Văn hoá nghệ thuật
Phiên bản sơn mài của bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ
09:58 | 05/11/2014

Vào tháng 4-2012, nhà đấu giá Bảo Lợi (Poly) lớn nhất Trung Quốc đã tổ chức buổi đấu giá bức thư họa có tên Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ, dù là một tác phẩm sao chép từ nguyên bản đang được bảo quản tại Bảo tàng Liêu Ninh nhưng cái giá đạt được thật không ngờ: khoảng 1,8 triệu USD.

Phiên bản sơn mài của bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ

Mới đây, một nhà sưu tập tại Huế đã thực hiện một phiên bản sơn mài của bức tranh nổi tiếng này.

Cho tới nay chưa biết đích xác tác giả của bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ (nghĩa: “Tranh vẽ Trúc Lâm Đại sĩ xuất núi”), dù có nguồn tin cho rằng đó là tác phẩm của Trần Giám Như, một họa sư đời nhà Nguyên (*).

Đây là một bức thư họa mô tả đại cảnh cuộc đón rước Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm ở Ninh Bình trở về kinh đô Thăng Long trước khi ngài lên núi Yên Tử tu tập.

Bức tranh nguyên bản được thực hiện theo lối thư quyển, dài 316cm, rộng 28cm, vẽ tới 82 người: 61 người ở bên phải thuộc đoàn tiếp đón của Vua Trần Anh Tông và các tùy tùng, hộ giá; 21 người bên trái thuộc đoàn của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, trong số đó có đạo sĩ Trung Hoa Lâm Thời Vũ và năm tăng nhân mà về hình dạng và y phục có thể là người đến từ xứ Tây Trúc (Ấn Độ) cùng các đệ tử của Thượng hoàng và nhóm người khiêng kiệu cho ngài.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia ở động Vũ Lâm, Ninh Bình và điều này phù hợp với nội dung được ghi trong tranh là vào mùa hạ năm Ất Mùi (tháng 6-1295), Thượng hoàng trở về kinh sư.

Đi cùng với bức tranh là các lời bình, được thực hiện vào khoảng năm 1420, trong số đó có lời bình của tiến sĩ Dư Đỉnh đời nhà Minh: “Bức họa miêu tả lúc ngài (Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước…”.

Bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ mô tả phong cảnh thiên nhiên Ninh Bình với núi non mây phủ, cỏ cây hoa lá đua chen, dòng sông nước đang cuộn chảy, những tảng đá núi trầm mặc, những gốc thông cổ thụ cùng những khóm trúc lão niên…, cho thấy tác giả là người rành rẽ cảnh sắc thiên nhiên vùng Tam Cốc Bích Động.

Toàn bộ 82 nhân vật trong tranh đều mỗi người mỗi vẻ, không vì nhân vật phụ mà vẽ cho có. Riêng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Vua Trần Anh Tông được khắc họa với dung mạo và thần thái của bậc thánh nhân và đấng quân vương. Về trang phục, đồ dùng…, cả cách trang trí voi, kiệu… đều thể hiện phong cách mỹ thuật Đại Việt và Đông Nam Á thời bấy giờ.

Sau khi Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ được công bố rộng rãi trên Internet, ông Dương Đình Vinh, chuyên gia phục chế nhà rường Huế và cũng là một nhà sưu tập mỹ thuật, sưu tập cổ vật nổi tiếng ở Huế đã tìm cách làm phiên bản mới bức tranh quý để có thể trang trí trong ngôi nhà Việt hôm nay, đặc biệt với thực trạng là hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người Việt đều mang hình ảnh từ các tích truyện Trung Hoa.

Bức tranh được họa sĩ Lại Thanh Dũng bố cục lại cho thuận tiện khi treo. Các nghệ nhân xứ Huế đã cẩn xà cừ lên mặt tranh có màu sậm để làm nổi bật từng chi tiết trong tranh. Phiên bản mới của Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ được ông Vinh mang từ Huế vào để giới thiệu tại cuộc hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” do Trường Đại học Văn Lang và Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức trong hai ngày 28 và 29/10/2014.

(*) Dựa vào giám định của Bảo tàng Liêu Ninh (được đề cập trong cuốn Ngàn năm áo mũcủa tác giả Trần Quang Đức) có thể khẳng định tác giả bức tranh chắc chắn không phải là họa sư Trần Giám Như, đồng thời dựa vào những lời đề bạt sau bức tranh thì có khả năng đó là họa sĩ Việt Nam


Theo NHƯ HOA/DNSGCT

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng