Tác phẩm hay
Bà cụ Cần và bầy chim sẻ
14:28 | 09/08/2016

“Những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao…”.

Bà cụ Cần và bầy chim sẻ
Minh họa của Trung Dũng

MA VĂN KHÁNG

Truyện ngắn
 

Thực tình là thoạt đầu, trong lũ sinh vật có cánh biết bay, bà cụ Cần đâu để ý đến những con chim sẻ.

Bà cụ Cần, một người đàn bà nhà quê, tính tình hóm hỉnh, thực tình chỉ quan tâm đến con quạ, gã lang thang ranh mãnh, chuyên ăn trộm trứng gà; và sau nữa là con diều hâu, tên biệt kích mặc áo nâu, cao thủ trong nghề bay liệng, chuyện bắt cóc gà con. Diều hâu mày lượn cho tròn. Đến mai ta gả gà con cho mày. Nhưng đó là thời gian bà sống ở làng quê. Một làng quê Việt điển hình. Nơi có đồng ruộng làm ra hạt lúa. Có lũy tre xanh. Nơi trầm tích một nếp sống văn hóa cổ xưa. Nơi có nhiều đình chùa miếu mạo, sầm uất một đời sống tâm linh. Ngày xuân có lễ tịch điền, tháng năm giã bánh dày ăn Tết Đoan Ngọ, tháng bảy mở lễ Vu Lan, có tục cúng cháo thí, đốt vàng mã và lễ phóng sinh thả chim cứu khổ cứu nạn mỗi khi con người bệnh tật ốm đau. Còn các bà già khi mất thì được các con cháu làm lễ triệu vong đưa lên chùa để thành vãi làng và vãi nhà chùa.

Còn bây giờ thì bà cụ Cần lên thành phố ở với anh con trai tên Thuận, một bác sĩ, một tín đồ của chủ nghĩa thực nghiệm và duy lý triệt để. Mẹ bỏ ngay cái túm lá hương nhu gài trên khăn đi. Đau ở đâu thì bảo con cho đi chụp chiếu xét nghiệm và cấp đơn. Thuốc âu Mỹ thiếu gì mà cứ chườm ướp ba cái lá lẩu hương nhu với ngải cứu xằng xịt là thế nào! Lý do anh con trai quyết đưa bà mẹ nâu sồng lên thành phố là để cho mẹ được hưởng thụ trọn vẹn một đời sống thật sự văn minh sung sướng. Còn động cơ bà cụ lên ở với con trai là để đỡ đần anh. Bốn mươi tuổi rồi mà anh vẫn còn mải mê lặn lội trong nghề cứu người, vợ con chưa hề nghĩ tới.

Ở thành phố tất nhiên là không còn thấy bóng dáng quạ và diều hâu, hai tên đạo tặc dạn dày quỷ quyệt ấy nữa. Nhưng các giống chim thì không thiếu. Thành phố vẫn không xa rời gốc gác thiên nhiên của mình. Nhà nhà, nếu không nuôi yểng, họa mi, thì cũng sáo, bạch yến. Còn khi mùa xuân về thì đầy trời đan dệt đường bay của những con én cánh nhọn. Chưa kể bồ câu thì lúc nào cũng nghe thấy tiếng gù ấm áp của các cặp uyên ương và tiếng vỗ cánh rộn ràng của chúng.

Chim sẻ là giống chim bà lão Cần biết chậm nhất. Cũng là một sự tình cờ. Thuận, bác sĩ đi chống dịch sốt rét ở Tây Bắc về, đem theo một túi gạo đồng bào Thái tặng. Gạo nương giã dối. Vẫn là cái thói quen từ ngày ở làng, bà cụ Cần đi chợ mua một cái giần, một cái sàng và một cái mẹt về. Từng nắm gạo được bốc ra. Việc sàng sảy bắt đầu. Nắm gạo xoay tròn trên cái giần cái sàng rồi tiếp đó nẩy rào rào trên cái mẹt. Để rồi cuối cùng, các hạt thóc lép, các vẩy trấu cùng bụi cám và các hạt tấm li ti lần lượt dồn hết ra bờ rìa; và sau một cái hất tay nhẹ nhàng của bà cụ, đồng loạt rơi xuống và phủ lên khoảng sân một lớp bụi ưng ửng sắc vàng.

Chính lúc ấy bà cụ nghe thấy những tiếng vỗ cánh mềm mại và sau đó là tiếng kêu lích rích rất vui tai của những con chim bé xíu, lông nâu điểm những sọc đen. Những con chim sẻ quen thuộc từ ngày bà còn ở làng quê.

*

Những con chim sẻ bé nhỏ quen thuộc từ hốc nhà bay xuống khi bà cụ Cần sàng sảy gạo. Những con chim sẻ hằng ngày ríu ran trong các mảnh vườn ổi, vườn cam, vườn nhãn. Những con chim có bộ lông nâu pha xám treo mình như những quả chuông trên những cọng lúa đang chín vàng. Những con chim mỏ sừng đen nhánh túc tích trong những chân rạ ải tìm bắt sâu bọ. Những con chim tụ họp cả bầy, đông như một nắm bụi bay tung tóe lên từ những vườn hoa thành phố, từ những thảm cỏ xanh trên dải phân cách giữa đại lộ mỗi khi có một chiếc ô tô rú còi inh ỏi chạy qua. Những con chim sẻ từ các khu đồng sau vụ gặt ở ngoại thành bay về, đậu cả loạt làm thành một hình tượng trang trí trên các mái nhà cao tầng, yên bình rỉa lông cánh, để lộ lớp lông tơ trắng mờ ở phần bụng. Những con chim sẻ tắm cát, một dấu hiệu của cơn bão lũ sắp về. Những con chim sẻ đã giúp cô Tấm nhặt thóc ra thóc gạo ra gạo để cô kịp đi dự lễ hội vua mở trong cổ tích Tấm Cám. Những con chim sẻ hiền lành tốt bụng.

Ôi, những con chim thân thuộc, đông đảo và tầm thường như đại đa số chúng sinh. Nhìn chúng mải mê nhặt những hạt tấm hạt cám, phần lương thực loại bỏ mà bà cụ Cần bỗng chạnh lòng. Đồng ruộng trong xu thế đô thị hóa đang thu hẹp dần, nhường chỗ cho đường sá và các khu công nghiệp. Thóc gạo hiển nhiên sẽ chẳng còn dư dật. Và như vậy là từ hôm ấy, trong khi thực hiện một công việc hữu ích là chăm chỉ sàng sảy phần gạo ăn hằng ngày của hai mẹ con và tiếp đó, khi tình thương mến đã thành một nếp sống, lại đóng thêm vai kẻ chăm lo việc sàng sảy cho các gia đình láng giềng, bà cụ vẫn thầm lặng đóng thêm vai: kẻ cung đốn lương thực cho bầy chim. Chà! Lương thực cho bầy chim! Thì tấm cám sàng sảy ra đấy. Và cả những hạt cơm nguội ăn chẳng hết của mình, của hàng xóm, phơi khô để dành nữa đấy còn gì! Người đi châu âu về thường ca ngợi cảnh bọn bồ câu, chim sẻ bên đó dạn người đến mức có thể sán đến mổ hạt kê hạt lúa mạch hay bỏng ngô trên tay du khách. Thì ở đây, bồng lai tiên cảnh nọ hằng ngày chẳng vẫn diễn ra trên mảnh sân nhà bà cụ Cần đó sao!

Cho đến một hôm. Đang cho lũ chim ăn, bà Cần bỗng nghe thấy một tiếng quất rất đanh trong gió. Đàn chim nhận ngay ra tiếng động cùng mối hiểm nguy, đồng loạt vụt bay. Giật thót mình, quay lại bà cụ nhận ra một gã đàn ông cao lớn râu ria xồm xoàm như người nguyên thủy, mặc đồ rằn ri, tay cắp một khẩu súng hơi Tiệp Khắc đang đủng đỉnh đi vào vuông sân nhà mình.

– Chào bà cụ có tấm lòng thơm thảo.

– Không dám, chào ông. Ông nói kháy gì tôi vậy, hả ông chuyên nghề sát sinh?

– Hừ, đàn bà lanh lảnh tiếng đồng. Một, hẳn chiều chồng, hai, thật quý con. Tôi tin, bà là người như thế!

– Vậy tôi hỏi ông…

Không để bà cụ nói hết, gã săn chim đã ngả cái mũ cát két da, xoa cái đầu hói, cười hà hà đầy vẻ tự tin:

– Nói ngay không cần chỉnh đây. Bà lão ơi, bà nuôi bầy chim sẻ, bà có biết như thế là bà đang nối giáo cho giặc không? Người xưa gọi chim sẻ là một lũ tiểu nhân để phân biệt với người quân tử. Chúng là một lũ bất trị. Người Nhật Bổn có câu thành ngữ: Chim sẻ biết chọi nhau là lũ chim chẳng biết sợ ai. Ưu điểm duy nhất của chúng là khi chúng lên đĩa, lúc ấy chúng có tác dụng bổ thận tráng dương, bà ạ.

Lui lại một bước, hai con mắt bà cụ Cần nghiêng nghiêng nhó nháy:

– Ông nói gì mà nghe ghê răng thế! Nhưng ông đi săn chim ơi, ông có biết ông đang ở cái thế nguy cấp không?

– Thế gì mà nguy cấp vậy, hả thơm thảo bà lão ăn thừa?

– Thế thì ông không biết chuyện cổ này rồi. Con ve sầu đang bị con bọ ngựa rình ăn thịt. Nhưng con bọ ngựa đâu có biết nó đang bị con chim sẻ sắp bắt làm mồi. Trong khi đó, con chim sẻ đâu có biết một gã đi săn đang giơ súng ngắm nó. Nhưng cuối cùng, ác hại chưa, gã đi săn ngu đần quá vì không biết có con cọp đang sắp vồ mình.

– Ha ha… Xem ra bà lão quê mùa cũng là con người ứng biến khôn ngoan đây. Vậy thì hôm nay tôi chịu thua bà. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng có trách nhiệm nói cho bà biết. Rằng lũ chim sẻ hoang dã này chính là giống chim phá hoại mùa màng khủng khiếp nhất. Thành ra, có nơi cả nước người ta hơn một tỷ dân đã đồng loạt mở chiến dịch tiêu diệt chúng. Cả tỷ tỷ con đã bị người ta giết chết đấy, bà ạ. Mà chúng đâu phải là loài chim đẹp đẽ mỹ miều gì cho cam. Tổ tiên chúng cách đây một trăm tám mươi triệu năm chỉ là loài bò sát gớm guốc như con cá sấu, con thằn lằn ấy, bà có biết không?

Trút một hơi ra mấy câu nọ, gã săn chim quay đi, nhưng được vài bước đã quay lại, trề môi:

– Mà nói cho bà biết, liệu bà có chống nổi những kẻ bẫy chim đang bán cả lồng chim mấy chục con ở đầu phố nhà bà không? Đó, ở ngay đầu phố bà ở đấy. Ra mà xem!

*

Tất nhiên là bà cụ Cần có lạ gì những con chim sẻ. Nhưng làm sao bà biết được tất cả những điều mà gã đi săn chim nói về giống loài chim này. Có được học hành nhiều nhặn gì đâu mà bà biết rằng cách đây một trăm tám mươi triệu năm, để thích nghi với sự biến đổi của hoàn cảnh sống, loài bò sát trên trái đất này đã dần dần biến hóa thành loài chim hiện nay. Khi đó, những chiếc vảy của chúng biến thành lớp lông vũ và các chi trước thì biến thành đôi cánh. Còn để bay được xa, toàn thân của chúng phải trở nên một khối gọn nhẹ. Và như vậy, chúng cần có một bộ xương rỗng, trong khi đôi cánh sẽ được nối liền với bộ xương nơi bả vai bằng những đường gân chắc khỏe.

Bà cụ Cần xấp xỉ bảy mươi, người nhà quê cũng làm sao mà biết được những con chim sẻ này thuộc bộ sẻ, theo sự phân loại của các nhà điểu học. Bộ này gồm rất nhiều loài sống phổ biến ở nước Anh. Rằng sẻ là giống chim ăn tạp, cả thóc lúa lẫn sâu bọ. Chúng là loài sinh vật khá thông minh. Bắt bảy con sẻ, cho đi xa 650km, thế mà có đến năm con tìm được về tổ cũ. Các nhà khoa học đã làm thí nghiệm như thế! Chưa hết! Sẻ là loài chim bay đường trường rất giỏi. Khi mùa xuân về, hàng vạn hàng ức con bằng đôi cánh nhỏ bé của mình đã làm cuộc lữ hành từ Nam Phi về tận Anh, và kỳ lạ là chúng về đúng nơi chúng đã làm tổ năm trước.

Bà cụ và bầy chim sẻ  1
Minh họa của Thúy Hằng

Tất nhiên là từ hồi còn trẻ bà cụ Cần có nghe người ta nói tới một thảm họa rất kỳ quái đã xảy ra với bầy chim sẻ ở một đất nước phương bắc nọ. Nhưng chuyện cũng đã lâu rồi. Và bây giờ thì bà đâu có biết, chính là nhờ tập tính bay xa mà trong lũ chim đến ăn ở sân nhà bà có nhiều con là hậu duệ của những con chim đã thoát chết sau chiến dịch tiêu diệt chim sẻ ở đất nước nọ. Chính xác là bầy chim sẻ thoát chết này đã làm cuộc tháo chạy có một không hai trong hành trình lịch sử giống loài, một cuộc thiên di ai oán chưa từng có. Chúng đã vượt hàng ngàn cây số. Trời ạ! Là bởi vì đó là những ngày náo loạn ở thế gian. Từ đâu không biết tung ra cái thông tin rằng chúng là đầu sỏ của mọi sự thất bát mùa màng. Và thế là khắp mặt đất liên tùng tục như có sấm giật chớp rung. Trống chiêng, thanh la, não bạt cho đến nồi niêu xoong chảo, tất cả những gì có thể phát ra âm thanh đe dọa đều lên tiếng. Hoảng loạn và trên thực tế là không còn nơi cư trú neo đậu, hàng tỷ tỷ con chim sẻ đã chết. Chết vì sợ hãi, vì đói khát, vì không có một hốc cây bụi rậm nào để trú ẩn, để nương thân. Chao ôi, trận tàn sát kinh thiên động địa kinh khủng đâu có thua cuộc đại hồng thủy tiêu diệt hoàn toàn lũ khủng long khổng lồ, hiển nhiên là sẽ dẫn đến họa diệt chủng, tuyệt diệt hết giống nòi, nếu không có những con chim hiểu ra sứ mệnh duy trì nòi giống của mình, đã vượt qua cuộc vây ráp sát hại bạo tàn của đế chế, thực hiện một cuộc viễn du quả cảm bằng đôi cánh, bay qua những ngọn núi băng tuyết, những sa mạc nắng cháy, về được tới phương nam này; và bây giờ con cháu chúng đang được hưởng ân huệ từ tấm lòng hiền thảo, nhân từ của bà cụ Cần.

Không hay biết những điều rắc rối của khoa học và lịch sử, bà cụ Cần chỉ biết lũ chim sẻ là những con vật bé bỏng, yếu đuối, hiền lành, vui vẻ, rất đáng yêu đáng thương vì chúng thường xuyên bị đói. Bà là một phụ nữ giàu lòng thương yêu. Chồng là liệt sĩ. Bà một mình nuôi con trong tình yêu thương nọ. Và Thuận con trai bà, học hết trung học, chọn nghề y lập nghiệp cũng là thực hiện ý nguyện chia sẻ tình thương, cứu nhân độ thế của bà. Cuối cùng, trong những điều gã thợ săn nói, bà chỉ quan tâm tới một chi tiết: có những kẻ chuyên nghề bẫy chim đang bán cả chục con chim sẻ ở đầu phố của bà. Và bà tức tốc đi ngay tới đó.

*

Không ngờ là có một ông lão bẫy chim sẻ rồi đem bán làm mồi nhắm cho những quán ăn thật! Cũng không ngờ công việc bẫy chim lại đơn giản như thế. Công cụ chỉ là một tấm lưới giăng trên hai chiếc cọc bất thình lình ụp xuống lũ chim háu đói đang ham ăn. Hừ, hóa ra để hủy diệt một sự sống cũng chẳng khó khăn gì thật. Nhưng cũng thật không ngờ, cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Cần và ông lão bẫy chim lại chuyển đổi, tạo nên một tình thế thật bất ngờ. Bất ngờ, đến nỗi, gã thợ săn chim lần này đến sân nhà bà Cần để quyết hạ thủ mấy con sẻ làm thức nhắm, liền há hốc mồm và đứng như trời trồng. Góc sân nhà bà Cần đang giăng một tấm lưới ni lông mảnh như tơ và trong cái lồng để ở hiên đã lúc rúc cả mấy chục con bị bắt làm tù binh rồi.

– Ha ha… Trăm cái hay xoay cả vào lòng là thế đấy! Có phải không, hỡi mụ đàn bà đạo đức giả, miệng nam mô bụng một bồ dao găm kia!

Không một lời đáp trả, bà cụ Cần cứ lẳng lặng với công việc đang làm của mình, như không hề nghe thấy những lời giễu nhại của gã thợ săn. Mặc gã, việc cần làm thì sá gì những kẻ đã vụ lợi lại quen nghề đâm bị thóc chọc bị gạo. Công việc giăng lưới bắt những con chim sẻ của ông lão chuyên nghề bẫy chim từ hôm ấy được sự trợ giúp của bà cụ Cần ở ngay trên mảnh sân bà cụ vẫn sàng sảy, rải thóc gạo và cơm nguội nuôi lũ sẻ ăn hằng ngày.

*

Đó là những ngày thật nặng nề. Bác sĩ Thuận đến bệnh viện từ sớm bửng đến tối mịt mới trở về. Một căn bệnh lạ, thật nguy hiểm vừa xuất hiện ở trẻ em. Trong vòng một tuần lễ đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ. Cả ngành y lao vào cuộc nghiên cứu mà chưa tìm ra nguyên nhân và thuốc đặc trị.

– Thuận à. Con ăn cơm đi. Trông con hốc hác quá. Mẹ biết rồi. Con đang lo. Mẹ có thể giúp gì được con lúc này?

Bác sĩ Thuận bơ phờ trong công cuộc chống trả căn bệnh lạ nọ quay lại, sửng sốt khi nhìn thấy trên tay người mẹ già hiền hậu của mình là những chiếc lồng chim sẻ nho nhỏ, trong đó mỗi chiếc nhốt chừng chục con một.

Cuối cùng thì không chỉ là sửng sốt mà còn là vô cùng kinh ngạc, khi thấy bà mẹ xách mấy cái lồng chim đó đến bệnh viện. Và sau khi hỏi han các cô y tá, bà cụ liền đi đến nơi ba đứa trẻ bị bệnh nặng nhất đang nằm thoi thóp trước tử thần trong lo sợ vô phương cứu chữa của cha mẹ chúng. Tất cả ba đứa trẻ đều mới chỉ tám chín tuổi.

– Bà! Bà làm gì thế, bà?

Các cô y tá cùng kinh ngạc và đồng thanh cất tiếng hỏi khi thấy bà cụ Cần bế từng đứa trẻ ra ban công. Và sau khi làm điểm tựa cho chúng ngồi thì bà cụ lần lượt bảo từng em mở cửa từng chiếc lồng, thả ra tám con chim sẻ đúng độ tuổi của mình, cho chúng bay lên trời.

– Mẹ làm cái trò vớ vẩn gì thế! – Anh con trai bà cụ, bác sĩ Thuận, là người cuối cùng trong bệnh viện biết sự việc này. Chạy đến, khi bà mẹ quê mùa vừa cho đứa trẻ cuối cùng mở cửa chiếc lồng thứ ba và từ đó những con chim sẻ vụt bay ra như những ánh chớp, định trách cứ bà mẹ bằng một câu nói cửa miệng quen thuộc đại loại như thế, nhưng may mắn anh đã kịp thời ngậm miệng.

Lễ phóng sinh, cứu khổ cứu nạn của tấm lòng mẹ từ bi nhân ái khiến anh ngây người, nín lặng. Ngây người nín lặng trước hết vì đang đối diện với một hiện thực siêu tầm, sau nữa là cảnh tượng vỗ cánh bay lên của bầy chim.

Bay lên, bay lên nhẹ nhàng mà khỏe khoắn, những cánh chim sẻ quạt gió, như đang quyết trút bỏ tất cả khổ nạn nhọc nhằn của cõi trần gian. Như đang quyết rũ bỏ ốm đau bệnh tật rủi ro đeo bám rắp tâm hủy hoại sinh mệnh mỗi nhân quần. Những cánh chim nhỏ bé đại diện của sức sống tiên thiên. Những cánh chim hiện thân của những sinh linh bất tử, biểu trưng cho một trạng thái cao đẳng của công cuộc sinh tồn. Những cánh chim, hình ảnh của thiên sứ mang thông điệp thiên định về một hy vọng kỳ diệu và thật sự lớn lao. Hy vọng, sự tròn đầy của cuộc sống, không có nó sao có được sự trọn vẹn nơi cõi đời.

Từ ban công căn phòng bệnh nhân nhìn ra bầu trời, cảnh tượng càng lúc xem càng trở nên huyền hoặc và kỳ vĩ. Vì lúc này không chỉ là những cánh chim sẻ hiền lành, thậm chí tầm thường đã mắc vòng oan nghiệt, đang trong cuộc cởi thoát, biến hóa thành những ảo thể ảo hình. Hòa vào khúc hoan ca của bầy chim sẻ đang thay bà cụ Cần thể hiện tấm lòng nhân ái bao la còn là những con chim thuộc giống loài khác. Đan dệt ngang trời là những sải cánh dài và nhọn như hai mũi tên của bầy chim én. Vi vút những đường bay kỷ hà học là những con nhạn cánh đen ức trắng. Còn những con sáo mỏ vàng, cánh in vệt vôi trắng và lũ chào mào chóp lông nhỏm cao trên chỏm đầu. Và không thể thiếu bồ câu với đôi cánh dày nặng nhưng êm ái và tiếng gù ấm áp thân thương. Những con chim, những sinh vật có cánh đẹp nhất thế gian, các ca sĩ chuyên nghiệp bẩm sinh, đem lại niềm vui, hy vọng và tình yêu cuộc đời cho con người.

M.V.K
Nguồn: Thanh niên Cuối tuần





 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Các bài đã đăng
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Sóng gió Ô Cấp (22/03/2016)
Hoàng tử Rơm (15/01/2016)
Nhập hồn (29/12/2015)
Chữ Z (08/12/2015)