thế, anh lôi tôi vào làm gì?

Rạp chiếu hiện đại. Như vào thế giới khác. Tôi không giấu được căng thẳng. Anh quay sang, đấm cái thụp vào lưng, cười trắng lóa: “Chú lại tâm trạng rồi. Vô tư đi, không đánh nhau đâu”. Thằng tôi cười nhạt hoét. Xích Bích xem đã ba lần. Rồi nghe bác nhà báo Yên Ba phân tích trên VTC mấy lần, thấm thía hay. Nhưng chuyện đồng ý đi lần bốn để xem Xích Bích chỉ do cái tính lười nói câu từ chối, là một sai lầm.

Thở dài cái sượt, đi tiếp. Nếu không lười, thì lúc này vẫn có thể làm khác chứ không nhắm mắt đưa chân trước bất cứ một việc gì, ví dụ việc này...

Phòng chiếu kín người. Anh tìm kiếm những gương mặt đã ngồi sẵn rồi túm tay tôi kéo về phía cuối. Đúng là cái đẹp bao giờ cũng nổi bật. Trong bóng tối và ánh sáng loang loáng bởi đoạn phim quảng cáo đang phát trên màn hình, những khuôn mặt với đôi mắt to, làn da sáng mà chỉ người trẻ mới có của các chị Bột, Mèo và Con Con rực lên một góc, không khó tìm vẫn nhận ra ngay. Anh giơ tay vẫy vẫy. Cả ba chị đều thẳng lưng, nhỏm người, vẫy lại rối rít. Chị nào cũng háo hức, hồn nhiên, vui tươi như những người bạn thân thấy người bạn rất thân đang tới.

Tôi cũng cười, rồi chợt thấy mình nhạt. Chặc lưỡi, giá cách đây chục phút, lúc đến cổng, kiếm một cái cớ gì để giờ không có mặt ở mấy cái bậc thang này thì tốt quá. Nhưng rồi, tôi vẫn bước tiếp. Anh chợt ngồi phịch xuống hàng ghế trống, kéo tôi ngồi luôn xuống bên cạnh. Tôi thì thào: “Không lên chỗ mấy chị à?”. “Điên à. Lên đấy thì còn xem phim cái gì?”.

*

Lâu lắm về sau, tôi vẫn nhớ cảm giác tối hôm ấy. Xích Bích lần bốn không như ba lần trước. Dù âm thanh lập thể chạy vòng quanh người với bao hiệu quả công nghệ hiện đại vẫn không xóa được cảm giác hình như các chị ấy đang gườm nhau. Dao kiếm chém nhau tóe lửa cũng không kéo tâm trí thằng tôi tập trung nổi mười phút vì những chuyện có thể xảy ra như nói khích nhau, thậm chí cãi nhau... Biết đâu trong bóng tối, không ai thấy ai, Mèo và Con Con đang giật tóc, cấu véo nhau?

Anh trai nhìn thẳng màn ảnh, không hiểu sao vẫn biết tôi đang lo toan. Lại hành động vỗ lưng quen thuộc, thì thào: “Về không? Cà phê?”. Tôi thở dài. Im lặng. Anh lại nói: “Xem phim như chú, hỏng hết bánh kẹo. Về đi, cho hết căng thẳng”.

“Còn ba chị kìa?”. “Đến được thì về được. Không đánh nhau đâu, đừng lo. Chú cà phê quán nào?”. Thằng lười trả lời: “Quán gần nhà mình”.

Đấy cũng là tối đầu tiên tôi nốc ba cốc cà phê đá. Mây Tím có từ mười năm, nằm ở ngã ba đường, hoành tráng nhất khu vực. Chỉ cần đi bộ vài bước là đến nhà nên tôi hay được mẹ rủ ra ngồi ăn uống linh tinh vào những ngày nghỉ. Lần nào thấy tôi đứng ở cửa, bác quản lý cũng nháy mắt, và lặng lẽ chuyển mấy cái ghế, một cái bàn ra ngoài trời cho vị khách quen đặc biệt thích ngồi duỗi chân nhìn đường phố.

Lần này cũng vậy. Hai anh em ngồi nhìn hai hướng. Trên cái bàn gỗ, la liệt cốc. Ca tối, những người trực khác, nhưng cũng quen. Một anh cười: “Hai anh em tâm trạng nhỉ? Trà đá không?”. Anh tôi gật. Anh phục vụ lại đưa đẩy: “Lâu không gặp Đông, có vẻ béo lên đấy”. Anh trai chỉ cười cười gật gật.

Tôi khoái nhất là ngồi duỗi thẳng chân, tựa lưng vào ghế và nhìn sâu vào khoảng tối phía xa. Nhìn thật lâu, càng hút mắt không muốn quay đi. Lần nào xuống quán với mẹ, tôi đều nghe mẹ phân tích về cách sống của những người phục vụ trong Mây Tím: “Họ rất chăm chỉ, tập trung. Sáng ra năm giờ mở cửa hàng, mười hai giờ đêm đóng cửa. Ai cũng phải có một cái nghề, và niềm đam mê. Nhưng thành hay bại, là do chăm. Mẹ thấy con phải xem lại, nếu lười thế này, không hiểu sau sẽ làm việc gì?”.

Giữa hai anh em, là những cốc trà đá. Anh nhìn vào quán, bâng quơ: “Không biết những người này định ở đây đến bao giờ. Bao lâu nữa thì tìm việc khác? Mà suốt đời cứ chỉ làm một cái việc mở cửa cho khách, bưng nước, lau bàn, rồi đóng cửa... sao không chán nhỉ?”. Tôi vắt lại hai cái chân theo hướng khác, thở dài: “Họ là những người chăm chỉ. Không lười như em”. Anh lắc đầu: “Anh đi khắp nơi, về đây, ba năm trước với ba năm sau, thấy khác chỉ mỗi cái đèn nhấp nháy và thêm cái máy pha capuchino. Thế mà cũng sống được”.

Điện thoại anh có tin nhắn liên tục. Anh đọc, nhìn tôi, cười: “Ba đứa đang đi ăn xoài dầm”. Tôi thở dài. Dù sao cũng xong một buổi tối lành lặn không thương tích. Anh cười: “Mai lại mất một chầu kem ngồi giải thích Xích Bích cho các bà ấy nghe. Chắc tối nay chẳng đứa nào để tâm trí mà xem”.

Bỗng nhiên, tôi nhớ bác Yên Ba. Cũng là từ chữ lười. Mẹ nói: “Bác ấy đôi khi cũng lười. Đi ăn cùng bạn bè, bác ấy chỉ ngồi. Mẹ hỏi, sao không ăn. Bác nói chỉ ăn những con gì không còn xương. Và khi bữa ăn kết thúc, kết thúc cả tráng miệng với trái cây hay kem, mẹ phát hiện trước mặt bác ấy hãy còn một chén nước mắm. Nhưng bác chỉ lười những chuyện kiểu như thế. Còn lại, là sống hết mình với những đam mê. Ví dụ sưu tập sách cổ. Sưu tập Tam Quốc. Khi biết ở đâu có cuốn sách quý, bác ấy sẵn sàng đi hàng trăm cây số, xuyên ngày xuyên đêm để mua...”.

Lần đầu tiên, tôi có một đêm trắng rất dài vật vã cho đến sáng trong tiếng rập rập âm bass trên phòng anh, xuyên qua những tấm lót sàn gỗ. Mọi chuyện chạy qua trong đầu như một cuốn phim. Cũng khoái, nhất là với thằng lười, khi mà nằm trong bóng tối với đôi mắt mở thao láo, thấy rõ mình đang nhấm nháp những thước phim tự chiếu cho một mình mình xem.

Tất cả thật bí mật.

*

Bây giờ, tôi hai mươi, học kinh tế ở Malmo, Thụy Điển. Điều mà không ai tưởng tượng và tin nổi với một thằng nhóc lười đã làm được. Tôi giống cái lá, nằm trên một dòng nước lặng, từ từ trôi, đúng phong cách cố hữu của mình, rồi thế nào đấy mà đã ở rất xa nơi chốn thân quen.

Anh trai gọi điện: “Chú. Anh lấy vợ”. “Chị nào? Con Con hay Mèo?”. “Chú còn nhớ chị Hường không?”. “Chị cho anh con Tũn á?”. Lâu lắm rồi, tôi mới gào to như vậy. “Ừ”.

Lúc này, tôi đang đứng dưới một mái hiên hình chóp. Nắng hắt vàng ngoài xa, thấy rõ những con sóc nhỏ nhảy tưng tưng dưới đất rồi ôm cái thân cây già trèo thoăn thoắt. Vài đứa trẻ tóc vàng lăn lộn trên bãi cỏ công viên. Nắng rung rinh qua những lá non trong vắt.

