Đất và người
Chuyện về Nguyễn Tri Phương và Tự Đức
15:36 | 12/04/2018

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Vì một chữ Liêm

Cuộc đời làm tướng của Nguyễn Tri Phương ít khi ông được sống với gia đình. Không chinh Nam thì phạt Bắc. Quanh năm rong ruỗi không ngừng.

Chuyện về Nguyễn Tri Phương và Tự Đức
Ảnh: internet

Vào những năm cuối đời Thiệu Trị (1841-1847), Nguyễn Tri Phương sang tận đất Căm-pốt. Vì ở xa lâu ngày, ông có đem theo một bà thiếp để giúp đỡ lo chuyện cơm nước, khăn áo cho ông. Sống trên đất khách quê người có được một người thiếp bên cạnh như thế thật có ý nghĩa. Ông quý bà thiếp vô cùng.

Rồi một hôm, ông đi lo việc binh về thấy trong nhà có một thúng đậu khấu(1). Lấy làm lạ ông bèn đổ thúng đậu khấu ra xem và hỡi ôi, thấy dưới thúng đậu xếp toàn vàng lá. Ông hỏi bà thiếp:

- Thúng đậu nầy ở đâu ra?

Bà thiếp đáp:

- Của một người Căm-pốt đem đến biếu. Tôi từ chối, người ấy năn nỉ quá tôi đành phải nhận, nhưng tôi không biết ở dưới đáy thúng có vàng!

Ông nói:

- Khi không mà người ta đem vàng đến biếu mình thì, nếu họ không bẫy mình vào cái trật của một vị quan tham thì họ cũng sẽ nhờ mình làm một việc gì đó. Cái việc xứng đáng với một thúng vàng hẳn là một việc ít ai làm được, một việc thất nhơn ác đức... chỉ có tôi - người có quyền uy nhất ở đây mới làm được! Vậy phải tìm người ấy và đem trả thúng vàng ngay!

Nói xong ông cho lính khiêng thúng vàng đi trả cho khổ chủ của nó. Khi bọn lính trở về đến doanh trại của ông, ông bảo:

- Quân bay chuẩn bị đưa bà về nước!

Bọn lính ngạc nhiên, vì sao ông lại đưa một người thân thiết như thế về nước! Chúng khó hiểu đến ngơ ngác. Ông bảo:

- Chữ Liêm chỉ có thể giữ được trong hoàn cảnh độc thân.

Bọn lính hiểu ý ông, cúi đầu làm nhiệm vụ.

(Theo lời kể của ông NTB)



Cha con gặp nhau giữa ngày nước lụt

Năm ấy nước lụt tràn vô làng Chí Long sớm hơn thường lệ, lúa má trong làng xem như mất sạch. Dân đói kêu trời không thấu. Ông cả Ngạc cho rằng mình phải có trách nhiệm cứu dân, nhưng với hai bàn tay trắng lấy gì mà cứu. Nghĩ mãi ông mới hạ quyết tâm chống ghe vào Kinh xin cụ thân sinh là Nguyễn Tri Phương chút đỉnh tiền để cứu dân.

Lênh đênh trên cánh đồng nước trắng, không biết đâu là bờ. Khó nhọc lắm ông mới vào đến được Kinh. Lúc ấy đã đến giờ Tý (nửa đêm). Neo ghe lại ở ngoài thành, ông cả Ngạc bì bỏm lội vào Lục Bộ. Khi đến được bộ Binh, thấy cụ Nguyễn Tri Phương đang ngồi chống tay xem sách, ông Ngạc mừng quá đấm cửa gọi cha. Thấy con vào trong cặp quần áo ướt mèm, cụ Nguyễn Tri Phương hỏi:

- Nước lụt sao con lại vào đây?

Ông cả Ngạc từ tốn thưa:

- Con vào đây trước là thăm cha, sau là xin cha chút đỉnh để cứu dân. Lụt lội làm cho dân Đường Long đói lắm!

Cụ Nguyễn Tri Phương cau mày đau đớn. Cụ đặt sách xuống bàn và mở nắp cái tráp trước mặt, nói:

- Cha có một quý lương mới lãnh đây. Cho con đem về cứu dân.

Ông cả Ngạc:

- Cho hết lương cha lấy gì ăn? Thôi con chỉ xin một nửa là quý lắm rồi!

Cụ Nguyễn Tri Phương giục:

- Con cứ lấy hết mà lo cho dân, việc của cha, cha tính sau. Mình thiếu mình đi mượn được, chớ dân đói giữa cánh đồng nước trắng biết mượn nơi mô! Thôi con về đi!

Ông cả Ngạc cầm tiền quay lưng về. Hai cha con chỉ gặp nhau có mười lăm phút vào lúc nửa đêm.

(Theo NTB)


Bài thơ bắt ếch của vua Tự Đức

Quan lại dưới triều Tự Đức đa số là những người xuất thân khoa bảng, không hoàng giáp, thám hoa thì cũng tiến sĩ, phó bảng. Các cụ tự hào về sự học vấn uyên thâm của mình. Vua Tự Đức là một nhà thơ tài ba và lại rất khiêm tốn, ông luôn luôn khuyên nhủ các quan hay chữ không được tự kiêu tự mãn.

Một hôm sau buổi chầu nhà vua cho các quan ngồi chung quanh và phát cho mỗi người một xấp giấy, một cây bút và một nghiên mực, ông bảo:

- Các khanh là những người hay chữ hãy chép hộ cho trẫm một bài tứ tuyệt. Nếu ai chép đúng hết sẽ được ban thưởng xứng đáng!

Các quan lấy làm khó chịu, họ nghĩ "Nếu nhà vua không xem họ là con nít, thì nhà vua là một đứa trẻ nít". Thật kỳ dị. Các quan nhìn nhau không dám nói nên lời. Vua Tự Đức biết thế, ông cũng làm thinh. Khi thị vệ phát giấy bút xong, vua Tự Đức đọc ngay câu đầu: Các quan ngước nhìn ướm hỏi đầu đề bài thơ, vua Tự Đức giả đò quên, nhà vua cứ thế đọc tiếp cho xong bài thơ như sau:

Lâm vũ lâm ly lý lý đường
Minh minh bỉnh chúc chiếu âm dương
Trì khu thường há công danh quán
Khứ thủ ly bì đắc kỷ cương
.

Các quan vừa nghe từng câu hiểu nghĩa là bài thơ nói chuyện anh hùng nên liến thoắng viết rồi tranh nhau đem nạp cho vua xem. Đọc các bản chép vua Tự Đức cười ngặt nghẽo. Bởi lẽ các quan nghe những chữ lâm vũ tưởng nghĩa là lâm trận (võ), lý lý đường tưởng là nhà Lý, nhà Đường ngày xưa. Trì khu viết chữ trì khu là cao thấp, vất vả. Công danh tưởng là công danh sự nghiệp. Kỷ cương tưởng là kỷ cương triều đình. Chữ âm dương là khí âm, khí dương chỉ rõ tính cách chủ tác hào hùng. Tưởng như thế cho nên có ông đại khoa đều viết trật cả 17 chữ ấy. Một ông Tam Nguyên mà viết trật đến 14 chữ của một bài thơ chỉ có 28 chữ.

Vua Tự Đức đọc cả mấy chục bài, bài nào cũng trật cả, nhà vua không nhịn được cười. Các quan thẹn đỏ mặt.

Cuối cùng vua Tự Đức lấy bút son viết toàn bài như sau:



Nhà vua giải thích:

- Đầu đề bài thơ Đi Bắt Ếch, câu 1 có nghĩa: Mưa dầm khiến đường lầy lội trong bụi mận, câu 2: Cầm đuốc soi vào những chỗ có tiếng kêu ộp ộp, câu 3: Soi lên soi xuống khắp các khu đất đánh được đầy xâu, câu 4: Đem về chặt đầu lột da, được mấy niêu nhỉ?

Ông H.N dịch thành bài tứ tuyệt:

Mưa dầm lầy lội bụi cây mơ
Ngọn đuốc soi quanh mọi cõi bờ
Ỳ ọp cùng nơi: xâu khá lớn
Chặt đầu lột xác: mấy niêu kho
?

Nghe xong nghĩa chữ và dịch Nôm, các quan mới bật ngửa ra. Bấy giờ họ mới hiểu điều thâm thúy nhà vua muốn nhắc nhủ họ phải khiêm tốn, không được tự mãn mình là người hay chữ, tự cho mình biết hết mọi lẽ trên đời.

N.Đ.X
(Giai thoại văn chương xứ Huế)
(TCSH44/01-1991)

--------------
(1) Cây họ gừng, thân rễ to bằng ngón tay, gốc bẹt, lá dài, quả hình trứng, dùng làm thuốc và gia vị.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng