Văn hoá nghệ thuật
Hoa của lòng người
10:44 | 13/06/2014


Khi được hỏi về cảm hứng vẽ tranh hoa, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã trả lời rằng, "đó chính là hoa của lòng tôi, của lòng mỗi người khi tránh xa được ưu tư và phiền muộn".
 

Hoa của lòng người

Say mê với kiến trúc xây dựng, ít ai nghĩ người từng gọi là "hiệp sĩ" của những di tích khi đã ở độ tuổi gần 80 lại có một triển lãm nhẹ nhàng, đơn thuần chỉ dành riêng cho hoa. Triển lãm "Hoa vô ưu" của ông tại Casta Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội) trưng bày 18 bức tranh mới nhất được vẽ chỉ trong vòng hai tháng. Bước vào phòng tranh này, hẳn ai cũng cảm thấy chạnh lòng và xúc động vì những bông hoa không chỉ đẹp, thanh tao, mà còn gợi lên sự an bình, thư thái và cảm giác tự tại đến dễ chịu.
Có thể nói, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã thả hồn mình vào những nét vẽ và mong rằng người thưởng thức sẽ cảm nhận được tinh thần hội họa trong tranh của ông bằng sự thanh thản nhất.
Ông cho biết, ông vẽ hoa như muốn tìm đến thế giới của sự "vô ưu" nơi cửa Phật. Khi vẽ, ông luôn để cảm xúc trong sự yên bình cùng với những loài hoa đời thường như hoa ly, hoa chuối, hoa loa kèn, hoa hướng dương... Vì vậy, dưới nét cọ tả thực của ông, những đóa hoa tĩnh vật này trở nên vô cùng sống động với nhiều sắc thái: rực rỡ, e ấp, kiêu hãnh và đẹp mong manh trong cả giây phút chuẩn bị tàn phai.
Người xem cũng nhận thấy trong dáng lá, sắc hoa ấy có cả niềm vui cũng như khoảng lặng của chính tác giả.
Tại buổi khai mạc 26/5, Nhà thơ Hữu Thỉnh đã gọi Giáo sư Hoàng Đạo Kính là "chàng trai Hà Nội hào hoa" và chia sẻ cảm giác bất ngờ và thú vị khi bị hút vào vẻ đẹp của các bức tranh bởi tính chuyên nghiệp rất cao và nhận ra sự rung động trong tâm hồn sâu kín của tác giả. Khẳng định tài năng không giới hạn của Giáo sư Hoàng Đạo Kính, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, tranh của ông cũng giống như tâm hồn giàu chất văn chương của ông.
Đại sứ Italy tại Việt Nam Lorenzo Angeloni thì lại thấy tò mò với cách Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã dùng hội họa giải phóng mình khỏi những ưu phiền. Trong khuôn khổ triển lãm, Đại sứ quán Italy đã phối hợp với ông tổ chức một hội thảo về "Bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản văn hóa".
Đặc biệt, một số tranh trong 18 bức trưng bày dự kiến được bán để tài trợ cho một suất học bổng cao học chuyên ngành về bảo tồn và nâng cao giá trị các di sản văn hóa cho cán bộ, kiến trúc sư hoạt động trong lĩnh vực này. Ngay tại buổi khai mạc Triển lãm, Đại sứ Lorenzo Angeloni đã đăng ký mua một bức tranh bởi theo ông, "vừa nhìn thấy, bức tranh đã truyền năng lượng cho tôi".
Là chuyên gia về bảo tồn và trùng tu di tích, Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu, thiết kế và khôi phục hàng trăm di tích trên các vùng miền đất nước và chủ trì thiết kế nhiều công trình văn hóa tâm linh. Tên tuổi ông gắn liền với những công trình lớn như lần đầu trùng tu theo bài bản khoa học ngôi đình Tây Đằng cổ nhất Việt Nam, xây nhà bia giúp bảo quản 82 văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội hay góp tay gìn giữ, bảo tồn, trùng tu di sản đô thị Hội An, hệ thống tháp Chăm (Ninh Thuận), khu Đại Nội cùng Lăng Minh Mạng ở cố đô Huế…
Không chỉ nổi danh trong lĩnh vực kiến trúc, đã từ lâu Giáo sư Hoàng Đạo Kính còn dành tình yêu đặc biệt cho hội họa. Ở thập niên 1980, ông từng có triển lãm tranh màu nước ở Hà Nội, Huế và Warsaw (Ba Lan). Năm 2013, ông đã giới thiệu 40 bức tranh trong khuôn khổ triển lãm “Bóng xưa và Sắc hoa” tại Hà Nội và Huế.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho biết, cùng với niềm đam mê không ngừng về kiến trúc và vấn đề bảo tồn di tích, chắc chắn ông sẽ tiếp tục con đường hội họa để có những triển lãm riêng dành cho hoa.

Theo Thế giới & Việt Nam

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng