Tác phẩm hay
Cánh thiệp từ Dubi
09:26 | 26/08/2016

Tác giả Amanda Huỳnh (tên thật Huỳnh Thụy Phan Trang) hiện đang sinh sống và làm việc tại Paris, Pháp. Năm 2010, khi chỉ mới 28 tuổi, Amanda đã là một trong những du học sinh Việt trẻ nhất lấy được bằng tiến sĩ, chuyên ngành luật kinh doanh tại Đại học Capitole Toulouse 1, Pháp. Tuy học luật khá khô khan nhưng đam mê của Amanda rất đa dạng. Cô thích vẽ tranh và viết lách. Đến nay, nhiều tác phẩm hội họa của cô đã được trưng bày tại Pháp và Dubai. Riêng cái duyên với nghiệp viết thì ngày 14-7 này tại TP.HCM, Amanda Huỳnh có buổi gặp gỡ, giao lưu và ra mắt cuốn sách đầu tay của mình mang tên Lam, gồm 11 truyện ngắn và tản văn xen kẽ do chính cô thiết kế, vẽ minh họa và trình bày. (MINH TRANG).

Cánh thiệp từ Dubi
Minh họa của tác giả

AMANDA HUỲNH

Cánh thiệp từ Dubi


Hôm nay tôi nhận được một tấm thiệp đặc biệt. Tấm thiệp đến từ Dubi. Dubi chúc tôi những điều hạnh phúc, rằng Dubi luôn nghĩ về tôi với tất cả những thương yêu.

Phía dưới tấm thiệp có chữ ký của Dubi, điểm chỉ bằng dấu mực. Dĩ nhiên không phải là lần đầu tiên tôi nhận thiệp, thế nhưng tấm thiệp như thế này khiến tôi có cảm giác như mình đang ngồi bên bờ một dòng sông mà nước sông trong vắt, chảy qua tâm hồn, để thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhàng mơn man đến lạ.

Tôi gặp Dubi lần đầu tiên ở nhà ông bà Alen và hiểu tại sao mọi người bảo Dubi là đứa xấu nhất trong trại. Nghe đồn khi nhân viên y tế nhặt được Dubi ở một cái cống rãnh nào đó trong lòng thành phố, Dubi đã gần chết đến nơi, chỉ còn da bọc xương, thoi thóp, lông da bong tróc từng mảng.

Và bằng một điều kỳ diệu nào đó không ai biết, sau khi về trại Dubi hồi phục rất nhanh, hớn hở tươi vui như chưa từng sắp xa lìa cuộc đời, như chưa từng đứng gần kề cái chết. Chỉ những mảng bong tróc trên thân hình là không biến mất được, nhìn xa xa có cảm giác như bị ghẻ lở, lồi lõm đến xấu xí, mặc dù vết thương đã lành từ rất lâu.

Có lẽ đó là lý do mà trước đó không ai muốn nhận nuôi Dubi. Đôi lúc chúng ta vẫn phải trả giá cho rất nhiều vết thương đã liền da trong quá khứ. Đôi khi chúng ta sẽ phải đau khổ rất nhiều trước khi chạm được tay vào hạnh phúc của những ngày sau.

Ông bà Alen còn cẩn thận gửi lại cho phụ trách viên một số tiền để họ có thể tiếp tục chăm nom những đứa khác. Dubi được tặng một chiếc vòng ngay khi về nhà, có khắc tên và số điện thoại của ông bà nhỡ khi đi lạc.

Dubi có hẳn một thùng đồ chơi toàn thú nhồi bông, mà sau này Dubi xé rách nát hết, bông bay tá lả trong phòng, ngày nào cũng hút bụi vẫn không hết được. Bạn bè đến chơi nhà thường khen Dubi là hoàng tử của nhà vì trong tất cả những đứa ông bà nhận nuôi, khách quan nhận xét thì Dubi vẫn là đẹp nhất.

Dubi luôn có đồ ăn riêng, loại ngon nhất trong siêu thị, nhưng Dubi chẳng bao giờ động tới. Cứ đến giờ ăn là Dubi ngồi cạnh ông bà, đòi ăn đúng món trong đĩa của ông bà. Ban đầu ông bà thử chối từ, nhưng Dubi cứ nhìn ông bà bằng đôi mắt đầy tha thiết, lần nào ông bà cũng đành nhượng bộ.

Dần dà Dubi ăn như bữa của ông bà, cùng lúc với ông bà, tôm hùm, thịt bê, pâté ngỗng, Dubi nếm đủ cả. Ông bà đi chợ thôi không mua đồ ăn riêng cho Dubi nữa, vì biết có để ra Dubi cũng sẽ làm ngơ.

Dubi ấy mà, có tính cách rất lạ, những đứa trẻ bị bỏ rơi thường sợ hãi sự cô đơn. Chúng quấn quýt mọi người một cách rất tha thiết và đặc biệt. Thế nên Dubi không ở một mình được bao giờ.

Có hôm Dubi ghé nhà tôi chơi, hôm ấy tôi lại có việc ra khỏi nhà vào buổi chiều, tôi đành nhốt Dubi trong phòng khóa trái cửa vài giờ đồng hồ. Thế mà tối về, bà hàng xóm sang gõ cửa ngay, lo lắng, không hiểu vì sao nghe tiếng Dubi nức nở cả buổi chiều rất thảm thiết.

Không chỉ có thế, Dubi trong cơn tuyệt vọng đã gặm rách hai đôi giày và một cái khăn trải bàn mới của tôi. Thương Dubi lắm, nhưng tôi đành phải gửi Dubi về sớm với ông bà Alen vì không thể mang Dubi đi khắp nơi, mà cũng chẳng thể nhốt Dubi ở nhà mãi được.

Vì thế mà từ ngày có Dubi, ông bà cũng chẳng đi chơi đâu xa được, mỗi lần có ý định lại thôi, nghĩ thương Dubi ở nhà côi cút. Nhiều năm nay, cuộc rong chơi của cả nhà chỉ là hành trình từ nhà ra siêu thị, từ đầu đường đến cuối ngõ vào những buổi tối mát trời.

Cuối con ngõ là nhà ông Gil. Ông dọn về khu này một ngày trời hâm hấp nóng. Ông chỉ có một thân một mình. Sau này nghe ông kể ông có một thời tuổi trẻ với những mối tình nông nổi say mê, để đến nỗi người vợ mang con cái bỏ đi với một mối hận thù không thể xóa nhòa được.

Cuộc đời trôi qua nhanh như bóng nắng, đến bên kia dốc của cuộc đời, những người đàn bà say mê cuồng dại, như gió trời, lướt qua không một ai ở lại. Giờ chỉ còn ông thui thủi một mình với những căn bệnh trái gió chuyển trời, đồng lương hưu còm cõi, đêm đêm cô quạnh trước cái giá phải trả của những năm tháng thanh xuân.

Con cái giờ hẳn đã lớn khôn, nhưng nhất quyết không nhìn mặt cha thêm một lần nào nữa. Vợ cũ của ông, bao nhiêu năm qua rồi nhưng vết thương mãi chưa lành được, mỗi ngày lại truyền chút hận vào lòng những đứa con như người ta tưới cây mỗi ngày cho cây lớn. Ông tìm đến gặp bao lần nhưng họ tránh mặt. Những mầm cây mang vết sẹo, lớn lên không thể xóa được bao giờ.

Ông sống ở phố, rồi khi về hưu, lặng lẽ chuyển đến vùng này. Căn nhà ông lọt thỏm cuối con phố, khuất sau mưa phùn gió bấc. Đêm đêm có thể nghe tiếng ông nằm ho sù sụ. Cánh cửa nhà có những tuần dài không ai gõ cửa. Đôi lần thấy ông đứng tựa cửa, nhìn ra phía mưa phùn, không nghe tiếng thở dài rất nhẹ nhưng thấy hơi sương phủ mờ cửa kính.

Hôm ấy ông Gil đi chợ về, ngang qua cửa nhà ông bà Alen, ho gần như quỵ gối. Dubi phát hiện kêu lên inh ỏi, ông bà Alen dìu ông vào nhà, mời ông uống ly nước, chuyện trò suốt buổi chiều. Đêm về ông vui đến không ngủ được. Kể từ hôm đó, chiều nào ông cũng ghé nhà ông bà Alen uống trà.

Bà Alen từ đó sáng nào cũng sang thăm, hút bụi, giặt drap, quét dọn giúp ông. Ông bà Alen đi chợ, thấy gì ngon thì thể nào nhà ông Gil cũng có một nửa. Ông bà bảo tuổi già nương tựa nhau. Dubi chạy tung tăng từ nhà này sang nhà kia như thể hai nhà thông nhau, đều là sân trước sân sau cả.

Tiếng vĩ cầm của ông Gil lại vang lên mỗi chiều. Không ai biết trước đây ông chơi đàn rất hay, tiếng đàn nghe da diết lắm. Có hôm ông Gil còn xung phong nhận nhiệm vụ đi đón Dubi đi chơi, lạc lối mãi không thấy về.

Dubi vốn là phải giữ nhà, nhưng ai bước ngang qua cửa Dubi đều mừng rỡ, thân quen và quấn quýt lắm. Bạn bè đến chơi nhà ông bà Alen, Dubi đều tiễn ra tận cửa, có lần chạy theo, tiễn người ta về đến nhà người ta luôn. Không biết bao nhiêu lần khách lại phải quay xe đưa Dubi về, không thì họ gọi điện bảo ông bà Alen đến đón.

Những buổi chiều, thấp thoáng bóng ông Gil và Dubi, nắng tỏa xuống con đường ấm áp. Lần đầu tiên, sau rất nhiều năm đón Giáng sinh một mình, năm ấy ông Gil đón cùng ông bà Alen và Dubi. Sau món khai vị, ông Gil ngồi nhìn trân trân về phía lò sưởi với đôi mắt đỏ quạch, không biết vì rượu hay vì những ký ức xa xôi nào ấm áp trong quá khứ.

Tay ông run run, khẽ quệt mắt, khói từ lò sưởi chắc bay nhiều. Rồi ông đàn một bản vĩ cầm dài nghe thiết tha và da diết. Tiếng vĩ cầm trong đêm đông bên kia dốc của cuộc đời, nhưng không nghe thăng trầm đơn chiếc. Chỉ là không ai biết đó là bản nhạc cuối cùng của đời ông.

Những ngày mùa xuân, hoa diên vĩ lấm tấm nở rộn ràng con ngõ nhỏ, ông Gil nhập viện, biết mình không sống được bao lâu nữa, khối u trong phổi di căn. Bàn tay ông sưng húp, run rẩy không thể kéo đàn vĩ cầm nhưng vẫn ôm Dubi chặt lắm.

Ông bà Alen thay phiên nhau mang từng bó hoa, đỡ từng cái khăn, ly nước. Mỗi sáng, khi ông Alen mang vào tập đĩa nhạc, cuốn sách hay, bà Alen tranh thủ chạy về dọn dẹp cả hai nhà. Ông Gil nằm viện cả tháng trời mà cạnh nhà vẫn nghe tiếng chim bên bậu cửa ghé mỗi ngày nhặt tìm bánh vụn.

Mùa xuân năm ấy rất đẹp, nắng xiên qua tán cây, lá rợp tầng tầng bên sân xanh biếc. Ông Alen đẩy ông Gil ra hiên, nghe tiếng chim chóc chuyền cành ríu rít, ông Gil thiu thiu ngủ, giấc ngủ cuối cùng thật sâu và đi vào miền tịch lặng. Lúc bà Alen đặt bó hoa cuối cùng bên bậu cửa nhà ông, tiếng chim vẫn gù gù gọi nhau trong nắng xế.

Hôm hỏa táng ông, gian phòng dành cho thân nhân chỉ có ông bà Alen đứng khóc. Nhưng điện thoại của ông bà reng liên hồi và inh ỏi, những đứa con được chưởng khế báo cha mất hiện đang có mặt ở nhà cha kiểm kê tài sản, chúng gọi vì chúng nhớ ngày xưa cha chúng có chiếc đàn piano mà giờ không thấy trong nhà nữa.

Buổi chiều hôm ấy, ông bà Alen đưa ông Gil ra bờ sông, giá của căn nhà đã được niêm yết, lũ con không giữ lại căn nhà làm gì, nó nhắc chúng nhớ lại người cha tội lỗi. Có nhiều người rất xuất sắc trong việc yêu ghét rạch ròi. Tiền và người là hai thứ rất riêng biệt, không nhất thiết ghét cái này phải bỏ luôn cái khác.

Theo luật xứ sở này thì ông Gil không có quyền tước quyền thừa kế của các con, nhưng nghe bảo từ lâu lắm rồi ông đã kịp giấu cho Dubi một món tiền nhỏ trong thùng chiếc đàn vĩ cầm mà ông đã cố tình bỏ quên ở nhà ông bà Alen, trước lúc đi viện. Lúc rải tro của ông trong gió trời bên dòng Garonne xanh biếc, có chiếc tàu thủy đi ngang kéo còi to lắm.

Hẳn là ông Gil đã bắt chuyến tàu này về nơi xa rất xa. Chuyến tàu không mang màu nước mắt và hẳn có tiếng sủa của Dubi inh ỏi trong chiều vắng.

Tôi tự hỏi mình, một con chó mồ côi, được yêu thương, đối xử như một con người, một người không gia đình ra đi trong thanh thản và tình yêu, biết gọi là gì nếu không phải là một điều kỳ diệu. Tôi biết ai đã làm nên những điều kỳ diệu này, những con người thầm lặng sống xung quanh tôi, không thể chỉ mặt, không cần đặt tên, chưa lần nào họ lên tiếng cho những điều họ góp nhặt cho cuộc sống.

Nhưng sự hiện diện lặng lẽ của họ khiến tôi thấy biết ơn cuộc đời. Nhờ có họ, tôi có những buổi chiều thế này, cầm trong tay tấm thiệp phương xa, nhìn ra phía ngoài bầu trời đầy nắng. Nghe như có dòng sông nào chảy qua lòng mơn man mang đến rất nhiều những thanh thản, mướt mát và yêu thương.

Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần





 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Sen trắng (03/01/2017)
Sông cạn (19/09/2016)
Các bài đã đăng
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Sóng gió Ô Cấp (22/03/2016)
Hoàng tử Rơm (15/01/2016)
Nhập hồn (29/12/2015)