Hội viên Hội Nhà Văn Việt ; - Chủ biên Nhớ Huế; - Phó Trưởng ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn TP.HCM. Tác phẩm đã in: Cách một dòng sông (tập truyện 1971), Chiếc bóng (Tập truyện 1987), Lời của hoa hồng (tập thơ 1997), Thời tôi yêu (Tập truyện 1998), Đưa đò (Bình văn - Tản văn 2002), Thu phương xa (Tập thơ 2003), Chuyện Huế ít người biết (Biên soạn 2004), Vạn Xuân (Tập thơ 2006), Mẹ và con (Truyện - Bút ký 2007).
Cuộc trò chuyện về tạp chí Sông Hương (TCSH) của Nhà văn Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhà văn Trần Hữu Lục đã được thực hiện tại nhà riêng của ông. Căn nhà khang trang và khá đẹp, đầy ắp sách báo, tranh và thư pháp của người Huế. Chủ nhân là một người rất nặng lòng với sông Hương. Ông mở đầu câu chuyện rất tự nhiên “Với tôi, Sông Hương là người tình”…
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thưa nhà văn, cái duyên nào đã đưa ông đến với tạp chí Sông Hương? Nhà văn Trần Hữu Lục: Nói “duyên” thì mới đúng một nửa, mà còn phải nói thêm “nợ” thì mới đầy đủ. Cái duyên bắt đầu từ một lá thư của Tổng biên tập đầu tiên Nguyễn Khoa Điềm. Anh gửi thư thăm hỏi và mời hợp tác. Trước đó, tôi đã yêu thơ anh Điềm, biết anh vừa mới được điều về xây dựng, tổ chức tạp chí. Đọc thư anh, tôi rất cảm động. Và đến cả hai tháng sau, tôi mới gửi cái truyện ngắn “Chiếc bóng”. Đấy là câu chuyện một gia đình sống và hoạt động trên vạn đò của sông Hương, đã tình nguyện lên vùng cao ở Tây Nguyên để lập làng mới. Vì những khó khăn của địa hình, thiên nhiên và vì những ti tiện nhỏ nhen, ngu dốt của một số người điều hành tập đoàn sản xuất, nhân vật chính có ý định trốn về lại Huế. Nhưng khi nhìn rõ khuôn mặt của mình sóng sánh trên hồ nước, ông bỏ dở ý định. Con người không thể tách lìa cái bóng của mình. Chiếc bóng mà ông đã soi thấy trên sông Hương gần suốt cả đời… Truyện ngắn này đã được anh Điềm chọn in trên tạp chí Sông Hương. Từ đó, tôi gắn bó với Sông Hương.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Được biết ông là một trong những người “đóng góp” công sức cho sự có mặt của tạp chí Sông Hương đều đặn với người yêu văn học tại TP.HCM. Công việc này diễn ra như thế nào? Trần Hữu Lục: Thực sự, tôi làm đại diện trong mấy năm trở lại, trước tôi đã có nhiều người rồi. Tất cả vì yêu tạp chí Sông Hương. Tôi yêu TCSH như tôi đã yêu Huế. Tình yêu đó không thể nào đong đếm được. Hễ có điều kiện và cơ hội thì tôi góp sức vào. Cái thời TCSH của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, rồi tiếp đến là nhà văn Tô Nhuận Vỹ… thật vang danh. TCSH là tạp chí hàng đầu của đất nước, nội hàm thâm hậu, sức lan tỏa vượt biên giới, vinh quang cũng nhiều mà bất hạnh cũng lắm… Sau đó TCSH “bình bình”, trôi nổi cùng số phận như các tạp chí khác ở miền Trung. Thời của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch làm Tổng biên tập, tôi mới hợp tác trở lại. Giữa TCSH và cộng đồng người Thừa Thiên Huế và tủ sách Nhớ Huế tại TP.HCM đã có mối giao hảo thâm tình, tương trợ. Nhiều người Huế tìm đọc nhưng thương hiệu TCSH đã không còn được như những năm đầu. Và mới đây thôi, khi nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc làm Phó tổng biên tập phụ trách, tôi đã tích cực hỗ trợ TCSH nhiều hơn, giúp tạp chí mở lại “thị phần” tại TP.HCM và mời gọi cộng tác viên.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Như vậy, trước sau Sông Hương và tạp chí mang tên dòng sông thơ mộng này vẫn còn “duyên nợ” với ông. Sông Hương có vai trò như thế nào trong cuộc đời và văn chương ông? Trần Hữu Lục: Cảm hứng Sông Hương trong thơ văn của tôi vẫn còn tinh khôi. Tôi nhớ lại, những năm 1968 - 1969… tôi đã viết truyện ngắn Về nguồn (in trên tạp chí Đất Nước, Sàigòn 1969) cũng lấy từ cảm hứng Sông Hương. Rồi truyện Cách một dòng sông (tên của tập truyện ngắn đầu tay của tôi - Đối Diện 1971) là câu chuyện của một vùng “xôi đậu” thời chiến tranh trên một nhánh sông Hương. Truyện ngắn Người tình lạ mặt lấy bối cảnh là một nhà thơ họ đạo bên bờ sông Hương… Sau này khi phải xa xứ, cảm hứng sông Hương trong thơ tôi cũng dạt dào. Tôi đã có những bài thơ trên TCSH như Xuân hồng, Qua cầu chợ Dinh, Ngày về, Ví dầu… Tôi đọc một vài câu thơ anh nghe thử “Sông Hương thì thầm bên anh đó/ cùng sông Seine chảy vào trang thơ” (Thu phương xa), “Chảy một sông Hương trong giọng nói…/ chỉ một thoáng thôi là cố đô” (Xuân Hồng), “Lên Monmartre nhìn
Paris
đêm/ Bạn nhớ sông Hương chìm trong mộng…” (Trên sông
Seine
), “Lúc buồn tôi trốn vào cõi riêng/ chợt hiện đóa đồng tiền còn nguyên đó/ sông thơm đằm Thạch Xương Bồ quê cũ/ trong cõi riêng tôi mãi mê kiếm tìm” (Neo lại dáng hình). Về văn tôi có Mẹ ca dao, Vân Dương, Sen bách diệp, Sông Hương vẫn chảy ngoài biên giới… (Tuỳ bút, bút ký), Đôi mắt (Truyện ngắn)…
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ông vừa nhắc đến “Sông Hương chảy ngoài biên giới”. Có phải đây là một cái tít rất có duyên với chữ nghĩa. Nhưng xin chất vấn ông: ngoài biên giới nhưng vẫn là một dòng chảy hay hai, ba dòng chảy? Trần Hữu Lục: Cái tít “Sông Hương chảy ngoài biên giới” là một bút ký của tôi viết về người Huế xa xứ đang sống ở Đức và Pháp. Trong chuyến đi giao lưu văn hóa Huế tại
Munich
(Đức) năm 2002. Cái tít sau này được dùng làm tựa sách chung “Sông Hương ngoài biên giới” giới thiệu bút ký, nghiên cứu và truyện của 6 tác giả người Huế đang sống tại các nước Võ Quang Yến (Pháp), Thái Kim Lan (Đức), Hoàng Nguyên Nhuận (Australia), Nguyễn Hữu Vinh (Đài Loan), Bùi Minh Đức và Trần Kim Đoàn (Hoa Kỳ) do nhà xuất bản Trẻ phát hành 2006. Trong lời tựa cuốn sách này, tôi viết: “Dường như có sông Hương chảy ngoài biên giới. Một cách gọi thật gợi cảm về cộng đồng người Huế xa xứ đã và đang hướng về quê nhà. Dòng “sông nhớ” đó đã chảy qua bao bến bờ, ngõ ngách của mỗi đời người tha hương”. “Nó gợi nhớ Huế”. “Sông Hương - nỗi nhớ cùng chảy trong nguồn mạch sâu thẳm của quê hương…”; “Họ vẫn đi đi về về với đất nước”. “Và chỉ khi nhìn thấy tận mắt cuộc sống đổi thay, gặp lại người thân, bạn bè… thì họ mới thêm tin yêu cội nguồn và gắn bó với quê hương”… Theo tôi, 23 bút ký nghiên cứu và truyện của 6 tác giả xa xứ nói trên đã là một dẫn chứng sinh động và cụ thể về “một dòng chảy”. Có thể tồn tại hai hay ba dòng chảy khác trong cộng đồng xa xứ nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian và hoàn cảnh. Họ ra đi với nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng chỉ có một lối vế. Sớm hay muộn họ đã và sẽ có ngày về với dân tộc và xứ Huế.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Nói về văn hoá Huế vẫn là một dòng chảy “đặc trưng”. Món ăn Huế, từ điển tiếng Huế, ca Huế… Và đặc biệt ông nghĩ gì về biểu tượng Trịnh Công Sơn - Huế? Trần Hữu Lục: Khi viết lời giới thiệu cho tập thơ Lời của hoa hồng của tôi (Nxb.Trẻ 1997), anh Trịnh Công Sơn viết: “Trong Lục cho đến nay vẫn luôn luân lưu một dòng thi ca, rất nhẹ nhàng mà nồng ấm. Trong thơ Lục có bóng dáng của dòng sông xanh năm mười sáu tuổi, một thưở trăng tròn thời cũ trên những đồi thông”. Tôi đã thân với anh Sơn và cùng làm văn nghệ với anh từ ngày còn trẻ. Khi thực hiện tạp chí Việt tại Huế (1968), anh Sơn đã gửi các bản nhạc phản chiến tham gia. Trong một số cuộc hội thảo, văn nghệ của sinh viên Huế có anh tham dự. Những ngày ở Đà Lạt hay Sài Gòn trước năm 1975 chúng tôi vẫn chơi thân và cùng một ước nguyện là hòa bình. Tôi càng yêu quý ca từ giàu chất thơ và giai điệu quyến rũ trong nhạc của anh. Vào thời điểm đó và cả sau ngày anh mất, biểu tượng Trịnh Công Sơn - Huế vẫn là niềm tự hào của thế hệ chúng tôi.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Là một người bạn thân cùng làm văn nghệ với Trịnh từ ngày còn trẻ, ông có nghĩ rằng có chất thâm trầm và uyên bác trong nhạc Trịnh Công Sơn không? Trần Hữu Lục: Làm chủ biên tủ sách Nhớ Huế, tại TP.HCM, tôi đã nhận được nhiều bài viết về cuộc đời và âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ngày càng có nhiều điều phát hiện mới về nhạc Trịnh. Tôi là người đầu tiên giới thiệu trên báo chùm thơ Vô đề được anh sáng tác tại Montréal - Canada (1992). Có thể nhặt ra những câu thơ thú vị, bất ngờ như “Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm mãi/ Anh gối lên và ngủ một giấc dài” hoặc “Đời ta nắng trải vô bờ / chén cơm nguyệt quế em hờ hững sao/ Mai sau nếu có bao giờ/ chén cơm nguyệt quế không hờ hững đâu”… Cái chất thâm trầm trong nhạc Trịnh là chất thâm trầm của xứ Huế: “Em đi qua chuyến đò/ Thấy con trăng đang nằm ngủ/ Con sông là quán trọ/ Và trăng tên lãng du” (Biết đâu nguồn cội). Tứ thơ và sóng nhạc là những kết hợp tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dạn nhiều tầng, khả năng tưởng tượng bay bổng theo cách nói của nhà văn Bửu Ý. Cái chất uyên bác của nhạc Trịnh đã “ngấm” một ít chất nhạc ngũ cung Huế, âm hưởng của chầu văn Huế (Bài hát Nối vòng tay lớn), nhiều bài hát mang triết lý Phật giáo sâu sắc như “Đâu có em nơi này/ Đâu có cái chết đầu tiên” (Ngẫu nhiên), “Nụ cười mong mong/ Một hồn yếu đuối/ Một bờ môi thơm/ Một hồn giấy mới” (Đóa hoa vô thường), “Đi quanh tôi tìm hình bóng xưa quen/ Đi, đi tìm em cho tôi dấu vết bóng Phù Nam” (Tôi tìm tôi)… Câu hỏi sắc sảo này của anh nếu có dịp, tôi và các bạn của anh Sơn sẽ trở lại với đề tài thú vị này.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ông là một hạt nhân của phong trào văn chương tranh đấu tại Huế và Sài Gòn trước năm 1975. Thế hệ ông và những người bạn văn nghệ cùng thời đã xây dựng và làm nên dòng văn học nghệ thuật “Hát cho dân tôi nghe”, “Đêm xuống đường tranh đấu” hay gọi cách khác là Văn nghệ phong trào. Bây giờ, khi đã có tuổi và nhìn lại, ông đánh giá giai đoạn ấy, dòng văn nghệ ấy như thế nào? Nếu được đi trở lại với những năm tháng thanh xuân, ông vẫn chọn lựa con đường này hay lối đi khác? Trần Hữu Lục: Bây giờ nhìn lại giai đoạn ấy, tôi và những “hạt nhân phong trào” như cách gọi của anh, khi đánh giá vẫn chưa hẳn có cùng một giọng điệu. Nhưng đã có một cuốn sách đồ sộ “Tiếng hát những người đi tới” do Nxb Trẻ - báo Thanh Niên - báo Tuổi Trẻ cùng phối hợp thực hiện đã ra mắt năm 2003. Các lãnh vực như Truyện ngắn - Thơ - Nhạc - Họa và Báo chí đều có những thành tựu và tên tuổi. Không chỉ dừng lại ở góc độ phong trào, mà mỗi lĩnh vực sáng tác, báo chí đều có các tác phẩm yêu nước, tiến bộ có chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Nhiều tác giả ngày ấy đã thành danh, có tác phẩm được đưa vào trường học. Nhiều tác giả phong trào ngày ấy đã trở thành nhà văn, nhà thơ (Hội Nhà Văn VN) như Đông Trình, Lê Văn Ngăn, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục, Nguyễn Hoàng Thu, Trần Vạn Giã, Lê Văn Nghĩa; trở thành nhạc sĩ (Hội Nhạc sĩ VN) như Tôn Thất Lập, Nguyễn Phú Yên…; trở thành họa sĩ (Hội Mỹ thuật VN) như Bửu Chỉ, Trịnh Thanh Tùng…; trở thành nhà báo (Hội Nhà Báo VN) như Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Công Khế, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng, Nam Đồng, Nguyễn Thanh Trịnh, Huỳnh Sơn Phước, Kim Hạnh, Đoàn Khắc Xuyên, Cao Quảng Văn… Nếu được đi trở lại… nhưng lịch sử thì không thể “đi trở lại” được nên chữ “nếu” sẽ trở nên lạc lõng… Điều đáng nói là sự chọn lựa của thời thanh xuân (sinh viên, học sinh) thì bao giờ cũng trong sáng và cao đẹp cả.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ông chủ biên chuyên san “Nhớ Huế” khá là thành công. Đến nay đã 10 năm, cũng xấp xỉ kỷ lục 40 số và hơn 10 đầu sách của tủ sách “Nhớ Huế”. Làm sao “đủ lửa” và duy trì sức sống bền bỉ, mạch ngầm như vậy? Trần Hữu Lục: Tủ sách Nhớ Huế trực thuộc Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM. Tủ sách này đã liên kết với Nxb.Trẻ. Sau 10 năm, đã xuất bản 40 tập san, mỗi tập là một chuyên đề về Huế (về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, đời sống của Huế xưa và nay…). Chẳng hạn như Người xa Huế, Hương sen Huế, Trường Huế, Huế đất học, Áo dài Huế, Hương vị Huế, Đêm hoàng cung, Festival Huế, Người Huế đương thời… và hơn 10 đầu sách của tủ sách Nhớ Huế như: Sài Gòn nhớ Huế (tập thơ - 20 tác giả), Xa xứ (tập truyện - 11 tác giả), Tượng đài sông Hương (bút ký - 22 tác giả), Sông Hương ngoài biên giới (tập văn – 6 tác giả), Dấu ấn văn hóa Huế (Bùi Minh Đức), Áo tím - Đồi sim (Tự truyện - Phan Thị Thu Quỳ), Ngõ đạo miền hoang dã (tập truyện - Trần Duy Phiên)… Nhớ Huế đã “vịn” vào cộng đồng Thừa Thiên Huế tại TP.HCM các nhà hảo tâm và các cộng tác viên trong nước và nước ngoài. Nhớ Huế đã tổ chức phát hành rộng rãi trên 17 tỉnh, thành trong nước. Nhớ Huế thành lập ban chủ biên, nhóm thực hiện, trị sự… hoạt động như một “Tủ sách - Tạp chí” lấy từng chuyên đề về Huế, cách viết truyền cảm, trình bày bắt mắt làm nên thương hiệu “Nhớ Huế”. Và cùng nhau “giữ lửa” để duy trì sức sống bền bỉ của chuyên san cho đến hôm nay.
Nguyễn Hữu Hồng Minh: Là một nhà văn - nhà thơ, phó trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM, ông nghĩ sao về lực lượng những người viết trẻ cả nước? So sánh với thế hệ ông đã có những gì khác nhau? Hình như trên những tác phẩm của họ đã khẳng định cái Tôi, cái Riêng hơn cái Chúng ta, cái Chung. Theo ông, tại sao vậy? Trần Hữu Lục: Tôi vốn có thiên hướng hoạt động từ lúc trẻ. Tôi đã là chủ bút báo Sinh viên Huế. Là thành viên nòng cốt của nhóm Việt, nhóm văn học nghệ thuật về nguồn được thành lập tại Huế. Nhóm Việt là một nhóm văn học nghệ thuật đối kháng gần 10 năm tại miền trước năm 1975. Được tập thể ủy nhiệm, tôi đã phụ trách văn nghệ trên nguyệt san Đối Diện (Sài Gòn) từ năm 1971-1975. Thời đó tôi là một cây bút trẻ trong số 10 cây bút trẻ tiêu biểu của miền Nam do báo Văn (Sài Gòn) bình chọn. Những người viết trẻ thế hệ chúng tôi làm văn chương nhập cuộc. Vừa học, hội thảo - xuống đường, vừa viết văn, viết báo… với lý tưởng của thanh niên sinh viên thời tao loạn, cho nên chúng tôi dễ chia sẻ ngọt bùi, đắng cay trên từng trang văn, trang thơ. Cái tôi, cái riêng cũng là cái chúng ta, cái chung. Đó là tinh thần yêu nước và sự tiến bộ. Đó cũng là đấu tranh vì tự do hòa bình. Không ai buộc văn phong sắc cạnh, mạnh mẽ đến lạnh lùng của Trần Duy Phiên phải khác đi, giọng văn trữ tình, truyền cảm của Trần Hữu Lục phải máu lửa hơn, cây cọ của Bửu Chỉ phải mềm mại và sang trọng, giai điệu âm nhạc của Tôn Thất Lập phải đi theo trào lưu âm nhạc thời thượng lúc bấy giờ, giọng điệu thơ mạnh mẽ hào hùng của Trần Quang Long, Đông Trình, Lê Văn Ngăn, Tần Hoài Dạ Vũ, Võ Quê… phải bóng bẩy mượt mà. Cái khác nhau với những người trẻ bây giờ là ở chỗ đó. Những người viết trẻ bây giờ ít có vốn sống thực sự như thời của chúng tôi. Đề tài chưa được chăm chút, thiếu chọn lựa. Viết ra để phục vụ cho ai cũng chưa được rõ ràng. Những người viết trẻ tiếp cận cái mới, cái “chói lòa” của văn học thế giới chưa được sàng lọc, còn vội vã… Những chuyện như thế, tôi đã rút ra được từ hai cuộc hội thảo của Những người viết văn trẻ tại TP.HCM tổ chức. Còn rút ra được từ tập sách Thơ Văn Trẻ (Nxb.Văn Nghệ 2007) tập hợp truyện và thơ của 43 cây bút trẻ của TP.HCM đã bộc lộ nhiều nội dung, đề tài bất cập, lạc lõng cách thể hiện cái tôi, cái riêng chưa có dấu ấn và bản sắc… Cần có nhiều thời gian hơn nữa thì những người viết trẻ mới có thể khẳng định được mình. Xin cám ơn nhà văn Trần Hữu Lục vì cuộc trò chuyện thú vị này. NGUYỄN HỮU HỒNG MINH thực hiện (nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009) |