Tác phẩm hay
Sen trắng
15:49 | 03/01/2017

“Trinh nữ dâng sen quần áo lụa xanh màu nước hồ thêu bông sen trắng trước ngực và sau lưng.
Đoàn người đi trắng một dải sương trôi. Trên dải sương ấy, nàng Ngọc như bông sen trắng bồng bềnh trên mặt nước...”.

Sen trắng
Minh hoạ: Nguyễn Anh Minh

“Hằng năm, sáu tháng tượng Bà để ở đền vua Đinh, sáu tháng sau chuyển qua đền vua Lê. Trước kia, khi chuyển tượng Bà, dân làng đem tượng ra giữa sân đánh cho mấy roi rồi mới làm lễ rước”. - Câu chuyện về phạt tượng đã làm nền cho một truyện ngắn khá ám ảnh và dường như vượt khỏi sự u linh huyền nhiệm từ một ngôi đền.
                                                       

NGUYỄN MẠNH HÙNG

Sen trắng
     Truyện ngắn

Vũ nhớ rõ từ chân đường mòn nhìn lên, mặt trời sắp lặn rắc lớp mỏng xuống yên ngựa, ánh sáng tán sắc qua không khí tụ đặc tạo thành những rẻ quạt tỏa xuống làm mộ Lê sáng lên… Bóng tối bủa vây, không thể dùng cách ấy định hướng, “hay quay về?” ý nghĩ thoái lui xuất hiện khi ánh mắt Vũ chạm màu đêm. Đem trống rỗng áp vào kí ức, đem kí ức lấp đầy hiện tại, vòng luẩn quẩn khiến Vũ như đi trên dây phía dưới miệng vực hun hút đen ngòm… hình khối, màu sắc u u trong đầu, cảm xúc ứ đầy tưởng khẽ chích sẽ tuôn ào ạt nhưng suốt tuần bỏ ăn vò đầu bứt tai trong xưởng vẽ, Vũ chỉ thu được những xác màu. Ý tưởng bức tranh vẫn vùng trắng. Vũ đã muốn bỏ quách, muốn quên hẳn nhưng khi vứt cọ bước khỏi xưởng y rằng đầu lại râm ran muốn nổ tung, muốn phát điên… Trong khoảnh khắc ấy, ý muốn đi thắp cho Lê nén hương cháy bùng bùng…

Éc… Éc. Tiếng chim lợn kêu khi gần khi xa âm vọng. Lân tinh lóe từ chỗ mục những vết chém trên thân cây Phập nhen nỗi sợ hãi. Phập -  kẻ tội đồ làng thêu… Vũ rùng mình không dám nghĩ tiếp câu chuyện Lê kể. Nhắm mắt tập trung cao độ ý nghĩ về bức tranh không vẽ nổi, Vũ giật mình thấy bóng cây Phập lù lù trước khi trả lại bức tranh khối màu đen kịt… Đầu Vũ nhôn nhốt. Hàng vạn kiến li ti bò. Bức tranh lộ diện bằng khoảng đen vô tận…

- Phải như thế! Nhất định phải như thế!
Hắn nhẹ nhàng trườn như con trăn dũi vào đêm. 
Tim hắn nhói đau.
- Phải như thế! Nhất định phải như thế!

Hắn quay đầu nhìn lần cuối ngôi nhà lúc nào cũng thoang thoảng hương sen của nàng rồi biến mất…
Bó sen trắng mua dưới chân núi sáng nhờ nhờ trên tay Vũ…


Lê thích sen trắng. Khi Vũ tặng bức “Thiếu nữ dâng sen” vẽ Lê trong lễ hội xin hương, Lê cười, nụ cười sen vừa hé “Tranh của anh nhìn vào thấy ngàn hương tỏa, gió mơn man, nhưng…” Vũ gặng không biết bao lần, cầu xin, dằn dỗi nhưng cũng bấy nhiêu chỉ nhận nụ cười sen khép bí ẩn…
Khí núi buôn buốt.
Miếu Ngọc đóng một khoảng thẫm vào đêm u lạnh. Bức tranh gõ  lọng óc. Khoảng đen đã bị rất nhiều màu khác pha vào biến thành khối hỗn độn…

Nàng Ngọc đã trở về. Nguyên vẹn.
- Phải như thế! Nhất định phải như thế!
Hắn đứng lặng như  thân cây sét đánh trước đền chân dẫm lên những mảnh đá sắc nhọn vỡ ra từ tấm bia ca ngợi công đức Bà Chúa Hương mới bị quân Minh đập nát.
Sắc phong miếu Bà cũng đã bị chúng cướp…
Những thợ thêu giỏi lần lượt bị chúng bắt đưa đi…
Nàng Ngọc gần như là người cuối cùng có đôi tay vàng nắm bí quyết nghề thêu hương.
Hắn biết chỉ sau lễ xin hương năm nay, số phận nàng cũng sẽ giống những người thợ kia. Nghề thêu sẽ…
Hắn cố nén tiếng thở dài đau xót không dám nghĩ tiếp. Những mảnh đá vỡ  nhoi nhói nơi gan bàn chân.
- Phải như thế! Nhất định phải thế!
Hắn biến mất không tiếng động vào bóng đêm.


Một giọt nước trên tàn cây rơi trúng đỉnh đầu. Cái lạnh chạy dọc thân. Vũ rùng mình. Vết chém nham nhở trên cây Phập đập vào mắt nhưng nhức. Mỗi năm dịp lễ hội xin hương, cây Phập bị dân làng chém một nhát khi đoàn rước dâng sen đi qua - đó là hình phạt dành cho kẻ tội đồ. Nhựa tươi tứa máu ròng ròng đỏ thân. Nhựa tươi độc nhưng khô thì lành. Nhựa khô được cạo về pha chế với nhựa cây lưu hương mọc trước đền thờ Bà Chúa Hương thành thứ nước có đặc tính lưu được hương rất lâu trên vải… Vũ áp sen lên ngực tìm đường vào Miếu Ngọc. Những bậc đá dính nhơm nhớp, nhờn nhợn cuộc tắm máu vừa xảy ra… Ngày xưa lúc hoàng hôn xuống, Vũ và Lê thường đứng đây ngắm các cô gái làng chèo thuyền ra bỏ chỉ thêu vào trong hoa sen, khéo léo quấn lại không cho sen nở để một tuần sau, khi chỉ thêu ngậm hương, họ ra lấy về ngâm vào nước lưu hương… Duy bức tranh cảnh này Vũ được vẽ trong ánh mắt say đắm yêu thương của Lê… Hồi Lê còn sống, những lúc bế tắc chông chênh, bao giờ Vũ cũng gọi cho nàng. Hương đã nhạt. Lễ đã tàn. Lê đang ở đâu? Vũ mở điện thoại. Ánh sáng màn hình lóe xanh,  Linh, Lua, Lanh… tuyệt nhiên không thấy số Lê. Vũ thử lần lại danh bạ từ đầu. Vô vọng. Ô hay? Vũ xóa số Lê rất lâu rồi ư? 0983…x…x… Vạch sóng báo cuộc gọi đang thực hiện chạy đều đều.

Một cuộc gọi vào tĩnh lặng…
Tín hiệu kết nối!
Chuông dồn dội từng hồi.
Trên màn hình, gương mặt Lê chập chờn.

Mắt Lê là những mảnh gương vỡ đáy hồ cạn giữa trưa hè. “Chỉ còn được ướp hương, sen còn được nở đến tàn trên hồ nữa không Vũ ơi!!!”.
Vũ rùng mình. Câu hỏi hay tiếng xé lòng Lê? Hiện thực hay lời của hai năm về trước?

Hai năm trước, ảnh hình Vũ đã vụn tan trên những mảnh gương vỡ mắt Lê. Hàng thêu không ai mua. Sen không để ướp hương, sen rũ cánh ế ẩm dưới nắng hè trên mẹt chợ… Vũ cố gắn lành mảnh gương vỡ. Vũ vẽ mẫu, Lê đưa lên vải thiếu nữ tắm thấp thoáng e thẹn… lễ hội xin hương… Trinh nữ và thuyền lá sen trong sương. Chúng được giới thiệu trong các cuộc triển lãm của Vũ, bạn bè… Nhiều cai đầu dài đã tìm đến…

Chỉ được ướp hương. Sen được nở đến tàn nhưng mảnh gương vỡ mắt Lê chẳng lành được là bao.

Vũ không gắn được. Chính Vũ làm nó vụn tan. Nơi này… trước Miếu Ngọc dân làng tìm thấy xác Lê. Thân cây Phập thêm vết chém ròng máu. Không vì trừng phạt, không để lưu hương mà để Lê tìm cái chết.

Sợi chỉ siết mạnh tim.
Vũ thở dốc.

Tút… tút… tút… Sau tín hiệu báo không trả lời, ánh sáng xanh màn hình điện thoại vụt tắt trả bóng đêm bao quanh. Phải chăng linh hồn Lê chưa siêu thoát vẫn phảng phất đâu đây? Vũ run rẩy bước vào miếu Ngọc.

Ke…e…Két…Kẹt. Cánh cửa miếu mở ra sau tiếng dài âm âm vọng. Tâm hồn Vũ vượt ngưỡng cực đại trong giao cảm thế giới tâm linh. Ánh nến. Mùi hương trầm. Trên ngai xanh… Nàng Ngọc… Lê… Chập chờn…

Vũ quỳ xuống trước ban thờ.
“Chỉ còn được ướp hương, sen còn được nở đến khi tàn trên hồ nữa không?”
“Chỉ còn được ướp hương…”
“Sen còn được nở đến khi tàn…”

Vô vàn kiến li ti bò. Rỗng rễnh khoảng lớn trong đầu. Bức tranh đã rõ hình hài.

Nàng Ngọc ngâm mình thật lâu trong bồn có rắc những cánh sen ngan ngát.
Mai…
Nàng linh cảm một cuộc tắm máu sẽ xảy ra ở đền Bà Chúa Hương.
Ba là con phú Hạ giàu nhất vùng. Gia đình Ba có thế lực rất lớn nên họ muốn gì cũng được. Hàng thêu hương là thứ độc quyền của phú Hạ.
Phập yêu nàng còn Ba là người được gia đình đính ước từ trong bụng mẹ. Dù không thật yêu Ba và có tình cảm với Phập nhưng nàng phải thuận theo chữ hiếu.

Khi nhà nàng nhận lễ dạm hỏi của gia đình phú Hạ cũng là lúc Phập trốn vào núi trở thành thủ lĩnh thảo khấu. Những cuộc cướp bóc gia đình phú Hạ liên tục diễn ra. Phú Hạ hoảng sợ chạy vào trại lính quân  Minh. Ba bắt nàng phải đi cùng.
Quân nhà Minh đã nhiều lần về tiễu trừ, nhưng không những không bắt được Phập mà còn nhiều phen bị khốn đốn.
Quy định của làng, ai được trọn là trinh nữ dâng sen sẽ phải làm đủ trong ba năm, ba năm ấy phải kiêng cữ thân thể trinh trắng, ăn uống chay tịnh và thường xuyên tắm bằng nước ướp hương sen.  Sự trừng phạt khủng khiếp  của  Bà Chúa Hương sẽ đến với làng nếu trinh nữ thất tiết hay bị cướp trong lên dâng sen. Năm nay là đủ ba năm của nàng. Hai gia đình đã định sau lễ nàng sẽ về nhà chồng.

Ba đã cho nàng trở về tham gia lễ hội.
Mai nàng vẫn là cô trinh nữ dâng sen.
Nàng không khóc. Trái tim nàng có sợi chỉ thắt nút. Đầu này những người thân yêu trong làng.  Bên kia đầm sen ngát hương, núi Đinh, đền Bà Chúa Hương.

Căng siết từng nhịp.
Nàng há hốc mồm đớp từng bụm không khí.
Lẩy bẩy. Nàng vịn hai tay vào thành bồn đứng dậy.
Một cánh sen dính trên vai rơi xuống. Nó đảo xoay mấy vòng trong không khí rồi khẽ hạ xuống mặt nước.
Nàng chăm chú nhìn cánh sen ấy một lúc rồi khẽ khàng nhấc chân ra khỏi bồn. “Cầu cho nước đừng động để cánh sen được yên bình…” Lòng nàng xao lên sau ý nghĩ ấy.
Mai mình sẽ dâng sen…

Ý nghĩ ấy quay trở lại đầu. Chợt nhớ tới tấm lụa quấn trên người, mấy ngày vừa rồi đầu óc bấn loạn nên chưa thêu xong, vẫn còn một chiếc nhụy và một đường quấn chỉ, nàng vội vã mặc quần áo và ngồi vào khung thêu. Những đường thêu này sẽ phải là những đường thêu đẹp nhất.
Tâm sen đắng. Vị sen tĩnh. Nàng cảm giác vị đắng mát của tâm sen đang lan trên đầu lưỡi.
Khi đường chỉ cuối cùng được rút ra khỏi lụa cũng là lúc trời sáng bạch.
Nàng Ngọc hài lòng ngắm bức thêu vừa xong rồi cầm chiếc dao cắt chỉ khẽ sửa lại đường quấn hơi bị lệch một chút khẽ mỉm cười...


Nhang trên ban thờ đỏ rực.

Khói mù mịt.

Phựt! Chân nhang bực cháy! Người Vũ bừng bừng. Cổ khô rát. Đầu bốc hỏa. Khối vuông xoay tít rồi dừng lại. Bức tranh hiện lên không còn những màu mà là chỉnh thể thống nhất. Chỉnh thể ấy nằm ở chính giữa với nàng trinh nữ nằm nghiêng giữa đóa sen cánh vẫn còn khép tư thế hài nhi chín tháng mười ngày chuẩn bị rời bụng mẹ, đóa sen được đỡ trên một ngai xanh hình lá sen.
Những con kiến ào ạt bò ra…
Đầu Vũ biến thành tổ kiến hổng sụt toang dưới thân đê mùa lũ.

Trên mặt hồ thả rất nhiều cánh sen. Năm nay trai thanh tân theo Phập vào núi khá nhiều nên kiệu phải để bốn trinh nữ khênh. Do không thể đẩy ngai ra giữa hồ, bảy bông sen đã được lấy sẵn đặt trên kiệu. Tất cả mọi người trong đoàn rước đều mặc quần áo lụa trắng…
Trinh nữ dâng sen quần áo lụa xanh màu nước hồ thêu bông sen trắng trước ngực và sau lưng.
Đoàn người đi trắng một dải sương trôi. Trên dải sương ấy, nàng Ngọc như bông sen trắng bồng bềnh trên mặt nước.
Dải sương và đóa sen từ từ trôi lên núi Đinh.
Họ rẽ vào đền Bà Chúa Hương.

Thấp thoáng những bóng người ẩn sau  khe đá khéo léo nhập vào dải sương.
Kiệu sen được từ từ hạ xuống.
Một bóng người nhẹ nhàng lách dần lặng lẽ tiến đến sát kiệu sen...
Nàng Ngọc thấy mình bị nhấc bổng lên.


Phập!
Phập dám cướp trinh nữ dâng sen trong hội! Làng thêu sẽ bị Bà Chúa trừng phạt thảm khốc! Nàng cố nhoài khỏi đôi tay rắn chắc của Phập.
Đùng! Đùng! Hai tiếng pháo hiệu nổ.
Phục binh quân Minh như từ đá chui ra reo hò ở sườn núi, tên bắn ra như mưa.

Sau tên bắn là giáo, mác và kiếm.
Dưới chân núi bụi bốc mù. Đoàn kị mã áo đỏ đông như kiến lửa phóng trên lưng ngựa.
Đàn kiến lửa theo lối mòn lên núi và rẽ vào đền Bà Chúa Hương.
Dải sương bị xé vụn. Loang đỏ.
Những tiếng thét hãi hùng…
Giết chóc. Tàn sát.


