Tác phẩm hay
Tà kiếm đuôi rồng quật ngược (phần 1)
10:03 | 30/06/2014

FUJISAWA SHUHEI (Nhật Bản)
                       Truyện ngắn

1.
Đền Akakura Fudo(1) cách thành một dặm rưỡi (chừng 6 km) về phía nam. Từ chân núi Akakura vào thung lũng khoảng 20 cho (chừng 2 km) thì đến đền. Chân đàn bà từ thành đến viếng đền rồi trở về nội trong ngày cũng được.

Tà kiếm đuôi rồng quật ngược (phần 1)

Hinokiyama Gennosuke đến đền lúc trời chạng vạng liền vào cầu nguyện, lãnh bùa, rồi vào đại sảnh đường dùng cho khách tĩnh nguyện qua đêm. Mọi năm thì mẹ anh là Yao đến tham bái, nhưng từ mùa thu năm ngoái, bà bị đau chân phải nhờ Gennosuke đi thế, từ đó, việc tham bái trở thành phận sự của anh.

Đền này mở cửa cho chiêm bái tượng thần mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, khách thập phương khắp các vùng chung quanh thành đến tham bái đông nghẹt đường vào thung lũng. Người tham bái vào đền cầu nguyện, lãnh bùa để trừ các loại bệnh tật, ai nấy hết lòng tin tưởng vào sự linh nghiệm kỳ diệu tuyệt vời.

Mẹ Gennosuke chưa bao giờ ở lại qua đêm, còn anh đã đến tham bái hai lần vào mùa thu năm ngoái và mùa xuân năm nay rồi, nhưng lần này mới định tĩnh nguyện qua đêm ở đây.

Trong nhà Hinokiyama, cha của Gennosuke là Yaichiemon ngã bệnh kinh phong phải nằm liệt giường từ ba năm trước, khi Gennosuke nói với mẹ chuyện anh sẽ tĩnh nguyện qua đêm để cầu phước cho cha, mẹ anh vui mừng lắm.

Gennosuke làm việc trong tổ Kỵ mã Cận vệ. Trong cuộc chuyện vãn vớ vẩn trong thành ngày hôm qua, Gennosuke đã tình cờ nói ra ý định sẽ tĩnh nguyện qua đêm ở đền Akakura Fudo. Nghe thế, bạn đồng liêu là Ishige Kazuma mỉm cười tinh quái mà ghé vào tai anh thì thầm một chuyện. Loại tin đồn dâm bôn, khiến Gennosuke bất giác đỏ mặt, nhưng cũng không vì thế mà bỏ dự định tĩnh nguyện qua đêm ấy.

Lúc Gennosuke bước đến đại sảnh đường tĩnh nguyện qua đêm, anh sực nhớ lại lời Ishige đã thì thầm. Bước vào, mới thấy đại sảnh đường đông nghẹt, ngột ngạt hơi người. Ngay phía trước mặt là một màn trúc ở cuối phòng, chỉ có hai trụ đèn lồng được thắp lên, khoảng phòng rộng đầy người thì mờ tối. Thấy có đâu chừng dăm sáu người trang phục theo lối võ sĩ. Anh đã nghe nói nơi này không phân biệt thân phận là võ sĩ, thị dân hay nông dân, ai cũng tự ý tĩnh nguyện qua đêm được.

Người đàn bà ấy bắt chuyện với anh vào lúc trụ đèn sáp được mang vào giữa phòng. Buổi tối, dưới ánh sáng đèn sáp, mọi người bày ra các thức ăn tự mình mang theo mà bắt đầu ăn uống. Có vẻ đây đó có người đem theo cả rượu, có bọn còn ngồi thành vòng tròn, cao giọng hát xướng nữa. Màn ăn uống này trông thật hỗn loạn trong không khí nhộn nhịp náo động.

Gennosuke cũng mở bọc cơm nắm mang theo. Cơm nắm này, người chị là Une đã làm cho anh, chỉ có trái mơ muối lọt vào giữa nắm cơm, thật đơn sơ. Anh đang nhai kỹ miếng cơm ấy, bất đồ, có tiếng đàn bà nói vói sau lưng anh:

“Mời ngài dùng”.

Người đàn bà ấy ngồi xéo bên lưng Gennosuke. Bàn tay nhẹ đưa thức ăn đặt trên lá tre qua cho anh. Cá chép nhỏ nướng vàng rụm. Loại cá chép đánh bắt được ở bờ biển phía tây của lãnh địa, phụ nữ nhà dân chài mang lên thành bán thường ngày.

“Cá mới bắt được nướng ngay sáng nay đấy. Mời ngài cứ tự nhiên dùng”.

Người đàn bà nói, giọng nhu hòa. Lời nói trôi chảy tự nhiên, giọng nói thùy mị, ấm áp, khiến Gennosuke mất đi chút cảnh giác thủ thế đối với người lạ. Mà rõ ràng là Gennosuke đã bị áp đảo bởi vẻ đẹp lồ lộ của người đàn bà ấy. Chừng hăm tư, hăm lăm, có vẻ cùng lứa tuổi với anh. Răng nhuộm đen kiểu phụ nữ nhà võ sĩ. Nghĩa là vợ của võ sĩ nào đấy trong thành rồi.

“Thế này thì quý hóa quá. Xin bái lĩnh, không dám khách khí”.

Nói như thế, nhưng ngón tay Gennosuke vẫn lúng túng trên con cá nướng. Bởi không có đũa.

Thấy thế, người đàn bà bật cười. Tiếng cười trong trẻo, quyến rũ.

“Xin thứ lỗi. Không có đũa, nên phải làm như thế này...”. Những ngón tay người đàn bà khéo léo tự nhiên gỡ cá ra cho anh. “Ở đây, người ta ăn như thế cả đấy”.

Gennosuke vội vàng bắt chước gỡ cá ra.

Thế rồi, không biết từ lúc nào, Gennosuke ngồi ăn đối diện với người đàn bà ấy. Chung quanh ồn ào tiếng cười nói oang oang, chẳng ai để ý đến tình hình của hai người này cả. Đối mặt với Gennosuke, người đàn bà cũng chẳng tỏ vẻ làm bộ làm tịch gì, thản nhiên ăn cơm nắm hình tam giác, gỡ cá nướng, và mời Gennosuke ăn thêm dưa muối. Đôi mắt đẹp, đôi môi nhỏ có hơi dày, trông thật quyến rũ, nhưng có vẻ không kênh kiệu.

Gennosuke hỏi: “Bà thường đến đây lắm à?”

“Thưa không, mới lần thứ hai thôi. Kỳ mùa xuân đã đến tham bái và cũng đã ở lại tĩnh nguyện như đêm nay”.

 “Hẳn là bà có điều gì muốn cầu nguyện khẩn thiết lắm?”

“Vâng”.

“Tôi thì đi thay cho mẹ tôi. Bởi cha tôi bệnh nằm liệt giường đã nhiều năm nay”.

Chuyện trò một hồi, Gennosuke cảm thấy như đúng là mình đã đến đây ở lại qua đêm chỉ vì mục đích khẩn nguyện thần linh ấy thật, chứ không gì khác. Ý tò mò đã ôm trong lòng khi bước lên dốc vào thung lũng, chừng như đã bỏ quên nơi nào rồi.

Mọi người ăn uống xong, trong đại sảnh đường dần dần im lặng. Đêm về khuya, người giữ đền đến tắt nến, chỉ chừa lại một ngọn trong phòng. Lúc đó, phần đông đã nằm xuống, ít ai còn nhỏm người lên.

Nhưng cả hai không ai nằm xuống. Hai người vẫn ngồi tựa lưng vào vách ván trong bóng tối.

Gennosuke nghĩ về người đàn bà bên cạnh mình. Đúng là vợ của võ sĩ trong thành rồi, dám một mình qua đêm ở đây thì thật là can đảm, nhưng có lẽ là vì có chuyện gì đấy cần tĩnh nguyện khẩn thiết lắm. Anh cũng nghĩ về chuyện Ishige đã thì thầm vào tai, là như thế này đây. Nằm xuống đấy có cả đàn ông lẫn đàn bà, nghĩa là nằm ngủ chung đụng hỗn tạp đấy. Bảo là dâm loạn thì quả là không còn cảnh nào dâm loạn hơn. Vậy mà kỳ lạ thay, anh không cảm thấy là chuyện dâm ô gì. Có lẽ vì nơi đây là chỗ của thần linh chăng?

Bên cạnh anh là một người đàn bà nhan sắc thật quyến rũ. Lại ngồi sát bên anh đến nỗi chỉ cựa mình một chút là đụng chạm vào nhau ngay. Bảo anh không bận tâm về điều đó là nói dối, nhưng Gennosuke đang cố giữ cho lòng mình đừng sa ngã. Bởi người ta là vợ của người nào đấy chứ. Vả lại, có thể nói là hầu như Gennosuke đã thỏa trí tò mò kia rồi.

Cái đêm lạ lùng này qua dần.

Thế nhưng, phải nói là phán đoán của Gennosuke đã quá ngây thơ! Anh chợt để ý là từ từ có người len lén nhỏm dậy, ra bên ngoài. Đấy, lại có dáng một người đàn bà lẻn ra. Rồi một người đàn ông nhỏm lưng lên, đứng dậy, bước ngang qua những người đang nằm ngủ, mà bước ra theo. Như cái bóng lướt đi không có tiếng động.

“Họ làm gì thế?” Gennosuke nghiêng người thầm thì hỏi người đàn bà. “Họ đi đâu thế nhỉ? Có lẽ bên ngoài có chuyện gì đấy chăng?”

“Có lẽ đi ngắm trăng đấy. Bên ngoài trăng sáng lắm mà”.

Người đàn bà cũng thì thầm đáp lại. Rồi bất ngờ, những ngón tay đan vào bàn tay Gennosuke.

“Ta ra ngoài xem sao nhé?”

Gennosuke rùng mình. Anh nhớ lại lời thì thầm và nụ cười dâm đãng của Ishige.

Đền Akakura Fudo được xây ở chỗ có địa hình tuyệt vời, chứng tỏ độ chính xác cao của mắt người thiết kế xây dựng. Con đường dốc hẹp qua thung lũng dẫn đến khoảng đất bằng phẳng rộng rãi. Khu đất trống được cắt cỏ giữa các thân tùng và tuyết tùng, ban ngày từ đây có thể nhìn qua các thân cây tùng mà thấy những ruộng đồng, làng xóm quanh thành trải rộng xa tắp phía dưới.

Gennosuke lần theo sau người đàn bà băng ngang khu vườn cỏ trước tòa nhà, bước vào đường phía trước đấy, hai bên trồng cây lớn. Nghe tiếng lá khô xào xạc dưới chân. Ánh trăng chiếu qua đám lá cây tỏa sáng mặt đất. Qua khỏi đám cây là đến bìa của khoảng đất bằng phẳng, ánh trăng trắng xanh chiếu loang loáng trên núi non chập trùng trải rộng bao la.

“Ngài nhìn thấy chưa?”

Người đàn bà quay lại hỏi. Ánh trăng chiếu lên khuôn mặt đang nở một nụ cười tinh nghịch. Gennosuke nuốt nước miếng đánh ực.

Dưới ánh trăng loang loáng, nơi gốc cây, hay ẩn hiện sau đám lau giữa các cây lớn, hình dáng từng cặp trai gái ôm ấp nhau, đập vào mắt Gennosuke. Nghe cả tiếng đàn bà rên rỉ cuồng loạn.

Vậy mà kỳ lạ thay, vẫn không tạo ấn tượng dâm bôn, có lẽ vì ánh trăng sáng rỡ ràng quá. Gennosuke lại có cảm giác đang nhìn thấy khung cảnh kỳ ảo bao phủ ánh trăng và không khí núi non thư thái khác hẳn chốn nhân gian trần tục dưới kia, từng cặp trai gái đang bôn phóng cởi mở tâm tình vui hưởng yến tiệc của khoái lạc ái tình.

Mà sự thực thì đầu óc Gennosuke đã tê liệt đâu từ trước rồi. Anh đờ đẫn nhìn khuôn mặt người đàn bà.

“Nghe đâu trai gái qua đêm ở đây, xa rời những quy tắc gò bó dưới quê trong một đêm, để tự do ân ái với nhau đấy. Ngài không biết như thế sao?”

“...”

“Quả thật, dưới ánh trăng như thế này...” Người đàn bà ngước lên nhìn trời. Rồi quay lại, nhanh nhẹn nắm tay Gennosuke, đan ngón vào bàn tay anh. “... nếu hoài thai được đứa con của ngài, thì hạnh phúc biết bao!”

“...”

“Ngài Hinokiyama Gennosuke, kiếm sĩ phái Unkou đấy nhỉ? Em biết chứ!”

“Thế còn bà là ai?”

Gennosuke hỏi, nhưng người đàn bà chỉ lắc đầu nhẹ. Rồi đột nhiên như mất hết sức lực mà ngã người lên ngực Gennosuke. Hương hoa thơm ngát bao phủ toàn thân anh.

2.

Sakabe làm chức trưởng tổ, là cấp trên của Gennosuke. Gần đây nghe đồn là người vài năm nữa thôi sẽ lên chức Trung lão(2), tuy mới ở tuổi tráng niên bốn mươi hai. Mỗi tháng chừng ba lần, ông đến võ đường của phiên trấn, gọi là Lệ vũ quán ở khu Sannomaru trong thành để Gennosuke tập kiếm cho. Hiện giờ, phiên trấn có Hattori Juzaemon làm thầy chỉ đạo kiếm thuật, dạy kiếm phái Itto (Nhất Đao), nhưng trước đây, đã có cha Gennosuke là Yaichiemon cùng làm thầy chỉ đạo kiếm thuật với Hattori. Vì thế, sau khi Yaichiemon ngã bệnh thì những môn sinh đã học kiếm theo phái Unkou (Vân Hoằng) vẫn định ngày mà đến tập với Gennosuke. Trong số đó có trưởng tổ Sakabe.

Gennosuke đã sớm nổi tiếng là Kirinji (kỳ lân nhi) của nhà Hinokiyama, từ năm mười tám tuổi đã làm thầy dạy kiếm giúp cha rồi. Sau đó không bao lâu, anh được phiên trấn chọn vào làm trong tổ Kỵ mã Cận vệ, nên phải rời chuyện dạy kiếm ở võ đường, tuy nhiên không ai không biết Gennosuke là người thừa kế chính thống của dòng dõi kiếm khách Hinokiyama. Vì thế, sau khi cha anh ngã bệnh, các kiếm sĩ yêu chuộng kiếm pháp của phái Unkou bắt đầu tìm đến anh để học kiếm.

Hết tập kiếm thì Sakabe trở lại là cấp trên của anh. Tuy chẳng thấy tiến bộ gì rõ rệt, nhiệt tâm thì ông ta có nhiều.

Thân thể mập mạp, tính tình cởi mở, trong phiên trấn được nhiều người mến thích nên họ đang vận động cho Sakabe ra nắm quyền cai trị phiên trấn.