Chị Hường có một cái máy trợ tim trong ngực. Có lần, chị nắm tay tôi, mắt mở to sáng rực, hồn nhiên đặt lên chỗ trái tim rất gần nơi nhạy cảm, tỉnh bơ, như thể tôi không phải là một thằng nhóc đã mười sáu, đã biết thích cô này cô nọ và lén lút xem những cảnh nóng thỉnh thoảng có trong những bộ phim cấm trẻ em dưới mười tám: “Tí thấy không. Máy đang chạy đấy. Em áp tai vào đây, nghe tiếng rò rò không?”. Tôi chỉ để tay chứ không dám áp tai vào nơi ấy của chị, giọng bỗng khàn: “Không có cách nào khác ạ?”. “May còn có nó đấy, không thì chị đã bay vút lên trời”.

Trong số những chị đến nhà tôi, chị Hường chỉ là bạn rất vu vơ, chưa bao giờ thuộc top được anh đặt biệt danh. “Sao lại là chị Hường?”. Anh hỏi lại: “Tại sao không phải chị ấy?”.“Nhưng... chị ấy bị bệnh tim rất nặng”.

“Chính thế. Nếu không, ai lấy chị ấy?”.

*

Tôi không nhớ mình đã ngồi ngoài công viên bao nhiêu giờ. Từ lúc nắng vàng, tới khi tất cả chuyển xám. Chạy dọc theo bãi cỏ, là một dòng sông nhỏ. Chiều đến, từng đàn bồ câu to như vịt trời bay về, đậu trên những mái nhà cổ mốc rêu, ngóng tìm ông lang thang mang đồ ăn tới. Ông già cao, lưng gù, râu ria che hết miệng, thường đạp xe, chở hai cái bao, trong ấy là những đồ thừa nhặt từ các quán ăn hay thùng rác công cộng. Lặng lẽ mở túi vải ném đồ ăn xuống triền dốc cỏ xuôi xuống dòng nước, rồi ông ngồi bệt xuống cỏ. Lũ chim gào thét thảm thiết lao như những mũi tên xuống cướp đám thức ăn đủ loại, nhảy tưng tưng rồi bay tiếp. Có vẻ như họ quen nhau đã lâu, nên chúng nhận thấy ông từ xa.

 Hôm ra sân bay tiễn tôi, vẫn động tác đập lưng quen thuộc: “Ê Lười, anh sẽ tiếp quản cơ ngơi của chú. Bây giờ, thằng Lười sẽ là anh”. “Tất cả là của anh mà. Chó, mèo, cá, rùa... đều của anh mang về đấy chứ. Có phải em đâu. Nhưng Lười là thương hiệu của em, anh không lấy được”. Anh cười, đấm mạnh vào vai tôi một đấm thay câu chào rồi quay đi. Dáng người chắc nịch, da ngăm đen và mái tóc hung hung lẫn dần vào đám đông phía xa, không một lần ngoảnh lại để biết là tôi cứ đứng, nhìn theo mãi.

*

Đến tận lúc này, khi đã đi rất xa khỏi nơi chốn của mình, chân lại duỗi dài khoái cảm, tôi nằm ra bãi cỏ lúc nào không biết.

Tôi đã từng nghĩ sẽ không đi đâu khỏi ngôi nhà sàn gỗ với cơ man các con vật. Cũng nghĩ, chỉ dưới mái nhà mình mới có bình yên. Lại càng tin, là anh sẽ luôn làm những điều anh muốn... Rồi đến một ngày, anh sẽ là người ra nước ngoài và sẽ yêu say mê phụ nữ. Các chị ấy đủ màu da, mái tóc với những biệt danh riêng.

Tại sao phải đi rất xa như thế này, nằm dài trên một bãi cỏ vào một ngày cuối thu, sau bao nhiêu năm, tôi mới nghĩ về anh mình, và cách mà anh ứng xử với cuộc đời này. Và người đi ra khỏi nhà lại là tôi.

 Tôi muốn nằm thế này thật lâu, dù da mặt tê buốt khi bóng tối bao trùm. Tôi thích nghe tiếng bồ câu kêu. Tiếng chuông xe đạp của mấy thanh niên phóng ào qua một ngã tư. Tiếng những chiếc lá cây khô bắt đầu rụng khi một mùa đang qua...

N.T.T.H
Nguồn: Báo Thanh Niên Cuối tuần








 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Tàu cứu nạn (20/05/2014)
Người lau kính (28/04/2014)
Bến yên (24/04/2014)