Văn hoá nghệ thuật
Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Người của những khái niệm mới
09:46 | 30/09/2014

Vẫn biết hoạ sĩ Võ Xuân Huy - giảng viên Đại học Mỹ thuật Huế là người luôn vận động để đưa ra những khái niệm mới. 

Hoạ sĩ Võ Xuân Huy: Người của những khái niệm mới
Họa sĩ Võ Xuân Huy trong một sắp đặt với chủ đề “Lúa Mạ” tại Quảng Trị.

Nhưng hôm rồi gặp anh tại một triển lãm tranh, tôi bất ngờ khi Huy mở đầu với một chủ đề khá mới và thú vị là nhận diện thương hiệu cho Đại học Huế nói riêng và hệ thống đại học Việt Nam nói chung. Ngạc nhiên thì Huy chỉ vào một nhóm con gái đang tíu tít bên một bức sơn dầu, “Sinh viên năm nhất trường mình đó. Chẳng có dấu hiệu gì là sinh viên của Đại học Mỹ thuật và Đại học Huế cả - ít nhất là nhìn từ trang phục”.

Đại học Huế là đại học lớn, có bề dày truyền thống (Viện Đại học Huế - tiền thân của Đại học Huế bây giờ thành lập từ năm 1957). Nhưng theo hoạ sĩ Võ Xuân Huy, đáng tiếc là đến nay vẫn chưa chú ý nhiều về hệ thống nhận diện thương hiệu. Nhận diện thương hiệu là tất cả các loại hình và cách thức mà Đại học Huế có thể tiếp cận với sinh viên, phụ huynh, đối tác…

Nhận diện thương hiệu có nhiều mặt, chỉ riêng về bộ ấn phẩm đồ hoạ (trừ logo Đại học Huế đã có từ lâu rồi) thôi cũng đã thấy bộc lộ sự thiếu vắng của thiết kế chuyên nghiệp. Bì thư, giấy viết thư, danh thiếp, thẻ đeo, kẹp tài liệu (folder), tờ gấp (brochure)... chưa được đồng bộ và thống nhất trong Đại học Huế.

Anh nói: “Tôi khảo sát các trường thành viên, trên các ấn phẩm văn phòng lại không thấy có logo của Đại học Huế. Mỗi trường mỗi kiểu, tuy thấy phong phú nhưng không thấy sự liên hệ, cố kết trong "mái nhà chung". Màu sắc từ logo chưa thấy phát triển trên bộ đồng phục cho nhân viên văn phòng, giảng viên, sinh viên.

Ngoài ra, tôi thấy tiếc là tuần sinh hoạt sinh viên năm thứ nhất lại không có buổi nào dành cho việc giới thiệu lịch sử đầy tự hào của Đại học Huế. Sinh viên đến rồi đi, nếu hỏi họ màu sắc, slogan của Đại học Huế là gì, đành chịu. Trong môi trường cạnh tranh, năng động, nhiều thách thức của giáo dục đại học như hiện nay thì việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cho trường đại học là rất quan trọng. Tôi được biết ở nước ngoài, các trường đại học lớn có chức danh giám đốc xây dựng nhận diện thương hiệu.

Ngoài những vấn đề nên trên, họ còn phát triển thương hiệu qua các nhãn bao bì, bìa trên sách, vở, tạp chí và quà tặng lưu niệm... Ý thức điều này, tôi từng đăng ký đề tài tương ứng “Xây dựng, phát triển nhận diện thương hiệu Đại học Huế bằng ấn phẩm đồ hoạ văn phòng” để khắc phục những điều đã nêu ở trên nhưng rất tiếc trường tôi không duyệt. “Vì sao?”. “Tôi cũng không biết vì sao. Có thể trường cho là không thực tiễn, hoặc ưu tiên đề tài khác hay hơn. Kinh phí cho nghiên cứu khoa học rất ít” - hoạ sĩ Võ Xuân Huy trả lời.

Đang trò chuyện thì một hoạ sĩ xa Huế lâu ngày đến chen ngang tay bắt mặt mừng kèm thắc mắc: “Huy đang vẽ gì? Vẫn sơn mài đến cùng hay có gì mới?”. Thế là chuyển chủ đề. “Ngay thời điểm này, tôi đang học làm gốm raku do nghệ sĩ Olivier Oet (Pháp) hướng dẫn trong hai tuần để thoả mãn nhu cầu biết, tìm niềm vui sáng tạo qua những sản phẩm bằng chất liệu, kỹ thuật mới (gốm raku có nguồn gốc từ Nhật Bản khoảng những năm 1392 - 1395 sau Công nguyên. Ngày nay nó thịnh hành khắp thế giới và rất được các nghệ sĩ đón nhận vì quá trình làm vừa có sự quy chuẩn, nhưng cũng đầy tình bất ngờ, ngẫu hứng...). Oliver Oet đã qua Huế 5 lần để giúp Trung tâm Hy vọng tạo công ăn việc làm cho những trẻ em hoàn cảnh khó khăn tại đây. Tôi vừa học, vừa phụ giúp ông một số việc như đi tìm nguồn đất sét, mời gọi một số nghệ sĩ tham gia...” - Huy trả lời.

Tôi nhớ hoạ sĩ Nguyễn Sáng có lần nói đại ý “không viết được tiểu thuyết thì đừng nhận là nhà văn, không vẽ được sơn dầu thì đừng nhận là làm hội hoạ”. Nhưng điều này có vẻ không đúng với Võ Xuân Huy khi triển lãm cá nhân đầu tiên của anh vào năm 1997 là bột màu. Nhưng sau đó Huy chuyển hướng qua sơn mài và theo đuổi nó đến tận hôm nay. “Chưa biết sơn mài đã là thành công nhất của tôi hay không, nhưng cơ bản, tôi đã thể hiện, phát hiện ra mình và cuối cùng sáng tạo lại chính mình qua quá trình tạo hình trên chất liệu sơn mài”.

Vì sao lại là sơn mài mà không phải là sơn dầu? Anh bảo “vì sơn mài là một gặp gỡ độc đáo giữa tư duy tạo hình phương Tây và chất liệu sơn ta. Sơn mài của những bậc thầy đã dẫn dụ tôi vào con đường sáng tạo bởi sự ẩn hiện, hấp dẫn, mê hoặc nhờ sự pha trộn màu sắc và chất liệu rất riêng. Làm sơn mài là tiếp xúc, kết hợp nhiều yếu tố, công đoạn giữa gỗ, đất, nước, lửa, kim loại… Vì thế, tôi có cơ duyên sát gần với cái huyền nhiệm của hiện hữu”. Là nói thế thôi chứ “thỉnh thoảng tôi cũng dùng chất liệu khác như sơn dầu, màu nước, mực nho để sáng tác; thậm chí là cả mầm lúa, mạ non và các đồ vật khác (found-object) trong các sắp đặt, trình diễn từ năm 2009 đến nay”. Với tôi, làm hội hoạ quan trọng là ý tưởng, còn chất liệu, phương cách biểu hiện có thể thay đổi để phù hợp với vấn đề mình muốn phản ánh”.

Giữa đám đông, hoạ sĩ Võ Xuân Huy không lẫn đi đâu được bởi đầu luôn húi cua, mặt khó đăm đăm như kiểu bị chữ ám. Mà có thể là bị chữ ám thật bởi anh là một trong không nhiều hoạ sĩ ở Huế mê sách và chăm đọc sách. Anh cười: “Tôi chỉ là người có đọc sách chứ không chăm. Tôi đọc ít, nếu là văn học, chỉ những tác phẩm có văn phong riêng, điểm nhìn độc đáo, có chỉ số ảnh hưởng, lan toả rộng thì tôi quan tâm. Trước tiên đọc sách là niềm vui, hạnh phúc vì mình được thể nhập vào không gian, thời gian khác. Mình được sống nhiều cuộc đời hơn trong một cuộc đời. Ngoài ra, trong giao tiếp, nhận thức, yêu ghét, chúng ta thường hay rơi vào cái bẫy của ngộ nhận, nên tôi nghĩ, nếu có thêm kiến thức thì sẽ có cơ may thoát khỏi cái bẫy này và cũng sáng rõ ra nhiều điều khác nữa. Tôi có tật, sách nào thấy thích thì hay nghiền ngẫm và "đọc" nhiều lần trong đầu, gặp người tâm đắc cũng hay "khoe" để tìm sự chia sẻ, đồng cảm, thế thôi”.

Tôi nói: “Làm nghề hoạ, nhưng tôi thấy anh hay nói chuyện chữ nghĩa, đã thế dạo gần đây còn rất chăm viết báo về hội hoạ. Có vẻ như anh không “giải quyết” được bằng vẽ thì phải?”. Hình như tôi gãi đúng chỗ ngứa nên anh cao giọng: “Nhiều triển lãm ở Huế, như hôm nay, tôi thấy hay, mới nhưng người xem ít. Vì thế tôi tiếc, nên muốn chia sẻ đôi chút tâm tình với tác giả và cũng muốn thông tin cho độc giả cả nước biết thêm. Tôi cũng thấy lạ, người ta hay nói Huế nhiều trí thức, nghệ sĩ, người sành điệu, nhưng sao nhiều triển lãm đáng xem lại quá ít người. Ngay cả người trong nghề như giảng viên và sinh viên trường tôi, nếu không bắt buộc thì cũng vài ba người đi xem. Chuyện như thế, chẳng thế nào "giải quyết" bằng vẽ được, phải viết thôi. Tất nhiên, với việc viết lách, tôi chỉ dừng ở đó, miêu thuật, nào dám "lập ngôn" luận bàn chuyện cao xa”.

Nhân hoạ sĩ Võ Xuân Huy kể “ngay cả người trong nghề như giảng viên và sinh viên trường tôi, nếu không bắt buộc thì cũng vài ba người đi xem (triển lãm tranh)”, tôi nhớ đến Trường Đại học Nghệ thuật Huế (thành viên của Đại học Huế). Hiện nay, Đại học Nghệ thuật là một trong ba trung tâm đào tạo mỹ thuật chính trong cả nước. Nhưng cảm giác như sự đóng góp của trường này đối với đời sống hội hoạ ở Huế và miền Trung ngày càng nhạt? Huy không đồng ý với tôi.

Anh bảo khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 176 hội viên Hội mỹ thuật Việt Nam, riêng Thừa Thiên Huế đã có 45 hội viên - nhiều nhất khu vực và đứng thứ ba toàn quốc, sau Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Nếu kể thêm lực lượng đông đảo hội viên mỹ thuật của các địa phương và ngoài hội con số có thể lên hàng ngàn. Trong đó đa phần đều học từ trường Đại học nghệ thuật ở nhiều giai đoạn khác nhau.

Trước 1975, với tên gọi trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế gồm hai ngành hội hoạ và điêu khắc, đã có khoảng 150 người được đào tạo, trong đó có một số tên tuổi luôn được nhắc đến như nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn, hoạ sĩ Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Vĩnh Phối...

Bây giờ trường nâng lên đại học, mở rộng lên bảy ngành đào tạo, nên số nghệ sĩ từ trường khẳng định tên tuổi nhiều hơn. Bên cạnh hoạ sĩ, nhà điêu khắc còn có nhà thiết kế, trong số đó đã có vài người tham gia sân chơi khu vực và quốc tế như: Lê Thừa Tiến, Thái Tuấn, Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, Trần Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Mai...

“Nhưng đó sẽ là nguy cơ của tương lai gần” - hoạ sĩ Võ Xuân Huy nói: “Bởi Đại học Nghệ thuật Huế hiện nay có lẽ là trường duy nhất trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật còn trực thuộc Bộ GDĐT, nên có nhiều sự "lệch pha" về quan điểm kiểm tra, đánh giá học tập, tiêu chí thi đua, nghiên cứu; mâu thuẫn giữa xu thế đào tạo phổ cập, đại chúng với việc đào tạo nghệ thuật bởi dù muốn hay không cũng chỉ cần số lượng ít và tinh hoa. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động dạy học vẫn còn thiếu thốn từ cơ sở vật chất cho đến thiết bị dạy học.

Hiện các ngành thuộc lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng đang thu hút người học, đầu ra cũng tốt, chương trình cập nhật. Riêng lĩnh vực đào tạo mỹ thuật tạo hình, đáng buồn, là có sự sút giảm đáng kể thí sinh đăng ký (mỗi năm khoa Điêu khắc tuyển 7 - 8 sinh viên, Khoa Hội hoạ tuyển 40 sinh viên). Chương trình, giáo trình ngành này bước đầu đã có thay đổi, tiếp cận với quan điểm đào tạo mỹ thuật hiện đại, tạo hình đa phương tiện cũng bắt đầu đưa vào giảng dạy, nhưng hiện nay tạo hình tác phẩm vẫn còn giới hạn vào một số chất liệu cơ bản, học theo niên chế và thiếu sự liên thông giữa các khoa…”.

“Trước đây, mỹ thuật chỉ có vẽ tranh, khắc tranh và nặn tượng, nay (đã diễn ra vài chục năm) còn có nghệ thuật địa hình, sắp đặt, trình diễn, video Art, Sound Art... Các loại hình này sinh viên mới bắt đầu nghiên cứu và thực hành, nên còn khá nhiều sự bỡ ngỡ, dò dẫm. Mỹ học chuyên ngành chưa được đổi mới, cập nhật để giúp sinh viên tiệm cận với các quan điểm sáng tạo của mỹ thuật đương đại. Các tác phẩm tiêu biểu của những loại hình này chưa được ví dụ nhiều để làm sáng tỏ sự vận động của các phạm trù như: Quan niệm về "cái đẹp" thay đổi như thế nào trong các loại hình này? (nhân vật bị bóp méo, vặn vẹo, biến dạng, la hét... có đẹp không? Ưu mỹ hay tráng mỹ?). Nói chung là nhiều vấn đề nan giải lắm” - hoạ sĩ Võ Xuân Huy lắc đầu…

Theo laodong.com

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng