Huế bốn phương
Hồn thiêng sông núi
08:41 | 30/09/2011
THÁI THU LAN Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Vua Hàm Nghi (1871 - 2011)
Hồn thiêng sông núi
Di ảnh vua Hàm Nghi - Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Cuộc viễn du từ Làng Mai

Một ngày chớm thu. Lá vàng rơi lả tả trên bậc thềm nhà nguyện xóm Thượng Thiền viện làng Mai tại Pháp quốc. Hôm nay là ngày mở đầu “Tuần làm biếng” - tuần lễ xả hơi sau những ngày tập trung căng thẳng của khóa tu tập Thiền cuối hạ. Thầy Minh Mẫn, một giáo thọ trẻ tuổi, thông tuệ, luôn luôn có sáng kiến đặc sắc, đề xuất ý tưởng:

“Đi thăm mộ vua Hàm Nghi nhé?”

Chúng tôi - những cánh chim trời đang náo nức được vỗ cánh bay vào một cuộc viễn du ý nghĩa, đều nhất trí tán thành. Thế là một nhóm người, rất nhanh chóng sẵn sàng lên đường đúng ngày 31/8/2010.

10 giờ sáng, xe của Thiền viện ghé đón chị Yến, một Phật tử tu tại gia. Đoàn có năm nhà sư: Pháp Lữ, Pháp Hưng, Pháp Niệm, Pháp Đường, Minh Mẫn và thêm hai phụ nữ là Yến, và tôi - từ Việt Nam xa xôi tới thăm miền đất tâm linh này. Thầy Pháp Lữ, vốn là một bác sĩ xuất gia quốc tịch Pháp, là vị giáo thọ thông thạo đường sá ở các vùng địa danh có âm cuối “ac”(1). Thầy rất nhanh nhẹn; vừa lái xe, vừa diễn giảng cho chúng tôi về những cảnh vật hai bên con đường đi đến Thonac - một làng nhỏ xa xôi, xinh xắn và thơ mộng nằm bên con sông Vézère, thuộc huyện Montignac, vùng Aquitaine tỉnh Sarlat- la Canéda ở miền trung đông nước Pháp. Cùng tâm trạng giống nhau của những người xa xứ nhớ quê hương, chúng tôi lắng nghe hai thầy Pháp Lữ và Minh Mẫn gợi lại những ngày đã qua của nhà vua yêu nước:

...“Ngài là Nguyễn Phúc Ưng Lịch sinh ngày 3/8/1871 con Kiên Thái Vương(2), em của hai vua Kiến Phúc và Đồng Khánh. Lên ngôi ngày 1/8/1884 năm 13 tuổi, do hai đại thần phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường tôn phò. Là vua thứ 8 của triều Nguyễn có niên hiệu Hàm Nghi, danh xưng Đại Nam Hoàng Đế, quốc hiệu Đại Nam. Ngày 5/7/1885, Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết và các cận thần yêu nước rước nhà vua rời Huế, chạy ra Quảng Trị, Tân Sở, sang Lào, về Hà Tĩnh rồi đến Quảng Bình, Tuyên Hóa… Ở Tân Sở lúc vừa tròn 14 tuổi, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương, và từ đó trở thành Ngọn cờ của nền độc lập quốc gia, kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống thực dân Pháp…

Ba năm đầy gian nan thử thách trong chốn sơn cùng thủy tận, chịu đói rét bệnh tật và tính
mạng luôn bị đe dọa; nhưng nhà vua vẫn giữ chí khí quật cường, kiên quyết kháng chiến đến cùng. Ngài trả lời Tôn Thất Thuyết: “Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được miễn là đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước”(3).

Tôi còn nhớ xưa kia, mệ nội thường hát ru:

“Nước non ngàn dặm ra đi
Cái tình chi
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Ly”
.................
“Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy nặng tình nước non…”


Những câu hát này về công chúa Huyền Trân và vua Duy Tân, ai cũng biết. Nhưng bà còn câu hát khác về vua Hàm Nghi, ít người hay:

“Một ngàn ba mươi vạn bốn thằng Tây
Mụ(4) đi mô, tui bắt mụ lại, tui đem mụ về”


Câu ca lắng đọng trong trí nhớ của tôi hàng mấy chục năm trời, liền bật ra một cách vô thức trên con đường đi thăm mộ nhà vua bị lưu đày.

Qua các tư liệu, vua Hàm Nghi bị bọn phản loạn Trương Quang Ngọc bắt trói lúc đang ngủ bên khe Tá Bào, huyện Tuyên Hóa. Các cận thần phò tá như Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Thiệp bị giết ngay trước mặt nhà vua, các tướng Lê Trực, Tôn Thất Đạm tiếp tục kháng chiến theo ngọn cờ Cần Vương và tuẫn tiết sau đó.

Lời nói của nhà vua 17 tuổi: “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ chi đến cha mẹ, anh em nữa”(5) và òa khóc khi phải rời Thuận An bước lên tàu La Comète vào Sài Gòn, đáp tàu Biên Hòa đến Alger, Bắc Phi. Thật là ai oán thương tâm!

13 giờ, chúng tôi đến trước lâu đài Losse. Nơi đây, hoàng phi Marcelle Laloé cùng hai con là công chúa Như Mai và hoàng tử Minh Đức đã có thời sinh sống, sau khi đưa thi hài vua Hàm Nghi về Pháp năm 1965 tại nghĩa trang làng quê Thonac. Chúng tôi không ngờ rằng lâu đài Losse đã trở thành một địa danh du lịch vì người chủ mới đã cho phục hồi lại ở đây cảnh tượng lâu đài cổ của Lãnh chúa Jean de Losse (thế kỉ 16) có gắn huy hiệu với chín ngôi sao vàng mang dòng chữ “Thonacum 1382-2002”. Chẳng còn dấu vết gì của gia đình vua Hàm Nghi, kể cả ngôi nhà nhỏ kề bên là nơi họ đã từng ở sau khi phải bán đi lâu đài vào năm 1972…

Từ phía sau lâu đài, chúng tôi bâng khuâng ngồi ngắm nhìn dòng sông nhỏ trong vắt, bầy cá dạn dĩ lội tung tăng quanh chiếc thuyền con độc mộc, thầm tưởng tượng về hình bóng những người thân của nhà vua lúc cuối đời.

Nấm mồ hoang tận chân trời xa tắp

Ăn trưa xong, chúng tôi hăm hở tìm đến nghĩa trang. Vòng qua làng Montignac, cách Thonac 6 km và cách thị trấn Sarlat 30 km. Làng đang mở lễ hội chăng đèn kết hoa rực rỡ. Montignac là ngôi làng xinh đẹp, có cầu cổ xưa bắc ngang qua dòng Vézère, có các gian hàng nhỏ đầy ắp hàng hóa hai bên những con đường chật hẹp lát toàn đá cổ. Không hiểu sao ở đây nắng vàng đến thế! Nắng vàng ngập cả không gian mênh mông. Trên bầu trời, những áng mây trắng bạc tầng tầng lớp lớp xô đẩy nhau như các đợt sóng biển ùa vội vào bờ.

[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Mộ vua Hàm Nghi

Nóng dễ sợ! Chúng tôi rẽ vào một tiệm kem. Chàng trai bán hàng, nhanh nhảu, thoăn thoắt pha các cốc kem đủ màu khác nhau cho cả bảy người chúng tôi. Anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên trước đám khách châu Á hiếm hoi, lại có năm nhà sư. Tôi bảo với anh rằng: “Chúng tôi từ xa tới, đi tìm nghĩa trang có mộ nhà vua Việt Nam yêu nước bị thực dân Pháp bắt đi đày lúc 18 tuổi”. Anh ta kêu lên: “Ô la la! Tôi ở đây từ bé mà đâu có biết. Tội nghiệp quá! Thế ra Ngài bị nạn lúc còn kém tôi tới hai tuổi!”

May mắn sao, trong Intermarché gần quán kem có bán đủ cả nhang, diêm và nến Thái Lan. Sau đoạn đường dốc đi bộ chừng một cây số, chúng tôi băng qua cánh cổng sắt vào một nghĩa trang nhỏ có tường đá bao quanh. Các thầy Pháp Lữ và Pháp Hưng đã ghé qua đây 15 năm trước nhưng giờ đây cảnh tượng đã đổi thay nhiều lắm… Mọi người tản ra, tìm mộ. Bỗng, chúng tôi cùng nhìn thấy một lăng mộ thấp bên tường đá, nằm lọt thỏm giữa các lăng mộ cao ráo, khang trang khác. Trên nắp mộ, các chữ khắc đã mờ:

S.M. HÀM NGHI
EMPEREUR  D’ ANNAM
HUẾ 1871
ALGER 1944                    
(cùng bốn tên khác của gia nhân và thân nhân)


Xúc động quá, tôi gục đầu vào mộ chí khóc ròng, trong cảnh chiều tà hiu hắt, mây trời bảng lảng, gió thoảng đung đưa vài nhánh lá trơ trọi bên thành tường. Ngôi mộ đen đúa, rêu phong. Bát nhang, lọ hoa nhỏ xíu
nghiêng ngả, xiêu vẹo, trống không. Sao mà thảm đạm, thê lương đến thế! Các thầy thắp nhang, đặt hoa, trái cây lên thành mộ. Chúng tôi khấn vái, thương xót nao lòng. Đúng là một nấm mồ hoang ở tít tắp chân trời xa lạ!


Thầy Minh Mẫn nhắc: “Cô Lan nói lấy đất đem về mà?” Sực tỉnh, tôi vội vàng vừa nức nở, vừa nhặt đất, sỏi bên mộ chí Nhà Vua, cho vào chiếc túi nhỏ. Cô Yến nói lải rải: “Hôm nay có chị Lan, chúng ta cùng đi thăm mộ vua Hàm Nghi. Hẳn là nhà vua mừng rỡ và cảm động lắm vì ở nơi hoang tàn này mà có đồng bào đến thăm, có năm nhà sư đến tụng kinh, lại có đồng hương đến khóc lóc trước mộ của ngài!”

Thầy Minh Mẫn ngâm ngợi tiếp:

Khi nào lên giá xuống lầu
Bây giờ một nấm cỏ sầu xanh xanh
Khi nào mày đẹp mắt thanh
Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.


Hương hồn về cố quốc

Trời sập tối, chúng tôi mới ra về. Các thầy tranh thủ ghé vào động Lascaux, cách Thonac năm cây số - một thung lũng hang đá thời tiền sử mà Unesco đã công nhận là di sản văn hóa thế giới, cách đây 17.000 năm. Người tiền sử hồi đó đã biết dùng lửa, hái trái cây, săn bắt thú rừng, ăn thịt và lột da thú làm quần áo… Trên các nóc và vách hang, những hình thú vật được chạm vẽ khá công phu ghi lại những chiến tích xưa.

Sông nước Vézère xanh trong, rừng thưa trải dài, hang động với những mảnh cõi âm u, gợi nhớ về nguồn cội xa xưa và con người thuở hoang dã nguyên sơ…  Cảnh vật thanh tịnh nơi đây như đối lập với cảnh sống hiện đại ồn ã, quay cuồng nơi phồn hoa đô hội với những con người chỉ biết sống vị kỉ và thực dụng. Liệu trái đất sẽ có trận hồng thủy để dẹp bỏ những băng hoại tiêu cực của loài người? Chức năng của “quỹ gien nhân loại” sẽ đóng vai trò thế nào giữa chốn bụi trần tai ương này? Một nỗi buồn nhân thế mênh mang xâm nhập hồn tôi…

*

Huế, những ngày đầu tháng 4 năm 2011. Sau bao ngày lang thang ở Âu châu rồi trở về với bận rộn công việc ở Sài Gòn, mãi đến nay tôi mới về đến Huế. Huế nay là thành phố du lịch hiện đại. Thành nội trở thành tâm điểm tổ chức hoạt động văn hóa của các Festival.

Hôm đó, các anh Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ và Ngô Quang Ân đi cùng tôi đến cung An Định, nơi hiện có thờ vua Hàm Nghi. Mấy người trông coi từ đường ở đây e ngại, chỉ muốn tổ chức một lễ cúng rồi sau đó đem ném nắm đất chúng tôi mang về từ mộ vua Hàm Nghi xuống sông Hương. Chúng tôi hơi thất vọng, song vẫn cố gắng thuyết phục bằng những bức ảnh chụp tại Thonac. Cũng may, nghe tôi trình bày với lời lẽ thấm đẫm xót thương, cuối cùng cô Dinh (chắt ngoại vua Hàm Nghi) và anh Hoàng Trọng Đính (cháu ruột bà Từ Cung) mủi lòng chấp thuận nhận nắm đất của nhà vua lưu đày. Ngô Quang Ân và tôi vội vã ra chợ An Cựu chọn mua một chiếc lư xinh xắn bằng sứ để đựng đất và hai lẵng hoa, trái cây cùng nhang đèn về làm lễ.

Như cảm nhận được hồn thiêng sông Hương núi Ngự đang vẫy gọi nhà vua, tôi trịnh trọng đặt lư đất lên bàn thờ vua Hàm Nghi trong cung An Định. Trong làn khói hương nghi ngút, chúng tôi như nhìn thấy hương hồn nhà vua lưu vong đã theo nắm đất trở về cố quốc…

Chúng tôi vẫn mong ước một ngày không xa, thi hài nhà vua yêu nước sẽ được chuyển về quê hương xứ sở, như tâm nguyện tha thiết mà Ngài di chúc lại(6) sau 55 năm xa Tổ quốc và Dân tộc.

T.T.L
(271/09-11)






----------------
(1) ac: viết tắt chữ La-tinh “acum”, hàm nghĩa một địa phận, như Jarnac, Thénac, Bergerac, Chabrignac…
(2) Em vua Tự Đức.
(3), (5) Dẫn theo Tôn Thất Bình “Kể chuyện chín Chúa - mười ba Vua triều Nguyễn”   – NXB Đà Nẵng 1996.
(4) Đồng nghĩa với mệ, chỉ nhân vật Hoàng phái, ở đây chỉ vua Hàm Nghi.
(6) Theo Công Chúa Như Lý (1908-2005), con thứ hai của vua Hàm Nghi - Nguyễn Đắc Xuân,  “Vua Hàm Nghi” – NXB Thuận Hóa, Huế 2008.




Các bài mới
Huế tha hương (29/06/2018)
Các bài đã đăng