“À này, từ lâu rồi, ta đã định hỏi chút chuyện...” Đột ngột, Sakabe hỏi. “Nghe nói phái Unkou có kiếm pháp bí truyền gọi là Đuôi rồng quật ngược, phải không nào?”

“Thưa, có. Nhưng mà...” Gennosuke nhìn Sakabe chăm chú mà đáp. “... đấy không phải là kiếm pháp bí truyền của phái Unkou, mà do cha tôi là Yaichiemon sáng tạo ra”.

“A, thế à, thế à”. Sakabe lộ vẻ quan tâm đặc biệt lắm. “Nghe nói là kiếm pháp bất bại đấy. Có phải môn sinh nào nhận được ấn chứng thì được dạy cho không?”

“Thưa, không hẳn như thế. Cha tôi bảo là tùy người mà truyền thụ hay không”.

“Thế kia à! Đúng là kiếm pháp bí truyền!” Sakabe kêu lên nho nhỏ.

Nhưng Gennosuke có chút thắc mắc. Quả đúng là cha anh đã hội đắc được một kiếm pháp bí truyền đặt tên là Đuôi rồng quật ngược thật, thế nhưng chắc chắn chỉ có vài ba người kể cả anh, được biết có bí kiếm ấy mà thôi. Bởi cha anh cực kỳ giữ bí mật, không muốn lộ ra ngoài.

Sakabe lộ vẻ bối rối. “Có kẻ đến gặp ta, bảo là muốn được tỉ thí với cậu đấy. Cứ kì kèo mãi thôi! Tất nhiên là ta đã từ chối thẳng thừng rồi. Kẻ ấy cho biết chuyện bí kiếm đấy”.

“Có phải kẻ ấy là Akazawa không ạ?”

“À. Gần đây lại có con trai quan Trung lão Toda vào học ở võ đường của hắn nữa, nên hắn càng mạnh miệng yêu cầu hơn, khiến ta cũng không biết nói sao. Có lẽ hắn nhắm chuyện đánh thắng cậu để được chọn vào làm việc cho nhà Lãnh Chúa đấy. Nhưng tên này rắc rối lắm!”

Gennosuke cũng nghĩ đó là mục đích đương nhiên của Akazawa rồi. Anh nhớ lại hình dung của hắn, Akazawa Yadenji, mà anh gặp chỉ một lần.

Khoảng bảy năm trước đây, tình cờ mà Akazawa đã đến thành này, thuê một ngôi chùa bỏ hoang ở xóm Mochizutsu, dựng lên tấm bảng Võ đường dạy kiếm phái Itto. Khoảng thời gian đầu chẳng có học trò nào, Akazawa có lúc phải làm cả chân chạy việc trong các xóm gần thành, nhưng dần dần có được vài môn sinh, Akazawa bắt đầu chọn các võ đường trên phố mà thách đấu. Trong số ba võ đường trên phố, hai đã nhất quyết từ chối, chỉ có Kagami Kibee chủ võ đường phái Fuden đã nhận lời thách đấu. Trận tỉ thí diễn ra ở võ đường Kagami, Akazawa đã phô diễn kiếm kỹ dũng mãnh, đè bẹp Kagami. Nhờ trận đấu ấy, danh tiếng Akazawa tức thì vang dậy, đồng thời Kagami đã vì thương tích do trận đấu ấy mà chết, nên Akazawa đã tạo ra ấn tượng có màu rùng rợn. Tuy có lẽ Akazawa vốn là người có bản tính quái gở, nhân trận đấu với Kagami mà biểu lộ ra đó thôi. Và cũng có người lại ưa thích sự quái gở như thế nên sau trận đấu với Kagami, võ đường của Akazawa lại có nhiều môn sinh vào học. Sau đó, Akazawa đã làm chuyện khiến người ta chú ý là nhờ người thách thức cả thầy chỉ đạo kiếm thuật của phiên trấn là Hattori Juzaemon. Tất nhiên Hattori từ khước. Hattori mỗi năm vài lần sửa chữa tay kiếm cho Lãnh Chúa, và biểu diễn kiếm thuật cùng các môn sinh trước Lãnh Chúa. Ông ta không việc gì phải nhận lời thách đấu của chủ một võ đường tầm thường trong làng xóm. Người trung gian chuyển lời thách thức ấy đến Hattori là Okada Yanai cùng cấp trưởng tổ với Sakabe, vì chuyện này mà đã bị quan Gia lão quở trách.

Akazawa ấy lần này lại nhắm đến Gennosuke. Khoảng mùa xuân năm nay, hắn đã trực tiếp đến nhà Hinokiyama ở xóm Karamono thách thức. Tất nhiên, Gennosuke thẳng thắn từ chối. Gennosuke tuy đúng là người thừa kế môn phái Unkou đấy, nhưng lại chẳng phải là chủ võ đường gì, mà chỉ là một phiên sĩ làm việc trong thành, thân phận bị bó buộc vào quy tắc của thành. Võ đường của cha anh tuy vẫn còn đó nhưng từ khi ông bị ngã bệnh thì đóng cửa, hiện thời thỉnh thoảng mới có các môn sinh cũ của ông như Satomura đến tập luyện cho ra mồ hôi mà thôi. Thế nhưng chẳng phải vì thế mà Akazawa chịu bỏ cuộc, hắn sau đó vẫn lặp đi lặp lại chuyện thách Gennosuke đấu kiếm qua trưởng tổ Sakabe. Sakabe lấy lý do rằng cha Gennosuke là Yaichiemon cũng đã là thầy chỉ đạo kiếm thuật của phiên trấn để từ chối rồi, nhưng hôm nay Sakabe lộ vẻ bối rối như thế có lẽ là vì quan Trung lão Toda Oribe đã can thiệp vào chuyện này. Từ lối nói của Sakabe mà xét, có thể nghĩ là đã có chuyện như thế. Toda là người hẹp hòi, chú tâm dai dẳng vào chuyện gì ông ta muốn làm cho kỳ được mới thôi. Có lẽ từ điểm chung đó mà ông ta dễ câu kết với Akazawa.

“Mà thôi, chuyện đâu còn đó...”

Sửa áo quần cho ngay ngắn, bước ra khỏi võ đường Lệ vũ quán, Sakabe trở lại vẻ mặt tò mò lúc nãy.

“Ta muốn được xem kiếm pháp bí truyền Đuôi rồng quật ngược ấy một lần cho biết”.

Gennosuke mơ hồ dự cảm rằng có lẽ sẽ không tránh được chuyện phải nhận lời thách đấu của Akazawa. Ấn tượng về hắn mà chỉ nói gọn một lời, thì không còn chữ gì ngoài “kiếm quỷ”. Cho đến bây giờ, Gennosuke vẫn không quên được sức ép kỳ dị anh cảm nhận khi gặp, nói chuyện với Akazawa. Anh không nghĩ là sẽ thảm bại khi đấu kiếm với hắn. Nhưng anh cũng không tự tin chắc chắn sẽ thắng được. Phải cần đến kiếm pháp bất bại Đuôi rồng quật ngược chăng? Gennosuke chợt rùng mình. Thật ra, chính anh cũng chưa từng thấy bí kiếm ấy lần nào cả. 

3.

Đã nhận ra người đứng tựa vào bức tường đất của chùa, tay bỏ vào túi đó là Akazawa, Gennosuke định làm lơ đi ngang qua. Thấy vậy, Akazawa nhanh nhẹn rời khỏi bức tường, chường ra trước như chặn đường anh lại. Không làm sao hơn, Gennosuke đành dừng lại.

“Có việc gì à?”

“Tất nhiên!”

Akazawa đáp, hai cánh tay vẫn buông thõng.

Chỗ đó khoảng giữa đường dốc lên xóm Karamono, nắng chiếu từ đầu dốc trượt nghiêng xuống. Chẳng bao lâu nữa, mặt trời sẽ khuất phía bên kia dốc. Chỉ còn chút ánh nắng yếu ớt. Quay lưng ra phía ánh nắng ấy, tóc Akazawa dựng đứng lên nhuộm một màu vàng óng. Mặt hắn chìm trong bóng râm, gò má cao gồ lên, mắt ti hí, đuôi mắt xếch, miệng rộng mím chặt lại, hướng thẳng về phía Gennosuke. Thân người hắn cao mà gầy. Áo quần vẫn thô sơ như lần trước anh gặp hắn.

“Có việc gì thì nói nhanh đi. Dù gì đi nữa, chặn đường thế này là chuyện quá quắt đấy”.

Nghe Gennosuke nói thế, Akazawa bật cười, rồi hạ giọng nói:

“Chuyện này, ta không muốn người khác nghe...”

“...”

“Ta thì chẳng sao, nhưng phía ngươi thì phiền đấy”.

Gennosuke làm thinh, đăm đăm nhìn đối phương. Anh chẳng hiểu hắn nói đến chuyện gì. Có vẻ chẳng phải Akazawa chận đường để lặp lại chuyện thách đấu.

“Người đàn bà ấy là vợ ta đấy”.

Akazawa đột ngột nói thẳng.

“Ta nói thế, ngươi nhớ ra rồi chứ gì?”

“Chuyện gì kia?”

Gennosuke hỏi lại, nhưng mặt anh tái xanh ngay. Lời Akazawa khiến anh hiểu ra. Akazawa nói đến người đàn bà mà anh đã gặp ở đền Akakura Fudo. Đêm ấy, sau khi chia sẻ với người đàn bà giờ phút ngọt ngào chơi vơi giữa mộng và thực, Gennosuke đã trở lại đại sảnh đường nằm ngủ. Lát sau, người đàn bà cũng trở lại, nằm úp sát như dính vào lưng anh. Nhưng sáng ra, Gennosuke thức dậy thì không thấy người đàn bà ấy đâu nữa.

Từ đó đến nay đã mười ngày qua. Mười ngày qua rồi, hình ảnh người đàn bà ấy vẫn không phai nhạt đi, mà ngược lại, còn in đậm hơn trong tâm khảm Gennosuke. Lúc ấy, anh đã nghĩ rằng chuyện chỉ xảy ra ở đấy rồi thôi, nên đã không gắng hỏi cho ra tên họ, thân thế của người ấy, nhưng bây giờ, anh lại ân hận đã không hỏi. Lòng anh mang một nỗi hoài vọng tha thiết về người đàn bà ấy. Anh chắc chắn rằng người ấy là vợ của võ sĩ nào đấy trong thành. Nếu thế thì cũng có thể có ngày cùng đi trong phố mà gặp lại nhau được. Đó là niềm hy vọng mong manh còn lại cho anh. Dù sao, người ta là vợ của ai đấy rồi. Gặp nhau lần nữa để làm gì thì anh không biết. Chỉ tha thiết muốn gặp lại mà thôi. Đêm ân ái ngọt ngào trên núi ấy lưu lại dư âm nồng đậm trong lòng anh.

Huyễn tưởng ấy đã bị lời nói của Akazawa đập vỡ tan tành.

“Ngươi đã ngủ với vợ ta chứ gì”. Akazawa tiếp tục nói lời trắng trợn. “Khỏi phải trả lời! Không trả lời thì ta cũng đã biết rồi”.

“Ai đã nói như thế?”

Im lặng một hồi, Gennosuke hỏi thử như thế. Mặt anh lại đỏ lên. Hẳn là đã có kẻ nào dòm thấy hành vi của anh với người đàn bà ấy rồi. Anh nhớ lại lẫn lộn trong đám người ở lại qua đêm ấy, đã có vài người võ sĩ trong thành mà. Chỗ bọn ấy cách xa anh nên không nhận ra được là ai, nhưng có lẽ trong số đó có kẻ đã chú ý theo dõi anh và người đàn bà ấy rồi.

“Ai nói à?” Akazawa cười nhe răng trắng nhởn, có vẻ chế nhạo. “Chính vợ ta đã khai ra đấy. Còn gì chắc chắn hơn nữa đâu!”

“...”

“Nào, ngươi tính sao đây?”

“Thế ngươi muốn gì?”

Gennosuke hỏi lại, chợt đâm ra thắc mắc.

“Muốn gì à?” Đôi mắt ti hí của Akazawa nhìn như đâm vào mặt Gennosuke. “Ngươi đã ngủ với vợ ta. Thông thường thì khỏi cần nói gì, cứ chém chết ngươi đi là được, nhưng ta không làm thế đâu. Ta đã thách đấu rồi đấy. Nhận lời đi! Dùng trận đấu kiếm thông thường để giải quyết là được”.

“...”

“Sao nào? Không còn dị nghị gì chứ?”

“Ngươi gài bẫy ta phải không?”

Gennosuke nói, giọng sắc nhọn. Anh đã hiểu ra mưu toan của Akazawa. Đồng thời cảm thấy lạnh sống lưng, ngán sợ cho sự lì lợm dai dẳng của tên đàn ông này. Vì muốn tỉ thí với phái kiếm Unkou mà hắn đã dùng cả thân thể của vợ hắn để gài bẫy anh!

“Gài bẫy à? Đừng nói lời khó nghe thế chứ!” Akazawa nói, giọng có vẻ lấn lướt trên chân. “Mà ngươi muốn nghĩ như thế thì cứ tự nhiên. Dù ngươi có nghĩ thế nào đi nữa, cũng không gột rửa được tiếng xấu đã thông gian với vợ người đâu”.

“...”

“Cho ngươi được giải quyết chuyện này bằng trận đấu kiếm, là nhã ý của ta đấy. Nếu ngươi không chịu nhận, ta sẽ loan truyền chuyện xấu xa ấy ra cho mọi người biết”.

“Đồ vô liêm sỉ!”

“Ngươi cảm thấy xấu hổ, chứ ta thì không. Nếu cần, ta sẽ làm ầm lên cho xấu mặt ngươi. Hiểu chưa?”

Akazawa vừa nói vừa quay ngang.

“Khỏi phải trả lời ngay bây giờ. Sẽ có Sakabe chuyển lời thách đấu một lần nữa, lúc đó hãy can đảm mà nhận lời đi nhé. Thôi, ta đi đây”.

Gennosuke đứng sững nhìn theo. Anh hiểu là không còn cách nào thoát được nữa, dù rất muốn tránh chuyện đấu kiếm với đối thủ như thế. Không biết có thể thắng được hắn không?

Gennosuke chầm chậm bước lên dốc. Khuôn mặt trắng ngà của người ấy hiện lên trong trí anh. Khuôn mặt của người đàn bà muốn thỏa mãn ý muốn của chồng mà đang tâm giao phó thân thể mình cho một người đàn ông khác. Một người đàn bà đáng xấu hổ. Nhưng sao lòng anh vẫn không thể căm ghét người đàn bà ấy được.

Phạm Vũ Thịnh dịch
Nguồn: Daibieunhandan.vn


-----------------------
(1) Fudo Myo-o (Bất động Minh vương) là Thần Lửa, vị thần chính trong Godaimyo-o (Ngũ đại Minh vương) được thờ trong đền Akakura Fudo, cao nguyên Myoko, tỉnh Niigata.   
(2) Trung lão: Churo, cấp quan cao thứ nhì, ngay sau cấp Gia lão.







 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Các bài đã đăng
Tàu cứu nạn (20/05/2014)