Không thể thoát được, Phập ôm nàng Ngọc lùi dần vào đền. Lợi dụng lúc Phập vung kiếm chống đỡ, Nàng chuồi khỏi người Phập, một tay giữ chặt tấm lụa trên người, một tay cầm bảy bông sen chạy vào đền. Nàng sẽ dâng sen cầu xin  Bà Chúa đừng trừng phạt làng thêu.

Bốn bóng áo đỏ ào tới.
Ba đã bán đứng nàng cho quân Minh! Nàng đã biến thành chim mồi để chúng nhử Phập! Ý nghĩ đau đớn ấy chưa kịp thoát ra khỏi đầu, nàng đã bị một bóng áo đỏ giật ngã ngửa về phía sau.
Một tiếng gầm của con beo rừng!
Bóng áo đỏ bật ngửa.

Nàng quáng quàng cuốn  vào người tấm lụa vừa bị giật bung ra.
Những nhát kiếm xả ngọt. Máu phun ướt đầm phía sau tấm lụa.
“Phải dâng sen bằng được cho Bà Chúa Hương!” Không còn ý nghĩ đau đớn khi nãy, trong đầu nàng giờ chỉ duy nhất tâm niệm điều ấy. Nhờ tấm lưng to bè của Phập che chở, nàng nhoài được đến trước ban thờ.  May quá! Khi tia máu phụt, nàng đã kịp ôm bó sen vào lòng.” Sen vẫn còn trắng nguyên…”


Nàng kính cẩn đặt bó sen trắng lên ban thờ, vái bà chúa.
Phập đầm đìa máu, người đầy thương tích bị đẩy lui sát dần vào người nàng.
Chiếc dao găm sắc bén gài ở thắt lưng Phập đập vào mắt nàng.
Một mũi giáo thấu qua tim Phập, đầu nhọn của nó chạm vào da thịt nàng lõm thành một vết.
Một bóng áo đỏ nhào vào.

Phập dùng chút sức tàn cuối cùng giơ kiếm lên và xả xuống.
Nàng rút con dao găm ở thắt lưng Phập trước khi thân hình Phập gục xuống.
Ánh dao trắng loang loáng.  
Trước mắt nàng mọi thứ  nhòe trắng như sương…


Ánh nến chập chờn lóe tia sáng cuối cùng hắt lên ban thờ.
Trước khi nó tắt phụt, Vũ kịp nhìn thấy không phải tượng nàng Ngọc.
Lê!

Vũ ngồi im trong bóng tối. Lần gặp cuối, Lê mỏng gầy như cánh sen cuối mùa. Hình ảnh Lê bước xuống kiệu sen rồi lên xe thằng Jon hôm lễ xin hương cứ chập chờn… Im lặng trước mọi cật vấn, Lê bảo đã điều đình được với Jon và ngỏ ý nhờ Vũ thế vị trí cai đầu dài lấy thằng Jon làm điểm tì tìm cách móc với các mối khác ở nước ngoài để nâng giá hàng thêu. Dù nhận lời, Vũ có cảm giác Lê không còn vẻ tươi tắn và ngây thơ của trinh nữ dâng sen dù theo quy định làng thêu, Lê sẽ còn dâng sen trong hội. Một thời gian dài Vũ đã không tìm gặp, thậm chí tránh mặt và ít về làng thêu trừ khi công việc buộc Vũ phải về. Suốt thời gian ấy, sự nghi ngờ dằn vặt không một phút để tâm hồn Vũ yên, ý muốn gặp Lê cứ phún trào lại bị hình ảnh ấy dìm xuống. Trước lễ dâng sen khoảng một tháng - tức ngay trước ngày Lê tự tử trên miếu Ngọc, ham muốn gặp Lê lại cháy dữ dội. Tại sao Vũ lại nghi ngờ chỉ vì một lí do hết sức mơ hồ như thế? Vũ đã từng đi gặp thằng Jon và đã phải ra về với con số không tròn trĩnh và Lê tiếp tục đi để đàm phán thì có gì là sai? Trong những lí do khiến Vũ nghi ngờ và không muốn gặp Lê phải chăng có cả lí do tức tối vì Lê làm được điều mà Vũ không làm được? Ích kỉ! nhỏ nhen! Vũ tự xỉ vả mình và quyết định ngày hôm sau kí hợp đồng với thằng Jon xong sẽ đi ngay. Lê ơi! Anh sẽ về với em! Dù tiếng đó réo gọi liên tục suốt thời gian làm việc với thằng Jon nhưng đến cuối buổi chiều, hai bên vẫn không thể đặt bút vào bản hợp đồng mới. Buổi tối, thằng Jon mò vào phòng Vũ. Ném thân hình lực lưỡng xuống ghế, nó khoanh tay trước ngực. Vũ bỗng thấy mình lọt thỏm trong chiếc ghế quá rộng. Thằng Jon nhìn qua một lượt những bức vẽ của Vũ treo trên tường. Nó bước lại gần chăm chú nhìn bức “Trinh nữ dâng sen”.
Bàn tay to đầy lông lá của nó xòe ra che kín gương mặt trinh nữ trong tranh.
Rất chậm rãi, từng ngón từ từ co lại cho đến khi chỉ còn ngón trỏ…
Ngón tay trỏ thằng Jon giơ lên.
Ngón tay trỏ thằng Jon từ từ quệt một vệt lên má trinh nữ trong tranh.
Mắt thằng Jon sẫm lại.
*

Sự chồng chéo rất nhiều gam màu tương phản, những nét cọ rối rắm, hỗn loạn tạo cảm giác cõi hỗn mang… nhưng ở khoảng giữa bức tranh lại là sự thống nhất, rõ ràng. Một bông sen trắng chưa nở hết đặt trên ngai xanh hình lá sen, chỗ nhụy sen là cô gái nằm cuộn tròn trong tư thế hài nhi sắp chào đời. Nếu nhìn nghiêng bên trái một chút, sẽ là vầng dương ló rạng với những tia nắng đầu tiên chiếu rọi. Nhìn nghiêng bên phải lại là bụng của một người mẹ sắp đến kì khai hoa nở nhụy.  Sự sống. Tình yêu. Tất cả bắt đầu từ đó… Sự đối lập của bố cục đã mang lại hiệu ứng tuyệt vời khi bức vẽ đập vào mắt người xem. Nhưng đó chưa phải là cái cốt yếu. Hồn của bức tranh nằm ở đôi mắt cô gái. Người ta không thể giải thích được chỉ biết rằng nó hút lấy tâm hồn người ta gạn lọc những âu lo để tìm về sự tĩnh tại. Đã có rất nhiều người không tin đến thử và khi ra về đã phải thừa nhận điều đó. Thằng Jon cũng đến xem và trả giá kỉ lục, thậm trí nó muốn mua bằng mọi giá nhưng chỉ nhận được nụ cười liêu trai của Vũ.

Rất nhiều lần, Vũ bấm số thuê bao của Lê - Số máy đã đổ chuông trong đêm miếu Ngọc và lần tay đến phím gọi đi với hi vọng được nghe giọng nói của Lê nhưng không dám. Vũ sợ niềm tin tâm linh về sự hiện diện của Lê trong mình sẽ sụp đổ nếu như máy bên kia đáp lại là một giọng đàn ông tục tằn, giọng đàn bà choe chóe hoặc một giọng lạ hoắc nào đó bởi biết đâu, số thuê bao của Lê lâu không dùng, tổng đài đã chuyển cho người khác? 

N.M.H
Nguồn: blog.tamtay.vn




 

Các bài mới
Kẻ ăn giấc mơ (06/03/2017)
Giấc xuân (18/01/2017)
Các bài đã đăng
Sông cạn (19/09/2016)
Vẽ giấc mơ (04/07/2016)
Sóng gió Ô Cấp (22/03/2016)